Kỳ quan núi Thủng Phja Piót ở Trà Lĩnh, Cao Bằng. Ảnh: Phạm Khoa
Dự án Công viên địa chất toàn cầu (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã thành hình hài rành mạch, cơ sở vật chất tươm tất, hồ sơ hoàn chỉnh đã trình lên Mạng lưới CVĐC quốc tế và nếu không có gì thay đổi, đầu năm 2018, Việt Nam ta sẽ được nhân loại tiến bộ ghi nhận thêm một kho di sản thiên nhiên, địa chất, văn hóa, lịch sử, tộc người lừng danh thứ hai (sau CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang).
CVĐC “Non nước Cao Bằng” kỳ thú trải rộng 3.000km2, trùm lên 6 huyện là nơi tụ cư lâu đời của 9 dân tộc ở vùng sơn thanh thủy tú.
Một trong những địa điểm khiến giới yêu thích du lịch khám phá chắc chắn phải ngỡ ngàng sửng sốt. Ấy là địa danh Núi Thủng Nậm Trá, dân “phượt” thì đặt nó cái tên mỹ miều thời thượng “Tuyệt tình cốc Cao Bằng”. Các nhà khoa học quốc tế lên nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng lại dùng cả một trường liên tưởng mộng mơ để gọi tên Núi Thủng: Mắt của Thần núi, “Mountain Angel Eye”.
Lạc vào “tuyệt tình cốc” hoang sơ - Núi Thủng Phja Piót
Nằm trong khu vực Thang Hen, với hệ thống 36 hồ liên thông nhau, trong một vài giờ tự dưng nước sôi réo và rút cạn toàn bộ; trong vài khoảnh khắc sau đó, có khi mênh mông bể nước lại tự dưng ào ạt đầy ăm ắp. Cứ như có pháp thuật của chư tiên chư thánh.
Với những vùng cỏ mượt mênh mông bên hồ nước xanh và các hang sâu không đáy phủ rêu xanh lởm chởm nhũ đá; với từng đàn gia súc lớn thung thăng chơi đùa gặm cỏ trên các thảo nguyên bát ngát xanh ở nơi vài tháng trước còn là đáy hồ - quả thật, ngọn núi bị dùi thủng một lỗ đường kính tới 50m ở giữa lưng trời đó xứng đáng trở thành một danh thắng - điểm đến quyến rũ vào hàng thứ thiệt của chúng ta.
Biết chúng tôi từ Hà Nội lặn lội 300km đèo dốc lên, lại sắp vượt đèo Mã Phục ngoằn ngoèo để đi bộ cả buổi vào khám phá Mắt của thần núi, anh Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cứ lo cuống cả lên. Có lẽ người đàn ông yêu thiên nhiên, thích hát then đàn tính, lại vốn là Tổng biên tập Báo Cao Bằng này thấy cái tình thương “cùng hội cùng thuyền” với nhà báo Hà Nội.
Anh bèn cử nhà nhiếp ảnh Phạm Ngọc Khoa, cán bộ chuyên trách về mảng CVĐC của Sở lên xe chúng tôi làm hướng đạo. Anh Khoa đương kim còn là Phó Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh tỉnh nhà, nên cái mê mẩn với non nước Cao Bằng đã có từ trong huyết quản.
Anh bảo, đi Núi Thủng vất vả nhưng bù lại nó bồi bổ tâm hồn người ta lắm. Đến đó, người ta cảm thấy rõ hơn bao giờ hết sự bí ẩn, sự kỳ diệu và kỳ vĩ của thiên nhiên xứ sở, thấy những sân si thường nhật của mình thật “phất phơ lông vịt”.
Tôi khoe, em vừa đi Trương Gia Giới rồi Viên Gia Giới của vùng Hào Nam,Trung Quốc về. Cái CVĐC nổi tiếng khắp gầm trời này cũng có dạng Phja Piót. “Núi Thủng” của họ thủng ra một lỗ lớn, ở lửng trời bát ngát, lúc nào mây trắng cũng ùn ùn đùn ra như cái ống khói lò sưởi của thiên đàng.
Người Trung Quốc đặt tên đó là Thiên Môn Động, cái cửa lên giời. Tôi thì nghĩ đó là chỗ giống như Động Từ Thức của ta ở Nga Sơn, Thanh Hóa trong truyền thuyết, là nơi “ngàn năm ngơ ngẩn ánh trăng chơi” cho Lưu Nguyễn nhập thiên thai. Hàng năm, thế giới đều tổ chức cuộc thi lái trực thăng bay xuyên qua Lỗ thủng Thiên Môn Động, phim Avatar của Hollywood cũng được đóng tại khu vực này.
Họ xây dựng cáp treo, cầu kính, thang máy và 12 đợt thang cuốn liên hoàn - toàn dạng kỷ lục thế giới - để khách du tót lên đỉnh mây mù “bát ngát xa trông”. Trông xuống con đường mình vừa đi qua, đường trắng nõn, uốn lượn đủ 99 khúc cua “ruột mèo”, như sợi dây chão rối mù qua các thảm rừng xanh. Bất kỳ ai cũng phải sửng sốt! Anh Khoa bảo, tớ chưa đến đó, nhưng tớ băn khoăn, ở nước họ, không gian làng bản, những bờ rào đá, hồ nước xanh và cỏ mượt có tuyệt mỹ như Núi Thủng quê tớ không?
Quả thật, phía sau các đèo dốc chóng mặt bao giờ cũng là một thế giới đáng ngưỡng mộ của thiên nhiên tuyệt bích. Có lẽ người ta phải biết ơn những con đèo khiến ngựa của binh hùng tướng mạnh cũng phải quỵ ngã rồi đặt thành tên như “Mã Phục đèo”. Đèo ngăn những thói hư của phố thị, đèo giữ gìn sự tinh khiết của con người và thiên nhiên sau nách núi.
Lưng đèo Mã Phục, với các khúc cua chằng chịt bỏ lại phía sau, với các vách đá cao đến mức ngẩng lên ngắm thì ai cũng phải rơi mũ khỏi đầu mình. Bao năm qua lại, chưa bao giờ tôi dám dừng lại chụp ảnh kỳ quan đèo đốc này, vì sợ gây tai nạn hoặc ách tắc đường xá lên đèo vốn đã quá chật hẹp.
Nay, CVĐC Non nước Cao Bằng đã làm được một việc nhỏ mà rất tuyệt: Họ san ủi mặt bằng, dựng các bảng giới thiệu di sản địa chất ven đèo Mã Phục trên những tấm biển kiên cố theo đúng tiêu chuẩn của mạng lưới CVĐC toàn cầu.
Ven đường đèo, họ cắm biển có chữ “P” (parking) rồi hướng dẫn là vào đây mà đỗ xe thoải mái. Đỗ xe để thưởng thức bước đi triệu triệu năm của vỏ trái đất hiện lên trên mỗi khúc đường cua. Chỗ này là mỏm núi “sống ảo”, ai đứng đó chụp ảnh vươn mình ra núi thắm rừng xanh và các khúc cua cuồn cuộn bên dưới thì bạn sẽ thấy mình như đang bay giữa không trung. Ai cũng thích “tự sướng” một vài chục “pô” ảnh để “check in”, kiểu Lão Tôn đã đến nơi này.
Đi vào phía huyện Trà Lĩnh, bắt đầu đến khu vực của Thang Hen - 36 hồ nước liên thông nhau “lừng danh thiên hạ” thì anh Khoa bảo rẽ vào xã Quốc Toản. Núi Thủng nằm ở hướng phía sau của một con hồ phụ, nằm trong quần thể 36 hồ Thang Hen. Đầu xóm Bản Danh, người Cao Bằng đã dựng biển, chỉ dẫn, đầy đủ thông tin về Núi Thủng, Mắt của thần núi.
Anh Khoa mải mê chụp ảnh, những bờ rào đá uốn lượn, cái màu xám thời gian đến nao lòng, vài lọn khói phất phơ bay lên khỏi mái nhà lợp ngói máng âm dương nâu trầm gội nước thời gian. Những ruộng lúa trải hun hút về phía thung xa. Những phụ nữ Tày gùi ngô lúa, cõng cỏ rả đi lui cui bên sườn núi, gặp khách lạ họ cởi mở hỏi chuyện và chưa bao giờ nghĩ mình cần phải trục lợi từ đoàn du khách đến thưởng lãm quê mình.
Người Tày chia đường làm hai nhánh, nhánh cho trâu bò đi, thậm thụp ven ruộng rẫy; nhánh người đi bộ thì thấp thểnh đá men theo các triền bờ rào đá. Lạc vào các bản làng kiểu này, dường như chúng tôi quên mất cảm giác chờ đợi ngắm kỳ quan Núi Thủng. Hóa ra, hạnh phúc là trên đường đi, chứ chưa chắc đã chỉ là riêng điểm đến.
Theo tiếng của bà con người Tày bản xứ, thì Mắt Thần Núi có tên địa phương là “Phja Piót”, dịch ra là cái núi bị thủng một lỗ, dùi xuyên qua như để gió lùa thông thống bên nọ sang bên kia. Tài liệu chính thức, đã được các chuyên gia hàng đầu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên Môi trường), cũng như các chuyên gia quốc tế hàng đầu của mạng lưới CVĐC toàn cầu thẩm định và ban bố, ghi rõ: “Mắt Thần Núi thật ra là một cái hang thủng hình tròn đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ (Thang Hen).
Hang nằm ở độ cao như hiện nay là do vận động nâng trong giai đoạn Tân kiến tạo. Hang phát triển trong địa hình đá vôi dạng tháp ở độ cao chung khoảng 650-700m, bao gồm các khối núi dạng tháp và dạng nón đan xen với hàng chục hồ nước lớn nhỏ, cùng tạo nên hệ thống hồ Thang Hen”.
Bên cạnh các con hồ xanh mơ màng, là hệ thống hang động ngược từ hồ lên núi cao. Thượng nguồn hang Thang Hen, gần đây còn xuất hiện các hồ sụt lún rộng 100m, sâu 70-100m. Cùng với hang hố ngầm hút nước và phun nước (cửa hiện) là hệ thống sụt lún phô bày trên núi cao.
Các hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này khiến cho khu vực Núi Thủng đầy hang hốc và cửa biến cửa hiện bí ẩn này lại càng khiến cho vùng cao phía Bắc của biên cương Cao Bằng thêm mời gọi.
“Nét độc đáo của hệ thống hồ Thang Hen là các hồ liên thông với nhau và với các dòng chảy mặt hoặc dòng chảy ngầm. Vì thế mực nước các hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột. Đến tham quan Mắt Thần Núi vào mùa mưa (tháng 6 - 8 hàng năm), sau khi đi hết con đường mòn, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy cả một hồ nước rộng khoảng 15ha có tên là Nậm Trá.
Nhưng vào mùa khô, từ tháng 9 đổ đi, cũng tại nơi này, người dân lại có thể chăn thả gia súc lớn trên các mênh mông đồng cỏ mọc lên ở đáy hồ, gồm nhiều quả đồi thấp uốn lượn cong vút kế tiếp nhau. Phía phải, cách hồ khoảng 500-600m, đi bộ mất 10 phút là thác nước Nậm Trá trên dòng suối cùng tên, cũng là một thác nước đẹp đáng để tham quan”.
36 con hồ liên thông và “pháp thuật” đến từ thuở tạo sơn
Tất nhiên, những dòng mô tả mang tính khoa học kia chỉ là “triết lý màu xám” so với “cây đời xanh tươi” của thực địa Núi Thủng. Núi có lỗ đường kính 50m, tròn, đẹp ở lưng chừng trời và lửng lơ trên hồ nước xanh đã là chuyện lạ, đã là đẹp. Nhưng cái đẹp không kém là không gian nguyên sơ của bản Tày ềm ệp khói bếp củi, ngói âm dương nâu xám giữa rừng xanh nguyên sinh.
Những gương mặt chất phác, họ đón khách bằng cả tấm tình của người sơn cước. Đi bộ qua những phom nhà sàn, những mó nước trong vắt mát ngọt chảy ra từ vách núi. Đàn trâu bò thung thăng đi lại ven các bờ rào đá. Đá ở nơi này được xếp như tác phẩm nghệ thuật, nó dài nhiều cây số dọc ruộng nương và vắt cả lên lưng núi.
Đặc biệt, có những trai bản nghệ sĩ đến mức, họ đi nhặt các ngọn đá trơn nhẵn, mang nhiều hình thù kỳ lạ về xếp thành búi, thành vách tường để ngăn trâu bò phá ruộng, nhưng cũng là để thưởng thức như một thứ nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật “bon sai non bộ”.
Kỳ hoa dị thảo hiện ra, các loại nấm sặc sỡ bày binh bố trận dọc đường, các thung lũng cỏ xanh mượt như nhung, những đỉnh núi san sát, muôn hình vạn trạng, kiêu hãnh ưỡn ngực trong bảng lãng sương nắng... - tất cả cho người ta một cảm giác đắm đuối. Một cái lâng lâng quên đi bao nhiêu đua ganh phố thị.
Đẹp nhất vẫn là các hồ nước xanh liên thông nhau. Mùa nước lớn thì từng đoàn thuyền nhỏ đánh cá, đăng đó giăng mắc như người bản Tày trưng ra chỉ để cho bức thủy mặc thêm hữu tình. Mùa cạn thì bê, nghé thả bán hoang dã ầm ĩ gọi mẹ. Trâu, ngựa mẹ thung thăng đùa với đàn con đang tuổi bú mớm.
Có lũ ngựa gần như hoang dã cứ gặp người là phi nước đại bỏ chạy. Cổ chúng lấp lánh những quả ké bám thành bó thành chùm, ké ngựa lúc lỉu trên cổ ngựa. Mỗi quả ké ánh xám như một con mắt xếch sắc sảo đang nhìn ra hồ nước xanh. Đàn ngựa hoang tuyệt mỹ cứ như đang chơi trò trận mạc để cho người ta chụp ảnh “tuyệt tình cốc” miền biên viễn.
Cỏ xanh mơn man, mượt mà, xanh đến nao lòng, nao lòng hơn là vài chục ngày trước thảo nguyên mênh mông này vẫn là đáy hồ trong xanh. Nhiều người không thích dân phượt, nhưng quả thật, dân phượt phát hiện ra cái khu vực đẹp này trước và đặt tên nó là “tuyệt tình cốc”.
Dân thích vi vu theo lời đồn thổi mới kéo lên. “Tuyệt tình cốc” là cụm từ để cảm thán, ca ngợi các hồ nước trong xanh, cỏ mượt và có các “mỹ nhân” khoe thân xác chụp ảnh nằm tìm đến cái xôn xao cư dân mạng.
Cụm từ này mới xuất hiện nhưng đã lan truyền nhanh. Nhanh đến mức, ai đó hỏi thăm vào “tuyệt tình cốc”, người Cao Bằng lắc đầu không biết. Nhưng hỏi Núi Thủng, thủng cái lộ tròn như dùi đồng xu, thì ai cũng chỉ lối rất tỏ tường.
Thật ra là một bình nguyên đáy hồ mượt mịn hiện ra, cỏ lên rất nhanh, có thể là do bồi lắng phù sa của đáy hồ nhiều dưỡng chất. Đàn ngựa, trâu, bò thì quanh năm ở ven hồ, chỉ đợi nước rút, cỏ lên non tơ là ùa ra. Đường vào Núi Thủng là độc đạo, nên cả trăm trâu trăm bò lang thang ở đó, cũng chả bao giờ sợ mất trộm. Bà con rắc muối và thích chữ bằng dùi nung lên tai trâu bò để đánh dấu rồi cứ thả nó đi hoang đời nọ qua đời kia như vậy.
Với những người thích trò chuyện với vỏ quả đất, muốn lý giải các kỳ thú bổ ích của thiên nhiên vùng Mắt của Thần Núi, thì hãy để ý các ngấn nước ven bình nguyên cỏ xanh bát ngát trong mùa khô. Núi xung quanh phủ rêu và bùn, với những máng trượt của bùn dốc ngược, ở đó luôn có những hố lớn mà dưới lòng phễu của chúng là những thân cây củi gỗ xếp xoay như được xoắn hút xuống.
Đó là các cửa ngầm thoát nước. Cũng là nơi đánh dấu mức nước trước khi biến mất xuống các hang ngầm một cách bí ẩn. Đặc biệt, là cả hệ thống các hang động dường như không đáy vẫn hiện ra như thách thức hiểu biết của loài người ở ngay “bình nguyên cỏ mượt” vốn là đáy hồ Nậm Trá rộng 15ha kia.
Chúng tôi tò mò buộc dây ngang người đi xuống. Hang rất tanh, bởi nhiều loài thủy hải sản sinh sống và chết đi khi nước rút đột ngột ở đó. Ném hòn đá xuống thì không thấy hồi âm, bởi nó quá sâu, sâu có khi vô tận. Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết: Nước 36 con hồ đều bị rút xuống bởi các hang ngầm kiểu đó.
Thác Nậm Trá, ngược lại, nước đổ từ trong lòng núi cao chất ngất ra, nước vỡ vụn theo những phiến đá đều tăm tắp dựng thành quách ven núi, nước gào réo ào ào, phá vỡ các thung lũng đất để khai thông ra dòng chảy mới. Thác này cung cấp nước cho hồ. Nước này từ đâu ra, nước này biến mất trong mùa khô thì nó đi đằng nào? Câu trả lời là có các dòng chảy, các dòng sông ngầm dưới đáy hệ thống 36 hồ của Thang Hen.
Chị Hương Thơm, người nhiều năm làm Giám đốc của Khu du lịch nổi tiếng Hồ Thang Hen cho biết: Chị và nhân viên đã nhiều năm, thường xuyên chứng kiến cảnh “ào ào”, nước sôi lên như ai đun sủi từ dưới đáy hồ. Rồi nước gào thét rủ nhau biến mất trong lòng đất, dường như chúng chui xuống đáy hồ bí ẩn.
Chị Thơm và hàng chục nhân viên của mình chả ngạc nhiên gì, như chị nói vừa thật vừa hài hài: Các chị chỉ quan tâm nước rút để bắt cá đặc sản đáy hồ phục vụ thực khách. “Nghề của mình mà!”. Nhưng mùa nước đến, chả biết nước từ đâu ùn về, chỉ vài tiếng là 36 hồ đầy ăm ắp. Các hồ thông với nhau như ruột thịt. Nước đi và nước đến rất ngẫu hứng. Trời không nắng để bốc hơi, cũng chả mưa để lấy nước nguồn. Nó cứ tự đi và tự đến, không tài nào lý giải nổi.
Chiều về, nắng vàng như mật ong, hồ xanh như cõi ảo mộng, bóng ngư phủ chèo thuyền gõ mái cành cạch như điểm xuyết vào bài thơ trác tuyệt Mắt của Thần Núi với núi Thủng soi mình bên 36 cái hồ liên thông nhau cùng cạn cùng đầy trong “nháy mắt” kia thêm những lung linh mới.
Núi Thủng kiêu hãnh đứng soi mình xuống các con hồ mùa cạn, cạn dần để lộ ra những bình nguyên cỏ mượt. Các hồ không biến mất, chúng chỉ bé xíu lại và vì thế chúng xanh hơn rất nhiều. Con mắt xanh thao thức thêm lặng lờ và thăm thẳm. Hồ chính của liên thông tam thập lục hồ được ai đó viết ba chữ khổng lồ vào vách đá đang soi bóng giữa trong xanh: Núi Quân Tử.
Chúng tôi tò mò sang bên kia dãy núi ngắm, thì Núi Thủng lại trơ gan cùng tuế nguyệt với hình hài một bộ hàm cá mập đường kính 50m và lởm chởm răng nhọn. Răng là các nhũ đá rủ xuống từ thuở tạo sơn.
Thắng cảnh này, kỳ quan này, và cuộc sống thôn dã, trong ngần, nhiều màu sắc xung quanh đó, đã trở thành một tổ hợp hút du khách đặc biệt, là điểm nhấn đầy ám ảnh của CVĐC Non nước Cao Bằng. Đường đi bộ theo lũ trâu bò thấp thểnh vất vả quá, nhiều doanh nghiệp xin mở đường đón khách. Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã rất sáng suốt khi cấm làm đường bêtông, đường nhựa vào thăm Núi Thủng.
Họ đã khảo sát để nguyên các bờ rào đá cổ, được xếp kỳ khu qua nhiều thế hệ bà con người Tày ở Nậm Trá, họ sẽ mở đường bằng cách xếp đá ngay tại hiện trường. Rồi có đội xe trâu, xe ngựa địa phương kẽo kẹt đưa khách vào thưởng lãm không gian bản làng, thắng cảnh Núi Thủng dài mấy cây số. Cả một không gian, một quần thể các giá trị thiên nhiên, văn hóa, tộc người... đậm chất núi rừng được đánh thức, dậy hương sắc đón khách muôn phương.
Trời đất ban cho xứ sở thần tiên này các kỳ quan từ hàng trăm triệu năm trước, bây giờ là lúc vẻ đẹp ấy giúp bà con xóa đói giảm nghèo, làm ngành “công nghiệp không khói”: Phát triển du lịch. Không chỉ là việc có thu nhập chính đáng từ bán nông thủy sản, dịch vụ du lịch, mà hơn thế, bà con còn được giao lưu, mở rộng hiểu biết, nâng cao lòng tự hào về các giá trị muôn một của miền đất thần tiên mà tổ tông mình truyền lại...
Năm 2016, theo đánh giá của Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường) về giá trị cũng như cơ chế “biến mất” và đột ngột đầy của 36 hồ liên thông Thang Hen tại Cao Bằng (do hội đồng các nhà khoa học Nguyễn Đại Trung, Trần Tân Văn... thực hiện), như sau: “Hồ Thang Hen, một tập hợp hồ (36 chiếc) liên kết với nhau như thế, có cơ chế hoạt động “khi đầy khi vơi” là một hiện tượng hiếm gặp ở các vùng karst trên thế giới, vì thế đã có một thuật ngữ riêng - turlough - xuất xứ từ Irland - để chỉ hang động ngầm, dòng chảy mặt kể trên sẽ là một di sản địa chất có giá trị và ý nghĩa quốc tế. Ngay ở Việt Nam thì đây cũng là một hiện tượng hiếm gặp chưa từng thấy ở đâu khác”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét