Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Ai được xem là 'nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới'?

Xuân Diệu tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2/2/1916, quê quán làng Trảo Nha (Can Lộc, Hà Tĩnh), nhưng sinh tại huyện Tuy Phước (Bình Định).
Lớn lên ở Bình Định, sau khi tốt nghiệp tú tài, Xuân Diệu đi dạy học. Ông tốt nghiệp cử nhân luật năm 1943 và làm tham tá Thương chánh ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) một thời gian trước khi chuyển ra Hà Nội.
Xuân Diệu tham gia nhóm Tự lực văn đoàn, là đại biểu xuất sắc của phong trào Thơ mới với hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Những bài thơ được công chúng yêu thích, tôn xưng ông là "ông hoàng thơ tình" được sáng tác trong giai đoạn 1936-1944, nổi tiếng như: Yêu, Vội vàng, Dại khờ... 
Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết..
. (trích bài Yêu)
Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.
Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó!
Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương.
Vì thả lòng không kìm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa...
 (trích bài Dại khờ).
dung-xuan-dieu-la-nha-tho-moi-nhat-trong-cac-nha-tho-moi
Nhà thơ Xuân Diệu.

Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá Xuân Diệu là "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới". Xuất hiện trên thi đàn Thơ mới muộn hơn so với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư..., thơ Xuân Diệu nhanh chóng được độc giả, đặc biệt là thanh niên Việt Nam đón nhận.
Thơ của ông có sự mới lạ về cả nội dung và hình thức. Về nội dung, khác với các cây bút lãng mạn đương thời luôn tìm cách đối lập với cuộc đời hoặc thoát ly thực tại, ông muốn khẳng định cái tôi trong quan hệ gắn bó với cuộc đời, muốn được sống thật mạnh mẽ.
Về nghệ thuật, nhà thơ chịu ảnh hưởng của thơ ca tượng trưng Pháp và đã tìm đến những cách diễn đạt mới lạ, đổi mới ngôn ngữ. Nhưng sự cách tân này vẫn có gốc rễ từ trong tâm thức dân tộc và vốn văn hóa của thơ ca truyền thống
.Trảo Nha là ngôi làng ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, quê gốc của nhà thơ. Trong các sáng tác, ông sử dụng hai bút danh Xuân Diệu và Trảo Nha.
Trong mắt những người bạn, Xuân Diệu là người tình cảm, hết lòng vì công việc và đặc biệt cẩn thận. GS.NGND Hà Minh Đức kể, đã trên 30 năm kể từ khi tập Thơ thơ ra đời, nhưng Xuân Diệu vẫn giữ gìn các bản thảo.
“Một điều đáng quý là mỗi bài thơ được in đều đính kèm theo những trang bản thảo được sửa chữa từ bản thảo đầu tiên, thứ hai, thứ ba... Gấp lại hai tập bản thảo Thơ thơ và Gửi hương cho gió, tôi chân thành hỏi anh:
Trong văn học, nhiều tác giả thường bị thất lạc bản thảo, nhất là bản thảo thời kỳ đầu, tại sao anh lại giữ gìn được cẩn thận các bản thảo đến như thế?
Xuân Diệu cười và nói: Của mình thì phải có ý thức giữ gìn chứ, vả lại bọn mình nổi tiếng sớm”, GS Hà Minh Đức kể.
dung-xuan-dieu-co-but-danh-la-trao-nha
Hai tập thơ nổi tiếng của Xuân Diệu.

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh. Sau cách mạng tháng tám, ông hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội Văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc. Xuân Diệu tham gia Ban chấp hành, nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.
Bên cạnh thi ca, Xuân Diệu còn sáng tác truyện ngắn, của một số tập bút ký và nhiều tập tiểu luận văn học. Trong mảng văn xuôi, ông có nhiều tác phẩm như: Phấn thông vàng, Trường ca, Việt Nam nghìn dặm
Trong mảng nghiên cứu phê bình, tiểu luận, Xuân Diệu có nhiều tác phẩm như: Ba thi hào dân tộc; Phê bình giới thiệu thơ; Thi hào dân tộc Nguyễn Du; Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm; Các nhà thơ cổ điển Việt Nam
Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên công dân của một nước Việt Nam độc lập được thực hiện quyền bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu, lập nên Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong số đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa 1, tỷ lệ người dưới 40 tuổi chiếm 70%. Trong đó có các ông Tạ Quang Bửu 36 tuổi, sau này là Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ông Võ Nguyễn Giáp 35 tuổi, sau này là Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Xuân Thủy 34 tuổi, sau giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao... 
Năm 1946, nhà thơ Xuân Diệu mới 30 tuổi, nhà thơ Huy Cận 27 tuổi và trẻ nhất là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Thi mới 22 tuổi, được bầu là đại biểu Quốc hội khóa 1, nhiệm kỳ 14 năm (1946-1960).
Xuân Diệu kết hôn với nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp, nhưng đã ly dị và không có con chung. Ông sau đó sống độc thân cho đến lúc mất ngày 18/12/1985.
Với gia tài đồ sộ khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật (năm 1996).
Tên ông được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Quảng Bình, TP HCM, Hà Tĩnh. Ba trường học ở Bình Định (nơi ông sinh ra), Tiền Giang (nơi ông có thời gian làm việc) và Hà Tĩnh (quê gốc) đã mang tên thi sĩ Xuân Diệu.
Nhà tưởng niệm và nhà thờ ông ở làng Trảo Nha, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (bên cạnh đường lên Ngã Ba Đồng Lộc). 

Tú Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét