Tiếng trống rộn rã, những làn điệu ngọt ngào và cả sự nô nức, hồ hởi của những người dự hội. Quá đủ để làm nên ngày xuân tưng bừng. Đặc biệt lễ hội bài chòi ở Huế càng như bện chặt lòng người, như một phần không thể thiếu của phần hồn xứ Huế mỗi độ tiết trời sang xuân.
Huế vào xuân không chỉ nên thơ bởi vẻ mộng mơ của những sắc hoa ven bờ sông Hương, bởi cái dìu dặt lững lờ trôi của dòng sông thơ mộng mà còn đặc sắc bởi những trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn truyền thống, Bài Chòi - mang vẻ độc đáo, nét đẹp văn hóa của mảnh đất kinh kỳ. Hằng năm cứ vào mỗi độ xuân về, từ mồng 1 đến mồng 10 âm lịch, du khách lại tấp nập về cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy) để tham gia lễ hội đậm đà màu sắc dân tộc này.
Khác với lễ hội bài chòi ở Hội An, ở Huế đặc trưng bởi các làn điệu ngọt ngào, đượm tình. Du khách đến xem không chỉ thích thú bởi tính giải trí mà còn gật gù bởi giá trị truyền thống được đan xen. Người chơi như đắm chìm trong sự miên man của những câu hò, không đơn thuần chỉ là một trò chơi mang lại niềm vui cho người dân vào dịp tết mà nó còn là linh hồn, là nét đẹp văn hóa tuyệt đẹp. Đến với Huế vào những dịp đầu năm, chúng ta sẽ bắt gặp cảnh mọi người nô nức, vui tươi cùng nhau tham gia phiên chợ xuân và không thể nào bỏ lỡ lễ hội bài chòi, náo động cả một góc sân.
Cách bố trí gian lễ hội cũng rất ấn tượng, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy cổng vào lễ hội được người dân dựng bằng tre trong làng, những tấm mẹt được dùng để ghi rõ dòng chữ “Bài chòi mừng xuân”. Điều thú vị là 11 chòi - nơi người chơi được bố trí ngồi cho mỗi lượt chơi được sắp xếp hợp lý, tựa như những gian nhà nối liền nhau được dựng bằng tre, bao gồm 10 chòi con và một chòi trung tâm, được xếp thành hình chữ nhật. Cảm giác thanh bình, tuyệt đẹp toát lên từ chính những gian chòi đơn sơ ấy. Ở chính giữa là hủ đựng que bài để người quản trò rút thăm trong mỗi lượt hò. Không chỉ dừng lại ở đó không gian được phối cảnh bằng nhiều hình ảnh thân thuộc, gần gũi của làng quê Việt: gốc cây, bụi chuối và đặc biệt là những chiếc nón bài thơ xứ Huế tuyệt đẹp. Chính điều này đã làm nên một không gian đầy ấn tượng, luôn khơi gợi sự hồ hởi, thích thú cho người chơi.
Những làn điệu dân gian xứ Huế ngọt lịm, dìu dặt lòng người, khiến người chơi như lạc vào xứ sở của những thanh sắc, vần điệu và cả sự dí dỏm của người quản trò. Tài năng của một tâm hồn nghệ sỹ mà người quản trò mang lại là sự kết nối quan trọng, chỉ là những câu hò lấy cảm hững từ những sự việc hết sức đời thường nhưng nó lại khiến cho những câu hò, những quân bài trở nên có hồn vô cùng. Nghe một lần mà nôn nao về một miền đất mộng mơ, đầy thi vị. Người nông dân chất phác hằng ngày như trở thành một người nghệ sĩ thực thụ, điêu luyện trong cách hò khoan thai, nhẹ dịu. Không đơn giản chỉ là việc phổ nhạc cho những vần điệu mà còn là sự linh hoạt trong việc lồng ghép những quân bài trong làn điệu dân ca ngọt ngào ấy. Những câu vè, những điệu hò ấy bắt nguồn từ ca dao gần gũi quen thuộc của người xưa rồi linh hoạt tự phóng tác hoặc sáng tác thêm cho đa dạng, bớt nhàm chán. Chơi Xuân gặp lúc e hè, “Ông ầm”, “Thái tử đưa xe qua đò” hay “Nghiêng tai nghe nhặt “sưa” hò/Nâng niu “bạch tuyết”, nỏ lo chi nghèo”.
Tiếng trống rộn vang một góc chợ, càng lúc càng gấp gáp, dồn dập báo hiệu một lượt chơi nữa sắp bắt đầu, mọi người dân nhanh chân đến hội chòi để nhanh chân tìm cho mình một chòi trống bắt đầu lượt chơi của mình. Khi tiếng trống dứt cũng là lúc báo hiệu người chơi đã đủ và người quản trò nhanh chóng vào vị trí để bắt đầu lễ hội bài chòi. Bất kể già trẻ, lớn bé hay du khách thập phương đều có thể tham gia trò chơi này, những người trẻ thì muốn khám phá một nét văn hóa mới, còn những người tâm hồn trẻ thì tham gia Bài chòi như để sống lại với những hoài niệm cũ. Do đó, tham gia lễ hội Bài chòi còn có cả những cụ già đã ngoài 80. Như cụ Vân (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) tỏ ra vô cùng hào hứng để bắt đầu cuộc chơi. Kể cả em bé 5 tuổi cũng theo bà mình ngồi chờ bắt đầu lượt chơi.
Dường như bài chòi mang lại một sức hút khó cưỡng đối với những người dân xứ Huế nơi đây. Nếu bạn là người mê mệt chất giọng ngọt dịu, dễ thương, đặc trưng của người Huế thì bài chòi với chất giọng ấy càng trở nên gợi cảm, làm lay động tâm trí của biết bao con tim.
Mỗi lượt chơi bao gồm 4 keo, hết lượt này người chơi sẽ thay đổi và lượt tiếp theo sẽ tiếp tục nếu đủ người ngồi vào chòi. Người chơi ở mỗi chòi sẽ được bốc thăm 5 quân bài bất kỳ, riêng chòi trung tâm sẽ được bốc 6 quân bài. Quân bài được in mộc bản dán trên que tre được vót sẵn như những nan quạt. Khi người chơi đã có được sự lựa chọn cho mình, tiếng trống khai hội vang lên báo hiệu một chơi đầy gay cấn sẽ bắt đầu.
Người quản trò rút quân bài bất kỳ trong hủ đựng bài được và bắt đầu hò câu hò chứa tên của quân bài mà người quản trò bốc được. Người chơi sẽ tập trung lắng nghe câu hò và hồi hộp lắng nghe xem có trùng khớp với quân bài mà mình bốc được. Tiếng gõ mõ vang lên từ chòi nào, chòi đó là chòi đã có quân bài trùng khớp và cứ như thế nếu chòi nào có sự trùng khớp với 3 quân bài thì người chơi đó sẽ giành chiến thắng keo đầu tiên và cứ như thế các keo tiếp theo sẽ diễn ra liên tục sau khi mỗi keo tìm được người chơi chiến thắng. Mỗi keo chiến thắng người chơi ở mỗi chòi sẽ nhận được một lá cờ màu đỏ, tượng trưng cho sự chiến thắng, cuối lượt chơi, người chơi có cờ đỏ sẽ đến cuối góc lễ hội để đổi cờ nhận quà. Thường thì quà là hạt dưa, bánh mứt hay cặp bánh chưng nóng hổi, thơm phức hay những phong bao lì xì đầy ý nghĩa. Chỉ đơn giản có thể thôi nhưng cũng đủ lôi cuốn rất nhiều người dân đến tham gia và góp vui cho chương trình những làn điệu hò Huế đầy sức thân tình, giản dị.
Bạn Minh Tâm - người chiến thắng đến 3 keo chơi trong lượt chơi đầu tiên của tết năm nay - chia sẻ cảm xúc: “Mình rất vui khi mỗi lần tham gia trò chơi miền quê hấp dẫn này. Tết năm mô mà làng không tổ chức lại cảm thấy thiêu thiếu.”
Nụ cười chiến thắng hòa lẫn với giọng điệu đầy tự hào của người con xứ Huế khi nói về lễ hội dân gian đặc sắc này càng chứng tỏ bài chòi đã trở thành một phần linh hồn của xứ Huế vào dịp tết. Những người dân ở đây quan niệm rằng đây không phải là một trò chơi đề cao sự thắng thua, cái quan trọng đó là mọi người có cơ hội được giao lưu với nhau, đậm đà thêm tình làng nghĩa xóm.
Sự ấn tượng, thu hút trong lối hát người quản trò khiến ai nấy đều mê đắm những làn điệu dân gian, trầm trồ bởi nét tài hoa trong sự kết hợp linh hoạt của một tâm hồn nghệ sỹ. Tiếng hò reo của khán giả mỗi lần có người chiến thắng, tiếng cổ vũ cùng với sự nồng nhiệt trong sự hồ hởi, bàn luận khiến cho lễ hội bài chòi dịp xuân tựa như tràng pháo giòn tan chào đón năm mới.
Khi mùa xuân đã về đâu đây trên những chồi non, lộc biếc, lòng người lại rộn vang, hứng khởi. Lễ hội bài chòi như góp thêm niềm vui tuyệt vời ấy, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân xứ Huế. Và với người dân Hương Thủy nói riêng, cũng như Thừa Thiên Huế nói chung, vẫn đang ra sức cố gắng để giữ gìn nếp nhà, cốt cách dân dã của con người Huế, ngay cả trong những dịp trọng đại như Festival Huế hằng năm, bài chòi vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong bữa tiệc văn hóa của miền đất cố đô.
Hà Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét