Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Phong tục “Pây Tái” - lễ báo hiếu của người Tày, người Nùng

Nguồn: TTXVN

Với người miền xuôi, dịp Rằm tháng Bảy - lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ hay còn là ngày xá tội vong nhân, người ta thường làm cỗ cúng gia tiên hoặc ăn chay nhẹ, còn với người Tày, người Nùng ở Cao Bằng, Rằm tháng Bảy - lễ “Pây Tái” - là một trong hai cái Tết quan trọng nhất của năm, sau Tết Nguyên đán.


Nguyên liệu làm "péng tái" - bánh gai của người Tày, người Nùng. (Nguồn: caobang.gov.vn)
Bởi thế, người Cao Bằng có câu “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy” và Tết tháng Bảy người Cao Bằng cũng hẹn từ tháng Giêng.
Với đồng bào Tày, Nùng, quanh năm gần như tháng nào cũng có Tết, mỗi ngày lễ Tết đều có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau, tất cả đều hàm chứa những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc và mang tính nhân văn sâu sắc.
Lễ “Pây Tái” hoặc “Pây chường Tái,” diễn ra vào ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày Rằm tháng Bảy hằng năm.
Người Tày, Nùng quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng, và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày Rằm tháng Bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng con mình trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc cho cha mẹ.
Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu cho cha mẹ đẻ của mình mà còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh và chăm sóc cho cô gái mà mình lấy về làm vợ.

Trong dịp này, người phụ nữ Tày, Nùng cùng chồng sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên. Người Tày, Nùng cũng có tín ngưỡng cúng “Xá tội vong nhân” vào dịp Rằm tháng Bảy, mọi thủ tục và nghi thức cúng bái cũng giống như người Kinh.
Người Tày, Nùng thường chuẩn bị quà cho cha mẹ một đôi vịt béo, một chục bánh gai. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương. Món ăn không thể thiếu trong dịp Rằm tháng Bảy ở Cao Bằng là thịt vịt quay lá mác mật ăn với bún trắng, canh thịt vịt nấu măng.

Món thịt vịt đặc trưng nhất của người Tày, Nùng là món vịt quay mác mật. Vịt mổ xong, tẩm ướp đầy đủ gia vị, nhồi lá mác mật vào bụng con vịt rồi khâu lại, phết một chút mật ong rừng lên ngoài da, sau đó đem quay.
Món thịt vịt quay lá mác mật của người Tày, Nùng hiện đã trở thành món ăn đặc sản, được khách thập phương hết sức khen ngợi.
Người Tày, Nùng thường có câu cửa miệng khi nói về các món ăn thuộc về phong tục của dân tộc mình: “Bươn Chiêng kin nựa Cáy, bươn Chất kin nựa Pết,” nghĩa là Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng Bảy ăn thịt vịt.
Theo truyền thuyết, con vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, Nùng, vì vịt là vị sứ giả của Mường trần gian với Mường trời. Con vịt đó có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống sứ Mường trời vào ngày Rằm tháng Bảy hằng năm.
Theo cụ Vương Hùng, 85 tuổi, người dân tộc Tày bản địa, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Bằng, Rằm tháng Bảy ở Cao Bằng còn mang nhiều ý nghĩa khác. Đây là dấu mốc quan trọng của quá trình sản xuất trong năm. Mùa này, bà con thu hoạch xong vụ lúa chiêm, vụ ngô và cấy xong vụ mùa. Việc lao động sản xuất thảnh thơi, chỉ cần làm cỏ, chăm bón chờ đến ngày thu hoạch. Vì thế, bà con mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và mong tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây lúa sinh trưởng tốt tươi được mùa.
Ý nghĩa thứ hai của Rằm tháng Bảy là tưởng nhớ vong linh những chiến binh của nghĩa quân Nùng Trí Cao - một anh hùng dân tộc Tày sống ở thời nhà Lý thế kỷ 11.
Nùng Trí Cao là con của một thủ lĩnh địa phương, được triều đình nhà Lý đào tạo, giao quyền cai quản, bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc trước sự xâm lấn của nhà Tống ở phương Bắc.
Trong một trận chiến ác liệt ở Tổng Quỷ, gần cửa khẩu Tà Lùng, huyện Phục Hoà (Cao Bằng), nhiều quân binh cùng Nùng Trí Cao tử trận. Vì thế, nhân dân thương tiếc lấy ngày 14/7 làm ngày giỗ của quân binh.

Trong ngày này, người dân thường làm “péng tái” (người Kinh gọi là bánh gai) để cúng vong hồn binh sỹ. “Péng tái” dịch ra nguyên nghĩa là bánh đưa đường. Tương truyền, khi quân của Trí Cao lên đường đánh giặc, đi đến đâu, người dân cũng làm bánh gai cho quân sỹ làm lương thực.
Với người Tày, Nùng, dù sống ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S cũng không thể quên tục “Pây Tái” vì hàm chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Chính vì vậy, phong tục này cần được gìn giữ và phát triển hơn nữa trong thời đại xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, góp phần bảo tồn không gian văn hóa chung của đồng bào các dân tộc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét