Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Chợ 'độc' miền Tây

Chợ heo thừa vú


TTO - Miền Tây sông nước có nhiều chợ “độc”, “lạ” mang nét đặc trưng của từng địa phương. “Độc”, “lạ” ngay từ tên chợ, từ mặt hàng mua bán đến mối quan hệ giữa chủ chợ với tiểu thương và bạn hàng…

Chợ độc miền Tây - kỳ 1: Chợ heo thừa vú - Ảnh 1.
Nhiều điểm mua bán heo thừa vú mọc lên ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, một huyện rất phát triển ngành chăn nuôi heo - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Có một ngôi chợ độc đáo chỉ mua bán duy nhất một món hàng: heo thừa vú.
Dưới ánh đèn đường nhợt nhạt, ông Võ Văn Huy liên tục đảo mắt như đang tìm kiếm ai đó. Nhác trông thấy một người chạy xe máy dừng bên kia đường, ông nhanh nhẹn băng qua quốc lộ 1 rồi tiếp cận và hỏi: "Được mấy con, heo đẻ hồi nào? Xem được tui mua".
Heo thừa vú là heo gì?
Hỏi cho có như để thay lời chào, ông nhanh nhẹn thọc tay vào chiếc túi đựng heo của người đi xe máy lôi ra hai con heo con.
Cầm chân sau dốc ngược hai con heo lên, thấy heo chỉ ré lên một tiếng nhỏ rồi ngoan ngoãn nằm im, ông Huy liền nói: "Heo yếu quá vậy, có bị gì không?".
Nói đoạn, ông xách heo vào sát bóng đèn nhà dân bên đường quan sát kỹ, rồi mang ra trả lại người bán.
Giải thích vì sao không mua hai con heo con đó, ông nói: "Mấy con heo này không có hậu môn".
Bí quyết để nhận biết heo thừa vú khỏe mạnh là cuống rún còn tươi, vai nở, cầm heo lên nó vẫy vùng mạnh.
Bà Tám Hoàng
Mỗi heo con ông mua vào với giá 100.000 đồng và bán ra 150.000 đồng, mỗi con ông kiếm lời 50.000 đồng. Năm nay 52 tuổi, ông Huy đã gắn liền với nghề mua heo thừa vú ở ngã ba Nhị Quý này hơn 27 năm.
Bà Tám Hoàng ở xã Nhị Quý, người đã nghỉ nghề thương lái heo thừa vú vài năm, cho biết: "Trước đây nghề này dễ kiếm ăn nên có khá đông người tham gia. Chỉ cần mỗi đêm mua được 5-7 con là sống khỏe".
Rồi bà giải thích heo thừa do heo mẹ đẻ nhiều khiến số heo con nhiều hơn số vú heo mẹ có, nên phải bán con thừa đó đi (người mua loại heo này nuôi heo nái đẻ ít con hơn số vú đang có). Khi mua loại heo này phải cẩn thận nhầm heo ngộp, heo 5 móng, heo không có hậu môn vì sẽ bị lỗ.
Một thời sung túc
Trước đây có khoảng 20 người làm nghề mua heo con thừa vú như ông Huy, bà Tám Hoàng, nhưng hiện nay số người bám chợ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông Huy và một số người còn lại như bà Ba Lan, ông Năm Chiến... là một số thương lái ít ỏi còn đeo bám với nghề mua bán heo thừa vú ở chợ này.
Gọi là "chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu" nhưng thực ra ở đây không có bảng hiệu, không có tên chính thức, mà người dân chỉ truyền miệng với nhau rồi tìm đến đây mua bán heo con khi cần.
Chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu kéo dài khoảng 6km dọc quốc lộ 1, từ ngã ba Đông Hòa, huyện Châu Thành đến ngã ba Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang.
Chợ bắt đầu nhóm họp từ 3h sáng đến hết ngày. Ai có nhu cầu mua bán heo thì ra chợ và ở đây có sẵn nhiều người làm trung gian - mua heo thừa vú rồi bán lại cho người cần.
"Nhà nào có heo con đẻ nhiều thì chủ nhà sợ heo mẹ thiếu sữa nên bán bớt, còn nhà nào có heo nái đẻ ít thì mua thêm để tăng đàn" - bà Nguyễn Thị Tư, ngụ xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, nói.
Bà Tư là người gắn bó với chợ heo thừa vú hàng chục năm, trải qua biết bao thăng trầm với nghề mua bán heo con cho biết vì sao chợ lại chủ yếu họp vào ban đêm. Theo bà, heo có tập tính đẻ vào ban đêm nhiều hơn ban ngày.
Việc bỏ heo con vào chuồng ban đêm lúc heo mẹ còn ngủ sẽ hạn chế được chuyện cắn heo lạ. Song quan trọng nhất vẫn là hàng xóm không thấy người nuôi heo đẻ bổ sung heo thừa vú vào bầy để sau này dễ bán heo con...
Mấy chục năm trước đây, chỉ cần mang giỏ heo con ra chợ Thuộc Nhiêu là có cả chục người đón mua. Heo con thời đó hiếm nên giá bán mỗi con heo thừa vú có thể mua được một giạ gạo (40kg) trong khi một tạ heo thịt có thể mua được một lượng vàng.
Chợ độc miền Tây - kỳ 1: Chợ heo thừa vú - Ảnh 3.
Điểm mua bán heo thừa vú của ông Nguyễn Văn Tư tại chợ Gạo - Ảnh: Mậu Trường
Chợ heo thừa vú mai một
Những ngày này, khi giá heo thịt tại khu vực miền Tây lên ngưỡng 50.000 đồng/kg kéo theo giá heo con cũng lên sát giá 1.000.000 đồng/con. Nhưng trước đợt lên giá này là một đợt heo thịt rớt giá thê thảm khiến người nuôi treo chuồng, heo nái đẻ không đủ nuôi nên cũng không có ai bán. Chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu bị ảnh hưởng.
Bà Bảy Tú - ngụ xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khi nghề chăn nuôi heo còn thuận lợi, nhu cầu mua bán heo con còn nhiều, mỗi ngày có khi bán được cả vài ba chục heo con.
"Nhưng đợt heo xuống giá trong năm rồi và đầu năm nay khiến người chăn nuôi không mặn mà, nên mỗi ngày bán được vài ba con là mừng. Tiền lời không đủ chi phí" - bà Bảy Tú nói về lý do chuyển từ nghề thương lái heo sang nghề may gia công tại nhà.
Ngoài lý do giá heo bấp bênh, hiện nay nhiều người chăn nuôi có nhu cầu bán hoặc mua heo con sẽ liên hệ với cán bộ thú y địa phương. Cán bộ thú y sẽ đóng vai trò đầu mối để giới thiệu cho người có nhu cầu, nên chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu cũng dần ít khách.
Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ giúp các hộ chăn nuôi kết nối với nhau, chia sẻ nguồn heo giống đã làm giảm vai trò của chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu.
Nhưng với những người gắn liền với ngành chăn nuôi lâu đời ở miền Tây, họ xem chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu như một phần của lịch sử phát triển ngành chăn nuôi. Đây là một phương thức giao dịch đơn giản nhưng rất thiết thực với người dân vùng nông thôn miền Tây.
Nguồn gốc
hinhanhheo  (5) 3(read-only)
Ông Võ Văn Huy đang mua heo thừa vú tại chợ Thuộc Nhiêu - tháng 9-2018 - Ảnh: THANH TÚ
Không ai nhớ rõ chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu ra đời từ khi nào nhưng theo các bô lão sống tại đây, ở vùng này xưa kia vốn nổi danh với một giống heo được đặt theo tên làng Thuộc Nhiêu, xã Dưỡng Điềm.
Khoảng những năm 1960, loại heo này phát triển rất mạnh ở các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ... Phong trào nuôi heo kéo theo nhu cầu về con giống tăng cao, nên người dân chọn luôn làng Thuộc Nhiêu bên quốc lộ 1 làm chỗ giao dịch mua bán heo con

Chợ cá đồng giữa... rốn lũ

TTO - Nằm giữa vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười, nơi tiếp giáp các tỉnh giàu cá tôm, chợ cá đồng Trường Xuân (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) bao năm qua được nhắc đến như một chợ sỉ cá đồng lớn nhất khu vực ĐBSCL.

Chợ độc miền Tây - kỳ 2: Chợ cá đồng giữa... rốn lũ - Ảnh 1.
Một góc chợ cá đồng Trường Xuân - Ảnh: M.TRƯỜNG
Bởi việc buôn bán ở đây rất trọng chữ tín nên thương lái và ngay cả khách du lịch cũng thường ghé mua hàng vì an tâm về chất lượng.
Ông ĐẶNG VĂN LƯỠNG
Giờ nào cá nấy
Những ngày đầu tháng 8, khi nước lũ tràn về các cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp), những mẻ cá linh tươi rói đầu mùa đã lác đác xuất hiện tại chợ cá đồng Trường Xuân.
Một giờ khuya. Cảnh vật im ắng bỗng bị xé toạc bởi tiếng ghe tành tạch từ các cánh đồng lũ đổ về chợ cá đồng Trường Xuân, nằm cặp mé kênh Tứ. Phần lớn là ghe của thương lái chở cá linh non và một số ghe của người dân đánh bắt trực tiếp.
Những mẻ cá linh được xúc từ khoang ghe lên còn nhảy tanh tách nhanh chóng được cân rồi cho vào từng thùng nhựa đưa lên các xe tải biển số TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang... để chở thẳng đi các chợ bán lẻ.
Ông Nguyễn Minh Tiếp, 53 tuổi, ngụ Tiền Giang, một thương lái chuyên thu mua cá linh, cho biết bình quân mỗi ngày ông chở 300-400kg cá linh đi giao cho các nhà hàng, quán ăn và tiểu thương ở các chợ bán lẻ.
Nhiều năm về trước, người miền Tây có câu cửa miệng "rẻ như cá linh", nhưng hiện nay giá mỗi ký cá linh không dưới 200.000 đồng.
"Thời điểm này tôi bán độc nhất mỗi loại cá linh. Loài cá này ngày càng khan hiếm nên giá năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước" - ông Tiếp nói.
Càng về gần sáng, ghe tập trung về chợ càng đông. Tầm hơn 5h, tiếng ghe, tiếng người gọi nhau í ới vang cả một khúc kênh. Do mới đầu mùa lũ, cá linh chưa vào chính vụ nên khi trời vừa rõ mặt người thì lượng cá này chở về chợ cũng giảm hẳn.
"Khoảng 2-3 giờ chiều chợ mới đông lại. Lúc đó chợ chủ yếu bán các loại cá trắng như mè vinh, chép và một số sản vật mùa lũ khác..." - ngồi trên ghe có mái che, ông Huỳnh Văn Cước, 53 tuổi, quê Bến Tre, nói.
Ngoài việc chợ họp theo từng khung giờ thì sản vật mùa lũ ở đây cũng được phân bố theo từng khu rõ ràng.
Từ ngoài lộ lớn vào là khu bày bán chuột đồng, rắn, rùa; đến khu gần lộ là chỗ bán các loại cá trắng như mè vinh, chép, mè trắng; kế đến là các vựa sát bờ kênh chuyên về các loại cá đen như lóc, trê, rô và bông súng, điên điển; ngoài cùng là các ghe tứ xứ về đây đậu hàng tháng để mua cá làm mắm tại chỗ như ghe của ông Cước.
Chợ độc miền Tây - kỳ 2: Chợ cá đồng giữa... rốn lũ - Ảnh 3.
Ông Huỳnh Văn Cước và bà Lê Thị Thật mua cá làm mắm cả tháng trời tại chợ Trường Xuân - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Chuyến đi chợ cả tháng
Dù chợ họp quanh năm suốt tháng nhưng vợ chồng ông Cước và bà Lê Thị Thật chỉ đi chợ đúng một lần trong năm.
Đó là vào mùa nước nổi, khi những cánh đồng giáp biên giới Campuchia như một tấm thảm vàng khổng lồ, ông lại dong chiếc ghe trên sông Tiền từ Bến Tre đến chợ cá đồng Trường Xuân.
"Tôi rất ít khi đi chợ nhưng mỗi lần đi là phải đi cả tháng trời mới đã" - ông Cước nói.
Hơn 30 năm qua, hai vợ chồng ông gắn liền với con tôm, con cá để mưu sinh. Ban đầu khi cá tôm còn nhiều, hai vợ chồng chạy ghe khắp các con kênh vùng Đồng Tháp Mười để mua trực tiếp từ các ghe đánh bắt của người dân và bán lại kiếm lời.
Nhưng cá đồng ngày càng hiếm, cá chỉ tập trung theo từng mùa nên vợ chồng ông chuyển qua làm mắm để bán.
Khoảng 10 năm trở lại đây, đều đặn mỗi năm một lần vào mùa nước nổi, hai vợ chồng lại vượt cả trăm cây số đường sông để neo ghe trên kênh Tứ cả tháng trời gom cá làm mắm.
"Cá đồng ngày càng khó mua, bởi vậy mình mới phải chờ đợi cả tháng mới gom đủ hàng nhưng không phải vì vậy mà mình làm ẩu, mua cá nuôi để trộn vào mẻ mắm" - bà Lê Thị Thật nói.
Chợ độc miền Tây - kỳ 2: Chợ cá đồng giữa... rốn lũ - Ảnh 4.
Những mẻ cá đồng tại chợ Trường Xuân - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Hợp đồng... chữ tín
Ông Hồ Văn Đoan, 47 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, có tám năm theo nghề bán lẻ cá đồng ở chợ Cái Bè, cho biết: "Hồi trước tôi đi gom cá đồng ở các mối lẻ dọc đường, chuyên bị lừa bằng cá nuôi. Nhưng từ hồi lấy cá ở chợ Trường Xuân đến nay thì không có tình trạng đó".
Dù nước lũ đang lên nhanh những ngày đầu tháng 8, vựa cá đồng Chí Tâm nằm trong chợ vẫn chưa mở cửa.
Theo anh Tâm - chủ vựa, hiện lượng cá đồng vẫn chưa đủ để cung ứng cho khách. Để đảm bảo đủ nguồn cung, anh Tâm hiện đã hợp đồng với năm ghe chuyên đi mua cá trực tiếp từ người dân trên đồng.
Cạnh vựa cá anh Tâm, vựa cá bà Nguyễn Thị Hiếu bán buôn nhộn nhịp. Theo bà Hiếu, để có nguồn hàng dồi dào, bà đã liên kết trực tiếp với các chủ ghe bằng cách cho mỗi người mượn vài chục triệu đồng để mua ngư cụ đánh bắt cá.
"Chú Tư mượn 10 triệu, chú Bảy 20 triệu..., thật sự tui cũng không biết tên trên giấy tờ của mấy chú là gì, nhà ở đâu nữa. Tuy vậy nhưng chưa bao giờ tui bị quỵt" - bà Hiếu nói.
Nhận tiền từ chủ vựa, chủ ghe lại dùng số tiền này cho người dân trên đồng mượn lại mua sắm ngư cụ đánh bắt cá. Hai bên giao kèo bằng miệng rồi giao tiền.
Cuối buổi đến cân cá rồi trừ dần - bà Nguyễn Thị Luyến, 63 tuổi, một chủ ghe chuyên đi gom cá trên đồng về bán cho các vựa ở chợ Trường Xuân, cho biết.
Bà Luyến nói: "Tui làm ăn với người dân gần cả chục năm nay nhưng chưa bị mất một đồng".
Mối quan hệ giữa chủ vựa - chủ ghe - người dân khăng khít như vậy và làm nên thương hiệu về một ngôi chợ mộc mạc nhưng có sức sống lâu bền như tên gọi Trường Xuân.
Mua bán không lập lờ
Ông Đặng Văn Lưỡng, trưởng ban quản lý chợ cá đồng Trường Xuân, cho biết chợ có từ hàng chục năm nay. Ban đầu chỉ là chỗ mua bán tự phát của người dân bên dòng kênh Nguyễn Văn Tiếp, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Long An - Đồng Tháp.
Cách đây hơn 10 năm, chợ được dời vào vị trí hiện nay với quy mô 15-20 vựa hoạt động quanh năm. Bình quân mỗi ngày chợ cung cấp trên dưới 10 tấn cá cho các thương lái để bán lẻ tại các chợ khác.
Những năm trước, chợ cá đồng Trường Xuân chỉ bán độc nhất cá tôm tự nhiên, tuyệt đối không bán đồ nuôi. Tuy nhiên, các năm gần đây vào những thời điểm cá, tôm đồng khan hiếm, chợ có bán luôn cá nuôi nhưng công bố rất rõ ràng chứ không có chuyện lập lờ đánh lận con đen.

Chợ gạo Bà Đắc


TTO - Chợ gạo Bà Đắc (xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là chợ bán sỉ gạo sớm nhất, duy nhất ở vựa lúa miền Tây.

Chợ độc miền Tây - kỳ 3: Chợ gạo Bà Đắc - Ảnh 1.
Một góc chợ gạo Bà Đắc trên bến dưới thuyền - Ảnh: THANH TÚ
Việc mua bán ở đây giống như đánh bài, chỉ cần bị lỗi một nhịp, hàng đến sớm, trễ thì chuyện lỗ lã coi như cầm chắc
Bạn hàng LÊ THỊ HỒNG YẾN
Trung tâm lúa gạo miền Tây
Cũng giống như những chợ khác ở miền Tây, chợ gạo Bà Đắc có hồi nào và bao nhiêu tuổi cho đến giờ chưa ai xác định được. Chỉ biết rằng từ một vài vựa ban đầu ở cuối thập niên 1980, chợ được hình thành và ngày một sung túc như hôm nay.
Mặt tiền chợ nằm dọc theo quốc lộ 1, điểm đầu từ cầu Bà Đắc, điểm cuối là cầu An Cư. Phía sau là con sông An Cư ôm một vòng cung dài khoảng 1.500m, tạo nên thế trận trên bến dưới thuyền rất thuận tiện.
Ông Võ Văn Hữu, 64 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân xay xát, vựa gạo Tấn Vinh, người có thâm niên gần 30 năm trong nghề, cho biết khoảng năm 1985-1986 tại khu vực chợ gạo Bà Đắc hiện nay có ông Hai Đức hành nghề mua bán trái cây ra đây mở vựa trái cây đi TP.HCM.
Hồi đó còn "ngăn sông cấm chợ" nên một số bạn hàng trái cây đã chêm gạo vào mấy giỏ cần xé xoài đưa lên xe đò Cần Thơ - TP.HCM hay Mỹ Thuận - TP.HCM để bán lậu.
Thấy gạo hút hàng, điều kiện thuận tiện ở Bà Đắc nên một số chủ nhà máy chà lúa trong khu vực thị trấn Cái Bè như ông Tám Hồng, Tấn Vinh ra đây mở nhà máy xay xát lúa.
Đến khoảng những năm đầu thập niên 1990, hàng loạt nhà máy xay xát ra đời ở đây. Thời đó mỗi nhà máy xay xát là một vựa gạo do lúa vừa xay ra là có bạn hàng đến giao dịch, chuyển đi TP.HCM và các tỉnh miền Đông.
Theo thời gian, các nhà máy này không còn phù hợp nữa vì không gian chật hẹp, không có chỗ chứa trấu, bụi bặm... nên các chủ nhà máy xay xát phải dời đi chỗ khác. Giờ chỉ còn lại chủ yếu là vựa gạo để bạn hàng giao dịch cùng một số ít nhà máy lau bóng.
Một ngày ở chợ gạo Bà Đắc bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào chiều tối. Nhưng khi vào mùa vụ như đông xuân chẳng hạn, chợ này có thể giao dịch cả đêm.
Dù chợ một mặt giáp sông nhưng những người dân phía bên kia sông cũng "có cơm, có cháo" nhờ vào dịch vụ neo đậu.
Cứ mỗi ghe chờ lên hàng, tùy theo đầu tấn chủ bãi neo đậu có thể thu 50.000- 300.000 đồng/ghe. Chỉ cần một ngày năm ba ghe đậu thì chủ bãi cũng đủ tiền cơm nước.
Nói về chủng loại gạo, ở đây có thể kể đến hơn 100 loại khác nhau. Từ gạo hạt dài, hạt tròn, gạo lức, tấm cám... đến gạo Việt, gạo Campuchia, gạo Thái, gạo Đài Loan, gạo Nhật.
Việc có nhiều chủng loại gạo cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chợ gạo này lúc nào cũng đông đúc do người mua có nhiều sự lựa chọn, người bán có đủ hàng để cung ứng.
Chợ độc miền Tây - kỳ 3: Chợ gạo Bà Đắc - Ảnh 3.
Sau khi kiểm tra độ gãy, độ thơm, còn phải nấu gạo thành cơm để xác định chất lượng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Nhiêu khê nghề... gạo
Do tập quán giao nhận như vậy nên giá gạo ở chợ này lên xuống từng ngày, thậm chí từng giờ. Có một quy luật bất thành văn là hễ mặt hàng gạo nào ít thì giá lên, mặt hàng gạo nào nhiều là giá xuống.
Người mua lẫn người bán (bạn hàng) phải biết nhận định thị trường, vùng nguyên liệu, nhu cầu của khách hàng để mua vào bán ra cho phù hợp. Chỉ cần bị lỗi một nhịp, hàng đến sớm, trễ thì chuyện lỗ lã coi như cầm chắc.
Chị Lê Thị Hồng Yến, một bạn hàng ở tận huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, cho biết mua bán ở đây giống như đánh bài. Nhiều lúc vừa nhổ neo ở Mộc Hóa đem hàng xuống chợ Bà Đắc thấy có lời nhưng khi đến đây thì giá bị tuột.
Cũng có khi thấy giá thấp đem hàng về sẽ không có lời nhưng chạy đến nơi thì giá bỗng nhiên lên.
"Có khi bạn hàng chịu giá rồi nhưng kẹt bãi lên hàng, đậu lại vài tiếng thì giá bị lên (xuống) mấy chục đồng/kg, ghe tui 70 tấn, mất (được) mấy triệu đồng là chuyện bình thường" - chị Yến nói.
Chuyện lỗ lã, vỡ nợ rồi chuồn mất cũng xảy ra hằng ngày như cơm bữa ở chợ này. Đây cũng là nỗi ám ảnh của các bạn hàng vốn quen kiểu giao dịch bằng sự thân quen, chữ tín.
Mới hồi đầu tháng 8-2018 này tại chợ Bà Đắc, có một doanh nghiệp đã "ôm" mấy chục tỉ đồng biến đi mất tiêu.
Chị Nguyễn Thị Giàu, chủ nhà máy lau bóng và cũng là vựa gạo lớn ở chợ Bà Đắc, cho biết ở trong cuộc rồi mới biết nghề gạo này nhiêu khê.
Rồi chị dẫn chứng hàng trăm loại gạo, thị trường lên xuống từng giờ. Mới thấy lời đó, rồi lỗ đó nên người mua, bán phải có kinh nghiệm với thị trường, phải có mối lái thân quen, uy tín với nhau.
Một lô gạo cả trăm tấn người ta giao mình đâu phải có chất lượng giống nhau hết về độ ẩm, màu sắc, gạo gãy hay nguyên...
Vì vậy, ngoài chữ tín ra mình phải có người kiểm gạo tập trung, xuyên suốt để bảo đảm lượng hàng có chất lượng theo mẫu đã chào, để khi giao cho bạn hàng khác thì họ sẽ tin tưởng và làm ăn lâu dài.
Anh Nguyễn Hữu Nhân, một tay kiểm gạo có tiếng ở chợ Bà Đắc, cho biết kiểm gạo phải tinh tường con mắt, phải quen tay vò gạo để đánh giá độ ẩm, ngửi được mùi thơm ở mức độ nào mới biết gạo đó đúng là gạo thơm nguyên chất, không bị pha trộn.
Kiểm tra tất cả xong thì mới đưa ra mức giá mua vào cho phù hợp với thị trường. Mua cao thì lỗ, mua rẻ thì bạn hàng không bán.
Chưa hết, khi chấp nhận mẫu và thống nhất giá xong, để chắc ăn còn phải nấu thành cơm để kiểm tra độ thơm, độ dẻo, độ mềm, độ trắng...
Ông Nguyễn Tấn Sơn, một chủ vựa ở đây, cho rằng gần như 90% người dân ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông đều ăn gạo từ chợ Bà Đắc.
Ai cũng nói chợ Bà Đắc hưng thịnh nhờ cái tên, lại nằm ở ấp An Thiện (có thiện có an), xã An Cư (an cư lạc nghiệp) nên phần lớn bạn hàng đến đây mua gạo về đều bán ra rất nhanh, rất đắt, vì vậy trong thâm tâm họ luôn giữ niềm tin về sự mua may bán đắt ở chợ này.
Giao dịch 2 triệu tấn gạo/năm
Ngày nay, gần như toàn bộ lượng gạo tiêu thụ nội địa đều qua chợ này. Ông Võ Thanh Hiền, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Cái Bè, cho biết trung bình một ngày có 200-300 xe tải từ các tỉnh về đây lấy hàng, những ngày vào vụ đông xuân thì có thể lên gấp đôi.
Nếu tính mỗi xe từ 10-15 tấn thì mỗi tháng chợ này cung ứng cho thị trường không dưới 135.000 tấn gạo. Cộng chung với những đợt cao điểm thì mỗi năm sẽ có không dưới 2 triệu tấn gạo được giao dịch ở đây.

Chợ bò Tà Ngáo


TTO - Ngày nào cũng vậy, sóc Tà Ngáo ở ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang cứ rộn ràng tiếng "ụm ò" của hàng trăm chú bò. Nơi này là điểm giao thương bò duy nhất, độc đáo nhất miền Tây.

Chợ độc miền Tây - kỳ 4: Chợ bò Tà Ngáo - Ảnh 1.
Sau mỗi cuộc giao dịch thành công, bò được bấm khoen, đóng dấu và đưa lên xe tải chuyển đi khắp các tỉnh thành - Ảnh: BỬU ĐẤU
Bò "ngoại" vượt biên giới
Sóc Tà Ngáo nằm cách huyện Ki-ri-vông (tỉnh Tà Keo, Campuchia) chỉ một cánh đồng và con kênh Vĩnh Tế.
Theo lời truyền miệng của các bô lão, Tà Ngáo vốn được hình thành bởi những người dân vùng lân cận đến đây khai hoang, lập nghiệp.
Ngày trước, Tà Ngáo rất nghèo vì đất đai chỉ là cát trắng, rất khó khăn cho việc tăng gia sản xuất ruộng vườn. Cuộc sống của người dân trong sóc chủ yếu dựa vào cây thốt nốt.
Tà Ngáo là sóc nằm chơi vơi giữa cánh đồng, xung quanh được bao bọc bởi những hàng cây thốt nốt cao vút.
Lão nông Lê Văn Lon (82 tuổi), một người gắn bó với sóc Tà Ngáo từ những ngày đầu hình thành chợ bò, nhớ lại: "Hồi trước, người dân trong sóc này xem bò như một báu vật, vì ai sở hữu bò đều cải thiện kinh tế đáng kể. Do đó mà có lúc bò được sống chung trong nhà với người dân".
Còn theo lời ông Thạch Khổng (78 tuổi) - một "chuyên gia" xem tướng bò nổi tiếng trong vùng, gần 20 năm về trước người dân sóc Tà Ngáo chỉ mua bán, trao đổi bò trong sóc với nhau.
Nhưng về sau này, dân trong vùng thấy nghề lái bò ăn nên làm ra nên mới băng đồng, lội sông qua tận Campuchia lùng sục bò mua về bán lại.
Ông Khổng nói: "Nghề lái bò coi vậy chứ không phải dễ ăn. Khi tìm mua được bò, dân lái trong sóc phải dẫn chúng hì hục bơi qua con kênh Vĩnh Tế để về nhà, có khi phải đến tận giữa khuya".
Dần dà về sau này không còn cảnh người dân Tà Ngáo phải đi sang nước bạn mua bò về bán. Thay vào đó, người dân ở phía bên kia biên giới tự đưa bò sang đây giao dịch.
Chỉ cần đến Tà Ngáo tầm từ 7h-9h sáng, ai cũng bắt gặp được cảnh thương lái đưa cả trăm con bò lớn nhỏ tiến lên bờ đê kênh Vĩnh Tế, rồi sau đó lùa chúng lên chẹt (một loại phương tiện vận chuyển) ùn ùn vượt qua biên giới.
Ban đầu, chuyện giao dịch bò ở sóc Tà Ngáo chỉ gói gọn trên mảnh đất rộng 8.000m2. Nhưng cách đây 8 năm, ngôi chợ bò duy nhất ở miền Tây này được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép hoạt động nên quy mô mở rộng lên gần 4ha đất.
Chợ độc miền Tây - kỳ 4: Chợ bò Tà Ngáo - Ảnh 2.
Từ những cuộc giao thương nhỏ lẻ, hiện nay sóc Tà Ngáo trở thành một chợ bò lớn nhất ở miền Tây - Ảnh: BỬU ĐẤU
Cách làm ăn ở chợ bò
Nhờ làm ăn có uy tín mà chuyện giao thương bò ở sóc Tà Ngáo vang xa khiến thương lái khắp miền Đông - Tây lui tới tấp nập. Bây giờ cặp hai bờ kênh Vĩnh Tế (cả phía Việt Nam lẫn Campuchia) nhà nhà đều có chuồng bò, bò có ở khắp xóm, cả làng đều theo nghề mua bán bò.
Chợ giao thương sôi động nhất là vào mùa nước nổi (từ tháng 7 đến hết tháng 12 âm lịch), bình quân mỗi ngày có gần 300 con bò được mua đi bán lại. Bò đến chợ này đủ các loại màu sắc, to nhỏ, mập ốm...
Người bán, kẻ mua đến đây từ rất sớm. Họ tụ họp để ngã giá trước hàng trăm con bò đi lại xen lẫn nhau. Tiếng người í ới hòa lẫn tiếng "ụm ò" của bò chộn rộn suốt ngày. Cả ngày đêm xe chở bò từ đây rầm rập tỏa đi tứ xứ.
Sóc Tà Ngáo không chỉ diễn ra chuyện mua bán bò để giết thịt mà thương lái đến đây tìm kiếm bò với nhiều nhu cầu khác nhau. Người mua về vỗ cho mập bán lại kiếm lời, người kiếm bò giống, và có người mua bò về để kéo xe, kéo cày.
Anh Nguyễn Văn Thắng, một thương lái đến từ Đồng Nai, tiết lộ người dân bên nước bạn rất thiệt tình và quen với kiểu buôn bán truyền thống "nhìn mặt bắt hình dong". Tức là thương lái và chủ bò đồng ý ước chừng trọng lượng con vật rồi giao tiền.
Còn đối với những người mua bò về dùng sức kéo chỉ cần săm soi những con có tướng mạo đặc biệt, có xoáy trên thân, trên đuôi... rồi chốt kèo giao dịch.
Ông Sam Ri, một chủ bò bên Campuchia, cho biết có bữa ông bán từ sáng đến trưa ngót nghét chục con bò, buổi chiều còn vớt vát được thêm vài con nữa.
"Có ngày nắng cũng có ngày mưa, có ngày bán ế là tôi phải cho bò đi "ở trọ". Rồi phải ra ngoài xóm mua cỏ làm thức ăn cho chúng, chờ hôm sau lái đến xem tiếp" - ông Sam Ri nói.
Những khu "nhà trọ" của bò mà ông Sam Ri nói đến là những khu chuồng nằm bao quanh chợ do ban quản lý chợ dựng lên. Đây là điểm "lưu trú" tập trung của bò "ngoại" khi người dân Campuchia mang qua bán không hết trong ngày.
Ở Tà Ngáo, không chỉ mỗi thương lái và chủ bò mới kiếm ra tiền mà người già, người trẻ trong làng cũng có cơ hội ăn nên làm ra.
Việc mua bán bò đã kéo theo nhiều nghề khác phát triển. Ở đây, trẻ em và phụ nữ có thể làm nghề cắt cỏ thuê hoặc dắt bò mướn, còn người già có tay nghề thì chuyên "xem bò" cho lái mà người ta gọi là "thầy bò".
"Từ đầu trên xóm dưới ít gì cũng chục thầy xem bò. Khi xem chính xác trọng lượng mỗi con bò giao dịch thành công, các thầy xem bò thường được lái trả công đến một hai trăm nghìn. Ở vùng này, ngay cả nghề hốt phân bò cũng kiếm được khá bộn tiền" - lão nông Lê Văn Lon cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Đông - phó ban quản lý chợ bò Tà Ngáo, hiện nay chuyện giao dịch bò ở Tà Ngáo được hợp pháp hóa và kiểm dịch nghiêm ngặt. Việc mua bán bò qua biên giới được tập trung về một chỗ ở bến kênh Vĩnh Tế.
Bên xã Kam-náp (huyện Ki-ri-vông, Campuchia) cũng có đầu mối thu gom bò chuyển về Tà Ngáo. Loại tiền giao thương chính ở Tà Ngáo là đồng riel của Campuchia. Mỗi con bò có giá dao động 1-6 triệu riel, tương đương 5-30 triệu đồng.
Mở đường để giao thương
Ông Nguyễn Văn Đông - phó ban quản lý chợ bò Tà Ngáo - cho biết: "Nhờ có nguồn cung ứng bò thường xuyên nên chợ bò Tà Ngáo không ngừng phát triển.
Từ một nơi xa xôi hẻo lánh, nay Tà Ngáo được mở năm con đường để giao thương. Đời sống người dân trong sóc cũng khấm khá hơn nhiều.
Chợ bò được chính quyền hai bên biên giới thường xuyên phối hợp duy trì trật tự, bảo vệ tốt an ninh vùng giáp biên".

Chợ Mây núi Cấm


TTO - Trên đỉnh núi Cấm, hàng chục năm qua có một ngôi chợ độc nhất vô nhị của miền Tây - chợ ấp Thiên Tuế, người dân vẫn quen gọi với cái tên dân dã là "chợ Mây núi Cấm", đúng với đặc điểm của chợ.

Chợ độc miền Tây - kỳ 5: Chợ Mây núi Cấm - Ảnh 1.
Chợ Mây núi Cấm chỉ họp khoảng 2 tiếng đồng hồ, sau đó mỗi người sẽ quảy gánh tủa ra đi bán ở nhiều điểm khác nhau cho đến khi hết hàng mới xuống núi - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Núi Cấm còn có tên gọi khác là Thiên Cấm Sơn, nằm trong dải Thất Sơn (vùng Bảy Núi), xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Núi Cấm hiện là ngọn núi cao nhất vùng ĐBSCL với độ cao hơn 700m so với mực nước biển.
Đi chợ từ gà gáy
Khoảng hơn 4h sáng, trời còn mù sương, nhiệt độ mùa thu trên núi Cấm giảm xuống dưới 220C.
"Ra đường giờ này không khác gì đang ngồi trong phòng máy lạnh được mở nhiệt độ nhỏ nhất. Nếu muốn đi chợ giờ này nhớ mặc áo ấm" - ông Châu Hùng Thanh, 56 tuổi, chủ nhà trọ nơi chúng tôi ngủ qua đêm trên núi, dặn dò.
Từ dãy nhà trọ của ông Thanh được xây cất trên lưng chừng vồ Bồ Hong (một ngọn đồi nhỏ thuộc núi Cấm) nhìn qua chợ Mây núi Cấm chỉ khoảng vài trăm mét nhưng vào sáng sớm chỉ thấy một màu trắng đục của sương mù, thấp thoáng một vài ngôi chùa với kiến trúc mái vòm, nóc nhọn hoắt chọc thủng màn sương vươn lên.
Chợ Mây núi Cấm những ngày cuối tuần họp sớm hơn thường lệ. Mới gần 5h nhưng đồng bào Khmer sống dưới chân núi Cấm đã gánh hàng lên bán.
"Những gánh hàng giờ này đã có mặt ở đây thường chủ nhân của nó phải lặn lội từ dưới chân núi đi lên lúc 3h sáng" - bà Nèang Nhung vừa đặt gánh đậu phộng xuống vừa nói.
Chợ họp tại một triền dốc, mặt đất gồ ghề với chừng 50 gánh hàng sắp xếp theo một thứ tự được định sẵn.
Mỗi gánh một loại hàng khác nhau, từ thịt cá, rau rừng, trái cây, mắm muối... đến các mặt hàng chuyên phục vụ khách đi chùa như nhang đèn, cá phóng sinh... được bày ra sẵn sàng chờ người mua.
Từ ngoài vào là những gánh trái cây, đồ cúng kiếng đi chùa; kế đến là các gánh hàng rau củ quả và đồ ăn sáng...; cuối cùng là hàng cá, thịt.
Bà Nèang Nhung năm nay 66 tuổi và đã có hơn 30 năm gắn liền với chợ Mây này. Bà kể trước đây đường lên núi Cấm chưa được thảm nhựa như bây giờ nên gánh hàng lên núi bán rất cực.
Sáng phải dậy thật sớm để chuẩn bị hàng hóa rồi gánh cả mấy chục ký rau củ leo dốc lên núi, khi lên đến núi thì trời cũng tảng sáng. Để tiết kiệm chi phí, bà Nèang Nhung thuê xe ôm chở lên nửa con dốc rồi gánh bộ hàng hóa lên núi.
Trên đường lên đỉnh núi Cấm, bà ghé vào ngã ba Bảy Tèo, ngã ba Trại Hòm, ngã ba Trường Học để bán hàng cho những nhà dân sống hai bên đường.
Cứ sáng sớm, những người dân sống sâu trong các quả đồi trên núi Cấm đi ra những ngã ba này để mua hàng, lâu dần thành quen và trở thành những điểm giao dịch hàng hóa.
Những người bán hàng cũng vì thế hình thành thói quen phải gánh bộ hàng hóa lên núi, ít nhất cũng phải nửa con dốc để bán tại nhiều điểm khác nhau trước khi bán ở chợ chính là chợ Mây.
Chợ độc miền Tây - kỳ 5: Chợ Mây núi Cấm - Ảnh 2.
Quang cảnh chợ Mây núi Cấm trên một triền dốc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Điểm đặc biệt ở chợ Mây núi Cấm là không bán các loài động vật hoang dã như nhiều điểm bán hàng khác.
Một cư dân núi Cấm
Họp chợ chớp nhoáng
Chợ Mây núi Cấm chỉ bán trong khoảng vài tiếng đồng hồ rồi tan, những gánh hàng lại tiếp tục được gánh đi đến những điểm khác để bán. Bán khi nào hết hàng thì thôi.
Có lẽ cũng vì đặc điểm này mà chợ Mây núi Cấm còn được biết đến với cái tên khác là "chợ Chạy". Nó chưa phải là điểm họp chợ cuối cùng của những người buôn thúng bán bưng trên núi Cấm.
Không có ban quản lý chợ, không ai bảo ai, những người đến trước bày hàng ra và chừa đúng chỗ trống cho người kế bên. Ở đây rất ít khi những người bán hàng ganh nạnh nhau chỗ bán.
Một điều đặc biệt ở chợ này là không có mái che nên mỗi lần có mưa gió là những người họp chợ tự động tản ra tìm chỗ trú mưa. Bao năm qua, những mái nhà lụp xụp của người dân sống ven chợ này là chỗ trú mưa quen thuộc của cả người bán và người mua.
Do chợ họp chớp nhoáng nên việc mua bán, trả giá ở đây cũng diễn ra rất chóng vánh. Khi những tia nắng đầu ngày lọt xuống đến triền dốc thì chợ Mây núi Cấm cũng bắt đầu tan.
Đầu tiên là những gánh rau củ, trái cây được các mẹ, các chị gánh đi ngược lên chân tượng Phật Di Lặc - cách đó chừng 200m - để tiếp tục bán, tiếp đến là những gánh hàng cá, thịt...
Bà Trần Thị Thủy, 49 tuổi, vừa sắp xếp mớ trái cây được lót bằng tấm bạt, vừa nói: "Ở đây vắng khách rồi, chuyển địa điểm khác mới có người mua".
Bà Thủy giải thích kỹ hơn, ở chợ Mây núi Cấm chủ yếu là bán cho người dân và những quán ăn ở trên núi. Còn điểm bán ở chân tượng Phật Di Lặc là bán cho khách du lịch, những người hành hương...
Năm 17 tuổi, bà Thủy đã theo chồng về ở dưới chân núi Cấm và suốt 32 năm nay bà thường xuyên gánh hàng lên núi để bán.
Tuy chưa phải là người bán lâu năm nhất ở đây nhưng bà thuộc trong lòng bàn tay những ngóc ngách nhà dân nằm sâu trong núi để gánh hàng vào bán cho hết sau phiên chợ chính.
Bà Nèang Phôn, 62 tuổi, một cư dân gắn liền với chợ Mây núi Cấm từ lúc còn nhỏ xíu, kể lại: "Hồi đó rừng rú còn rậm rạp, đường lên núi Cấm dốc cao lối hẹp, một bên là vách đá, một bên là vực sâu. Chỉ cần sơ sẩy không giữ được thăng bằng là cả người và hàng rơi xuống vực. Bởi vậy chúng tôi chỉ gọi là "leo chợ" chứ ít ai gọi là đi chợ".
Chợ độc miền Tây - kỳ 5: Chợ Mây núi Cấm - Ảnh 4.
Đa số người bán hàng tại chợ Mây núi Cấm là người Khmer. Trong ảnh: bà Nèang Nhung với gánh đậu phộng của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Chợ có từ khi nào?
Hỏi những người già trên núi Cấm, không một ai nhớ chính xác chợ Mây núi Cấm ra đời từ lúc nào, cũng không ai biết vì sao lại có một ngôi chợ ra đời trên đỉnh núi thiêng này.
Họ chỉ biết từ thời cha ông họ, do nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dưới đồng bằng và người trên núi nên chợ Mây núi Cấm mới ra đời.
Theo bà Nèang Phôn, khoảng năm 10 tuổi bà đã quảy giỏ theo mẹ lên núi bán hàng. Nhưng chợ này mới đông đúc và đầy đủ mặt hàng kể từ sau giải phóng do người dân khắp nơi kéo lên núi Cấm để sinh sống, lập nghiệp.
Từ năm 2006, khi công trình tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm được khánh thành và trở thành điểm du lịch hấp dẫn thì chợ Mây mới thực sự đông đúc.



Chợ chuột đồng Phù Dật


TTO - Chỉ mua bán một mặt hàng duy nhất là chuột đồng và mỗi ngày tiêu thụ 4-5 tấn chuột, cũng không quá ngoa nếu nói chợ chuột đồng Phù Dật là chợ chuột lớn nhất nước.


Chợ độc miền Tây - kỳ 6: Chợ chuột đồng Phù Dật - Ảnh 1.
Một thương lái chở chuột đồng đến bán tại chợ Phù Dật - Ảnh: THANH TÚ
Nằm cách quốc lộ 91 vài trăm mét, chợ chuột đồng lớn nhất miền Tây lấy tên dòng kênh bao quanh ngôi làng nhỏ - nơi đó người dân chuyên nghề săn bắt, buôn bán chuột đồng thuộc ấp Bình Chiến (xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang) làm cái tên riêng cho mình mang đậm dáng dấp miền Tây - chợ chuột đồng Phù Dật.
Nơi đây chỉ mua bán một mặt hàng duy nhất là chuột đồng.
Nghề bẫy chuột hơn nhau ở tính chịu khó và kinh nghiệm
Ông BA LAN
Mỗi ngày tiêu thụ 4 tấn chuột
Những ngày này, khi nước lũ tràn khắp các cánh đồng ở miền Tây, chuột đồng co cụm trên những gò đất cao, hay đu bám vào những lùm cây mọc chơ vơ giữa bạt ngàn sông nước nên việc bẫy bắt chuột cũng dễ dàng hơn.
Có lẽ do thế nên những sạp chuyên làm thịt chuột ở chợ chuột đồng Phù Dật hoạt động hết công suất, bất kể ngày đêm.
Từ đường lớn đi vào, dù đứng cách cả trăm mét nhưng cũng dễ dàng nhận ra khu sơ chế thịt chuột đồng bởi âm thanh đặc trưng lọc cọc phát ra từ những nhát dao băm xuống thớt một cách dứt khoát của những người làm thịt chuột.
Họ làm bất kể ngày đêm, cứ khi nào có hàng về là làm, làm hết lại nghỉ cho đến khi có mẻ chuột mới về.
Thường chuột đồng ở đây ngoài các đầu mối mua của những người đánh bắt khắp các tỉnh miền Tây, còn có một số thương lái mua từ bên kia biên giới Campuchia chở xe máy qua chợ này bán lại kiếm lời.
Do đó, cũng không quá ngoa nếu nói đây là chợ chuột lớn nhất nước. Gọi là chợ nhưng thực chất ở đây chỉ có khoảng 10 sạp chuyên mua bán, sơ chế chuột nằm sát mé kênh Phù Dật. Tuy nhiên theo các bậc cao niên ở đây, chợ này đã tồn tại ít nhất cũng hơn nửa thế kỷ.
Từ những sạp chuột lèo tèo ban đầu, nay chợ chuột đồng Phù Dật mỗi ngày tiêu thụ 4-5 tấn chuột.
Ở đây, chuột được thu mua với giá dao động 25.000 - 35.000 đồng/kg (tùy kích cỡ) và bán ra với giá 50.000 - 70.000 đồng/kg sau khi được làm sạch, ướp đá.
"Năm nay, điều đáng mừng nhất là mùa nước nổi nhưng giá chuột vẫn rất cao nên mọi người cùng vui. Trước đây, cứ độ này thì giá chuột xuống dưới 10.000 đồng nhưng năm nay tôi thu mua 30.000 đồng/kg, mỗi ngày mua được khoảng 700kg.
Sau khi làm sạch tôi gửi xe đò xuất đi tỉnh Bình Dương bỏ mối cho các nhà hàng trên đó" - ông chủ vựa chuột Bảy Tùng ở chợ chuột đồng Phù Dật nói.
Cũng như hầu hết chủ vựa ở khu chợ này, ông Bảy Tùng xuất thân từ nghề đặt bẫy chuột đồng. Theo nghề được gần chục năm, gom được số vốn ông đứng ra thu mua chuột từ người khác để bán lại.
Hỏi kinh nghiệm về nghề đặt bẫy chuột, ông một hai từ chối vì không dám "múa rìu qua mắt thợ" khi ngồi cạnh ông ở một bàn trà đặt cạnh mé kênh Phù Dật là ông Ba Lan - "sát thủ" chuột đồng miền Tây.
Chợ độc miền Tây - kỳ 6: Chợ chuột đồng Phù Dật - Ảnh 3.
Chuột được ướp đá sau khi sơ chế - Ảnh: THANH TÚ
"Sát thủ" chuột đồng
"Khách lạ phải có duyên lắm mới gặp tui bởi suốt ngày ở trên đồng không à. Có khi vài tháng tui mới về một lần" - ông Ba Lan nói. Ông Ba Lan 60 tuổi và theo nghề bẫy chuột từ năm 19 tuổi, tức có 41 năm gắn liền với nghề.
"Khởi nghiệp" với nghề bẫy chuột chỉ có 10 cái rập lồng, đến nay trên chiếc ghe của ông có 1.000 chiếc.
"Cứ mỗi lần đi bẫy chuột, tui lại tìm cách chất cả ngàn chiếc bẫy lên ghe sao cho vừa nhưng cũng phải chừa đủ chỗ cho cả hai cha con nằm ngủ" - ông Ba Lan nói.
Không hổ danh là "sát thủ" chuột đồng, chuyến đi bẫy nào của ông và con trai cũng kiếm đầy chuột.
Theo ông Ba Lan, nghề bẫy chuột hơn nhau ở tính chịu khó và kinh nghiệm. Cũng trên một bờ ruộng nhưng có thể bẫy của người này dính chuột, còn bẫy của người khác lại trống không.
"Tất cả là nhờ kinh nghiệm nhìn đường đi của chuột" - ông Ba Lan nói.
Nếu như trước đây chỉ cần chạy ghe ra khỏi kênh Phù Dật là có thể đặt bẫy thì nay ông phải đi xa hơn.
Có những chuyến ông đi đặt bẫy cả tháng trời ở tận Bạc Liêu hay đến những cánh đồng của tỉnh An Giang giáp biên giới Campuchia - cách xa chỗ ông ở hàng trăm kilomet, mất vài ngày chạy ghe.
Dù đi đánh bắt xa ở đâu nhưng ông Ba Lan chỉ bán chuột cho các bạn hàng ở chợ chuột đồng Phù Dật. "Nếu không quay ghe về chợ để bán thì tui sẽ gọi bạn hàng của mình đến cân ngay tại ruộng" - ông nói.
Chợ độc miền Tây - kỳ 6: Chợ chuột đồng Phù Dật - Ảnh 4.
Trẻ em làm việc tại khu sơ chế chuột đồng chợ Phù Dật - Ảnh: THANH TÚ
Trẻ em ở chợ chuột
Trong số những người làm việc tại chợ chuột đồng Phù Dật, một điều dễ nhận thấy là lực lượng lao động trẻ em khá đông. Phần lớn các em làm việc tại các sạp sơ chế chuột.
Mỗi sạp sơ chế sẽ bắt đầu từ việc lựa chuột (chuột mỡ và chuột cống nhum được lựa ra nhốt riêng vì có giá cao hơn chuột thường vài chục ngàn đồng).
Chuột được lựa xong, khâu đầu tiên là đập đầu chuột, kế đến là lột da, mổ bụng và ướp đá, đóng thùng rồi xuất đi.
Cứ rảnh việc học hành là Vũ Hà, 13 tuổi, chạy ra chợ Phù Dật kiếm việc làm. Do khá dạn dĩ với chuột nên em được chọn làm công việc đập đầu chuột. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nếu làm không quen tay rất dễ bị chuột cắn.
Giơ bàn tay chi chít sẹo, có những vết thương chưa kịp lành, Vũ Hà nói: "Em làm công việc này cũng được hai năm rồi nhưng đến giờ thỉnh thoảng vẫn bị chuột cắn".
Trong một chiếc lồng sắt chật hẹp nhốt hàng trăm con chuột đồng lúc nhúc, Vũ Hà mạnh dạn thò tay vào nắm lấy đuôi một chú chuột xấu số vung lên rồi nện xuống đất cho chết trước khi ném qua cho người khác mổ bụng, lột da và làm sạch.
Bình quân mỗi ngày Hà kiếm được 70.000 đồng từ việc đập đầu chuột như thế này.
Cùng tuổi với Vũ Hà, em Trương Minh Kha cũng gắn liền với chợ chuột này được bốn, năm năm nay. Trừ giờ học ra, hầu hết thời gian còn lại Minh Kha có mặt thường xuyên tại chợ chuột, ai thuê gì làm đó miễn có tiền.
Bà Dương Thị Hai, 83 tuổi - người lớn tuổi nhất ở chợ Phù Dật, gắn bó với nghề làm thịt chuột mướn - cho biết chợ chuột này đã có từ trước năm 1975.
“Hồi đó, người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa. Chuột kéo về phá hoại lúa rất dữ nên nhà nào cũng sắm vài chục cái bẫy để bắt chuột, giữ lúa.
Chuột bắt được ăn không hết thì treo bảng bán, lâu dần ở đây nhà nào cũng treo bảng bán thịt chuột nên mới gọi là chợ chuột chứ thực chất không có cái bảng tên chợ nào ở đây cả” - bà Hai kể lại. 

Nổi chìm chợ nổi Cái Bè


TTO - Chợ nổi Cái Bè - một nét văn hóa thương mại độc đáo của người dân sông nước Tiền Giang - đang rơi vào cảnh "chợ chiều"...

Nổi chìm chợ nổi Cái Bè - Ảnh 1.
Hiện thương hồ tại chợ nổi Cái Bè chỉ lác đác vài chục chiếc ghe, thuyền nên du khách cũng không mấy hứng thú đi thăm - Ảnh: M.TRƯỜNG
Do sự phát triển của xã hội, đường bộ đã được kết nối nên có lẽ sứ mệnh của chợ nổi cũng sắp khép lại
Ông Nguyễn Văn Bầu
6h sáng, chiếc ghe chở chúng tôi chạy một mạch từ vàm Cái Bè (tiếp giáp giữa sông Cái Bè và sông Tiền) đi thẳng vào ngã ba nhà thờ nằm sâu trong sông Cái Bè. 
Dọc khúc sông dài hơn hai cây số chỉ có khoảng 30 ghe, thuyền của các thương hồ neo đậu buôn bán - đây là khúc sông hơn 10 năm trước cực kỳ sầm uất.
Một thời... đông nghẹt
"Hơn 10 năm trước, chạy ghe qua khúc sông này có khi mất cả tiếng đồng hồ. Đặc biệt vào mùa trái cây hay dịp tết, ghe thuyền đông như mắc cửi, không thể đi qua được" - ông Võ Văn Mười, 60 tuổi, người gắn liền hàng chục năm với chợ nổi Cái Bè, chép miệng tiếc rẻ.
Theo ông Mười, thập niên 1980, 1990, thương hồ đi ghe, thuyền ken đặc khúc sông Cái Bè, tràn ra cả sông Tiền neo đậu để bán buôn đủ thứ mặt hàng. 
"Mới đầu, tôi bán hủ tiếu cho thương hồ và thương lái trên sông. Mỗi ngày bán vài ba trăm tô là chuyện thường. Chợ nổi nườm nượp ngày đêm nên có thể bán bất cứ lúc nào, chỉ sợ không đủ sức để chạy thôi" - ông Mười kể.
Sau năm 2000, chợ nổi bắt đầu ít ghe thuyền hơn trước, ông Mười chuyển qua bán cà phê, nước đá. Hằng ngày, ông chạy ghe dọc khúc sông Cái Bè cũng kiếm được kha khá. 
"Nhưng độ 6 năm nay thì hết đường làm ăn rồi. Thương hồ giảm mà thương lái cũng không còn bao nhiêu. Tôi chuyển qua chạy đò chở khách, chở hàng kiếm sống qua ngày" - ông Mười cho biết.
Trong ký ức của ông Lâm Văn Xài, 75 tuổi, thì chợ nổi Cái Bè ngày trước như một trung tâm thương mại trên sông. 
"Đủ thứ hàng hóa từ khắp nơi đổ về. Dưới sông ghe thuyền đông nghẹt, có thể leo từ thuyền này qua thuyền kia để đi từ bên này sông qua bên kia sông" - ông Xài mô tả.
Nổi chìm chợ nổi Cái Bè - Ảnh 3.
Ông Lâm Văn Xài và nỗi nhớ về một thời sầm uất của chợ nổi trên sông Cái Bè - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Chợ nổi đang... chìm
Bà Trang Thị Tím, 58 tuổi, một trong số ít thương hồ còn bám trụ lại chợ nổi Cái Bè, giết thời gian bằng chiếc tivi nhỏ đặt trên ghe trong khi chờ thương lái tới mua khoai lang. 
Bà bảo: "Trước đây một ghe khoai lang 20 tấn nhiều khi bán hết sạch trong một ngày, nhưng giờ có khi bán cả tuần không hết".
Bà Tím cùng chồng con sống bằng nghề buôn bán trên sông nước và chọn khúc sông Cái Bè này làm ngôi nhà thứ hai. 
Mỗi năm bà chỉ về quê mấy ngày tết, thời gian còn lại bà neo ghe tại chợ nổi Cái Bè mưu sinh. 
"Tuy không còn được sung như trước nhưng do một phần không kiếm được việc làm khác, phần vì đã gắn bó, có tình cảm với con sông này và mối lái cũng quen hết ở đây nên tôi không nỡ bỏ nghề, bỏ cái chợ nổi được" - bà Tím nói.
Ông Nguyễn Văn Bầu quê Vĩnh Long. Quê ông trồng nhiều củ mì nên ông sắm ghe mì đi bán trên sông. Khoảng 6 năm nay ông chọn chợ nổi Cái Bè làm nơi buôn bán. 
Cứ mười bữa, nửa tháng ông lại chạy ghe về Vĩnh Long để lấy hàng rồi quay lại đậu trên chợ nổi chờ thương lái tới mua. 
"Do chợ vắng khách nên nhiều khi ghe mì 19 tấn của tôi bán cả chục ngày chưa hết. Có chuyến lời 4-5 triệu nhưng cũng có chuyến lỗ vốn vì ít thương lái quá" - ông Bầu nói.
Ông Bầu tâm tư: "Thực sự chúng tôi cũng không biết khách thương hồ như mình cần cụ thể cái gì để chợ nổi trở lại nhộn nhịp như trước. Do sự phát triển của xã hội, đường bộ đã được kết nối nên có lẽ sứ mệnh của chợ nổi cũng sắp khép lại" - ông Bầu thở dài buồn bã.
Nổi chìm chợ nổi Cái Bè - Ảnh 4.
Hoạt động buôn bán hàng trên ghe thương hồ tại chợ nổi Cái Bè hiện nay - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Chi tiền phục hồi chợ nổi Cái Bè
Theo ông Trần Văn Nhu - trưởng Phòng văn hóa và thông tin huyện Cái Bè, việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Bè bền vững là vấn đề cấp thiết, đang được ngành du lịch và các cấp chính quyền của tỉnh Tiền Giang rất quan tâm.
Giữa năm 2017, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang giao cho UBND huyện Cái Bè lập đề án "Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè". 
Tuy nhiên, một số chính sách ưu đãi khi đưa ra để hỗ trợ thương hồ trên chợ nổi Cái Bè có vẻ chưa phù hợp thực tế. 
Ví dụ như phương án chính quyền tặng ghe nhỏ cho thương hồ để họ buôn bán các mặt hàng lưu niệm cho khách du lịch. Thương hồ từ chối nhận vì thấy khó... ăn. Trái lại, họ đòi cấp sạp buôn bán... trên bờ.
Theo ông Nhu, hiện đề án "Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè" đã lập xong, nhằm bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè theo hướng trên bến dưới thuyền, trở thành chợ đầu mối tập trung phục vụ mua bán, trao đổi hàng hóa bằng đường thủy giữa các địa phương trong vùng; thu hút các ghe thương hồ về hoạt động tại chợ nổi nhằm phục vụ cho phát triển du lịch địa phương.
Giai đoạn 1 từ năm 2017-2020 dự án sẽ đầu tư hệ thống chiếu sáng, điện phục vụ thương hồ chợ nổi, nhà vệ sinh công cộng, cầu bến... hỗ trợ xuồng chèo...; giai đoạn 2 từ năm 2020-2025 sẽ tu bổ các hạng mục đã có sẵn và nâng cao các hoạt động vui chơi giải trí, hưởng thụ cho du khách, thương hồ.
Cả hai giai đoạn có vốn đầu tư khoảng 9 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Hiện lượng khách đến tham quan chợ nổi Cái Bè mỗi năm khoảng 150.000 lượt khách. 
Ông Nhu đặt kỳ vọng sau khi phục hồi chợ nổi Cái Bè thì lượng khách sẽ tăng mạnh qua các năm và sẽ tăng hơn 100.000 lượt khách đến năm 2025.
Thời thoái trào của chợ nổi miền Tây
Chợ nổi Cái Bè là một trong sáu chợ nổi độc đáo ở miền Tây. Năm chợ nổi khác là chợ nổi Ngã Bảy - Hậu Giang, chợ nổi Ngã Năm - Sóc Trăng, chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ, chợ nổi Long Xuyên - An Giang, chợ nổi Trà Ôn - Vĩnh Long.
Các chợ nổi này hình thành và phát triển nhờ điều kiện sông nước miền Tây và thiếu đường sá nhưng hiện chúng đang thoái trào do sự mở mang phát triển của hệ thống đường bộ khiến người dân thích lên bờ buôn bán hơn.

M.TRƯỜNG - TH.TÚ







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét