Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Trạng nguyên đầu tiên của nền khoa cử Việt Nam

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1075 dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều đình tổ chức tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. "Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học", sách viết.
Lê Văn Thịnh ở xã Chi Nhị, tổng Đại Lải, huyện Gia Bình, nay là làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Thông tin về năm sinh, năm mất của ông không được ghi rõ ràng. Theo bản cảo của Hàn lâm Lễ Viện sĩ Đông Các điện, đại học sĩ Lê Tung (soạn tháng 1/1470), Lê Văn Thịnh sinh năm 1050. Chiếu theo đó, khi đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Thịnh đã 25 tuổitrang-nguyen-dau-tien-cua-nen-khoa-cu-viet-nam
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1084 Lê Văn Thịnh khi ấy là Thị lang bộ binh đã được vua sai đến trại Vĩnh Bình cùng người Tống bàn việc cương giới. Trước đó, khi được vua hỏi ý kiến về việc định biên giới, Lê Văn Thịnh đã trả lời rằng: "Việc dùng binh đao để đòi đất là bất đắc dĩ, xin bệ hạ cho phái đoàn khác lên biên giới thương thuyết".
Tài liệu của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh có ghi lại cuộc thương thảo giữa Trạng nguyên họ Lê và nhà Tống. Theo đó, Lê Văn Thịnh đã nói với sứ giả nhà Tống rằng: "Đã là đất thì phải có chủ, các viên quan được triều đình nhà Lý giao cho giữ đất để bảo vệ biên thùy mà đem nộp cho nhà Tống rồi lại trốn đi thì đất ấy đích thực là vật ăn trộm. Việc này luật pháp Đại Việt không những không cho phép mà còn làm dơ bẩn sổ sách của vua quan nhà Tống vì đã nhập nhầm phần đất do thổ dân ăn trộm". Sứ thần nhà Tống cứng họng trước lý lẽ sắc bén, cách trả lời cứng cỏi của Lê Văn Thịnh.
"Nhà Tống trả lại cho ta 6 huyện 3 động", sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại kết quả cuộc định biên giới giữa đại diện Đại Việt là Thị lang bộ binh Lê Văn Thịnh và người Tống.
Sau khi lập công lớn này, năm 1085 Lê Văn Thịnh được vua phong làm Thái sư
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại vụ án năm 1096 Lê Văn Thịnh mưu làm phản: "Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm (tức hồ Tây, Hà Nội), ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói việc nguy rồi. Người đánh cá là Mạc Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh... Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch".
Vụ án trên hồ Dâm Đàm được người đời bàn luận. Nhiều thuyết cho rằng, Lê Văn Thịnh bị hàm oan do vương tôn triều Lý ghen tị với ân sủng vua ban cho vị Thái sư ngoại tộc nên ngấm ngầm hãm hại.
Giới sử học Việt Nam trong hội thảo khoa học đánh giá lại sự kiện lịch sử năm 1096 trên hồ Dâm Đàm cũng cho rằng, Lê Văn Thịnh không mưu đồ giết vua. Ông bị dựng chuyện hãm hại do đại diện cho giới Nho học đưa ra những ý tưởng cải cách kinh tế, xã hội làm ảnh hưởng quyền lợi của giới tăng lữ, quý tộc.
Trước đó, là người đứng đầu bá quan văn võ thời bấy giờ, Thái sư Lê Văn Thịnh đã quân sư cho vua Lý Nhân Tông thực hiện việc đổi mới đất nước như: tổ chức thi tuyển người vào Hàn lâm viện; định các chùa trong nước làm 3 hạng, cho quan văn tham gia vào việc quản lý; định các chức văn võ, quan hầu vua và các chức tạp lưu; định sổ ruộng thu tô... Những cải cách này có lợi cho nhân dân nhưng đụng chạm đến nhiều nhóm lợi ích trong triều nên Lê Văn Thịnh bị thù ghét.
Thái sư Lê Văn Thịnh mắc phải tội mưu phản giết vua, theo luật lẽ ra ông bị xử tử, tru di tam tộc như lịch sử sau này lặp lại với vụ án Lệ Chi viên của quan đại thần Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, vua Lý Nhân Tông nghĩ ông là đại thần có công giúp đỡ và tin sùng đạo Phật nên tha tội chết, xử đày lên trại đầu Thao Giang
Ở tuổi 60 bị đày lên miền gió lam chướng khí, không rõ Lê Văn Thịnh sống được bao lâu nhưng đến khi mất ông được đưa về quê chôn cất. Người dân vùng Bảo Tháp (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) đã lập đền thờ vị Trạng nguyên đầu tiên của lịch sử khoa bảng Việt Nam, một Thái sư có nhiều công trạng
sai-le-van-thinh-duoc-nguoi-dan-o-que-huong-lap-den-tho
Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh ở Bắc Ninh.
Theo tài liệu của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, hàng năm nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội vào ngày 7 tháng Giêng (âm lịch) để tưởng nhớ công ơn Trạng nguyên Lê Văn Thịnh. Cứ 3 năm hội sẽ được mở lớn để 10 đình rước kiệu, bài vị của Quan trạng lên đình cả là đền Lê Văn Thịnh

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét