Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Ông Thần "hữu danh, hữu hình" ở đình Bình Thủy

Ở đình Bình Thủy, ngoài Chánh Thần là “Bổn Cảnh Thành Hoàng” được Sắc vua phong, còn có một vị Thần khác “hữu danh, hữu hình” do dân làng tôn xưng là cụ Đinh Công Chánh. Vì sao một người con của vùng đất Long Tuyền- Bình Thủy lại được dân làng tôn Thần và kính cẩn thờ trong đình cổ hơn trăm năm qua? Ông hiện được an vị nơi nào ở làng cổ Bình Thủy- Long Tuyền?

Nhân cách người Cần Thơ xưa
Phần mộ ông Đinh Công Chánh Tôn Thần hiện nằm trên con đường được đặt theo tên ông, thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Chúng tôi đã đi tìm những hậu duệ của dòng họ Đinh Công rạng danh một thuở, đến tận hôm nay và gặp được ông Trần Văn Trước (tức Út Trước, 81 tuổi)- cháu gọi ông Thần là ông Cố Năm. Tức, bà cố ruột của ông Út Trước thứ Tám, là em ruột của ông Thần.
Ông Út Trước dẫn chúng tôi đến khu mộ của ông Thần cùng gia quyến. Trên bia ghi rõ ông Đinh Tôn Thần, thế danh Đinh Công Chánh, sinh năm 1839 và mất năm 1899, thọ 60 tuổi. Điều thú vị mà chúng tôi phát hiện là năm sinh và năm mất của ông Thần đều trùng vào năm Kỷ Hợi. Ngôi mộ của cụ Đinh trước đây chỉ là nấm đất, đến năm 1998, con cháu lập mộ cho cụ, lấy nguyên mẫu từ ngôi mộ trăm năm của bà cụ Tám- bà cố của ông Út Trước, hiện vẫn còn nguyên vẹn. Di tích mộ xưa của ông Thần giờ còn những gốc sứ trắng cổ thụ, được cho là trồng từ lúc ông mãn phần, tính đã ngoài trăm năm.
Theo lời con cháu ông Thần kể lại, sinh thời, cụ là người nhân đức, am hiểu sách Thánh hiền, rành thiên văn, địa lý và giỏi nghề thuốc. Đình Thần Bình Thủy thuở mới thiết lập hãy còn nhỏ bé, cây cối âm u, rậm rạp. Cụ Đinh Công Chánh được Ban Tế tự và dân làng tín cẩn giao việc khai hoang để cất thêm miếu Thần Nông, miếu Sơn Quân và bến đình. Cụ Tôn Thần đã không làm bà con thất vọng khi cơ ngơi đình được mở mang khang trang. Sau đó, cụ được mời làm Trưởng Ban Bảo tự chùa Long Quang và Bồi Bái Đình Thần Bình Thủy. Bồi Bái- chức việc được coi như "hộ vệ" cho Chánh Thần, vì thế người được chọn vào vị trí này phải là người có uy tín, sống đức độ, nhân nghĩa.
Ông Út Trước bên ngôi mộ và ngôi miếu thờ cụ Đinh Tôn Thần. Ảnh: DUY KHÔI
Nói về bậc bề trên của mình, ông Út Trước khái quát 3 điểm lớn: cụ Đinh giỏi làm nghề hốt thuốc, cả thuốc Nam lẫn thuốc Bắc, trị bệnh cho bà con không lấy tiền; cụ có công bồi đắp, xây dựng đình, chùa trong làng; được dân làng tín cẩn nhờ xử kiện, giải quyết êm xuôi những mâu thuẫn của bà con, lối xóm. Ông Út Trước nói: "Ông Thần xử thấu tình đạt lý, người thua không phiền hà mà người thắng cũng chẳng kiêu căng. Từ đó, cụ được bà con mến mộ".
Chuyện xưa kể lại, năm Kỷ Hợi (1899) chùa Long Quang (hiện là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cách không xa khu mộ cụ Tôn Thần) cất ngôi Tam Bảo, tới công đoạn gác đòn dong, gọi là Thượng Lương, cụ Đinh Tôn Thần được mời chủ sự việc này. Đây là vinh dự bởi người Thượng Lương phải là người có uy tín, công đức lớn. Rủi thay, gác đòn dong xong, cụ ngất xỉu (theo lời kể của ông Út Trước, nhưng cũng có người nói cụ bị trượt chân té, thọ thương) mấy ngày sau cụ Đinh qua đời. Ngày mất của cụ Tôn Thần được nhắc nhớ qua câu ca: "Ngày Ba, tháng Tý, giờ Thìn. Nhằm năm Kỷ Hợi, đế kinh triệu hồi".
Nghe chuyện của tiền nhân, bỗng nhớ chuyện Cần Thơ đang phát động xây dựng Người Cần Thơ "Trí tuệ- Năng động- Nhân ái- Hào hiệp- Thanh lịch". Đức độ của cụ Đinh Tôn Thần từ trăm năm trước đã thật xứng đáng với những mỹ từ đó. Một nhân cách của người Cần Thơ xưa đáng tôn quý.
Dân tôn làm Thần
Dịp Lễ Kỳ yên Thượng điền đình Bình Thủy vừa qua, chúng tôi chứng kiến nghi thức cúng tế Đinh Tôn Thần vào rạng sáng 12-4 âm lịch. Hương lễ, hương văn, hương nhạc hòa chung tấm lòng, cung kính lễ nghĩa trước hương linh cụ Đinh. Chúc văn kính cụ cũng là những lời ngợi khen công đức tiền nhân. Và nhiều năm qua, cứ vào chiều 12-4 âm lịch, con cháu, người dân ngưỡng vọng cụ Đinh đều tề tựu về phần mộ cụ, thắp nhang, thành kính cúng bái. Thế mới biết tấm lòng người dân làng cổ dành cho cụ Đinh Tôn Thần lớn biết nhường nào.
Chuyện cụ Đinh được Tôn Thần được dân làng Bình Thủy kể bằng câu chuyện nhuốm màu huyền bí. Đó là vào khoảng giữa năm Quý Sửu (1913), các sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương, Đông Du nhóm họp tại Nam Nhã Đường (hiện là Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp quốc gia), bàn chuyện lập đàn tiên. Cũng xin nói thêm, Cần Thơ từng có đàn tiên nổi tiếng là Đàn tiên Cái Khế. Chủ sự đàn tiên là ông Nguyễn Doãn Cung cùng những danh sĩ nổi tiếng, có thể kể đến như Nguyễn Thần Hiến (người sáng lập "Khuyến du học hội" hưởng ứng phong trào Đông Du), Bùi Hữu Sanh (con trai Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa)… Đàn tiên họp kín, không ai biết bàn tính chuyện gì. Sau khi đàn tiên họp xong, đêm Trung Thu năm Kỷ Sửu (1913), toàn tập quyển "Hiếu- Đễ- Liêm- Tiếc" ra đời. Ngoài những bài thơ miêu tả cảnh lịch làng cổ, đạo đối nhân xử thế ở đời, đáng chú ý là lời tựa và đề thơ được ký bút hiệu là "Đinh Công Chánh Tiên Ông cẩn tự đốn thủ", trong khi ông đã mất từ 14 năm trước (1899). Điều này được cho là Đinh Tôn Thần giáng đàn, chuyển động cơ bút. Câu chuyện này được các hậu duệ của ông Thần như ông Út Trước, ông Bảy Sương… kể lại và cũng được tác giả Huỳnh Minh thuật trong "Cần Thơ xưa và nay" (Cánh Bằng xuất bản, 1966). Vậy là bà con kháo nhau: "Làng ta có ông Đinh Công Chánh được tôn Thần". Linh vị và hình ảnh ông Thần được thờ tại đình Bình Thủy từ đó tới nay.
Thật may mắn làm sao khi chúng tôi được diện kiến và đọc toàn bộ cuốn "Hiếu- Đễ- Liêm- Tiếc" đã nói ở trên. Để minh chứng cho ý thức sống nhân nghĩa của ông Thần, xin viện dẫn một đoạn lời tựa quyển sách: "Vào cuộc làng, từ chức nhỏ cho đến chức lớn, hằng giữ đạo công bình, ngay thẳng. Trên chẳng dua phe chức lớn, dưới không hiếp đáp dân nghèo. Ưa chơi cảnh vật phong thủy Thần tiên, ưa nói đến nhơn nghĩa lễ nghi, ưa làm điều ngay thẳng". Đoạn dưới của lời đề tựa ghi "Bình- thủy ngày rầm tháng tám Annam (1913). Đinh Công Chánh Tiên Ông cẩn tự đốn thủ". Kế lời tựa, ông Thần lại đề thơ, bài "Cảm tình Tạ ơn", nói về việc hiếu nghĩa ở đời.
Ở khoảng giữa cuốn sách, việc cụ Đinh tai nạn qua đời, được suy tôn Thần được thuật lại qua mấy vần thơ:
"Lỡ tay, đành mạng thỉ chung
Một lòng tiếc liệt, Trời phong làm Thần
Long đình để đó nhắm gần
Nhờ ơn làng xóm mấy lần kính ta"
Trở lại những truyền tụng khác nhau về nguyên nhân ông Thần quy tiên, theo chúng tôi, cụ ông té thì có lẽ chính xác hơn, bởi: "Lỡ tay, đành mạng".
Tính từ khi cụ Đinh Công Chánh được tôn Thần đến nay đã ngót trăm năm dư, nhưng tấm lòng phụng kính dành cho cụ thì vẫn vậy. Đến đường Đinh Công Chánh bây giờ, đàn ông có họ tên bắt đầu bằng "Đinh Công…" có đến vài trăm người- đó đều là hậu duệ của ông Thần. Ông Út Trước nhẩm tính, tính cả dòng họ nội, ngoại luôn có đến 600- 700 người. Không chỉ họ tộc, trăm người Bình Thủy như một, đều ngưỡng vọng ông Thần. Cổng vào khu mộ ông Thần có hai câu đối, ngõ hầu phần nào nói lên công đức ngời ngời của ông:
"Nhập thế khai tâm hành chánh đạo
Xuất trần lưu đức dưỡng tân sinh"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét