Nhà văn Sơn Nam đã viết: "Nét đặc trưng của đình miếu Nam bộ (kể luôn Bình Thuận, Trung bộ, là địa bàn của Gia Định thành do Tả quân Lê Văn Duyệt cai quản) trong dịp cúng tế Kỳ Yên đều có lễ Xây Chầu Đại Bội, rồi mới đến hát bội!" ("Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam và Thuần phong mỹ tục Việt Nam", NXB Trẻ- 2014).
Xây Chầu Đại Bội tại đình Long Hồ, phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
|
Mỗi địa phương trên cái nền chung sẽ có cách Xây Chầu Đại Bội riêng, do giao thoa văn hóa, tín ngưỡng bản địa. Bài viết này xin khái quát về Xây Chầu Đại Bội và đi sâu tại các di tích văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia ở Vĩnh Long.
Khái quát về Xây Chầu Đại Bội
Xây Chầu còn gọi là khai tràng, khai thiên lập địa, khai thông thái cực. Lễ này vốn bắt nguồn từ lễ Đại Bội, diễn ra trong cung đình nhà Nguyễn, mang ý nghĩa cầu an, tôn kính trời đất để mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân được yên ổn làm ăn. Muốn như thế thì phải tuân theo vận hành của trời đất. Bởi vậy, Xây Chầu còn là dùng tiếng trống chầu đánh rõ từng tiếng để báo hiệu đất trời vào mùa mới. Trống được sơn màu đỏ, mặt trống có hình âm dương. Người đánh trống phải được dân làng kính nể, đồng thời có sức khỏe để đánh trống xuyên suốt và phải giữ mình trong sạch trong những ngày cúng, trường chay ba ngày.
Thường tiến hành sau lễ Túc Yết, nghi thức Xây Chầu nhằm báo hiệu khai hội, hay trước khi các đoàn hát bội phục vụ. Trước khi hành lễ Túc Yết một ngày, Ban hội hương đình cử người đi bàn bạc với ông bầu gánh hát bội, chủ yếu là số thứ hát (suất hát). Nếu hát một thứ thì các Ban quý tế thường chọn diễn San Hậu (tôn vương), Phàn Lê Huê (tôn nữ soái), Tiết Nhơn Quý (tôn soái), Lưu Kim Đính, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ (tôn soái)... Còn nếu hát hai ba thứ, trong nhiều ngày thì mấy tuồng đầu tùy ý, nhưng tuồng cuối kết thúc phải là tuồng tôn vương, tôn soái.
Trong đó, San Hậu là vở tôn vương rất được ưa thích. Bởi vì hồi thứ ba của tuồng này có màn hoàng tử được dâng ấn kiếm tôn vương, khi đó một hương chức trong Ban tế lễ cầm lọng che hoàng tử trịnh trọng bưng ấn kiếm trên tay, tiến đến bàn thờ Thành hoàng. Ông Chánh tế đứng sẵn ở gần đó, tiếp nhận ấn kiếm, rồi ông cùng một hương chức khác cầm cây nến đỏ đang cháy, đi giật lùi, đặt ấn kiếm lên bàn thờ thần. Đào kép khi ấy chia ra đứng thành hai hàng. Một kép xướng theo nghi lễ: Phản tiền di hậu và rồi Phản hậu di tiền. Xướng xong, các đào kép cùng hát tung hô.
Sau khi bàn bạc cách tổ chức các thứ hát bội, cũng như chọn các vở tuồng ưng ý, các Hương chức cử người làm lễ rước bàn thờ Tổ hát bội về đình, chuẩn bị tổ chức xây chầu.
Nghi thức Xây Chầu Đại Bội
Có 3 loại: Xây Chầu Văn, Xây Chầu Võ và Xây Chầu bán Văn bán Võ. Ở Xây Chầu Văn, câu chú được đọc thầm trong miệng. Xây Chầu bán Văn bán Võ không khác Xây Chầu Văn nhưng câu chú được đọc ra phải uy nghi, dõng dạc. Người được cử đánh trống chầu được gọi là Chánh Tế Ca Công, thường là người lớn tuổi, có học thức, biết chữ Nho; thường mặc áo dài, đầu chít khăn đóng. Ở nghi thức Xây Chầu Võ, người đánh trống chầu ăn mặc theo lối võ sĩ, đọc các câu chú một cách dũng mãnh, vừa đánh trống vừa múa theo điệu trống võ. Nghi thức này ngày nay chỉ được sử dụng trong các lễ hội lớn vì quy định rất nghiêm ngặt, không được sai sót.
Sau đây là nghi thức Xây Chầu Đại Bội diễn ra ở Vĩnh Long mà người viết sưu tầm được, theo nghi thức bán văn, bán võ.
Khai lễ là cổ quan (cổ là trống) làm lễ thỉnh roi chầu (còn gọi là dùi trống) tại bàn thần ra sân khấu. Cung nghinh chư thần tại sân khấu và đặt bàn chư thiên tại sân khấu nguyện ba câu. Nhất nguyện: Đương kim thánh thọ và thần hoàng bổn cảnh (thêm tên địa phương vào). Nhị nguyện: Cơ đồ củng cố, đế đạo hà xương / Phật nhựt tăng huy, pháp luân thường chuyển. Tam nguyện: Chư thánh chư thần /An lai tọa vị.
Nguyện xong thì tam bái. Nhất bái: Thiên linh giáng phước. Nhị bái: Địa ứng tinh tường. Tam bái: Chư thánh chư thần /
An lai tọa vị. Bái xong đứng dậy chấp tay phục vọng: Tứ vị dương thần / Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương (tứ tượng) / Thái sơ, Thái thủy / Đồng lai phối hưởng. Sau đó chấp tay cung nghinh cùng lúc nhạc sanh hòa tấu bài "Cửu khúc tiếp giá nghinh thiên" (đánh trống ba hồi, chín chặp).
An lai tọa vị. Bái xong đứng dậy chấp tay phục vọng: Tứ vị dương thần / Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương (tứ tượng) / Thái sơ, Thái thủy / Đồng lai phối hưởng. Sau đó chấp tay cung nghinh cùng lúc nhạc sanh hòa tấu bài "Cửu khúc tiếp giá nghinh thiên" (đánh trống ba hồi, chín chặp).
Chấp sự (tức người xây chầu) cầm ba cây nhang làm lễ trống mộc khoán trước sân khấu: Án Võ Vương vệ đạo / Mộc Lan Mộc lam tống khứ tha phương / Trừ tà ma quỉ mị / Khổ lang bất khả xâm nhập / Đương Ngô giả tử / Chí ngô giả vong / Cửu Thiên Huyền Nữ / Cấp cấp như luật lệnh. Sau đó quay khoán (bùa) cây cột hướng Đông, Tây, Nam viết bốn chữ Nho "Càn pháp luân chuyển". Riêng hướng Trung ương vẽ trong không gian Tứ tung ngũ hoành (năm nét ngang, bốn nét sổ dọc).
Sau đó giữa sân khấu lập thế đứng chữ đinh, mắt hướng về hướng Tây vẽ bùa vô roi trống "Càn pháp luân chuyển", khoán trên mặt trống bùa "Tứ tung ngũ hoành", phục vọng: Tứ đại vương thần / Ngô thần khởi cổ ứng thinh (đánh trống) / Nghinh thần lai trợ ngô thân / Cấp cấp như luật lệnh. Rồi cầm cây dùi rút vào trong thân hình mình đả (gõ) vào thân trống: Nhất đả ứng thinh, trừ hung bạo. Xoay trống theo vọng ví (từ phải qua trái, ngược chiều kim đồng hồ): Nhị đả cổ thinh, trừ tà ma quỉ mị. Xoay trống lần hai: Tam đả cổ thinh, tống chư ác khí.
Chấp sự lại hô: Nhất điểm cổ thiên thông thiên thượng chí (đánh lớn trống) / Nhị điểm địa ứng tinh tường (đánh lớn trống) / Tam điểm chư thần an lai bửu vị. Sau đó tiếp tục hô: Nhất long thấu triệt chí thiên đình (đánh trống) / Nhị long thấu triệt chí trung giới (đánh trống) / Tam long thấu triệt chí diêm cung (đánh trống) / Phục vọng chư thánh (đánh trống) / Phục vọng chư trống (đánh trống) / An lai bửu vị (đánh trống) / Pháp cổ linh thông (đánh hai tiếng trống) / Thái bình (đánh ba tiếng trống) / Nhất mãn cổ thinh nghinh phú quí (Phúc- Lộc- Thọ) (đánh 20 tiếng trống) / Nhị mãn cổ thinh tiếp tam đa (đánh gấp đôi 40 tiếng trống) / Tam mãn cổ thinh gia hưng thới (đọc tên địa phương vào, đánh 60 tiếng trống). Đánh 2 dùi rục… rục… / Nam thanh (kép hát bội dạ) / Nữ tú (đào hát bội dạ) / Đồng tiếp chuyển ca công thành đạt. Nhạc khai tràng.
Tới đây ông Chánh tế sẽ ném roi chầu, công chúng sẽ giành cây roi ấy, bởi sau đó ông Chánh tế sẽ chuộc lại với lễ hậu. Lúc kết thúc thứ hát bội cuối cùng, tôn vương, Chánh tế dâng ấn kiếm lên bàn thờ Thành Hoàng. Lễ ấy gọi là lễ Hồi Chầu, mới chính thức kết thúc Xây Chầu Đại Bội. Trong suốt các thứ hát, ông Chánh tế phải theo dõi liên tục để đánh trống khen chê.
Đây là kiểu Xây Chầu Đại Bội điển hình hiện nay ở Vĩnh Long, tại các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Miếu Công Thần, Đình Long Thanh…) và những di tích cấp tỉnh (Đình Long Hồ, đình Hiếu Thuận, đình Hòa Mỹ…).
Tam giáo đồng nguyên
Khi nói đến tín ngưỡng dân gian ở ĐBSCL, người ta nghĩ ngay đến Lão giáo. Lão giáo đến Việt Nam và tồn tại dưới hình thức tín ngưỡng với những quan niệm như Ngọc Hoàng, Tây Vương Mẫu, các vị thần, tiên ở thiên đình có tổ chức giống như triều đình. Dân gian cũng đề cập đến phép tu tiên, đạo sĩ luyện bùa Lỗ Ban, có thể giao tiếp với thần, thánh, tiên, Phật. Ở góc độ đó, Chánh Tế Ca Công đóng vai trò như một đạo sĩ. Ông thỉnh roi chầu (dùi trống) từ bàn thờ Thần Hoàng bổn cảnh, mượn lịnh Thành Hoàng, Ngọc Đế, diễn lại tích sự hình thành vũ trụ, nhân sinh theo Kinh Dịch. Điều này lại là quan niệm của Nho giáo, trước tiên trừ điều xấu, sau cầu quốc thái, dân an, tam đa (phước- lộc- thọ), hưng thịnh. Trong các câu nguyện cũng có: "Phật nhựt tăng huy, pháp luân thường chuyển", thể hiện triết lý của Phật pháp. Rõ ràng, trong Xây Chầu Đại Bội, dân gian quan niệm tam giáo đồng nguyên.
Nguyễn Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét