Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Đi tìm giồng Ông Quan Cựu

Có thể nhận diện cái “quê chồng” trong bài lý mà người nông dân Trường Tây đã hát; cũng như có thể xác định được vị trí cái giồng (gò) Ông Quan Cựu. Đấy chính là , nay thuộc về ấp  , huyện .
Nhìn cả trên thực địa lẫn trên bản đồ xem! Gò Duối nằm ở phía Đông và kế cận vàm rạch Tây Ninh mà trong bài ca xưa hát là vàm Rạch Gốc.
Dinh thờ Huỳnh Công Nghệ - Gò Duối trong ngày lễ.
Dinh thờ Huỳnh Công Nghệ – Gò Duối trong ngày lễ.
Xem sách “Dân ca Tây Ninh”, do Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát hành năm 2005, có bài Lý quê chồng. Bài do cố chuyên viên, nhạc sĩ Võ Thành Thái sưu tầm, ký âm theo lời hát của ông Võ Văn Lịch năm ấy đã 62 tuổi, quê xã Trường Tây, huyện Hòa Thành.
Bài ca có những câu sau: “Qua vàm Rạch Gốc, tới cái hóc miếu Bà Thủy Long ơ… Qua luôn đất giồng… là giồng cái Ông Quan Cựu… rồi mới tới cái quê chồng, là chồng của tui…”.
Đi tìm những địa danh được nhắc ở trên, thật không đơn giản như tìm Bàu Gõ trong câu ca dao: “Lấy chồng về Bàu Gõ nước mắt nhỏ hai hàng”, dù bàu ấy giờ cũng đã thành ruộng lúa và cây gõ cũng không còn! Nhưng vẫn còn kia cái tên nôm na của đình xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu- đình Bàu Gõ. Quê chồng này là ở đâu? Mà phải qua những vàm Rạch Gốc, miếu Bà Thủy Long và nhất là cái đất giồng (gò) Ông Quan Cựu? Ông quan này gọi Cựu khi đủ tuổi để về hưu, hay là người thuộc “trào đàng Cựu” như những chuyện truyền tụng ở Tây Ninh kể về thời kỳ thuộc triều Nguyễn cai quản, trước khi Pháp chiếm năm 1862?
Đọc sách “Trảng Bàng phương chí” của Vương Công Đức, có mục 4: Chính sách di dân của triều đình (nhà Nguyễn)… tại các trang từ 91 đến 95. Thì được biết ngay từ thời chúa Nguyễn đến triều vua đầu tiên đã có khái niệm đồn điền trên những vùng đất mới. Sách có đoạn trích một mệnh lệnh của chúa Nguyễn (Phúc Ánh) năm 1790: “cho các đội túc trực và các vệ thuyền dinh trung quân ra gỡ ruộng ở Vàm Cỏ, đặt tên trại đồn điền, cấp cho trâu bò, nông cụ và thóc, ngô, đậu giống. Đến ngày thu hoạch đem hết về kho…” (theo sách Đại Nam thực lục chính biên). Đến năm 1810- theo tác giả Vương Công Đức phân tích: “tất cả các đồn điền được quân sự hóa cao độ”. Bằng chứng là tờ chiếu dụ của vua Gia Long có đoạn: “Vậy hạ lệnh số dân các huyện… cùng dân đồn điền biệt nạp, đều lấy một nửa làm hương binh, biên thành đội ngũ, có việc thì làm lính không việc thì làm ruộng…”. Cái gọi là chính sách “ngụ binh ư nông” có lẽ là đây! Tác giả còn cho biết: đến thời vua Minh Mạng, nhà nước còn tận dụng tù phạm vào khai khẩn đồn điền. Riêng ở Tây Ninh, cũng phải tới những năm thập niên 40 của thế kỷ XIX, chính sách này mới được thực hiện trên phạm vi rộng lớn. Bằng chứng, là sách “Đại Nam thực lục” có chép các sự kiện năm 1843 đời vua Thiệu Trị: “Quân (tù phạm) ở các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên giải giao tỉnh Gia Định, chuyển phát đến phủ Tây Ninh đều sung vào quân đồn điền”.
Như vậy đồn điền đã là một khái niệm phổ biến thời nhà Nguyễn. Xem phim về Bình Tây đại nguyên soái (trên HTV), cũng sẽ biết lãnh binh Trương Định trước khi dấy binh khởi nghĩa từng là một Phó quản cơ, thủ lĩnh một đồn điền.
Ngay sau khi có chỉ dụ vào năm 1843, chắc chắn có nhiều đồn điền được thiết lập ở Tây Ninh. Và có lẽ ngay sau khi ổn định, các đồn điền đã trở thành thôn xã nên chỉ thấy sử sách ghi lại việc lập các làng xã mới. Nhân vật quan trọng trong việc này ở Tây Ninh chính là Cao Hữu Dực, quan Tuyên phủ sứ Tây Ninh. Lần theo sự hình thành và phát triển các thôn, làng, xã ở Tây Ninh trong sách “Từ điển, địa danh hành chính Nam Bộ” của tác giả Nguyễn Đình Tư (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2008), vị Tuyên phủ sứ này luôn được nhắc tới. Như ở mục từ Hàm Ninh có đoạn: “Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực chiêu tập dân xiêu tán, lập thêm 12 thôn là…”. Mục từ Giai Hóa cũng có ghi: “năm 1845, Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực chiêu tập dân lưu tán, lập thêm hai thôn Long Khánh, Tiên Thuận…”v.v… vv…
Như vậy, Tây Ninh thời kỳ này chắc chắn đã từng có nhiều đồn điền, sau đó nó đã được “dân sự hóa” thành các thôn, làng, xã. Đồn điền thì vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước quản lý. Vậy mới có các địa danh như giồng Ông Quan Cựu chăng? Chúng tôi mạnh dạn cho rằng, cái giồng Ông Quan Cựu chính là một đồn điền thuở trước. Bởi chữ cựu chính là chỉ “cựu trào” nghĩa là thời Tây Ninh còn trong tay nhà Nguyễn. Giả thiết này được củng cố vững chắc hơn khi xem lại cuốn sổ chép tay việc làng của ban hương chức làng Long Thành lập năm 1943. Trong đó có một bản chép tay nhan đề “Hỏi việc cổ tích xưa lưu niên” của cụ Bùi Hữu Địch, chép ngày 30 Juillet 1923 khi cụ đã 78 tuổi. Bản viết có đoạn: “Hồi tôi còn nhỏ mà cũng biết, tôi biết khai đời vua Minh Mạng có ông quan Khâm sứ ở ngoài Bắc kỳ có lập một cái đồng thủ cho binh lính ở tịnh vi nông động vi binh, ở mà làm ruộng đặng lấy lúa độ binh lính tục kêu tại gò ruộng Quan Cựu, thì ông quan Khâm sứ đó tạo lập một cái miếu Bà Thủy Long tại vàm rạch Tây Ninh…”.
Qua mấy dòng trích trên, có thể nhận diện cái “quê chồng” trong bài lý mà người nông dân Trường Tây đã hát; cũng như có thể xác định được vị trí cái giồng (gò) Ông Quan Cựu. Đấy chính là gò Duối, nay thuộc về ấp Bến Kéo xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành. Nhìn cả trên thực địa lẫn trên bản đồ xem! Gò Duối nằm ở phía Đông và kế cận vàm rạch Tây Ninh mà trong bài ca xưa hát là vàm Rạch Gốc. Phía Tây, bên kia rạch Tây Ninh là ấp Thanh Trung của xã Thanh Điền, còn phía Nam, bên kia sông Vàm Cỏ là ấp Long Chẩn, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Cũng nhờ hai tư liệu kể trên mà ta còn được biết rằng khi còn là đồn điền ở đó đã từng có miễu Bà Thủy Long.
Xin lưu ý rằng, năm 1923 cụ Địch đã 78 tuổi, nghĩa là cụ sinh năm 1845. Đấy chính là năm quan Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực thừa lệnh triều đình vào Tây Ninh lập nhiều thôn làng mới. Liệu cái ông “quan Khâm sứ ở ngoài Bắc kỳ” trong câu chuyện của cụ, có phải là ông Tuyên phủ sứ này không? Điều đó chưa dám chắc nhưng đã có thể khẳng định được chuyện: Gò Duối chính là một đồn điền xưa dưới thời vua Thiệu Trị (1841- 1847).

Gò Quan Cựu ngày nay

Từ các cứ liệu đã trình bày, có thể thấy rõ thôn Long Thành đã được thiết lập sớm hơn năm 1844, năm mà nhiều tài liệu đã chép. Và phần đất được khai khẩn sớm nhất của làng chính là  –  hiện nay. Chung quanh gò còn mênh mông các cánh đồng lúa…
Vườn xoài lão trên gò.
Vườn xoài lão trên gò.
Cứ theo những thông tin trong bài “Đi tìm giồng Ông Quan Cựu” trên báo Tây Ninh ngày 20.4.2016 thì ở đây từng có một đồn điền do triều Nguyễn lập ra từ trước thời vua Thiệu Trị (1841- 1847). Và Tây Ninh chắc cũng đã có nhiều đồn điền như thế. Có điều, sau khi an ninh lãnh thổ đã tạm ổn định thì các đồn điền ấy đã nhanh chóng trở thành một bộ phận của thôn làng sở tại. Nhân ngày lễ hội Kỳ yên đình Long Thành của thôn Long Thành xưa- thôn sở tại có xóm dân cư Gò Duối cũng nên nhắc lại những mốc cơ bản của việc hình thành và phát triển xã Long Thành.
Sách “Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ”, có mục từ Long Thành như sau: “thôn thuộc tổng Hòa Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, triều Thiệu Trị, Tự Đức. Đầu Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt Thanh tra Tây Ninh. Ngày 12.11.1872 hợp với th.Thanh Điền thành th. Long Điền. Ngày 31.10.1877 lập lại do chia làng Long Điền. Ngày 6.3.1891 giải thể, nhập vào làng Thanh Điền. Sau đó được lập lại thuộc hạt Tham biện Tây Ninh… Sau 1956 gọi là xã, đổi thuộc tg Hàm Ninh Thượng, q.Châu Thành… Ngày 17.4.1959 đổi thuộc quận Phú Khương…Từ 1979 đổi thuộc h.Hòa Thành và chia làm 3 xã mới: Long Thành Nam, Long Thành Bắc và Long Thành Trung…”.
Như vậy là chỉ riêng trong thời Pháp thuộc (1862-1945), làng Long Thành cũng đã hai lần bị mất tên do sáp nhập. Đáng chú ý là với cách viết như trên, cần được hiểu là đến đời vua Thiệu Trị đã có làng Long Thành có nghĩa rằng Long Thành có thể đã có từ trước đó. Điều này muốn xác minh, nhất thiết phải xem lại các tư liệu cũ của làng. Thật may sao, trong cuốn sổ ghi chép việc làng lập năm 1943 (đã kể) có một bản viết tay gọi là “Tờ Di ngôn và lý đoán, giao Chánh tiền hiền và hậu hiền”. Bản này cũng do cụ cựu Hương cả Trần Văn Liêng viết, xin trích một vài đoạn sau: “Cụ sơ tôi là ông Trần Văn Thiện, sinh năm 1788 tại làng Trung Lập được 40 tuổi, đành lìa quê hương tách thân lên vùng này, để quy dân lập ấp, lúc ấy nhằm vua Minh Mạng năm 1822, sơ tôi quy dân thú tạo thành điền năm 1828, sơ tôi đặng 50 tuổi, thì quan trên cho sơ tôi làm chức Thôn trưởng, mới đặt hiệu làng là Thới Long, qua năm 1841 nhằm vua Thiệu Trị, thì sơ tôi lên chức Cai tổng; kể vị cố tôi là Trần Văn Họp, cũng làm chức Thôn trưởng, đặt hiệu lại là làng Thới Định, lần hồi cố tôi làm đến chức Phó Tổng, qua năm 1847 nhằm vua Tự Đức mới đặt hiệu lại là làng Long Thành…”.
Mặc dù đoạn viết trên có đôi chỗ lầm lẫn nhưng vẫn có thể xác định hợp lý quá trình mở đất lập làng. Như năm 1822 thì cụ Thiện mới 34 tuổi (không phải 40). Đến tuổi 40 (1828) công việc quy dân lập ấp của cụ đã cơ bản xong. 10 năm sau nữa, khi ông 50 tuổi (tức năm 1838) thì được quan trên chính thức cho làm thôn trưởng, đặt tên thôn mới là Thới Long. Những điều vừa kể cũng đã khác với bài “Di tích lịch sử đình Long Thành” (trang 16, sách “Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh xuất bản năm 2014), điển hình là câu: “cụ Trần Văn Thiện và nhân dân vùng Trung Lập (Củ Chi) đến khai phá vào những năm 1844” (không biết những năm 1844 là những năm nào?).
Ngay cả chi tiết về năm lập đình và các năm tu sửa lớn, sách kể trên cũng cần xem xét lại (lập đình 1883, tu sửa các năm 1907 – 1910 và 1929, 1938…). Đấy là vì có một trang trong sổ việc làng chép việc thiết lập và xây lại đình. Theo đó: Đình Long Thành, tại ấp Bến Kéo xây dựng năm 1915. Đến ngày 14 October 1942 hương chức của làng có đơn xin làm lại “do bị mối ăn hư tệ và bị gió xiêu”. Đơn được Cai tổng Mạnh và Quận trưởng Huê phê chuẩn cho phép. Đến ngày 3.12.1942 thì “Hương chức nhóm hạ triệt hai nóc đình. Đến ngày 9.3.1943 thì khởi dựng nhà bếp Đông lang…”.
Từ các cứ liệu đã trình bày, có thể thấy rõ thôn Long Thành đã được thiết lập sớm hơn năm 1844, năm mà nhiều tài liệu đã chép. Và phần đất được khai khẩn sớm nhất của làng chính là Gò Ruộng Quan – Gò Duối hiện nay. Chung quanh gò còn mênh mông các cánh đồng lúa. Trong khi đất gò hiện tại chỉ dưới 30 ha, hiện là nơi cư trú cho 63 hộ dân. Có thể vẫn còn đâu đây bóng dáng của những dân binh đi mở đất, lập làng.
Cái miếu bà Thủy Long đã không còn dấu vết. Nhưng liệu có phải nó đã được biến đổi thành dinh thờ Huỳnh Công Nghệ hiện nay? Ở Tây Ninh đôi khi vẫn gặp trường hợp này, như miếu Bà Linh Sơn ở xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành có xuất xứ từ một miếu Quan Âm. Bên trái miếu ở về phía trước có một bụi cây duối vào hàng cổ thụ. Cây nhiều thân lớn đan bện vào nhau, lớn nhất cỡ hơn một người ôm. Với kích cỡ ấy, cây duối này cũng phải hơn 200 năm tuổi. Và chắc hẳn trước đây còn rất nhiều cây duối mà người dân đã chặt đi, làm vườn rẫy. Thật may mắn, đất miếu hơn một ha hiện nay còn rất nhiều cây xoài thanh cũng vào hàng cổ thụ. Bà chủ miếu họ Phạm kể: đó là nhờ các cụ đời trước đã quyết giữ lại, như một kỷ niệm của ông bà. Đến nay, vườn cũng đã có đến 2- 3 đời xoài, cây cổ nhất là cây ở về bên trái miếu, gốc xòe ra năm bảy thân cùng các lỗ hang. Cũng có nhiều cây chết đã bị cưa đi. Và thú vị làm sao, giữa trời tháng 4 khô khát có rất nhiều chim cu gáy bay về đậu trên các cây xoài cổ trên gò. Có lẽ tổ tiên chúng đã đồng hành cùng với các lưu dân gò Ruộng Quan thời mở đất.
Thông tin mới nhất: xã Long Thành Nam đã quy hoạch ở đây một nghĩa trang. Thật chẳng biết là có nên không? Vì bây giờ tuy gò còn hoang vu nhưng địa thế ấy, chỉ cách cổng đình Long Thành bên quốc lộ 22B vừa đúng 2,1km, với bốn bề sông rạch, lại gắn với lịch sử phát triển làng xã như thế thì gò Duối xứng đáng dành đợi những dự án tiềm năng lớn lao, tốt đẹp hơn về du lịch sinh thái môi trường.
Theo Trần Vũ (Tây Ninh Online)
Theo Trần Vũ (Tây Ninh Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét