Rất ít người có dịp trở lại dòng sông Ngô Đồng ấy lần hai, lại càng không dễ để đến đó vào mùa lúa chín. Còn tôi lại đến đó 3 lần, và ấn tượng nhất chính là vào một ngày mùa. Lúa chín vàng hai bên dòng sông có cái tên đẹp đẽ ấy: Ngô Đồng.
Sông Ngô Đồng là dòng sông kỳ ảo đưa bạn xuyên qua Tam Cốc - một điểm du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình, cách Hà Nội 100km. Dòng sông Ngô Đồng xuyên qua các dãy núi đá vôi, len qua 3 hang đá gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba, khiến cho du khách có cảm giác như mình đang dạo chơi ở một vịnh Hạ Long khác, là một dòng sông trữ tình.
Ngay bến sông, bạn mua vé và được sắp xếp để lên con thuyền bằng tole nhỏ nhoi, chòng chành giống như những chiếc lá đậu san sát nhau dọc bến thuyền Vũng Trắm. Và cứ thế, từng chiếc thuyền một rời bến khi đủ khách, đa phần người điều khiển chiếc thuyền là phụ nữ, nhẹ nhàng dùng hai mái chèo điều khiển chiếc thuyền nhỏ ấy đi trên dòng sông huyễn hoặc cổ tích.
Hai mái chèo đã cột dính vào thuyền, người chèo thuyền cứ ngả ra sau, dùng đôi chân điều khiển như thói quen họ làm bao nhiêu năm nay. Lý do phải dùng chèo là bởi là việc đi thuyền máy sẽ gây tiếng động, ô nhiễm dòng sông. Và cũng chính cái chầm chậm của con thuyền nhỏ, mái chèo khua đều vào vùng cổ tích ấy mới đủ cho du khách nhấm nháp cái hương vị đi vào con đường thủy độc đạo lạ lùng kia.
Sông Ngô Đồng, cái tên đẹp lạ lùng kia khiến cho tôi tò mò tìm hiểu? Được trả lời là sông Ngô Đồng bắt nguồn từ dãy đá vôi ở thượng nguồn, đổ nước vào hệ thống sông Vạc tại gần cầu Vũng Trắm. Có thể mỗi năm vào mùa lúa chín làm vàng óng cả dòng sông như mày ngô đồng nhuộm vàng khi thu sang mà có tên chăng?
Cũng là con sông ấy thôi, nhưng vào mùa lúa chín, chín màu vàng của các ruộng lúa ngập trong nước ven hai bờ sông, những nông dân chèo thuyền thu hoạch trong cái vàng óng ả ấy đã tạo sức hút làm mê đắm lòng người. Tận dụng lợi thế khi con nước của sông rút, để hai bên bờ là khoảng đất đầy phù sa, người nông dân gieo hạt, rồi cây lúa cứ vươn lên theo con nước cho đến khi chín trĩu hạt, chẳng khác nào cách trồng lúa ở các tỉnh phía Nam.
Những người chèo thuyền đều quen biết nhau, người chở khách vào, người chở khách ra, rành rẽ trái phải như đi trên một con đường. Họ cười nói, trò chuyện và đôi khi cất tiếng hát hò khiến cho dòng sông thêm rộn rã. Cảm giác đi trên con sông có cái tên lãng mạn ấy khó phai cho bất cứ ai, nhất là như chúng tôi đã có một buổi sáng trên những chiếc thuyền dạo chơi trên sông Ngô Đồng, khi bất ngờ chạm gặp hai bên dòng sông những ruộng lúa đang vào mùa gặt nhuộm vàng cả con sông.
Tại đây có tới 1.300 chiếc thuyền để phục vụ du khách. Mỗi chiếc thuyền chở được 4 người, và vì thuyền quá đông nên có thuyền phải đợi từ 4 - 10 ngày để đến lượt thuyền của mình được đưa khách. Và số tiền cho cuộc hành trình đôi khi nhờ sự hào phóng cho thêm hơn là tiền công, đôi khi chỉ 100.000 đồng cho chuyến đi.
Thuyền đi chậm cho khách ngắm nhìn, rồi lần lượt len vào ba động và dừng lại điểm cuối, nơi có rất nhiều chiếc thuyền nhỏ đi theo khách để bán hàng, có đủ búp sen, chuối, dứa gọt sẵn và các loại thức uống, bánh kẹo ăn vặt. Một cô gái chèo thuyền cho biết, gần như bất cứ ai ở xã Ninh Hải cũng có thể chèo thuyền. Thường thì họ học cách chèo thuyền bằng chân cho dễ dàng.
Và những đôi chân chèo thuyền đưa chúng tôi đi vượt qua đền Thái Vy. Đền xây dựng vào thế kỷ 13, là nơi thờ vua Trần Thái Tông, trước đền có giếng ngọc xây bằng đá xanh, sau đền là dãy núi đá Cấm Sơn. Thuyền len vào hang Cả dài 127 mét rồi tiếp theo là hang Hai, hang Ba. Đá gần như sát trên đầu, nước trên đá nhỏ xuống từng giọt, không gian mát lạnh.
Thỏa lòng ngắm những triền núi đá vôi, chúng tôi ngạc nhiên vì bầy dê núi lông màu trắng cứ leo lên trên vách núi kiếm ăn. Một người chèo thuyền cho biết tất cả dê trên núi ấy là dê nuôi. Khi có người mua, chủ của bầy dê phải lên tận nơi để lùa bầy dê xuống núi. Món thịt dê núi Ninh Bình cũng chính là đặc sản vùng đất này.
Sau khi đến bến cuối cùng, thuyền cho khách lên chơi rồi lại xuống thuyền quay về. Cảm giác chỉ một lần ngồi trên chiếc thuyền chông chênh, đi giữa sông Ngô Đồng mà bao quanh là ruộng lúa chín vàng, hình ảnh người nông dân đang thu hoạch, chẳng khác nào đi trong một miền cổ tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét