Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Cuộc đời bi thương và 3 bức thư dưới gối của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp

-Mẹ mất khi còn bé thơ, cuộc đời nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp dường như luôn lẩn quất những nỗi buồn. Ông sớm ra đi vì bệnh tật. Mãi gần nửa thế kỷ sau ngày mất, người thân mới đưa được ông về nằm trong khu mộ của gia tộc
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) được người đời yêu mến qua những bài thơ "Chùa Hương", "Sơn tinh Thủy tinh"... Nhưng ít người biết, đằng sau những vần thơ để đời đó, tác giả lại có một cuộc đời luôn bị ám ảnh bởi những nỗi buồn vu vơ.
‘Quả ngọt’ từ mối tình học giả - giai nhân
Nguyễn Nhược Pháp là con trai thứ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh với người vợ thứ hai, Vi Thị Lựu. Bà Lựu là cô gái xinh đẹp, con gái của một thương gia có tiếng ở Lạng Sơn.
Theo đó, năm 1913, để có nguồn tài chính phục vụ cho nghề xuất bản mới mẻ, học giả Nguyễn Văn Vĩnh kinh doanh khách sạn ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Trong thời gian này, bà Lựu mỗi khi về Hà thành, thường ở khách sạn do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ. Từ đó, họ quen biết và phải lòng nhau.
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Em đi chùa Hương, cuộc đời
Các con của học giả Nguyễn Văn Vĩnh chụp sau khi gia đình chuyển từ 39 Mã Mây về tại ngôi nhà 13 phố Thụy Khuê, Hà Nội (Khoảng năm 1923). Ảnh: Gia đình cung cấp
Ông Nguyễn Lân Bình (cháu gọi Nguyễn Nhược Pháp là bác) kể: "Cái tên Nhược Pháp mang nhiều ý nghĩa.
Thời đó, nhờ việc đọc nhiều, hiểu nhiều về văn hóa Pháp, ông nội tôi tin rằng người Pháp sẽ thực tâm giúp người Việt thoát cảnh tăm tối với chủ thuyết “khai hóa”, nhưng sau khi ông nhận ra những chính sách bất công của chính quyền thực dân trái ngược hoàn toàn với truyền thống của cuộc cách mạng 1789 (Công xã Paris), nên ông tôi đã rất thất vọng. 
Năm 1914, ông có thêm con trai với người đàn bà Lạng Sơn ấy, vốn đang mang tâm lý thất vọng với người Pháp, ông đặt tên cho con là Nhược Pháp - Nước Pháp suy yếu".
Sinh ra trong gia đình khá đầy đủ, nhưng Nguyễn Nhược Pháp lại sớm gặp thiệt thòi về tình cảm. 
Năm 1916, khi biết tin học giả Vĩnh được một người phụ nữ khác để ý, bà Lựu đã giận dỗi. Trong cơn ghen mù quáng, bà đã tự tử bằng súng lục, trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Em đi chùa Hương, cuộc đời
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: Gia đình cung cấp
Mẹ mất, cậu bé 2 tuổi Nhược Pháp được người vợ cả của ông Vĩnh, bà Đinh Thị Tính, đưa về phố Mã Mây, nơi ở của gia đình ông Vĩnh, để nuôi dạy. Dù là con riêng của chồng nhưng bà Tính vẫn hết lòng chăm sóc, thương yêu Nhược Pháp không khác gì con đẻ.
Ông Nguyễn Lân Bình kể: “Bà nội tôi đặc biệt thương bác Pháp lắm. Đến độ, khi nhà thơ không may qua đời, bà đã đau đớn nhiều ngày không ăn uống. Những năm cuối đời, bà còn dặn các con, các cháu: "Mẹ chỉ muốn, khi nào chết, cho mẹ nằm cạnh thằng Pháp! ".
“Xuống suối vàng, cuộc đời Pháp sẽ sung sướng hơn”
Vốn thông minh, được mẹ cả tạo điều kiện, con đường học vấn của Nguyễn Nhược Pháp rất sáng lạng. Năm 20 tuổi, ông đỗ tú tài phần nhất, rồi đỗ tú tài phần hai, vào đại học Luật.
Không chỉ mẹ cả, các anh, em trong gia đình cũng dành cho ông nhiều tình cảm đặc biệt.
Thời xưa, xã hội coi những người con vợ bé, chỉ là con thêm vợ nhặt, dù nhiều tuổi vẫn chỉ là bậc em. Nhưng gia đình học giả Nguyễn Văn Vĩnh không hành xử theo lối ấy. Các con trong nhà học giả Vĩnh đều gọi Nhược Pháp là “anh Pháp”, trìu mến và tôn kính.
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Em đi chùa Hương, cuộc đời
Bức ảnh chụp gia đình học giả Nguyễn Văn Vĩnh sau năm ông mất (1936). Bà Đinh Thị Tính vấn khăn, ngồi giữa. Nguyễn Nhược Pháp đứng hàng đầu từ phải sang trái. Ảnh: Gia đình cung cấp
Trong ký ức của gia tộc họ Nguyễn, Nhược Pháp là người nhỏ bé, nói năng nhỏ nhẹ và hơi nhút nhát. Tuy vậy ông luôn mỉm cười và tỏ ra lịch thiệp với tất cả mọi người.
Ông dạy các em nhiều trò chơi, soạn kịch cho các em biểu diễn, thành lập tờ báo gia đình, đặt ra các nhiều nội quy như: không được nói bậy, trước khi ăn phải rửa tay…, cho các em thực hiện. Anh em thường quấn quýt Nhược Pháp và lúc nào cũng: “Anh Pháp bảo thế này, Anh Pháp dặn thế kia....”.
Là người vui vẻ, hay cười, tuy nhiên, thơ ca của ông lại phảng phất nét buồn man mác. Nhà văn Vũ Bằng từng lý giải: “Nguyễn Nhược Pháp có biết hết cả câu chuyện thảm khốc của mẹ không? Không ai biết hết.
Một người bạn của tôi thuật rằng, Pháp là một thanh niên có học và thông minh chắc chắn sẽ biết câu chuyện đó, nhưng không than thở cùng ai, chỉ giữ ở trong lòng. Bằng chứng là vụ sau đây.
Nhà cụ Vĩnh đông con, thường dọn hai ba bàn để cho con cái ăn riêng. Vì lý do ấy, thiếu mâm, một chị người làm, không hiểu vì vụng dại hay cố tình, lấy cái khung ảnh của bà thân sinh ra Pháp làm mâm cơm.
Pháp trông thấy, đứng dậy, lấy cớ là khó chịu trong người, không ăn và cầm sách vào phòng riêng, để học - thực ra là để khóc mà không cho ai biết”.
Từ sau khi chị gái là Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân rồi cha, học giả Nguyễn Văn Vĩnh mất (1936)... Nguyễn Nhược Pháp đau buồn rồi mắc bệnh lao.
Ngày 19/11/1938, ông trút hơi thở cuối cùng vào một sáng mùa thu tại Bệnh viện Đồn Thủy (BV Quân y 108 ngày nay), khi mới sang tuổi 24.
Về sự ra đi này, Phạm Huy Thái từng viết trên "Tiểu Thuyết Thứ Năm" (1938): “Hà Nội đã mất một tài hoa. Văn chương đã mất một đứa con.
4 giờ chiều chủ nhật 20/11/1938, giờ và ngày chua xót cho lịch sử văn học của chúng ta, gia quyến anh Nguyễn Nhược Pháp cùng một số đông bạn học và tất cả các nhà văn nhà thơ có hay không được quen anh, đã theo xe tang anh trong một bầu không khí yên lặng, thương tâm và cảm động vô cùng”.
Trước khi mất, Nguyễn Nhược Pháp để lại 3 bức thư dưới gối giường bệnh. Bức thứ nhất, ông viết bằng tiếng Pháp cảm ơn các bác sỹ và hộ lý.
Bức thứ hai, ông dành để vĩnh biệt gia đình, vĩnh biệt mẹ già cùng các anh chị lớn và ôm hôn các em. Trong thư, Nguyễn Nhược Pháp đã kể lại những nỗi đau đớn khi lâm bệnh và nói rằng: mình chẳng có tội tình gì trên cõi đời này. Nguyễn Nhược Pháp còn an ủi mọi người thân: “Xuống suối vàng, cuộc đời Pháp sẽ sung sướng hơn”.
Bức thư thứ ba, nhà thơ viết gửi riêng cho anh trai là Nguyễn Giang (1904 -1969) để góp ý với anh trong việc chăm sóc mẹ già và quan tâm đến các em của mình nhiều hơn.
Nhưng cuộc đời của chàng trai trẻ tài hoa ấy sau khi kết thúc cũng đầy đau thương. Ban đầu, thi hài nhà thơ được mai táng ở nghĩa trang ở Quỳnh Lôi, Mai Động, Hà Nội.
Nhưng rồi do những biến động của lịch sử, ngôi mộ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã bị thất lạc.
Sau 47 năm, năm 2012, gia tộc họ Nguyễn mới tìm lại được mộ của nhà thơ và đưa ông về nằm cạnh người mẹ cả để thực hiện đúng lời dặn của bà trước khi lâm chung: “...Nhớ cho mẹ nằm cạnh thằng Pháp!”.
Cuộc đời ngắn ngủi đầy bi kịch của ông đã được đúc kết trong những câu thơ khóc Nguyễn Nhược Pháp của người bạn thân, thi sĩ Nguyễn Bính (1918 - 1966):
“Buồn xao xuyến quá, sương mù
Buồn xao xuyến quá, mùa thu vừa tàn
Ai đem bứt hết lá vàng
Dệt làm khăn liệm đám tang muôn đời…”.


Không chỉ có 2 tác phẩm thơ nổi tiếng là Chùa Hương, Sơn Tinh Thủy Tinh...Trong cuộc đời ngắn ngủi đầy tài hoa của mình, Nguyễn Nhược Pháp còn để lại 10 bài phê bình văn học viết bằng tiếng Pháp, 10 vở kịch đã được báo chí đương thời đăng tải, và gần chục truyện ngắn cùng với một số bài thơ khác.
Hiện, ông Nguyễn Lân Bình đang biên tập và bố cục lại các tác phẩm của Nguyễn Nhược Pháp để chuẩn bị cho ra đời cuốn sách với tựa đề: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”.
Ngọc Trang - Diệu Bình

Chùa Hương


Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. 

Hôm nay đi Chùa Hương, 
Hoa cỏ mờ hơi sương. 
Cùng thầy me em dậy, 
Em vấn đầu soi gương. 

Khăn nhỏ, đuôi gà cao, 
Em đeo dải yếm đào; 
Quần lĩnh, áo the mới, 
Tay cầm nón quai thao. 

Me cười: "Thầy nó trông! 
Chân đi đôi dép cong, 
Con tôi xinh xinh quá! 
Bao giờ cô lấy chồng?" 

- Em tuy mới mười lăm 
Mà đã lắm người thăm 
Nhờ mối mai đưa tiếng, 
Khen tươi như trăng rằm. 

Nhưng em chưa lấy ai, 
Vì thầy bảo người mai 
Rằng em còn bé lắm, 
(Ý đợi người tài trai). 

Em đi cùng với me. 
Me em ngồi cáng tre, 
Thầy theo sau cưỡi ngựa, 
Thắt lưng dài đỏ hoe. 

Thầy me ra đi đò, 
Thuyền mấp mênh bên bờ. 
Em nhìn sông nước chảy 
Đưa cánh buồm lô nhô. 

Mơ xa lại nghĩ gần, 
Đời mấy kẻ tri âm? 
Thuyền nan vừa lẹ bước, 
Em thấy một văn nhân. 

Người đâu thanh lạ thường! 
Tướng mạo trông phi thường. 
Lưng cao dài, trán rộng. 
Hỏi ai nhìn không thương? 

Chàng ngồi bên me em, 
Me hỏi chuyện làm quen: 
"Thưa thầy đi chùa ạ? 
Thuyền đông, giời ôi chen!" 

Chàng thưa: "Vâng, thuyền đông!" 
Rồi ngắm giời mênh mông, 
Xa xa mờ núi biếc, 
Phơn phớt áng mây hồng. 

Dòng sông nước đục lờ. 
Ngâm nga chàng đọc thơ. 
Thầy khen: "Hay! Hay quá!" 
Em nghe rồi ngẩn ngơ. 

Thuyền đi. Bến Đục qua. 
Mỗi lúc gặp người ra, 
Thẹn thùng em không nói: 
"Nam vô A-di-đà!" 

Réo rắt suối đưa quanh, 
Ven bờ, ngọn núi xanh, 
Nhịp cầu xa nho nhỏ: 
Cảnh đẹp gần như tranh. 

Sau núi Oản, Gà, Xôi, 
Bao nhiêu là khỉ ngồi. 
Tới núi con Voi phục, 
Có đủ cả đầu đuôi. 

Chùa lấp sau rừng cây. 
(Thuyền ta đi một ngày) 
Lên cửa chùa em thấy 
Hơn một trăm ăn mày. 

Em đi, chàng theo sau. 
Em không dám đi mau, 
Ngại chàng chê hấp tấp, 
Số gian nan không giàu. 

Thầy me đến điện thờ, 
Trầm hương khói toả mờ. 
Hương như là sao lạc, 
Lớp sóng người lô nhô. 

Chen vào thật lắm công. 
Thầy me em lễ xong, 
Quay về nhà ngang bảo: 
"Mai mới vào chùa trong." 

Chàng hai má đỏ hồng 
Kêu với thằng tiểu đồng 
Mang túi thơ bầu rượu: 
"Mai ta vào chùa trong!" 

Đêm hôm ấy em mừng! 
Mùi trầm hương bay lừng. 
Em nằm nghe tiếng mõ, 
Rồi chim kêu trong rừng. 

Em mơ, em yêu đời! 
Mơ nhiều... Viết thế thôi! 
Kẻo ai mà xem thấy, 
Nhìn em đến nực cười! 

Em chưa tỉnh giấc nồng, 
Mây núi đã pha hồng. 
Thầy me em sắp sửa 
Vàng hương vào chùa trong. 

Đường mây đá cheo veo, 
Hoa đỏ, tím, vàng leo. 
Vì thương me quá mệt, 
Săn sóc chàng đi theo. 

Me bảo: "Đường còn lâu, 
Cứ vừa đi ta cầu 
Quan Thế Âm bồ tát 
Là tha hồ đi mau!" 

Em ư? Em không cầu, 
Đường vẫn thấy đi mau. 
Chàng cũng cho như thế. 
(Ra ta hợp tâm đầu). 

Khi qua chùa Giải Oan, 
Trông thấy bức tường ngang, 
Chàng đưa tay, lẹ bút 
Thảo bài thơ liên hoàn. 

Tấm tắc thầy khen: "Hay! 
Chữ đẹp như rồng bay." 
(Bài thơ này em nhớ, 
Nên chả chép vào đây). 

Ô! Chùa trong đây rồi! 
Động thẳm bóng xanh ngời. 
Gấm thêu trần thạch nhũ, 
Ngọc nhuốm hương trầm rơi. 

Me vui mừng hả hê: 
"Tặc! Con đường mà ghê!" 
Thầy kêu: "Mau lên nhé! 
Chiều hôm nay ta về." 

Em nghe bỗng rụng rời 
Nhìn ai luống nghẹn lời! 
Giờ vui đời có vậy, 
Thoảng ngày vui qua rồi! 

Làn gió thổi hây hây, 
Em nghe tà áo bay, 
Em tìm hơi chàng thở! 
Chàng ôi, chàng có hay? 

Đường đây kia lên giời, 
Ta bước tựa vai cười. 
Yêu nhau, yêu nhau mãi! 
Đi, ta đi, chàng ôi! 

Ngun ngút khói hương vàng, 
Say trong giấc mơ màng 
Em cầu xin Giời Phật 
Sao cho em lấy chàng. 

Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.

8-1934 

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành bài hát Em đi Chùa Hương

Nguồn: Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét