Những đứa trẻ Xê Đăng (Quảng Nam) sinh ra được người cha đưa phần rốn, nhau thai treo trong rừng.
Là người dưới xuôi lên mưu sinh ở ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), chị Nguyễn Thị Hồng Thương có một kỷ niệm nhớ đời với cánh rừng rốn của người Xê Đăng ở làng Tắk Long, xã Trà Cang.
Những đùm rốn được người dân Xê Đăng treo trong rừng. Ảnh: Đắc Thành
|
Theo chị Thương, cách đây mấy năm, chị lên Tắk Long dựng nhà mở quán bán hàng. Cũng như người địa phương, gia đình chị phát rừng, chặt cây lau, đót, nứa đốt làm nương rẫy.
“Một hôm tôi đốt lửa không may gặp gió lớn, cháy lan sang khu rừng bên cạnh. Hai vợ chồng hốt hoảng kêu dân làng ra cứu hoả. Thấy vậy mọi người la hét: Mày đốt chết con tao rồi”, chị Thương nhớ lại.
Sau khoảng 30 phút, ngọn lửa được khống chế. Lúc này, dân làng Tắk Long mới nói với chị, đó là cánh rừng rốn linh thiêng. Nơi nhiều đời nay, người dân trong làng treo rốn trẻ con. Có đến cả nghìn đùm rốn trên cành cây ở trong đó.
Theo luật tục, chị Thương đã làm hại đến cánh rừng thiêng nên phải nộp phạt cho làng. Thể lệ được tính theo đùm rốn treo trong rừng mà ngọn lửa gây hại. Mỗi đùm rốn chị Thương nộp một con gà để các gia đình cúng thần linh mong xóa tội. “Tổng cộng tôi mua 15 con gà, mỗi con trên một kg đưa các hộ gia đình, họ mời thầy cúng về làm lễ”, chị Thương kể.
Già làng Tắk Long Hồ Văn Đen cho biết, mỗi làng Xê Đăng đều có một khu rừng rốn linh thiêng. Ảnh: Đắc Thành
|
Già làng Tắk Long Hồ Văn Đen cho hay, từ xa xưa cha ông người Xê Đăng đã thực hiện tập tục trên và truyền cho con cháu thực hiện. Mỗi người đàn ông trong cộng đồng khi cưới vợ, sinh con đều phải tuân thủ. Em bé vừa ra đời thì người cha lấy phần rốn, nhau thai và những vật dụng như áo quần, khăn quấn... có dính máu gói lại cẩn thận, đưa vào rừng rốn của làng treo lên cành cây.
"Tất cả những ngôi làng Xê Đăng sống quanh ngọn núi Ngọc Linh đều có rừng rốn", già Đen nói.
Ông cũng cho biết, người Xê Đăng quan niệm, người chết nằm dưới – về với đất. Đứa bé sinh ra phải ở trên - sống trên đời. Nhau thai, rốn đều có linh hồn, nó còn sống, do đó không thể chôn mà phải treo lên.
“Bất cứ ai đụng đến rừng rốn, ví dụ như chặt cây, sắn bắn thì đều bị coi là vi phạm tập tục của làng và phải nộp phạt. Người Xê Đăng quan niệm đùm rốn có giá trị từ khi đứa trẻ sinh ra cho đến lúc già yếu. Khi người đó qua đời đưa chôn cất thì đùm rốn không còn ý nghĩa, tuy nhiên nó vẫn treo trong rừng, không ai được đụng đến”, già Đen cho hay.
Anh Hồ Văn Đơn có vợ vừa sinh con được 15 ngày chia sẻ, anh được cha mẹ truyền lại tập tục treo rồi và thực hiện theo.
“Vợ tôi sinh xong thì tôi đi vào rừng treo rốn cho con. Giữa đám cây, tôi chọn cành vững chắc để treo, mong con mình sẽ mạnh khoẻ”, anh Đơn nói.
Người dân đốt nương trồng lúa quanh khu rừng rốn, không đụng chạm đến cây xanh ở rừng này. Ảnh: Đắc Thành
|
Anh Đơn cho biết thêm, khi đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển, nhiều người nêu vấn đề tập tục treo rốn không còn phù hợp. Tuy nhiên, nhiều dân làng vẫn thực hiện do thói quen, hơn nữa nhờ có rừng rốn mà nhiều cánh rừng được giữ lại, không bị chặt phá.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết chính quyền đang nỗ lực tuyên truyền để người dân không thực hiện tập tục treo rốn, thời gian qua đã có xu hướng giảm.
"Chúng tôi đưa ra các chương trình giúp người dân xoá đói giảm nghèo. Huyện phân công, cứ một hộ nghèo thì có ba công chức theo dõi, giúp đỡ và phổ biến kiến thức, văn hóa cho họ, từ cách thức làm ăn, canh tác hiệu quả cho đến chi tiêu hợp lý”, ông Bửu chia sẻ.
Ngoài ra, dựa vào lợi thế sâm Ngọc Linh trên địa bàn, huyện đã thành lập trung tâm để nhân giống, cấp giống miễn phí cho người dân trồng để phát triển kinh tế.
Đắc Thành
Tục đổi gà để cúng 'cái chết xấu' của người Xê Đăng
Người Xê Đăng (Nam Trà My, Quảng Nam) quan niệm ăn lá ngón, treo cổ tự tử là “cái chết xấu”, do con ma gây ra. Để chặn ma về làng, họ chọn gà đen làm vật tế cúng.
Trời chiều, sương mù bao phủ trên dãy núi Ngọc Linh, xã Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam). Tại tiệm tạp hóa Năm Thương, nóc Tắk Long, thôn 3, hai phụ nữ ôm con gà bước vào quán. Một người tên Hồ Thị Nếu đặt con gà xuống đất nói: "Mình đem đổi lấy con gà khác về cúng, chứ con này lông màu trắng, không cúng được cái chết xấu".
Chị Hồ Thị Nếu đổi gà trắng lấy gà đen về làm lễ cúng đuổi ma. Ảnh: Sơn Thủy.
|
Chị Nếu cho biết, hôm kia Hồ Văn Thá (16 tuổi) ở cùng nóc ăn lá ngón chết, nay làng làm lễ cúng chặn ma về. "Phải cúng gà đen, không được cúng gà trắng. Con này màu vàng pha vài cọng lông trắng, không được", chị Nếu nói.
Người chủ quán hỏi: "Sao không nuôi gà đen mà cúng lại nuôi gà trắng?". Chị Nếu cười nói: "Hắn đẻ ra mình có biết mô, mà nuôi rồi đi đổi cũng dễ mà".
Cuộc trao đổi tại quán rất sòng phẳng, con gà được đưa lên bàn cân, nếu trọng lượng thừa ra thì chủ quán trả thêm tiền cho người đổi, nếu thiếu người đổi sẽ bù thêm. Người dân không quan niệm gà ngon hay dở, chỉ chú ý đến màu lông.
Từ bao đời nay, người Xê Đăng quan niệm người "chết xấu" có thể bắt người sống. Họ sợ con ma về làng bắt một ai đó. Hôm Thá chết, dân làng giục gia chủ nhanh chóng đưa đi mai táng. Chưa cần cha mẹ Thá lo, anh em Thá cùng đám thanh niên đã kiếm chiếc chiếu quấn thi thể Thá và đưa vào rừng chôn. Xong việc, cả làng làm một lễ cúng chặn ma về tại đoạn đường cuối làng dẫn vào rừng.
Từ chiều, đám thanh niên chuẩn bị "đồ nghề" gồm hai cây đót to, chưa trổ bông. Mỗi cây để lại 5 lá, sau đó gấp ngắn lại thành hình cung. Cây đót buộc thêm hai lá cây rừng to bằng bàn tay và hai chùm cây cỏ. Khi trời sắp tối, họ cắm xuống con đường mòn và tổ chức lễ cúng. Lễ vật chỉ gồm con gà màu đen và rượu.
Để chuẩn bị lễ cúng chặn mà về, đám thanh niên lấy 2 cây đót cắm ở cuối đường dẫn của làng, nơi đưa người xấu số đi mai táng. Ảnh: Sơn Thủy.
|
Một thanh niên cho biết những ai "chết xấu" làng không thương, chỉ quấn chiếc chiếu rồi đưa vào rừng mai táng. Chôn xong không ai quay lại đó nữa. Những người đưa đám khi về cũng không đi đường cũ mà tìm đường khác để về vì sợ con ma đi theo.
"Về đến làng, họ tổ chức lễ rào cổng làng để con ma không có đường tìm vào. Còn những ai không phải chết xấu, làng mua quan tài về mai táng đàng hoàng, không bịt đường làm gì", người này lý giải.
Khi xong các phần lễ, thầy cúng cầm con dao rựa để gần trán, miệng lẩm nhẩm bằng tiếng Xê Đăng. Lúc này, tất cả mọi người trong làng đuổi khách đi. Họ giải thích "làng mới có người chết nên người lạ không được vào. Các anh chụp hình cũng ít thôi, chụp nhiều con ma nhìn thấy lại tìm đường về".
Một người dân ở Tắk Long thông tin, từ đầu năm đến nay có 2 người làng chết vì ăn lá ngón. "Cứ liên tục như vậy thì làng hết người mất thôi. Lễ cúng mong muốn dân làng được bình yên, ma không về quấy phá", người này nói.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó chủ tịch xã Trà Cang cho biết, cán bộ nhiều lần đến các nóc gặp người dân để tuyên truyền về hủ tục cúng "cái chết xấu" nhưng không thuyên giảm.
"Lá ngón nhiều, diệt không thể hết. Người dân tìm đến lá ngón có thể do cuộc sống khó khăn, hay đơn thuần tức giận. Có cái chết tôi không hiểu nổi, như nghe người ta nói ăn lá ngón chết, có người không tin, tìm ăn thử. Càng như vậy cái chết xấu được nhân lên và dân làng lại đổ tại ma bắt mới chết", ông Bằng nói.
Sơn Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét