Ngôi chùa An Phú hơn 150 năm tuổi ở quận 8 độc đáo khi được làm từ sành sứ chén bát, dĩa, ấm trà... bị vỡ.
Chùa An Phú (quận 8, TP.HCM) nằm gần cầu Chánh Hưng, do Hòa thượng Thích Thanh Đức xây dựng năm 1847. Qua nhiều thăng trầm, chùa dần hoang phế cho đến năm 1961, hòa thượng Thích Từ Bạch đã thiết kế, xây dựng lại chùa và hoàn thành như ngày nay vào năm 1999
Chùa thuộc phái Bắc Tông, đã trải qua 6 đời trụ trì. Khuôn viên có diện tích khoảng 1.500m2.
Chùa xây theo lối cổ lầu, chia làm hai khu là khu thờ phụng nằm dọc theo đường Chánh Hưng; khu vực giảng đường, tăng phòng, khách đường ... nằm dọc sau chùa
Điểm đặc biệt của chùa là gần như toàn bộ công trình được dán bằng mảnh sành sứ của chén bát, dĩa, ấm trà... bị vỡ. Việc này được thực hiện từ năm 1961, khi chùa bắt đầu được trùng tu, xây dựng lại.
Trong nhiều năm xây dựng, tăng ni phật tử phải tỉ mỉ chọn lựa, cắt dán những mảnh sành phế liệu thành các đề tài nhà Phật với mảng màu sắc thích hợp.
Những mảnh sành sứ được chắp ghép thành các đề tài chính là của nhà Phật như tượng Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, chữ vạn, hoa sen ...
Theo nhà chùa, các miểng sành mang màu sắc tựa như cuộc sống có những lúc đắng cay ngọt bùi.
Thống kê của chùa cho biết, từ năm 1961 đến năm 2004, chùa đã sử dụng hơn 30 tấn sành sứ phế liệu các loại với khoảng 20.000 ngày công lao động thực hiện gắn miểng sành trên diện tích 3.886m2.
Năm 2007, trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục: Chùa An Phú là ngôi chùa được tạo tác bằng miểng sành nhiều nhất Việt Nam.
Chùa là điểm thu hút khách từ khắp nơi đến du lịch thưởng ngoạn, thắp hương cầu an, nhất là các ngày rằm, dịp lễ Tết...
Theo Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét