Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Bước đầu tìm hiểu về Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập

LTS: Nhân vật lịch sử Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập không xa lạ với người dân làng cổ Bình Thủy- Long Tuyền bởi phần mộ phía sau chợ Bình Thủy và hương linh được thờ trong đình Bình Thủy. Tuy nhiên, đến giờ ít có tài liệu nào ghi tường tận thân thế và công trạng của ông. Bài viết sau đây của tác giả Đăng Huỳnh, bước đầu mang đến những thông tin về cụ Chánh Lãnh binh.
Báo Cần Thơ rất mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả với mong muốn làm sáng tỏ nhân vật lịch sử làm "vinh diệu cho Cần Thơ chẳng ít", như cụ Huỳnh Minh đã nhận định trong "Cần Thơ xưa và nay".
Mộ ông Chánh Lãnh binh
Đình Năm Ông (Sóc Trăng) ngày nay, xưa gọi đình Khánh Hưng. Tuy nhiên, ban trung đình không có thông tin gì về Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập -
người được cho là ông Thần ở đình. Ảnh: DUY KHÔI 
Ngôi mộ ông Võ Duy Tập nằm phía sau chợ Bình Thủy, sau đoạn đường ngắn ngoằn ngoèo trong hẻm nhỏ. Đó là ngôi mộ bằng đá ong cổ rộng chừng 30m2, bia mộ bằng đá xanh khắc chữ Hán. Bốn góc và phía trước khu mộ có trụ nhỏ, ngọn tạo khắc hình búp sen. Bà con trong vùng từ xưa đến nay vẫn gọi là mộ ông Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập.
Theo tài liệu cũ viết về Cần Thơ là quyển "Cần Thơ xưa và nay" của cụ Huỳnh Minh (Cánh Bằng xuất bản, 1966), cụ Võ Duy Tập là người xã Long Tuyền, huyện Phong Phú (Cần Thơ xưa), con ông Võ Nguyên, là một nông dân. Từ nhỏ, cụ Võ đã bền chí rèn luyện võ nghệ. Trưởng thành, cụ khuôn phò chúa Nguyễn, sau là vua Gia Long rồi vua Minh Mạng. "Nhà vua thường giao trọng trách cho ông đi dẹp giặc giã nhiều nơi trong nước. Với chức vụ Chánh Lãnh binh, ngày đêm ông tận tâm lo việc an ninh cho dân chúng, rất được lòng dân kính mộ"- cụ Huỳnh Minh thuật lại. Tác giả sách còn kể bấy giờ, giặc thường khuấy rối vùng Tịnh Biên, Châu Đốc, ông được lệnh của quan trấn thủ An Giang đem binh dẹp loạn và chiến thắng hiển hách. Thanh danh ông vang rộng khắp miền Tây. Tuổi già, ông cầm binh đánh giặc ở Sóc Trăng và hy sinh ở Bưng Trop, được đưa về an táng ở quê nhà Long Tuyền. Cụ Huỳnh Minh cho biết thêm, đình Khánh Hưng (Sóc Trăng) có thờ linh vị cụ Chánh Lãnh binh và Ban tế tự từng lên Cần Thơ xin cải táng hài cốt về Sóc Trăng nhưng dân làng Long Tuyền không đồng ý.
Trên đây là những tài liệu hiếm hoi về ông Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập. Ngoài ra, tác giả Nguyễn Sương có dành 7 trang sách trong cuốn "Chuyện làng cổ Bình Thủy Long Tuyền" (xuất bản năm 2011) để nói về cụ Võ Duy Tập. Đáng chú ý là ông đọc được bia mộ, phiên âm như sau: "Đại Nam. Hiển khảo tính Võ Văn Tập chi mộ. Giáp Tý niên, thất nguyệt, sơ bát nhật. Long Xuyên, Anh Thúc thôn, nữ tử phu thị". Tạm dịch: "Đại Nam. Phần mộ của cha là Võ Văn Tập. Ngày 8-7-Giáp Tý. Con gái và chồng ở làng Anh Thúc, tỉnh Long Xuyên lập mộ". Về chữ "Văn" trong bia mộ, lý ra phải là chữ "Duy", tác giả Nguyễn Sương cho rằng đó là sai sót của người thợ đá. Ông còn cho biết vua Tự Đức đã phong Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập là Thần của Đình Khánh Hưng (Sóc Trăng).
Tài liệu "Địa chí Cần Thơ" cũng ghi lại chuyện cụ Chánh Lãnh binh vài dòng, không khác tư liệu của tác giả Huỳnh Minh trong "Cần Thơ xưa và nay" là mấy.
Đi tìm sự thật
Từ những thông tin trên, chúng tôi đã nhiều lần về Sóc Trăng, liên hệ với Bảo tàng tỉnh và các bổn đình trong nội ô Sóc Trăng để tra cứu. Được biết, Đình Khánh Hưng xưa chính là Đình Năm Ông ngày nay. Trong đó, hai vị Thần người Việt được thờ phụng không phải là Võ Duy Tập mà là Chánh Lãnh binh Trần Văn Hòa và Phó Lãnh binh Võ Đình Sâm (Đinh Sâm). Tên hai ông hiện được đặt tên đường ở Sóc Trăng. Ông Trần Thuận Hòa, Phó Ban tế tự đình Năm Ông nhiệt tình chỉ dẫn chúng tôi tìm hiểu các gian thờ, bài vị và cho biết chưa hề nghe về nhân vật lịch sử Võ Duy Tập.
Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập được thờ trang trọng trong đình Bình Thủy. Ảnh: DUY KHÔI
4 năm qua, đồng hành cùng chúng tôi trong việc tìm hiểu thân thế cụ Võ Duy Tập còn có nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có ông Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang), Nguyễn Tấn Vĩnh (Cần Thơ)... Hàng chục tài liệu thời Đại Nam, chúa Nguyễn Ánh, vua Gia Long, Minh Mạng nhưng tuyệt nhiên không có dòng nào viết về cụ. Ông Nguyễn Hữu Hiệp đoan chắc: "Đã là Chánh Lãnh binh- chức quan võ trọng vọng như vậy, sách sử chắc chắn phải ghi. Nhưng không thấy!".
Chúng tôi cũng đã gặp gỡ nhiều kỳ lão ở Long Tuyền- Bình Thủy và có thêm đôi chút thông tin. Ông Trịnh Văn Hoa (tức Ba Giá), nhà ở cách khu mộ hơn 100m, xác nhận khoảng thập niên 1960, khu mộ này còn giữa đồng hoang, có cổng vào đàng hoàng. Hằng năm, có người phụ nữ tên là Sáu Xấu, tự xưng là cháu ngoại của ông Võ Duy Tập mướn ông Ba Giá cõng băng qua đồng nước để đi viếng mộ. Ông Trần Văn Thắng (tức Hai Thắng), 83 tuổi, hiện là chấp sự đình Bình Thủy, cho biết hồi trước, ông vẫn còn gặp cháu nội của cụ Võ, tục gọi "Cậu Hai" chứ không rõ họ tên. Theo ông Hai Thắng, dòng họ cụ Võ Duy Tập người miền ngoài, ông từng được cậu Hai mướn lấy hài cốt, đắp đất cho khu mộ của tổ tiên họ Võ đoạn gần Trà Nóc bây giờ. Ông Hai Thắng nhớ lời cậu Hai thuật lại, khi ông nội- tức cụ Võ Duy Tập mất, dòng họ kết bè đưa tang ông trên dòng sông Hậu, 3 ngày mới đến chỗ chôn, đám tang rình rang một cõi.
Trở lại lý giải của tác giả Nguyễn Sương về việc sai tên trên bia mộ, theo chúng tôi đây là lý giải khó chấp nhận. Bởi, không kể ông là Chánh Lãnh binh, một cụ già bình thường khi mất cũng được con cháu lập bia mộ, bài vị cẩn trọng, đó là "vận mệnh" của một dòng họ, không có chuyện nhóm thợ "hứa sửa, nhưng lời hứa đó cho tới nay chưa thực hiện". Vả lại, chúng tôi đồng ý những chữ mà ông Nguyễn Sương đọc trong hàng Đại tự của bia nhưng chữ "Tập" thì chúng tôi vẫn thấy "ngờ ngợ" giống chữ "Phòng" hay "Phỏng" nhiều hơn (?). Nghi vấn thứ 2 là tác giả Nguyễn Sương cho rằng cụ Võ Duy Tập mất năm Giáp Tý 1864. Tuy nhiên, "Địa bạ triều Nguyễn" ghi nhận, năm 1864 chưa có tỉnh Long Xuyên; mãi đến năm 1900 mới có tỉnh Long Xuyên.
Tác giả Nguyễn Sương còn nghe lời kể của bà Sáu Xấu- cháu ngoại cụ Võ Duy Tập khi cho rằng, Võ Duy Tập là con của Võ Nguyên, cháu kêu tướng Võ Nhàn bằng bác ruột, gọi Danh tướng- Quận Công Võ Tánh là ông nội. Sự thật, tướng Võ Nhàn không phải là con mà là anh ruột của tướng Võ Tánh. Về phần Võ Nguyên, sử liệu cũng chưa ghi nhận tướng Võ Tánh có người con nào tên như vậy mà ông chỉ có với công chúa Ngọc Du hai người con gái và người con trai tên Võ Khánh. Võ Khánh sau là thông gia với vua Minh Mạng, tức cha chồng của Lộc Thành công chúa- Nguyễn Phúc Uyển Diễm, con gái thứ 3 của vua Minh Mạng. Lại nữa, cả sách của cụ Huỳnh Minh và Nguyễn Sương đều cho rằng ông từng cầm binh đánh tại Nước Xoáy (Sa Đéc), Ba Rài (Đồng Tháp)… Chúng tôi lại thấy "na ná" hành trạng của Quận Công Võ Tánh.
Lời bạt:
Đến đây, chúng tôi cũng không dám khẳng định gì về tiểu sử, công trạng của nhân vật được cho là Chánh Lãnh binh, khuôn phò 1 đời chúa, 2 đời vua. Ngôi mộ trăm năm này đến nay vẫn được bà con trong xóm chăm sóc, cúng kính hằng ngày với tấm lòng ngưỡng vọng. Khoảng nửa thế kỷ trước, đường Cách Mạng Tháng Tám, từ đoạn giao với đường Nguyễn Văn Cừ đến cầu Bình Thủy chính là đường Võ Duy Tập. Tại đình Bình Thủy, gian thờ cụ cũng sớm hôm nghi ngút khói hương với hàng chữ rành rành "Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập", chân dung bằng lụa nổi trang trọng, hai bên là đôi liễn đối: "Trung liệt phong thanh lưu bất hữu. Anh hùng chánh khí lẩm như thinh". Sự tôn thờ ấy, lời văn ngưỡng vọng ấy, lẽ nào lại không có căn cứ? Thế nên, việc tìm hiểu ngọn nguồn thân thế, sự nghiệp của người nằm trong ngôi mộ này là điều rất nên làm, ngõ hầu bày tỏ tấc lòng của hậu thế. Như lời cụ Huỳnh Minh tâm tình về cụ Võ Duy Tập: "Ông là người của Cần Thơ, của miền Tây, lúc sống ông đã phục vụ dân chúng miền Tây tận tâm tận lực, đến chết nắm xương cũng gởi vào lòng đất miền Tây, đáng thương đáng kính".
Rất mong nhận được những phản hồi quý báu của độc giả! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét