Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Chùa cũ kề bên thành phố

Đấy là Hạnh Lâm, chùa ở ngay gần bên , nơi vừa mới tưng bừng kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển
Bàn thờ Bà tại Chùa Hạnh Lâm (Chùa Chuông Tre)
Bàn thờ Bà tại chùa
Vâng! Từ ngã tư Quốc Tế gần bến xe Tây Ninh, theo đường 786 ra Thanh Điền, tới  chỉ khoảng một cây số. Vài năm trước đây, có lẽ còn ít người để ý đến ngôi chùa có “dung nhan” bình dị ấy. Thì, nào đâu có thấy tháp cao hay lầu lớn cùng những hoa văn bay tứ tán phượng, rồng, chùa chỉ có một mặt tiền dung dị. Bên dưới là ba ô hành lang, trong là cửa sắt. Bên trên hành lang xây tường giật cấp cao dần làm tường chắn mái. Giữa tường ấy khoét một vòm cong làm nơi đặt tượng Quán Thế Âm.
Vậy mà vẫn còn một mái ngói nhỏ nâu sồng như ráng vươn lên trên đỉnh bức tường vôi vàng nhạt. Dường như không giống một chùa nào. Nói tóm lại là mặt tiền chùa có hơi đơn điệu. May sao là sân trước gạch vuông, lại có mấy cây hoa sứ già nua vóc dáng gồ ghề làm tiền cảnh nên nhìn vào cũng thấy một nét duyên thầm. Mà nghĩ xa hơn, có khi đây chính lại là cái duyên của con người quê đất Thanh Điền. Mộc mạc, thẳng ngay, không quen nói lời hoa mỹ. Ví dụ nhé! Như cái tên của chùa rất đẹp – Hạnh Lâm nhưng người cao tuổi ở Thanh Điền vẫn quen gọi theo lối xưa truyền lại là .
Nhớ! Chùa Chuông Tre có từ năm 1872, chỉ 36 năm sau khi lập phủ Tây Ninh (1836). Thôn Thanh Điền được lập vào năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) thuộc tổng Hòa Ninh, huyện Tân Ninh. Tuy vậy đến thời Pháp thuộc (1862), Thanh Điền từng bị xóa tên để nhập vào làng mới Long Điền. Đến 31.10.1877, Thanh Điền được tái lập và liên tục giữ tên làng, xã cho tới ngày nay (theo Từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư). Trước đó đã từng có nhiều dòng họ di dân tới Thanh Điền lập nghiệp. Như họ Trương, họ Võ, họ Lâm… Thì sông Quang Hóa (nay là Vàm Cỏ Đông) một bên, bên kia là rạch Xỉ Khê (nay là rạch Tây Ninh) chạy dọc suốt Thanh Điền. Lại rất gần với thành phủ Tây Ninh, hỏi có thế đất nào vừa gần sông, vừa gần chợ thế này không?
Lại cũng chợt nhớ một lần ghé chùa cách nay cũng đã lâu, còn thấy một đôi cá sấu khô treo ở cột chùa, trong hậu điện. Trụ trì chùa lúc ấy là thượng tọa Thích Thiện Thới cũng không biết đôi sấu này có tự bao giờ nữa. Đành tự suy đoán thôi! Rằng có lẽ nó đã có từ thuở những thế hệ lưu dân đầu tiên đến lập nghiệp ở Thanh Điền. Kênh rạch bên ấy chắc nhiều nơi còn loài cá dữ. Như các “ông cọp” ấy! Tận đến đầu những năm 1930 còn thấy ở Tây Ninh. Cọp chết còn để da nhưng cá sấu khô nay cũng đã “tiêu” rồi. Sư trụ trì bảo nó đã bị mối mọt ăn mục nát.
Cái sự “không giống ngôi chùa nào” ấy, ta còn thấy ở bên trong. Đấy là một ô vuông sân nắng, giống sân thiên tĩnh ở các miếu, chùa Hoa hay các đình làng. Cũng đá giả sơn trong hồ nước con con, cây trùm lên đá. Thêm một giàn phong lan hoa nở suốt năm lơ lửng bên trên. Ánh sáng từ đây, lọc qua cây lá mà tỏa sáng vào hậu điện. Và, kỳ diệu chưa, bàn thờ Bà  ở ngay sau chính điện cũng lung linh sáng. Để cho du khách thấy một bộ tượng Bà cùng hai tiểu nữ đứng hầu. Xin phép trụ trì để xem kỹ tượng. Thì ra đấy cũng là một pho tượng gỗ xưa. Bệ là nguyên một khúc gỗ tròn. Còn phần trên, người nghệ nhân đã chế tác ra một hình khối tượng Bà ngồi trên ngai, dáng vẻ uy nghiêm nhưng vẫn có gương mặt bình dị của người “bổn xứ”.
Nhân tiện, trụ trì chùa còn chỉ cho xem các pho tượng gỗ do các thầy tổ xưa để lại. Đấy là 5 pho ở hàng thứ hai (từ trên xuống) trên ban thờ chính. Rồi các ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thập Điện Diêm Vương; mỗi bàn ba vị. Đến các pho tượng đứng một mình như Hộ Pháp Chư Tôn, Tiêu Diện Đại Sĩ, Quan Thánh Đế Quân. Các pho tượng này đều mộc mạc với khối hình thô mộc mà theo tập quán dân gian thì không chú ý đến chi tiết, tỷ lệ mà chỉ chú trọng việc mô tả thần thái trên gương mặt. Vị nào cũng có đôi mắt mở to, ánh nhìn thẳng về phía trước. Gương mặt tròn hoặc chữ điền, dịu dàng hay quắc thước. Đến ông Quan Thánh mặt đỏ râu dài cũng có gương mặt quen quen, như là các ông bá hộ, chánh tổng thời xưa trong các bộ phim, vở kịch theo truyện của Hồ Biểu Chánh hồi đầu thế kỷ XX.
Trong khi đó, tượng Hộ Pháp lại có gương mặt phúc hậu, hiền từ, tay chống kiếm mà như người nông dân chống cuốc nghỉ ngơi. Đến như ông Tiêu Diện Đại Sĩ thường có gương mặt rất đáng sợ nhưng ở chùa này cũng chỉ như tinh nghịch, như đang ngoẹo đầu đùa với trẻ em. Tượng cổ Hạnh Lâm không lớn, chỉ cao dưới 60cm nhưng cũng đáng để cho đời sau ngưỡng mộ, giữ gìn. Và trên thực tế, các pho tượng gỗ cổ của chùa đã được gìn giữ suốt hơn thế kỷ. Sau cái dung nhan bình dị, dân dã của chùa kia là cả một kho ký ức thời mở đất của Thanh Điền.
Đến đây, sực nhớ! Thì ra Hạnh Lâm chứa trong lòng rất nhiều vốn cổ. Xin nhớ lại rằng đất Thanh Điền đã lưu giữ trong lòng cả một đô thị cổ thời văn hóa hậu Óc Eo, bằng 11 khu di chỉ khảo cổ có niên đại khoảng thế kỷ thứ VIII, điển hình là khu gò Cổ Lâm đã trở thành di tích quốc gia. Thì ở Hạnh Lâm đã có những di vật xa hơn, thuộc về thời đại đồ đá mới từ 3 đến 5 ngàn năm trước. Đấy là một chiếc rìu đá lớn, có lẽ có cùng xuất xứ với chiếc mai đá người ta từng tìm được ở chân .
Ở một gò nhỏ bên chùa, cũng có một di chỉ gò tháp cổ với những viên gạch giống với gạch gò Cổ Lâm, còn thấy lộ thiên trên mặt đất. Đó chính là các di vật của nền văn minh 12 thế kỷ trước. Còn thời kỳ người Thanh Điền mở đất lập làng? Vẫn còn đây với những pho tượng gỗ đăm đăm dõi nhìn thế sự. Ngày 12.7 vừa qua, vị trụ trì mới là Tiến sĩ Phật học Thích Thiện Trí đã cho khởi công xây ngôi giảng đường mới. Ngôi chùa cũ vẫn được giữ nguyên, như một kỷ niệm và cũng là báu vật của thời kỳ “khai sơn tạo tự”. Đấy là Hạnh Lâm, chùa ở ngay gần bên thành phố Tây Ninh, nơi vừa mới tưng bừng kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển.
Theo TRẦN VŨ (Tây Ninh Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét