Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Độc đáo văn hóa truyền thống dân tộc Nùng vùng Tây Bắc

Nguồn: quehuongonline.vn

Dân tộc Nùng gồm các nhóm địa phương: Nùng Xuồng, Nùng Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Phàn Sình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín. Người Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái của hệ ngôn ngữ Thái - Kadai. Nguồn sống chính của người Nùng là lúa và ngô. Họ kết hợp làm ruộng nước ở các vùng khe dọc với trồng lúa cạn trên các sườn đồi.

Các ngành nghề thủ công của người Nùng đã phát triển, phổ biến nhất là nghề dệt, mộc, đan lát, rèn, gốm. Người Nùng thích ăn các món xào mỡ lợn. Món ăn độc đáo và được coi trọng là sang trọng của người Nùng là “khau nhục”. Tục mời nhau uống rượu chéo chén có lịch sử từ lâu đời, nay đã thành tập quán của người Nùng. Người Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc. Tiếng Sli giao duyên của thanh niên Nùng hòa quyện vào âm thanh tự nhiên của núi rừng gây ấn tượng sâu sắc cho những ai nghe. Then là làn điệu dân ca, có hình thức biểu diễn đã làm rạo rực tâm hồn bao người. Lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau, mà người Nùng gọi là “Lùng tùng” (hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm. Người Nùng ăn cơm tẻ là chủ yếu. Trong những ngày lễ, tết, người Nùng thường làm nhiều loại bánh từ gạo và có tục uống rượu bằng thìa.
Nam, nữ đến tuổi trưởng thành thường hay bịt một chiếc răng bằng vàng ở hàm trên và như thế được xem là làm đẹp, người sang trọng. Phụ nữ mặc áo năm thân và cài một hàng cúc bằng nút vải phía bên nách phải. Tùy từng nhóm Nùng địa phương mà áo dài, ngắn, rộng, hẹp khác nhau. Nam, nữ đều mặc một loại quần nhuộm màu chàm, cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân. Phụ nữ Nùng thường đeo tạp dề trước bụng, khi gồng gánh còn mang thêm miếng nệm vai. Điểm khác nhau giữa các nhóm, một trong những biểu hiện là cách đội khăn và các loại khăn trang trí khác nhau đôi chút.
Người Nùng thường ở nhà sàn và nhà nửa sàn nửa đất, trong đó nhà sàn là kiểu nhà truyền thống ưa thích của họ. Nhà thường khá to, rộng, có ba gian, vách thường bằng gỗ và lợp ngói máng. Nhà đất hiện chiếm khá phổ biến ở vùng người Nùng. Nhà được chia làm hai phần bởi vách ngăn, trừ một lối đi ở gian giữa, phần trong đặt bếp, nơi sinh hoạt của phụ nữ trong gia đình. Phần ngoài, dành cho nam giới và đặt bàn thờ tổ tiên. Trong gia đình, quan hệ giữa cha chồng, anh chồng với nàng dâu có sự cách biệt nghiêm ngặt. Theo phong tục Nùng, dù là con anh, con em, con chị... ai nhiều tuổi hơn được gọi là anh, là chị. Người Nùng có thói quen ít khi gọi thẳng tên người ông, người cha mà thường gọi theo tên của đứa cháu đầu, con đầu của họ. Khi đặt tên con phải tuân theo hệ thống tên đệm của dòng họ. Việc dựng vợ, gả chồng do bố mẹ quyết định trên cơ sở môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, sự ưng thuận của con cái và lá số của đôi nam nữ. Người phụ nữ khi đã đi lấy chồng xem như hoàn toàn phụ thuộc nhà chồng.
Người Nùng thờ cúng tổ tiên trong nhà. Bàn thờ tổ tiên có bài vị, lư hương và được đặt vào nơi trang trọng nhất. Ngoài ra, mỗi nhà còn thờ bà mụ mẹ Hoa (Thần bảo hộ trẻ nhỏ), mẹ Cửa (Thần trông nhà). Vào những ngày đầu tháng, ngày rằm họ thường đốt hương. Ngày lễ, tết có cúng chè, rượu và các món ăn. Người Nùng cúng ma sàn và các cô hồn đầu ngõ vào dịp Tết Nguyên đán. Những gia đình cùng một dòng họ thì cùng chung một miếu thờ thổ công, thổ địa. Các thầy tào, thầy mo theo ý tưởng từ xưa họ có khả năng tiếp xúc với các loại ma thần nên được gọi là “người mắt sáng”. Họ hành nghề cúng bái, cầu sự tốt lành cho người dân, được mọi người kính nể. Trước người Nùng dùng chữ Hán, chữ Nôm Nùng để ghi chép thơ ca và truyện cổ dân gian. Hiện nay, phần lớn người Nùng đều không biết viết chữ của dân tộc mình. Mọi người đều được học chữ Quốc ngữ của người Việt.
Ở tỉnh ta, 7 huyện, thành phố đều có người Nùng sinh sống, làm phong phú thêm bản sắc 22 dân tộc anh em. Người Nùng trong tỉnh giờ đây đang tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc của mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét