Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Bỗng nhớ rau đồng mùa nước nổi

Có ai đó mong mùa mưa qua mau, nhưng cũng có người đang mong chờ từng ngày  tràn đồng. Riêng tôi, vẫn mong mỗi năm đến mùa được ăn những món  tưởng chừng chỉ còn trong ký ức.
Rau hẹ nước, mã đề, bông súng, bông điên điển được xem là đặc sản của mùa nước nổi
Rau hẹ nước, mã đề, bông súng, bông điên điển được xem là đặc sản của mùa nước nổi
Khi những cơn mưa bắt đầu nặng hạt, những bờ ruộng lé đé nước, nghĩa là mùa nước nổi đang về. Và cũng là mùa của những bông súng đồng, mã đề, rau hẹ nước, rau chốc, rau mác… cựa mình vươn cao non xanh, mượt mà theo con nước.
Tháng Mười, trời như trút cả biển nước xuống trần gian. Còn nhớ, mùa này ngày xưa, mâm cơm nhà tôi thường có mấy món rau hái từ những đồng ruộng mênh mông nước kế bên nhà. Khi ở dưới ruộng chúng là cỏ, còn khi có mặt trong bữa cơm chúng đã trở thành rau.
Mùa mưa là mùa làm lúa nên rau cải hàng bông đều phải nhường ngôi cho cây lúa. Dân ruộng, bữa cơm có thể thiếu món canh, có khi cũng không có cá thịt nhưng nhất định phải có rau. Vậy là ngoài mớ rau muống, tai tượng được trồng dưới mương bên hông nhà, mâm cơm của gia đình tôi còn có rau chốc, rau mác, rau bợ do chị em tôi lội nhổ dưới ruộng lúa sau buổi chiều đi học về. Có hôm là một bó rau dừa, rau ngổ má tôi hái ven con kênh sau nhà. Cũng có khi, dượng Năm tôi lội xuống cái ao nhỏ trước nhà bứt mớ bông súng lên, đem trộn với đọt lục bình rồi mang qua cho nhà tôi.
Rau đồng vốn dễ tính, xào, luộc hay nấu canh chua đều được nhưng tôi thích nhất là ăn sống. Nước chấm rau nếu cầu kỳ sẽ có đậu phộng rang giã nhuyễn, khèo qua dầu rồi thêm ít nước, nêm gia vị, rắc vài cọng hành lá, xong đâu đó chế ra chén có tỏi ớt sẵn; nếu gọn lẹ hơn thì chỉ việc cho tỏi ớt, đường, bột ngọt vào chén, đâm nhuyễn rồi múc đổ vào vài muỗng tương hột có trong hũ sành mà má tôi đã làm từ vụ Đông Xuân trước. Rau nước hầu như không có mùi vị gì đặc trưng nhưng gặp vị béo của đậu, mùi thơm của hành tỏi cộng với chút vị cay của ớt, nó trở nên mềm mụp và có sức hấp dẫn lạ kỳ. Từ người lớn đến con nít, cứ cuộn hết cuộn rau này đến cuộn rau khác chấm ngập vào chén nước đậu kho rồi đưa lên miệng thưởng thức. Chỉ vậy thôi mà rổ rau cứ vơi dần. Tôi lắm lúc quấn cuộn rau quá khổ nên cứ ngồm ngoàm nhai cả buổi chưa xong làm mọi người bật cười vui vẻ.
Thời gian trôi qua, những ruộng lúa quanh nhà tôi có đám đã được lên luống để lập vườn dừa, vườn ổi, có đám lúa vẫn tươi xanh nhưng giờ tìm đỏ mắt cũng không thấy đâu những cọng rau dại ngày xưa. Má tôi nói, do người ta xịt thuốc diệt cỏ nhiều quá, nên “tụi nó” không lên nổi nữa. Đôi khi ngồi nhớ và thèm rau đồng, rau nước cũng chỉ biết nhắc lại kỷ niệm xưa rồi hít hà tiếc nuối. Vì như má nói: “Thứ rau đó chỉ có dân xứ ruộng mình mới ăn chứ thị thành ai người ta thèm”, có lẽ vì thế ngoài chợ chẳng thấy ai bán.
Vậy mà mấy năm nay, bỗng thấy một, rồi hai, ba chị bày bán những thứ rau đồng. Và bây giờ có hẳn những khu vực chuyên bán rau dại mọc dưới nước như khu vực cầu Nổi (thuộc xã Thanh Điền, huyện Châu Thành), hay khu vực cửa Hòa Viện (Tòa thánh) hoặc cầu Bến Đình (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) và còn có rải rác trên những con đường về miệt Phước Chỉ, Trảng Bàng.
Mưa xuống, những cánh đồng ven sông Vàm Cỏ trắng xóa nước. Ruộng bỏ hoang trở thành nơi phát triển lý tưởng của đám rau dại. Mùa này, muốn ăn rau nước, ngoài những lục bình, rau bợ có quanh năm, người ta còn bắt gặp rau chốc, rau mác, mã đề, rau hẹ nước… được xem là đặc sản của mùa nước nổi.
Rau hẹ nước lá mỏng tang, xanh trong, vừa đụng vào đã nghe sột soạt như sợi dây ni lông. Ấy vậy mà nhiều người cứ phải chờ đến tháng Tám, tháng Chín âm lịch mỗi năm để mua chúng về chấm với mắm kho. Rau hẹ được bán ký, mỗi ký ba, bốn chục ngàn đồng. Rau mua về, rửa sạch, nước cuối cùng nhớ vò cho rau hơi nhừ để khi chấm, nước chấm đượm vị vào trong. Cái thanh mát, giòn giòn của rau hẹ trong miệng khiến ai đã từng ăn sẽ nhớ mãi.
Mã đề nước cũng được bày bán với giá chừng ba chục ngàn đồng một ký. Chị bán hàng cho biết, người ta mới đi hái bỏ mối cho chị bán khoảng năm ba bữa trước. Mấy rày chỉ có bông súng nước thôi, nhiều người hỏi mua mã đề mà chưa có, rau này ở đây người ta mua nhiều lắm. Mã đề nước thân xốp như bông súng nhưng nhỏ, mềm mại, lá hình mũi tên. Nó có màu nâu nhạt, riêng phần rễ trắng hếu với những rễ con mọc xúm xít thành chùm. Chị bán hàng nói thêm, có người thích ăn luôn cả rễ, nên khi bày bán chị không cắt bỏ.
Còn mớ rau chốc, rau mác thân mỏng manh, mềm mụp sau khi được nhổ từ ruộng về sẽ được các chị bán hàng cẩn thận lặt lượm từng lá úa, cắt bỏ gốc rễ, tránh làm mạnh tay, không thôi chúng giập nát hết, rồi chia ra từng bó nhỏ bày bán với giá năm ngàn đồng. Những bó bông súng nước, cọng nhỏ bằng đầu đũa ăn, được cuộn tròn xinh xắn; những bó rau dừa nù nẫn, đọt vươn dài mướt mượt cũng cùng giá năm ngàn.
Một gian hàng bán rau gần cầu Bến Đình với nhiều loại rau đồng mọc dại
Một gian hàng bán rau gần cầu Bến Đình với nhiều loại rau đồng mọc dại
Ngày xưa, rau đồng mọc không cách gì ăn cho hết. Nhưng ngày nay, cả những người ở đồng, ở ruộng như tôi cũng phải tìm mua. Một phần bởi tác động của con người, một phần cũng bởi nhiều người đã nhận ra “giá trị” của chúng. Một lương y đã nói, người khôn nên biết ăn rau dại, bởi rau dại chứa nhiều vị thuốc, lạ miệng và an toàn hơn rau trồng. Có lẽ vậy, nên ngày càng có nhiều người bán và cũng ngày càng nhiều người tìm mua chúng- những loại rau mà trước đây chẳng ai nghĩ sẽ có ngày chúng sẽ được “săn tìm” như thế.
Mỗi năm một lần, cứ đến mùa nước lên, những mầm mống của rau nước nằm sâu trong đất thi nhau mọc. Chẳng cần ai vun trồng. Cứ mưa càng nhiều, nước càng cao chúng càng mềm, càng non và càng “quyến rũ”.
Có ai đó mong mùa mưa qua mau, nhưng cũng có người đang mong chờ từng ngày mùa nước nổi tràn đồng. Riêng tôi, vẫn mong mỗi năm đến mùa được ăn những món rau đồng tưởng chừng chỉ còn trong ký ức.
Theo Ngọc Diêu (Tây Ninh Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét