Nguyễn Hiền sinh năm 1234 (có sách ghi là 1235), trong một gia đình nghèo ở làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam (nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Cuốn Những trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam viết, khi lẫm chẫm biết đi, Nguyễn Hiền thường sang chùa - nơi sư trụ trì mở trường dạy học cho con em trong vùng, để xem anh chị học tập. Thấy cậu bé ham chữ nghĩa, nhà sư nhận Hiền làm học trò và cho vào lớp ngồi học.
Nguyễn Hiền học rất thông minh, một trang sách chỉ đọc một lần là thuộc nên đã đọc được nhiều pho sách quý. Năm 11 tuổi, cậu đã nổi tiếng là thần đồng, nhiều chí sĩ xa gần đến thử tài đều bái phục.
Năm 1247, triều đình nhà Trần mở khoa thi Tam khôi để chọn Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa, Nguyễn Hiền cũng tham gia.
"Bài thi nhà vua đề là Áp tử từ kê mẫu du hồ phú, tức bài phú nói về con vịt từ giã mẹ gà đi chơi hồ. Nội dung đề ra khá rộng và trừu tượng, lại yêu cầu diễn đạt bằng thể phú. Nguyễn Hiền đã viết một bài phú có tính chất nghị luận sâu sắc, vừa thể hiện được nhận thức về cuộc sống, vừa tỏ rõ khả năng uyên bác, văn chương. Vua đọc xong phê luôn hai chữ Thưởng tứ và lấy đỗ Trạng nguyên, tặng 4 chữ Khai quốc Trạng nguyên", sách Những trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam viết.
Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi: "Mùa xuân, tháng 2 (đời vua Trần Thái Tông, năm 1247) mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang". Sách này viết "trước đây, hai khóa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chia làm giáp, ất, chưa có chọn tam khôi. Đến khoa này mới đặt", để lý giải vì sao Nguyễn Hiền được gọi là "Khai quốc Trạng nguyên".
Ở tuổi 13, Nguyễn Hiền là trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.
Cuốn Những trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam viết rằng, khi Nguyễn Hiền vào cung yết kiến, vua thấy Trạng nguyên quá nhỏ mà thông minh hơn người nên hỏi học ở đâu. Nguyễn Hiền cứ thật tình tâu: "Thần tự học lấy, nhưng có một đôi chữ không hiểu cần phải hỏi sư ông ở chùa làng".
Nhà vua thấy Trạng nói năng tự nhiên, chưa hiểu phép tắc, lễ nghĩa, lại có ý tỏ ra kiêu căng nên cho là chưa thể bổ nhiệm chức quan trong triều. Vua cho Trạng về nhà học hành, chờ 3 năm sau khôn lớn mới bổ dụng.
Trạng nguyên Nguyễn Hiền khi về nhà, ngoài đọc sách, phụng dưỡng mẹ vẫn rất ham chơi, thường lúc rỗi lại cùng đám trẻ trong làng đánh khăng, thả diều
Sách chính sử không viết nhiều về Trạng nguyên Nguyễn Hiền, những câu chuyện về ông đa phần là giai thoại truyền miệng, trong đó nổi tiếng nhất là việc giúp vua Trần giải câu đố xuyên sợi chỉ qua ruột ốc của sứ thần nhà Nguyên. Cuốn Kho tàng về các ông Trạng Việt Nam của GS Vũ Ngọc Khánh và sách Những Trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, đều nhắc đến giai thoại này.
Trong thời gian Trạng nguyên Nguyễn Hiền về quê ở Nam Định, sứ thần nhà Nguyên sang muốn thử tài người nước Nam. Ông này chuyển tới triều đình nhà Trần một chiếc vỏ ốc xoắn, một sợi chỉ mảnh và thách các quan xâu được qua. Vua quan nhà Trần khi ấy đều bó tay, vua bỗng nhớ tới Trạng nguyên trẻ tuổi và cho sứ giả đến hỏi ý kiến. Nguyễn Hiền đã chỉ cách:
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thì lấy giấy mà bưng
Bên thì bôi mật kiến mừng kiến sang...
Bên thì lấy giấy mà bưng
Bên thì bôi mật kiến mừng kiến sang...
Ông đồng thời giúp được triều đình giải bài thơ đố về chữ "Điền" của sứ thần phương Bắc, khiến người này phải bái phục sự thông minh của dân đất Đại Việt.
au nhiều lần "gỡ bí" cho triều đình nhà Trần trước sứ thần phương Bắc, Nguyễn Hiền được vua triệu về kinh đô, cho học tiếp Tam giáo khoa chủ, tức đạo Lão, đạo phật, đạo Khổng và bổ nhiệm chức quan. Theo cuốn Những Trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Công (người đứng đầu bộ Công, tương đương chức bộ trưởng ngày nay).
Trong những năm làm quan triều đình, Nguyễn Hiền đã hiến nhiều kế sách phò vua, giúp nước, đối phó với quân phương Bắc, Chiêm Thành. Ông cũng cho đắp đê quai vạc sông Hồng, đào kênh mương dẫn nước, giúp nông nghiệp phát triển.
Năm 1256 (có tài liệu ghi 1255), Trạng nguyên Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 21. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là "Đại vương Thành hoàng" và tôn làm thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lại Đà (xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội).
Theo tài liệu Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục, huyện Thượng Hiền được đổi tên thành Thượng Nguyên để tránh tên huý Trạng nguyên Nguyễn Hiền - người con của vùng đất này. Cuốn Những Trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cũng viết, sau khi Nguyễn Hiền mất, "để tỏ lòng tôn kính một nhân tài mệnh yểu, vua mới kiêng tên ông, cho đổi tên huyện Thượng Hiền thành Thượng Nguyên. Vua ra chỉ dụ cấp cho dân xã 5 mẫu ruộng để lo việc thờ cúng và lập miếu thờ".
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền đặt tại quê hương ông hiện nay còn giữ được nhiều bài vị, sắc phong, đặc biệt cuốn Ngọc phả nói về sự nghiệp của Nguyễn Hiền. Trong cuốn này có ghi câu thơ ca ngợi tài năng của vị Trạng nguyên trẻ tuổi nhất lịch sử khoa bảng Việt Nam:
Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc
Vạn niên thiên tuế lập tam tài
Vạn niên thiên tuế lập tam tài
Tạm dịch: Mười hai tuổi khai khoa hai nước
Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài
Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét