Tình yêu là đề tài muôn thuở trong kho tàng. Vì tình yêu mà hóa đá. Vì tình yêu mà đánh đổi giọng nói quý giá lấy đôi chân trần. Và tình yêu ở xứ Pạc Sủi (Quảng Ninh) là một trong số câu chuyện cảm động góp phần cho sự đa dạng trong kho tàng văn học ấy.
Pạc Sủi là tên một địa phương thuộc xã Yên Than, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là tên một con thác. Thác Pạc Sủi. Pạc Sủi có nghĩa là nước trắng. Bởi nước ở đây quanh năm tung bọt trắng xóa.
Pạc Sủi nằm cách thị trấn Tiên Yên chừng 10km, con đường tới Pạc Sủi gập gềnh, uốn lượn quanh co. Gập ghềnh như chính con đường đến với tình yêu, đến với chân lý vậy. Sự quanh co, vất vả ấy sẽ được quên nhanh chóng khi mọi người bị hút mắt bởi cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Những ruộng bậc thang của dân tộc Thanh Y, Thanh Phán, bởi chính con thác Pạc Sủi ẩn hiện bên những sườn núi.
Đặt chân đến Pạc Sủi, mọi bon chen, ồn ào tan biến đặc sánh là không gian yên bình. Người và thiên nhiên như hòa quyện.
Đứng trước món quà thiên nhiên ban tặng mới biết mình thật nhỏ bé. Và càng thấm thía hơn khi được nghe người địa phương truyền cho con cháu nghe câu chuyện về tình yêu mới thấu được bài học triết lý nhân sinh mà chính thiên nhiên đã dạy.
Chuyện xưa kể rằng, ở xứ non xanh nước biếc có đôi trai tài gái sắc yêu nhau thắm thiết. Cho đến một ngày quỷ dữ xuất hiện và phá hoại mùa màng, bắt trâu bò, lợn gà của bà con. Hơn tất thảy, nó đã độc chiếm nguồn nước duy nhất của bà con. Hạn hán kéo dài, mất mùa liên miên, cuộc sống của người dân nơi đây lâm vào cảnh khốn cùng, đói khổ. Vì vậy, chàng trai và cô gái đã kêu gọi bà con bàn cách diệt trừ con quỷ dữ. Cuộc chiến không cân sức đã diễn ra nhiều ngày đêm. Nhiều thanh niên trong làng cũng đã bỏ mạng. Dù vậy, chàng trai và cô gái vẫn dũng cảm chiến đấu. Con quỷ dữ toan lao vào xé xác chàng trai, cô gái đã dùng hết sức lực lao vào và dùng mái tóc dài óng ả của mình để xiết cổ con quỷ dữ. Cuối cùng, chàng trai và cô gái đã giúp được bà con diệt trừ con quỷ. Cô gái cứu được người mình yêu. Song, do chiến đấu nhiều ngày, phần đã kiệt sức vì mệt, phần kiệt sức vì đói lâu ngày, cô gái đã qua đời. Người con trai đã giơ thay lên mà kêu trời, dòng nước mắt đầm đìa lăn dài trên má. Quá thương nhớ người yêu, chàng trai đã hóa đá, ngàn đời ôm ấp người yêu trong lòng.
Dòng thác trắng xóa vừa như mái tóc dài của người con gái vừa như dòng nước mắt của người con trai thương nhớ người yêu ngàn năm không dứt
Có lẽ vì đó mà người dân tộc Thanh Y, Thanh Phán cũng có Chợ Tình vào khoảng tháng Tư âm lịch hàng năm, các đôi trai gái, vợ chồng xa cách có thể tìm đến và trò chuyện hết đêm cho thỏa lòng mong nhớ.
Ai đã từng đến Pạc Sủi thì khó lòng có thể quên sắc tím của hoa lan, hoa sim, hoa mua ven hai bên bờ thác hòa cùng màu nước. Đó là sắc màu của thủy chung, của tình yêu vĩnh cửu. Dòng nước cũng được người dân nơi đây ví như mái tóc dài của cô gái đã dùng để tiêu diệt con quỷ dữ. Và cũng là dòng nước mắt của chàng trai nhớ thương người yêu.
Ai đã từng đến Pạc Sủi thì khó lòng có thể quên sắc tím của hoa lan, hoa sim, hoa mua ven hai bên bờ thác hòa cùng màu nước, bọt tung trắng xóa
Mười sáu tầng đá có đoạn hiểm trở như thiên la địa võng đôi tình yêu giăng ra để chiến đấu chống quỷ dữ. Mười sáu tầng đá như chứng nhân tình yêu cao cả của đôi tình nhân năm nào. Độc bước nơi đây, dòng nước khi thì róc rách thủ thỉ như đôi tình nhân đang tâm sự, lúc lại như tiếng khóc xé lòng của chàng trai thương nhớ cô gái.
Thời gian trôi qua, thác Pạc Sủi chứng kiến biết bao cảnh ly biệt của người dân tộc Thanh Y, Thanh Phán. Người Thanh Y, Thanh Phán cũng nhờ vào con thác mà sinh sống, phát triển từ đời này sang đời khác. Cuộc sống hiện đại xâm nhập nhanh chóng, hy vọng người dân nơi đây không vì thế mà quên đi câu chuyện tình yêu cảm động, quên đi bản sắc văn hóa của mình mà chạy theo cái mới, cái cách tân.
Tình yêu, vốn là đề tài không thể thiếu trong đời sống con người. Dù giàu sang hay nghèo khó. Nơi nào có tình yêu nơi đó có cuộc sống đầm ấm yên vui. Như chính bài học mà Pạc Sủi đã dạy ta. Âm dương hòa hợp, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu.
Cát Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét