Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Xao lòng người sành ăn với món cá tai tượng miền Tây

Về miền Tây, thực khách có thể thưởng thức nhiều món đặc sản đậm đà hương vị miền sông nước, trong đó, món cá tai tượng chiên xù, cá tai tượng chưng tương hay nấu canh cua luôn được khách sành ăn ưa thích.


Cá tai tượng sinh sống ở khắp miền Tây, là một loài cá dễ nuôi, phát triển khỏe mạnh cả nước ngọt lẫn nước lợ. Loài cá này hình dáng to bè trông giống tai voi nên người miền Tây gọi là “tai tượng”. Cá tai tượng có lớp vảy bạc óng ánh, con càng lớn thì vảy càng to và xứng, thường được người dân địa phương nuôi trong những mương, liếp sau vườn cùng một vài loài cá khác để dành phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình hoặc khi nhà có đám tiệc hay có khách đến thì đãi đằng ngay bằng những món ăn “cây nhà lá vườn” độc đáo mà không phải mất thời gian ra chợ.

Kéo lưới bắt dính cá tai tượng
Cá tai tượng trưởng thành, nuôi lâu năm trong hồ có thể nặng đến 4 – 5 kg thậm chí là hơn. Để bắt cá tai tượng thì có thể câu bằng mồi trùn, tép nhưng câu thì hơi lâu vì cá rất khôn, ít khi nào ăn mồi. Cách nhanh nhất là kéo lưới bắt được nhiều con để lựa chọn được con ưng ý nhất bắt lên rọng để dành ăn. Bà con miền Tây rất mê những món ăn được chế biến từ cá tai tượng nhất là cá tai tượng chiên xù và cá tai tượng chưng tương.

Con cái tai tượng này khoảng trên 1kg chiên xù là ngon nhất
Để chế biến món cá tai tượng chiên xù, bà con miền Tây thường chọn con cá khoảng 1 kg, nếu to hơn nữa thì càng chất. Cá bắt từ ao lên thì làm sạch ruột cá, vảy cá giữ nguyên. Kế đến đó rửa sạch, để ráo nước thì đem chiên nguyên con không cắt khúc. Vì thế, lúc chiên cá phải lựa cái chảo thật to, cho dầu ngập cả con cá mới là “đúng điệu”. Lửa thì cho liu riu để cá chín vàng một bên thì trở bề bên kia. Chú ý canh lửa và trở thật đều tay để cá giòn vàng, không bị tróc, trông rất hấp dẫn.

Chọn cái chảo lớn để chiên xù nguyên con cá tai tượng

Rưới đều dầu lên mình cá
Khi vảy cá vàng tươi, sần lên, mùi hương bốc lên thơm phức là lúc cá chín. Nhẹ nhàng vớt ra để ráo dầu rồi xếp lên đĩa, nếu làm món ăn trong gia đình thì không cần cầu kỳ chỉ thêm rau và ớt thái nhỏ, ngò xắt sợi, rắc thêm chút đậu phộng rang để tăng thêm hương vị. Nhưng nếu là món đãi tiệc hay khách quí thì các mẹ, các chị sẽ bày biện thêm cho đẹp mắt bằng cách dùng khung đỡ cho cá đứng giữa đĩa trông như đang bơi, hay thêm thắt chi tiết cho món ăn bằng cách gọt tỉa củ quả thành hình ngư ông cưỡi cá…

Chú ý trở bề cá để cá chín vàng đều đẹp mắt

Cá tai tượng chiên xù đã hoàn thành

Bày biện cuốn bánh tráng cùng rau sống rất ngon
Đâu chỉ có món cá tai tượng chiên giòn mới khiến thực khách xao lòng, cá tai tượng chưng tương với cách làm cầu kỳ hơn lại rất thơm ngon, được lòng người sành ăn. Cá tai tượng cạo hết vảy, làm sạch rồi dùng dao khứa vài đường trên thân cá, đem ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt, tiêu, xốt tương… trong khoảng 15 phút.

Sơ chế cá tai tượng và các phụ liệu để chưng tương
Trong thời gian chờ đợi gia vị thẩm thấu vào từng thớ thịt cá, người ta sẽ sơ chế các phụ liệu kèm theo tạo nên đặc trưng của món ăn. Nấm mèo, nấm đông cô khô đem ngâm nở rồi cắt nhỏ. Món này không thể thiếu bún tàu ngâm mềm, cắt khúc kèm theo hành tây và cà chua cắt múi để tăng thêm hương vị. Tiếp theo, cho cá tai tượng vào khay kèm với nấm mèo, nấm đông cô, bún tàu, thêm ít nước và xốt tương trộn đều cho vào nồi hấp khoảng nửa tiếng hoặc hơn tùy theo cá lớn hay nhỏ. Sau đó, thêm cà chua và hành tây vào hấp độ chừng 5 phút nữa thì tắt bếp. Mở nắp nồi, hít hà hương thơm của thịt cá hòa quyện với mùi tương hột, bún tàu khiến thực khách muốn thưởng thức ngay lập tức.

Cá tai tượng chưng tương gần chín

Món cá tai tượng chưng tương đã hoàn thành
Với hai món cá tai tượng này, người miền Tây thường bày biện trong bữa cơm hoặc cuốn bánh tráng cùng với bún và rau sống như rau thơm, khế chua, dưa leo, xà lách… Khéo léo cuốn một cuốn bánh gồm thịt cá mềm ngọt, bún dẻo dẻo, dai dai, vị thơm của rau sống và nước chấm chua cay hòa lẫn trong khoang miệng.

“Mần” cá tai tượng chuẩn bị nấu canh chua

Cắt cá thành khúc vừa ăn
Hầu hết các loại cá đều có thể được người miền Tây chế biến thành món canh chua, cá tai tượng cũng không ngoại lệ. Canh chua là món phổ biến ở miền sông nước với me, trái bần hoặc mẻ là nguyên liệu chủ yếu để tạo vị chua. Bên cạnh cái loại rau quả quen thuộc để nấu canh chua như trái thơm, cà chua, rau muống, rau thơm... người miền Tây lựa chọn chuối cây non nấu cùng cá tai tượng tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Chuối cây non cắt nhỏ thay thế cho các loại rau, quả nấu canh chua

Canh chua cá tai tượng đã hoàn thành
Món canh chua cá tai tượng ngon đúng “chuẩn” miền Tây là nấu vừa chín, cá và rau không rục, không nát. Nước canh thật chua hòa quyện vị ngọt dịu, cá chín thịt trắng phau điểm xuyết vài lát ớt đỏ tươi… hơi nóng bốc lên thơm lừng.
Dùng đũa giẽ thịt cá, chấm vào chén nước mắm ớt thiệt cay cho vào miệng để cảm nhận vị ngọt thơm của cá cùng vị cay kích thích vị giác của ớt. Nhấp thêm ly rượu nếp thơm nồng giữa chốn thiên nhiên sông nước hữu tình càng khiến tình thân bằng hữu thêm bền chặt lâu dài.

Nhất Huỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét