Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Chữ quốc ngữ ra đời từ khi nào?

Để có được hệ thống chữ viết khá hoàn chỉnh và tiện dụng như ngày nay, chữ quốc ngữ đã trải qua nhiều thăng trầm và nhiều đợt cải tiến.

chu-quoc-ngu-ra-doi-tu-khi-nao
Sách Tập đọc của học sinh thế hệ 1980-1990.
Chữ quốc ngữ là hệ chữ viết thống nhất chính thức hiện nay của tiếng Việt, sử dụng ký tự Latinh, dựa trên các bảng chữ cái của nhóm ngôn ngữ Rôman, đặc biệt là bảng chữ cái Bồ Đào Nha, với các dấu phụ chủ yếu từ bảng chữ cái Hy Lạp.
Cho đến thế kỷ 17, tiếng Việt đã phong phú và trong sáng. Một số giáo sĩ phương Tây học tiếng Việt để phổ biến Kitô giáo ở Việt Nam. Họ dùng chữ cái Latinh ghi âm tiếng Việt.
Người Bồ Đào Nha đến Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ 17. Họ thường đi lại buôn bán bằng đường biển và cư ngụ ở nhiều nơi, nhất là ở Hội An, hải cảng phồn thịnh thời ấy.
Tiếp theo thương nhân, Hội An lại tiếp nhận nhiều giáo sĩ Bồ Đào Nha sang truyền Thiên Chúa giáo. Họ học tiếng Á Đông rất nhanh.
dung-chu-quoc-ngu-ra-doi-cach-day-gan-400-nam
Linh mục Francesco de Pina.
Người biết tiếng Việt khá nhiều là Francesco de Pina. Ông cũng biết nhiều thứ tiếng châu Á khác và trở thành giáo sư của những tu sĩ đến sau.
Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa, người Bồ Đào Nha, là hai giáo sĩ đã sáng tạo ra cách dùng chữ Latinh để ghi âm tiếng Việt mà sau này gọi là chữ quốc ngữ, từ năm 1638.
Ban đầu họ sáng tạo ra chữ Việt để dùng trong các giáo đoàn. Nhưng khi người Việt nắm bắt được lối viết này đã hiểu ngay đó là phương tiện tuyệt vời cho thông tin, giáo dục, và tiếp nhận ngay làm chữ của quốc gia
Với hai quyển sách Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - Latin (còn gọi là Từ điển Việt - Bồ - La) và Phép giảng tám ngày bằng quốc ngữ được xuất bản năm 1651 ở Roma, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) là người có công lớn trong việc chế tác ra chữ quốc ngữ.
Cuốn từ điển dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Italy trước đó, có thể coi là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ.
chinh-xac-do-la-tu-dienan-nam-bo-dao-nha-latin
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Nhà nghiên cứu Võ Long Tê nhận xét: "Đành rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes không phải là người duy nhất đã sáng chế và làm cho chữ quốc ngữ trở nên hoàn hảo, nhưng lịch sử vẫn xem vị giáo sĩ này là thủy tổ chữ quốc ngữ vì đã có công thử thách chữ quốc ngữ trong các lĩnh vực soạn sách tự điển, văn phạm, giáo lý, và nhất là phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ bằng những tác phẩm ấn loát tại nhà in của Thánh bộ Truyền giáo tại La Mã".
Bản thân Alexandre de Rhodes đã viết như sau: "Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế... Tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma".
Hiện, quan điểm chữ quốc ngữ được hình thành từ công lao tập thể của những giáo sĩ được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận hơn.
Tiếng Việt trong Từ điển Việt - Bồ - La là tiếng Việt trung đại, không phải là tiếng Việt hiện đại đang được sử dụng ngày nay. Ngữ âm tiếng Việt trung đại khác với ngữ âm tiếng Việt hiện đại.
Từ điển Việt - Bồ - La có phần chính là phần từ vựng liệt kê 8.000 mục bằng chữ quốc ngữ, bổ túc thêm là phần phụ lục tóm tắt ngữ pháp tiếng Việt và cách thức phát âm đương thời.
dung-tu-troi-duoc-viet-la-bloi
Một trang từ điển Việt - Bồ - La (NXB Khoa học Xã hội 1991).
Một số chữ có trong từ điển này hiện vẫn được sử dụng nhưng cách phát âm trong tiếng Việt trung đại và hiện đại không giống nhau, như "dôi blá" (dối trá), "blời" (trời), "bua" (vua), "plăn" (lăn), "mlẽ" (lẽ, nhẽ), "Đàng tlaõ" (Đàng Trong), "Đàng ngoày" (Đàng Ngoài).
Từ điển Việt - Bồ - La là thành quả lớn cho việc ra đời chữ quốc ngữ. Phải hơn một thế kỷ sau nữa, vào năm 1783 mới có một cuốn từ điển chữ quốc ngữ thứ hai, do giám mục Bá Đa Lộc soạn nhưng chưa kịp in.
Sau đó, bản thảo được giám mục Jean-Louis Taberd dùng để soạn cuốn Từ điển Nam Việt - Dương Hiệp Tự vị in năm 1838 ở Serampore, Ấn Độ, đưa chữ quốc ngữ tiến thêm một bước dài.
Từ điển của giám mục Jean-Louis Taberd là Nam Việt - Dương Hiệp Tự vị phản ánh biến chuyển quan trọng của tiếng Việt trong khoảng giữa thế kỷ 17 và 19.
So sánh tự điển của Taberd và Alexandre de Rhodes thì âm "ꞗ" (ȸ) biến mất, thay thế bằng âm "v" hoặc "b". Những âm "bl", "ml", "pl", "sl", và "tl" cũng biến mất, thay thế bằng "tr", "nh", "l", "s". Dạng chính tả của chữ quốc ngữ ở thời điểm này không khác mấy cách viết ngày nay.
dung-do-la-to-gia-dinh-bao-duoc-ra-mat-o-sai-gon
Gia Định báo.
Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, được Trương Vĩnh Ký sáng lập và cho ra mắt vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông hoàn toàn mới mẻ khi đó, làm cho chữ quốc ngữ có cơ hội phổ biến trong dân chúng.
Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của Pháp lúc đó là ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nội dung chính tờ báo ban đầu gồm hai phần công vụ và tạp vụ.
Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân; còn phần tạp vụ gồm tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa - xã hội.
Sau khi Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, báo có thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích.
Chữ quốc ngữ trên chặng đường hơn 300 năm vẫn không được công nhận là văn tự chính thức cho tới khi người Pháp xâm lăng, chiếm lấy Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19.
Tháng 2/1869, Phó đô đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ.
Nghị định 82 ký ngày 6/4/1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký cũng đề ra cái mốc hẹn trong bốn năm phải chuyển hẳn sang chữ quốc ngữ: "Kể từ mồng một tháng giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị... sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng".
dung-dap-an-la-cuoi-the-ky-19
Thầy trò một trường bản xứ ở Sài Gòn xưa. Ảnh tư liệu.
Đầu năm 1879 lại có lệnh khẳng định các văn kiện chính thức phải dùng chữ quốc ngữ. Cũng năm đó, chính quyền Pháp đưa chữ quốc ngữ vào giáo dục, bắt đầu ở các thôn xã Nam Kỳ phải dạy lối chữ này.
Để khuyến khích việc truyền bá chữ quốc ngữ, nhà chức trách thuộc địa Nam Kỳ còn giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết viết chữ quốc ngữ.
Bốn chữ cái F, J, W, Z vốn có trong tiếng Pháp, tiếng Anh hiện không được thừa nhận chính thức trong tiếng Việt cũng như trong quy ước chung về tiếng phổ thông.

Tuy nhiên, trong văn bản hành chính, các chữ cái này vẫn được sử dụng để viết tên riêng theo tiếng của các dân tộc, chẳng hạn huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông), xã Ea Wy (huyện Ea H'leo, tỉnh Đăk Lăk), đường Wừu (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai)...

chinh-xac-do-la-cac-chu-cai-f-j-w-z
Bảng tên đường Wừu ở Gia Lai.
Hơn 100 năm năm trở lại đây, chữ quốc ngữ được duy trì, sử dụng ổn định, hầu như không có thay đổi đáng kể. Trong thời gian này, nhiều học giả lớn từng đề xuất sửa đổi, cải tiến chữ quốc ngữ như Nguyễn Văn Vĩnh (năm 1919), Nguyễn Bạt Tụy (1949), Hoàng Phê (1960)...

Một số đề xuất cải tiến đáng chú ý, như: viết "aa" thay cho "â", "ee" thay cho "ê" hay bỏ "h" trong "gh", "ngh"; dùng "f" thay "ph", dùng "d" thay "đ"; thay "y" bằng "i" trong hầu hết các từ trừ "ay", "ây".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét