Từ TP Tuy Hòa, Phú Yên, chúng tôi theo QL1 ra hướng Bắc khoảng 40km.
Nhất Tự Sơn là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 300m |
Từ TP Tuy Hòa, Phú Yên, chúng tôi theo QL1 ra hướng Bắc khoảng 40km. Vừa đến dốc Găng, toàn bộ TX Sông Cầu nên thơ hiện ra trước mắt. Đó là một dải nối liền từ những ngọn núi, dòng sông, đồng bằng và biển cả. Nổi bật nhất chính là vịnh Xuân Đài được tạo thành nhờ dãy núi mà người dân gọi là Cổ Ngựa chạy dài ra biển.
Non nước hữu tình
Thả dốc vào thị xã, chúng tôi men theo con đường chạy dọc dòng Tam Giang ra vịnh. Hỏi cô bán nước ven đường, chỗ nào ở Xuân Đài đẹp nhất? Cô cười bảo: “Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào… Vũng Dông, Vũng Lắm, vũng nào cũng thương”.
Quả thực, ở vịnh Xuân Đài là một bức tranh thiên nhiên non nước hữu tình với nước biển trong xanh và những bãi cát trải dài sạch mịn màng, tinh khiết. Lại có đoạn núi ăn sâu ra biển, sóng biển vỗ vào mạn đá, theo thời gian bào mòn, tạo những hình thù lạ mắt. Ít có vịnh nào lại có sự đan xen đa dạng về địa hình như vịnh Xuân Đài - ghềnh nối tiếp vũng, vũng nối tiếp bãi, bãi nối tiếp núi uốn lượn trùng điệp.
Thế nhưng, theo nhiều người dân xứ này, độc đáo nhất, đẹp nhất ở vịnh Xuân Đài là phải đến Nhất Tự Sơn.
Từ Hà Nội hoặc TP HCM, du khách có thể trực tiếp đón xe khách theo QL1 về đến TX Sông Cầu. Hoặc có thể đi máy bay, tàu hỏa, xe khách đến TP Tuy Hòa (Phú Yên) rồi từ đây đón xe buýt số 8 (tuyến Tuy Hòa - Sông Cầu) hay đi xe máy ra QL1 theo hướng Bắc khoảng 40km.
|
Men theo con đường đất đá nhỏ hẹp chạy ven biển gần 3km, chúng tôi cũng tìm đến được Nhất Tự Sơn. Đó là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 300m. Thấy chúng tôi thất vọng vì cảm giác không được như mong đợi, ông Nguyễn Trân, ngư dân sống trong vùng chạy đến bảo: “Nhất Tự Sơn đẹp lắm đó, qua đảo không cần đi thuyền mà đi bộ cũng được”.
Chúng tôi ngơ ngác chưa hiểu điều gì, ông Trân liền hướng dẫn chúng tôi cách ra đảo. Vừa đi ông vừa giải thích, có một con đường vượt biển ra đảo, nằm chìm dưới làn nước và chỉ lộ ra khi dòng thủy triều rút xuống. “Từ mùng 1 đến ngày 15 Âm lịch hàng tháng, nước sẽ rút vào buổi chiều, còn từ ngày 15 Âm lịch đến cuối tháng, nước sẽ rút vào buổi sáng”, ông Trân cho biết.
Tiến lại gần, quả thực có một con đường dẫn ra đảo. Thời điểm chúng tôi đến, con đường lộ ra gần một nửa, đoạn còn lại nước biển chỉ ngang đầu gối nên có thể dễ dàng băng qua.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, sở dĩ có tên gọi Nhất Tự Sơn bắt nguồn từ việc đảo có thế nằm giống như chữ “Nhất” trong tiếng Hán. Với diện tích chừng 6ha, Nhất Tự Sơn còn được coi như một tấm bình phong chắn sóng gió cho hai làng chài Mỹ Hải, Mỹ Thành bên cạnh.
Lên đảo, chúng tôi lại được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, với khu rừng nguyên sinh bao phủ toàn đảo, thảm thực vật quý hiếm, cùng những vách núi dựng đứng và vô vàn hang động hình thành do sự xâm thực của sóng biển.
Tại vịnh Xuân Đài, bạn cũng có thể thử cảm giác hòa mình vào thiên nhiên khi đến bãi Ôm, sóng vỗ xô bờ cả ngày lẫn đêm không ngơi nghỉ hay ở bên kia rặng dừa cách đó 500m là bãi Rạng dịu êm lặng sóng.
Thưởng thức đặc sản Sông Cầu
Trở lại khu vực trung tâm thị xã, ngang qua một làng chài nhỏ, chúng tôi thấy từng nhóm các cô, các bà ngồi trong những chiếc lều nhỏ làm cá rồi mang đi phơi. Hỏi ra mới biết, đây chính là nghề làm khô cá đét nổi tiếng.
Bà Hoa, người gắn bó hơn 20 năm với công việc này cho biết, làm khô cá đét Sông Cầu hoàn toàn bằng thủ công. “Cá đét cắt bỏ phần đầu, dùng dao xẻ lườn và lưng, làm sạch ruột, sau đó rửa sạch lại bằng nước biển rồi phơi nắng”, bà Hoa giới thiệu cách làm khô cá và cho biết, đúng chuẩn khô cá đét cần phải phơi 2 ngày nắng đẹp. Muốn cá khô đều, ngon, người làm phải chịu khó trở mặt cá, giữa cái nắng oi.
Hành trình khám phá tiếp theo của chúng tôi là đầm Cù Mông, nơi có nhiều bãi tắm nguyên sơ với cát trắng, nắng vàng tuyệt đẹp như: Bãi Bàng, Bãi Rạng, Bãi Nồm... Nhưng cuốn hút hơn cả là hải sản tươi, ngon như mực, tôm, cá… Chả thế mà người dân trong vùng vẫn hay truyền tụng câu: “Cá ngon là cá Cù Mông, gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương”. Ngoài ra, ở đây còn có đặc sản sò mồng - dạng như sò huyết, chỉ khác vỏ nhẵn, mỏng có màu nâu hồng. Sau khi bắt, sò được ngâm trong nước mặn để các chất nhầy, rong bùn “nhả” ra hết, rồi có thể chế biến thành các món sò mồng nướng, phi hành, hấp sả...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét