Nằm sâu trong con hẻm ngoằn nghoèo của đường Trần Vĩnh Kiết, phường An Bình, quận Ninh Kiều, có một quần thể mộ cổ vừa mang giá trị lịch sử vừa mang vẻ đẹp kiến trúc lăng mộ xưa. Dù có lúc được ngành chức năng khảo sát nhưng rồi trôi theo thời gian, khu mộ ngày càng xuống cấp, có nguy cơ bị "xóa sổ" thời "tấc đất tấc vàng". Một "kho báu" dường như đang bị lãng quên?
Thế hệ người Cần Thơ xưa
Trong ngôi nhà thờ tộc họ Trương hiện do ông Trương Huỳnh Thắng (tức Mười Thắng, 71 tuổi) coi sóc, dấu xưa dường như còn phảng phất đâu đây nơi cột đá xanh trăm năm, bên những bức chân dung tiền nhân bạc màu thời gian… Nhiều năm qua, ông Mười Thắng đã cất công viết nên phả hệ Trương Gia, rồi tìm người vẽ sơ đồ, phiên âm toàn bộ hệ thống câu đối, văn bia, bia mộ…
Ông Mười Thắng bên bia mộ của dòng tộc. Ảnh: DUY KHÔI
|
Khu mộ Trương gia nằm phía sau nhà thờ họ, phải băng qua những cánh vườn hoang vu, sình lầy. Bậc tiền bối cao nhất an nghỉ ở khu mộ này là ông Trương Văn Hiệp (1769 - 1849) cùng 2 người vợ là bà Phan Thị Giản (1740 - 1825) và bà Hoàng Thị Thiện (1813 - 1856). Ở một vị trí khác là khu mộ ông Trương Văn Chất (1845 - 1920) và chánh thất là bà Trần Thị Hậu (1849 - 1915); mộ bà thứ tên Phạm Thị Thùy (1880 - 1918) ở khu riêng. Ông Chất là con trai ông Hiệp- bà Thiện, và là ông nội của ông Mười Thắng. Về tiểu sử ông Trương Văn Chất, bia mộ ghi rõ: "Nam Kỳ. Tân An thôn. Cố phụ nguyên Chánh Bái tính Trương húy Chất chi mộ". Ở bia mộ bà Hoàng Thị Thiện lại có ghi: "Trưởng Nam Hương Chủ Trương Văn Chất lập thạch". Từ hai dữ kiện này cùng một số chi tiết trên các bia mộ khác cho thấy, cụ Trương Văn Chất là Chánh Bái, Hương Chủ (năm 1917 làm Hương Cả) ở thôn Tân An, tổng Định Bảo, Nam Kỳ, nước Đại Nam.
Một văn bia ca ngợi công đức tiền nhân tại khu mộ Trương Gia. Ảnh: DUY KHÔI
|
Lần giở lịch sử Nam kỳ xưa, năm 1876, Pháp lập tỉnh Cần Thơ, ngay sau đó chia Cần Thơ ra 5 quận, 8 tổng, 72 xã; trong đó chính xác thôn Tân An thuộc tổng Định Bảo. Lại nói về chức Hương Chủ, đó là 1 trong 12 chức việc trong Ban Hội tề của xã (thôn). Rõ ra, cụ Chất là một nhân vật có uy tín trong thôn Tân An xưa, lại là Chánh Bái của làng. Chúng tôi đặt giả thuyết, phải chăng cụ Chất là Chánh Bái của đình Tân An xưa, thời còn nằm ở Chợ Giữa, bởi xét về khoảng cách địa lý thì hoàn toàn phù hợp. Vả lại, thời đó, chỉ có đình Bình Thủy, đình Tân An và đình Nhơn Ái được xây cất sớm và bề thế (?).
Ông Trương Văn Chất có 13 người con, trong đó, người con thứ 10 là ông Trương Văn Khoát- cha của ông Mười Thắng, có nhiều cống hiến cho cách mạng. Cuốn "Lịch sử xã An Bình anh hùng" ghi nhận việc cụ Trương Văn Khoát- thủ lĩnh thanh niên tiền phong đã từng phổ biến mệnh lệnh khởi nghĩa trước hàng ngàn thanh niên đang hừng hực khí thế cách mạng. Đoạn khác có ghi: "Tại xã có những địa chủ khai minh hưởng ứng cuộc vận động hiến điền, như ông Mười Khoát đã hiến phần lớn đất cho chính phủ để chia lại cho nông dân, đồng thời đưa cả gia đình vào chiến khu tham gia kháng chiến". Cũng cần nói thêm, ông Trương Văn Chất chính là ông cố ruột của Anh hùng Trần Vĩnh Kiết- tên hiện được đặt cho con đường vào khu mộ.
Giá trị của khu mộ
Theo ghi nhận của chúng tôi, gần chục ngôi mộ trong khu mộ họ Trương đều bề thế và có giá trị mỹ thuật cao. Tất cả khu mộ gồm vòng thành, búp sen… đều bằng đá xanh, đá ong. Riêng các bia mộ được làm bằng đá xanh, cẩm thạch, khắc Hán tự rất tinh xảo. Đặc biệt hơn, nhiều bình phong đặt trước phần mộ chạm khắc chim muông hoa lá rất độc đáo cùng những dòng câu đối. Những hoa văn trong toàn khu mộ rất thuần Việt như búp sen, tùng- cúc- trúc- mai… Mỗi nhóm mộ trong khu mộ đều có kiểu dáng khác nhau, rộng rãi và tất cả đều không có nấm mộ mà là những tỉnh không theo thuyết âm- dương giao hòa.
Điều đặc biệt là hệ thống văn bản câu đối, văn bia ở khu mộ rất có giá trị, thể hiện ước mong tốt đẹp của người lập mộ, ca ngợi công đức của người nằm dưới mộ. Điển hình như bức bia đá xanh phía sau mộ phần cụ Trương Văn Hiệp và cụ Phan Thị Giản có đôi câu: "Càn khôn hoằng đại đức/ Nhựt nguyệt giám duy minh". Hay tại phần mộ cụ bà Hoàng Thị Thiện, bà vợ thứ của cụ Hiệp có bia đá ghi khắc bài văn tế tưởng nhớ người quá cố với hai dòng chữ hai bên chúng tôi đọc được là "Đại đức đẳng thiên cao/ thâm tề hải nhuận" (tạm dịch: Đức lớn sánh trời cao/ Ơn sâu bằng biển rộng). Phần nội dung bia khá dài, chúng tôi xin lược kể là khi mẹ qua đời, người con đau đớn bội phần. Lật lại gia phả thì thương mẹ hơn nữa bởi mẹ mới 5 tuổi thì gặp thời quốc biến gia vong, nhà cửa tiêu điều, nghèo khổ cùng cực. Đoạn cuối rằng: "Y cố thành tựu thiên địa đồng tâm di thừa di chỉ biểu cao thâm lũng tây thán lệ", tạm hiểu là "Theo đây vì lòng hiếu kính, con cháu nên học theo đạo hiếu của trời đất mà chung lòng tương thân tương ái…". Phía dưới bia ghi "Đinh Tỵ 1917. Tân An thôn. Hương Cả nam Trương Văn Chất cẩn chỉ", tức "Năm Đinh Tỵ (1917). Thôn Tân An. Hương Cả Trương Văn Chất ghi dặn".
Còn rất nhiều câu đối giá trị mà ông Mười Thắng đã nhiều lần nhờ người phiên âm, dịch nghĩa, cũng như trong tâm sức của chúng tôi, chưa thể nào giải mã nổi. Nhưng thiết nghĩ, nếu được giải mã tận cùng, những văn bia này thật có giá trị, biết đâu còn những gì quý báu thuật lại cảnh và tình Cần Thơ thuở xưa.
Xin đừng lãng quên!
Khu mộ tộc họ Trương ở An Bình tồn tại hàng trăm năm qua, bị xói mòn qua bao lớp bụi thời gian và cả nhịp độ của quá trình đô thị hóa. Được biết, khu mộ đã từng "dính quy hoạch" cho dự án khu dân cư An Bình nhưng rất may là không khả thi. Năm 2008- 2009, ông Mười Thắng có đơn gửi ngành chức năng về việc yêu cầu xác nhận bảo tồn hay không bảo tồn khu mộ cổ của gia tộc họ Trương tại phường An Bình.
Theo những tài liệu mà chúng tôi có được, khoảng cuối năm 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã nhiều lần họp với địa phương là phường An Bình, các ngành chức năng và chủ đầu tư dự án về đề nghị của ông Mười Thắng. Cụ thể, tại cuộc họp ngày 30-10-2009, bà Trần Ngọc Nga, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã kết luận: Khu mộ có niên đại gần 200 năm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Cần Thơ. Vì vậy, Bảo tàng Cần Thơ đã đề xuất nên bảo tồn những ngôi mộ có giá trị lịch sử để làm cơ sở nghiên cứu sau này. Trên cơ sở đó, Sở thống nhất giữ khu đất 650m2 để có điều kiện bảo tồn khu mộ. Trước đó, UBND TP Cần Thơ cũng đã ban hành Công văn số 3183/UB ngày 13-8-2004 về việc "Bảo tồn khu mộ cổ của gia tộc bà Trương Huỳnh Tần" (bà Huỳnh Tần là chị ruột ông Mười Thắng). Theo đó, khu mộ được chọn bảo tồn trải dài theo hướng Đông-Bắc, có diện tích khoảng 650m2, trong đó có 7 phần mộ bằng đá xanh, cẩm thạch (có khắc chữ Hán và hoa văn) sẽ được bảo tồn để nghiên cứu.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, khu mộ họ Trương xứng đáng được công nhận Di tích Lịch sử- Văn hóa, ít nhất là cấp thành phố. Gần chục năm qua, dù khu mộ đã được xóa quy hoạch song mục đích "bảo tồn để làm cơ sở nghiên cứu" vẫn chưa được thực hiện bởi từ ấy đến nay, chưa có một đề tài, dự án nào nghiên cứu sâu về khu mộ này. Ông Mười Thắng nói: "Tôi chẳng dám ước khu mộ là di tích gì hết mà chỉ mong sao cho yên ổn, đừng để mấy cụ bị di dời". Ông Mười Thắng còn lo chuyện khác, đất là của hương hỏa ông bà, giờ chia đều cho con cháu, nên nhiều người muốn bán chác sao tùy ý, chẳng quan tâm mộ phần. Ông Mười chỉ tay về phần mộ cha mẹ của Anh hùng Trần Vĩnh Kiết, nói: "Kiết là cháu, kêu tôi bằng cậu. Mộ cha mẹ Kiết suýt nữa mất rồi, vì đất bị bán, may sao tôi chuộc lại được". Nỗi lòng của người đàn ông giờ là trưởng tộc họ Trương sao nghe nặng trĩu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét