Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Hải Phòng: Độc đáo ngôi miếu cổ nghìn năm bên hồ An Biên



Miếu cổ An Đà (phường Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng) với nhiều nét độc đáo. Ảnh Trần Vương
Miếu cổ An Đà (phường Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng) với nhiều nét độc đáo. Ảnh Trần Vương
Miếu cổ An Đà (phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) được xem là một trong những ngôi miếu cổ xưa, dáng vẻ uy nghi, phong cách kiến trúc độc đáo tại thành phố Cảng.
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, miếu An Đà thờ hai vị nữ thần được phong là Thành Hoàng làng. Những vị thành hoàng làng thường hiển hiện linh ứng che chở cho dân, trừ tai, ngăn họa, phù hộ đất nước. Vì vậy được các triều đại ban tặng sắc phong.
 
Cổng miếu xây kiểu nhất môn, có hai cây bồ đề và cây đa cổ thụ, cành lá xum xuê. 
Một vị là Nữ Minh thần Hiển Linh, được triều Nguyễn ban thần hiệu là: Đôn ngưng dực bảo trung hưng tĩnh hậu đương cảnh Thành hoàng hiển thánh tôn thần. Bà là tùy tướng của nữ tướng Lê Chân, lập được nhiều chiến công, hy sinh trong chiến đấu. Sau bà được an táng tại gò Cao ấp Đà Cụ, nơi đặt miếu An Đà ngày nay.
 
 Một không gian rất yên bình của ngôi miếu được lập nên từ thời xa xưa.
Một vị là Tỳ Bà liệt nữ Lê triều Hoàng phi trang huy dực bảo trung hưng trinh nghĩa Nguyễn Thị thượng đẳng thần. Bà là Hoàng phi của vua Lê Chiêu Thống. Khi đức vua gặp nạn, Hoàng phi đã tuẫn tiết theo chồng. Tấm lòng của bà được quan dân thương mến cảm phục. Vua Gia Long sai dựng bia mộ, ban tặng: “An Trinh tuần tiết Nguyễn Thị Kim”.
 
 Phía trước khu nội tự của miếu An Đà là một hồ bán nguyệt. 
 
Miếu An Đà nhìn qua hồ bán nguyệt, trông ra phía hồ An Biên.
 
Kiến trúc của miếu An Đà khá độc đáo.
 
Miếu có mặt bằng kiến trúc chữ “Đinh”, gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung. Trong ảnh: Nơi thờ tự của 2 vị thành hoàng làng. 
Bà Phan Thị Bình – Ban Quản lý khu di tích, thủ nhang miếu An Đà cho biết: Đây là một trong những ngôi miếu nổi tiếng linh thiêng khắp vùng. Ngày nay, vào các ngày rằm, mùng một, các ngày lễ miếu có rất đông người đến đây thắp hương, cầu khấn. Hương khói luôn nghi ngút.
 

 
 Ngôi miếu nổi tiếng linh thiêng, có rất nhiều người dân đến cầu khấn, hương khói.
 
Phía sau ngôi miếu có 1 cây đại lớn, có niên đại khoảng hơn 400 năm tuổi. Cây đại này được công nhận là cây di sản Việt Nam. Hoa đại rụng trắng đầy sân tạo nên mùi thơm và một không gian thật đẹp.
 
Cây đại cao lớn vượt cả mái nhà. 
 
Đặc biệt, bức tường bao quanh miếu An Đà còn có những bức phù điêu, tái hiện lại không gian và phong tục tập quán xa xưa của làng An Đà. 
Ngôi miếu có từ thời xa xưa, trải qua biến thiên của thời gian, qua nhiều năm tôn tạo, miếu An Đà vẫn giữ được dáng vẻ uy nghi và phong cách kiến trúc, bảo tồn được nguyên vẹn một số hiện vật cổ xưa văn bia, tập tục thể hiện rõ sắc thái bản địa. Hàng năm, ngày 15 tháng giêng là ngày khánh hạ Nữ Thần hiển linh, ngày 12 tháng 10 là ngày hóa của Hoàng phi Trinh Nghĩa Nguyễn Thị. 
VƯƠNG TRẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét