Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Chủ nhân vườn bách thú đầu tiên ở miền Tây

Cả Lang là tên ngôi chợ, cây cầu, con rạch và cả một vùng đất rộng lớn ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Gần 1 thế kỷ trước, ông Cả Lang là một Hương Cả giàu có, uy tín ở địa phương, sáng lập nên vườn bách thú đầu tiên ở miền Tây; bên cạnh mở rạp hát, xưởng dệt vải. Ngôi mộ của ông hiện vẫn được con cháu chăm coi, nằm phía sau chợ Cả Lang. Ngẫm ra, ông đã góp công mở cuộc văn minh cho Cần Thơ xưa chẳng ít.
Mở cuộc văn minh miệt vườn
 Cầu Cả Lang ở xã Giai Xuân. Ảnh: DUY KHÔI
Từ thông tin điền dã mà chúng tôi sưu tầm được qua các hậu duệ cũng như bà con trong vùng, ông Cả Lang tên thật là Nguyễn Chi Lang, sinh năm 1884, mất ngày 29-2-1959, thọ 75 tuổi. Cũng có người nói rằng ông họ Ngô. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này vì nhiều ngôi mộ cổ trong khu mộ này đều mang họ Ngô. Tuy nhiên, chúng tôi ghi họ Nguyễn vì tôn trọng thông tin trên bia mộ của ông. Ngôi mộ của ông Cả Lang và vợ là bà Nguyễn Thị Đẫu bằng đá, khá bề thế trong ngôi nhà mộ được thiết kế theo kiến trúc Tây phương, có khắc niên lập 1940. Một đoạn dài từ cầu Cả Lang vào sâu hơn 500m hiện vẫn còn dấu tích hàng rào của ngôi nhà ông Cả xưa kia; đáng chú ý là một cây cột vẫn còn khắc niên lập 1938. Như vậy, sau 2 năm cất nhà (chính xác hơn là cổng rào), ông Cả Lang tự cho xây nơi an nghỉ của mình và 19 năm sau thì ông tạ thế.
Địa chí Cần Thơ 2012 có đoạn: "Đến nay dân chúng ở Cần Thơ vẫn nhắc nhở về Vườn thú Cả Lang với niềm luyến tiếc. Ở vùng đất miền Tây có vườn thú, cảnh quan xinh đẹp, nổi tiếng mà ai cũng biết đến như một địa danh có sự kiện văn hóa, văn minh ở Cần Thơ thời xa xưa". Rõ ràng, sự góp công của ông Cả Lang cho nền văn minh miệt vườn Cần Thơ là đáng được ghi nhận. Theo nhiều người dân vùng Cả Lang, trong đó có cụ Đàm Văn Cầu (ghi nhận năm 2013, cụ 83 tuổi), bà con xưa quen gọi là vườn thú Cả Lang bởi ông Cả dành một phần lớn đất của gia đình để nuôi các loài thú quý hiếm như khỉ, nai, cọp, gấu, cù lần, đười ươi, công, vịt trời, trích, trĩ, le le… Mỗi ngày có đến gần 40 nhân công chuyên lo việc vệ sinh chuồng trại và cho thú ăn. Ông còn mở những cuộc chọi gà, thu hút rất đông người từ khắp Lục tỉnh về vui chơi. Hằng ngày, vườn thú Cả Lang đều có bà con đến coi, không tốn tiền. Dưới mé rạch trước nhà ông Cả Lang còn bắc ghế đá dưới bóng dừa để khách tham quan nghỉ chân.
Bà con còn kể, do là người mê cải lương lại lắm bạc nhiều tiền nên ông Cả Lang đã cho xây cất một rạp hát bằng tường gạch, lợp ngói với sức chứa hàng trăm chỗ ngồi. Đoạn hồi ký của nghệ sĩ tiền bối Bảy Nhiêu kể rằng đầu thập niên 1920, đại bang Tập Ích Ban được các hương chức ở làng Nhơn Ái mời về diễn, thù lao đến 1.200 đồng- một cái giá rất cao vào thời điểm đó. Và cũng thời điểm này, chỉ có ông Cả Lang là người cất rạp hát. Phải chăng ông là một trong những người hào phóng đó? Về sau, bà con trong làng kể rằng ông Cả Lang còn mở xưởng dệt vải, song sự nghiệp không thành công.
Thời điểm khoảng năm 1940, ở vùng miệt vườn Phong Điền mà ông Cả Lang đã mua được xe hơi chạy bon bon trên lộ; đường sông thì ông có ca nô mà bà con gọi nôm na là "tàu vọt". Ban tối, nhà ông Cả lại mở đèn điện sáng choang, dĩa hát hát râm ran bằng máy phát điện. Ngẫm lại hết sự nghiệp bề thế của ông Cả Lang, mới thấy ông giàu nhưng không phải cường hào ác bá, lại chuộng cuộc văn minh; thích tìm tòi cái hay cái đẹp trước để thưởng lãm, sau phục vụ bà con.
Hương xưa để lại
Những "thiết chế" ở một làng xã như chợ, cầu, kinh rạch lại đều được đặt theo tên một nhân vật cho thấy sự ngưỡng vọng của dân làng. Ông Cả Lang là người có diễm phước ấy. Khu mộ ông Cả hiện do người cháu đời thứ 5, tên Tôn, coi sóc song anh không nắm nhiều thông tin về bậc tiền hiền của gia tộc. Được biết, ông Cả Lang không có con trai, chỉ có 5 cô con gái; trong đó, một cô được ông gả về làm dâu cho gia tộc họ Dương ở Bình Thủy, kết thông gia với ông Dương Chấn Kỷ- người chủ công xây cất ngôi nhà Vườn Lan- nay là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Khu mộ ông Cả Lang và vợ ở Giai Xuân, Phong Điền. Ảnh bên phải là phần mộ của ông. Ảnh: DUY KHÔI
Lại nói về sự ngưỡng mộ của dân làng dành cho ông Cả Lang, chúng tôi đã may mắn được ông Nguyễn Văn Hồ, Bí thư Chi bộ ấp Thới Hưng, xã Giai Xuân, cung cấp cho một bài vè dài hàng trăm câu, tương truyền do cụ Bảy Gián, một kỳ lão địa phương, sáng tác và truyền miệng trong vùng những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX. Bài vè nói về tính cách, thế cuộc của những nhân vật trong xóm ấp nên ai cũng thuộc nằm lòng. Đoạn nói về ông Cả Lang được vè rằng:
"Có ông Cả Đại vô cùng phú gia
Dọc ngang chẳng biết mấy tòa
Tô vôi trét phấn thiệt là tốt tươi
Cầu cho ông sống mười mươi
Tá điền lập nghiệp vui cười làm ăn
Sách xưa có chữ để rằng
Hành tâm hành sản vui rằng cát lân
Chúc câu nguyên thủy trân trân
Tư tư tập tập lập thần giang san
Có câu chúc Cả Đại rằng
Tu ngời tích Bắc, rỏ rạng trời Tây".
Dưới đoạn này còn có đoạn thơ thất ngôn 10 câu chúc tụng công đức ông Cả Lang. Chính việc ông mở cuộc văn minh phục vụ dân chúng, rồi việc giúp "Tá điền lập nghiệp vui cười làm ăn" đã chinh phục được thiện cảm của bao người.
Qua trụ sở xã Giai Xuân một đỗi sẽ thấy cầu Cả Lang, nối thông đường tỉnh 918. Ông Nguyễn Văn Hồ, Bí thư Chi bộ ấp Thới Hưng, được nghe kể lại, con đường từ ngã ba Bông Vang đi cầu Nhiếm, Tân Thới xưa do Pháp mở, không phải là đường hiện tại mà rẽ bọc đường khác. Người Pháp mở đường để tiện việc hành quân, đóng đồn ở gần Bông Vang. Ông Cả Lang dù là Hương Chức song cũng không ưa bọn Lang Sa. Ông tự mở con đường riêng từ Bông Vang về tới khu đất nhà mình, đó cũng chính là con đường hiện hữu. Để làm đường, ông Cả Lang vận động tá điền đào đất sét hầm đất, trải mặt đường, gọi là đường đất hầm. Con đường này xưa nhỏ, được dần mở rộng cho xe ngựa và sau xe hơi có thể đi được. Thời gian sau, con đường bị hư hỏng, gồ ghề, chỗ thấp chỗ cao, nên dân gian quen gọi là Lộ Sóng Lươn. Còn ông Trần Hoàng Nam, Trưởng ấp Thới Hưng, cũng được nghe các bậc tiền bối kể lại rằng, ông Cả Lang rất được dân trong làng kính trọng. Ông đi đâu bà con cũng nghiêm cẩn cúi đầu chào. Ông Hồ bổ sung thêm: "Có thể nói thời đó, ông Cả Lang "là vua một cõi". Nhưng cái giàu đó là giàu chân chính". Thân sinh của ông Hồ năm nay ngoài 80 tuổi, thuở nhỏ từng đi coi hát, coi thú nhà ông Cả Lang, không tốn tiền, nhưng rất tiếc ông bị lảng tai, không thể nghe chúng tôi hỏi mà cung cấp thêm thông tin.

* * *
Năm tháng trôi qua, những di tích liên quan và khu mộ của ông Cả Lang vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn nép mình bên cội vú sữa già ở miệt vườn Giai Xuân. Một chút hương xưa ông để lại cho đời để một buổi nào dạo bước trên cầu Cả Lang, ngắm nhìn ngôi chợ Cả Lang sung túc mỗi sớm mai, chợt đồng vọng chuyện xưa- người cũ. Chúng tôi xin trích dẫn 4 câu chúc trong bài vè vừa thuật ở trên, ngõ hầu minh chứng một lần nữa cho tấm lòng dân làng dành cho ông Cả Nguyễn Chi Lang:
"Bực phải bực công danh tử trác
Tài nên tài kim mã ngọc đường
Chúc bốn chữ vạn thọ vô cương
Thêm bốn chữ tam ban hữu phước".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét