Chiến trận Bạch Đằng dưới sông Lục Đầu
TTO - Hàng loạt cổ vật được phát hiện dưới đáy các con sông trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam được đánh giá là hiện tượng văn hóa đặc biệt, giúp giải mã những sự kiện lịch sử - văn hóa của đất nước.
Những chiến thuyền thời Trần, nhiều đao kiếm, chén bát, chai lọ, hũ đựng thuốc... được trục vớt từ đáy sông Lục Đầu và những nhánh sông lân cận, khả năng là tàn tích chiến trận Bạch Đằng trong lịch sử.
Chỉ một thời gian ngắn trên đoạn sông Lục Đầu mà cổ vật thu được nhiều đến mức khó tưởng tượng. Chúng phản ánh bức tranh tổng thể khá rõ ràng của nhiều giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, nó góp phần bổ sung toàn diện hơn công cuộc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng diễn ra dưới thời Trần
TS NGUYỄN VIỆT
Cổ vật xen lẫn xương cốt
Cầu Phả Lại nằm trên quốc lộ 18 xây rất cao bắc qua sông Thái Bình, có khổ thông thuyền dễ đến cả trăm mét, bên này là địa phận tỉnh Bắc Ninh, bên kia là thị xã Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương với Nhà máy nhiệt điện Phả Lại đang nhả khói trắng xám.
Chúng tôi tìm đường vòng xuống chân cầu, nơi có khoảng chục chiếc thuyền đang neo đậu cạnh nhau.
Chúng tôi bước lên một chiếc thuyền và hỏi... mua đồ cổ. Một anh thanh niên nhanh nhẩu: "Tôi có cái này, đồ xưa lắm, men rạn xịn luôn, mới vớt ở Lục Đầu, đoạn mé sông Cầu hôm qua đấy!".
Anh ta đưa ra một cái chén gốm nhỏ màu trắng ngà cùng dăm xu đồng và mấy viên đạn súng. Đó là anh Nguyễn Văn Ban, 32 tuổi, dân Chí Linh (Hải Dương), chuyên làm nghề lặn hến.
Anh Ban cho biết dưới dòng sông có rất nhiều đồ cổ, cái gì cũng có, từ đồ chén bát sành sứ cho đến đồ đồng, đồ gỗ.
Ngoài lặn hến, anh còn lặn đồ cổ. "Tôi chỉ lấy những đồ còn nguyên, bán được!".
Anh Trần Quang Hùng, 35 tuổi, người Phả Lại, cũng là dân lặn hến, thò tay lấy dưới khoang thuyền của mình mấy món đồ gốm còn nguyên, hầu hết là chén bát kiểu Hán đầu Công nguyên. Anh hỏi có mua bình vôi không, tôi gật đầu.
Chiếc bình vôi thời Lê dòng Chu Đậu khá lớn, còn nguyên vẹn được anh gói cất kỹ lưỡng, hô giá 5 triệu đồng...
"Tất cả đều được vớt ở đoạn sông này cả đấy. Mà lòng sông thật lạ, rất nhiều đồ, vớt hết năm này sang năm khác mà vẫn có đồ, thứ gì cũng có!" - Hùng nói.
Tôi lên một chiếc ghe máy để đi ngược dòng sông hướng về phía đền Kiếp Bạc.
Chủ ghe tên Hòa, 45 tuổi, làm cát sạn ở Phả Lại, diễn giải với tôi rằng đoạn sông đang đi là sông Thái Bình, được gọi tên Lục Đầu vì hợp nước của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam đổ vào, hợp với sông Đuống rồi chuyển nước về rẽ vào hai con sông là Thái Bình và Kinh Thầy xuôi ra biển.
Đoạn sông này khá rộng, đôi bờ có đê phân cách với nội đồng, đi chừng 5-6km đến đền Kiếp Bạc.
Anh Hòa kể năm lên 14 tuổi anh đã nghỉ học theo cha mẹ làm cát sạn, lặn hến và lặn thêm... đồ cổ. Hồi đó lặn xuống sông bắt gặp được đủ thứ đồ, cả gốm sứ, sắt thép, thuyền gỗ, gạch đá...
Ban đầu mọi người chỉ vớt lên các loại đồ kim loại như gươm giáo, súng đạn, gương, rìu... Về sau đồ kim loại ít dần, trong khi dân buôn đang thu mua đồ gốm nên mọi người chọn lựa những thứ có thể bán được như chén bát, bình vôi, các loại hũ có men...
Những năm gần đây, một số mảnh gốm sứ người ta cũng mua, đặc biệt là có nhóm mua đồ gỗ, nhất là những chiếc thuyền đắm, nếu còn nguyên vẹn được mua với giá khá cao.
Anh cho biết cả đoạn Lục Đầu và những con sông vùng lân cận thường xuyên lặn được thuyền cổ, khi thì nguyên chiếc, khi thì một phần.
"Dưới dòng sông này, xen lẫn với cổ vật, mọi người bắt gặp nhiều hài cốt lắm, có khi là đầu lâu, khi thì các loại xương ống. Ai gặp thì đưa lên bờ chôn cất, nhang khói đàng hoàng!" - anh Hòa cho biết.
Chứng tích trận chiến
Một trong những nơi thu gom hiện vật trục vớt ở Lục Đầu giang và các con sông lân cận là Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, nằm trên phố Vua Bà, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Bước vào bảo tàng này, ấn tượng đầu tiên của tôi là những con thuyền độc mộc cổ nguyên vẹn bày trước sân. Trong hồ bơi rộng ở sân sau tòa nhà, có đến 6-7 con thuyền độc mộc khác cùng rất nhiều đồ gốm sứ đang được ngâm trong nước.
TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, dẫn tôi đi khắp ba tầng tòa biệt thự cổ kiểu Pháp, tầng nào cũng đều trưng bày cổ vật. Những tủ bày đồ Đông Sơn, các giai đoạn lịch sử của nước Việt cùng với đồ cổ Trung Quốc đủ các giai đoạn thời Hán, Đường cho đến sau này.
Ông mở tủ binh khí và diễn giải về bộ sưu tập đao kiếm bằng đồng và sắt, có những thanh đao và kiếm chạm khắc tuyệt đẹp tuổi đời mấy ngàn năm. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến loạt binh khí khoảng thế kỷ 13-14.
Thông qua hình dáng, phong cách, nhất là kỹ thuật rèn và đường nét chạm khắc, TS Nguyễn Việt phân tích: một bên là vũ khí của nhà Trần, một bên là của quân Nguyên, bao gồm cả đồ thời Tống.
Ông còn đưa ra rất nhiều loại đồ gốm đồ Tống - Nguyên, những chén, lọ nhỏ bằng gốm rất cao cấp, tuyệt đẹp, hiếm thấy.
"Những đồ vật, có thể là lọ nước hoa như thế này, tôi cho rằng chỉ có thể dành cho những vị tướng tầm cỡ rất cao cấp, chứ cấp thấp hơn khó được dùng, nói gì đến quân lính thường dân!" - TS Việt nói.
TS Nguyễn Việt và những vũ khí trục vớt từ lòng sông ở Bảo tàng Phạm Huy Thông - Ảnh: THÁI LỘC
Tiếp tục trục vớt
Hầu hết hiện vật tại Bảo tàng Phạm Huy Thông chủ yếu vớt được từ sông Lục Đầu. Để thấy được toàn cảnh hiện vật trong lòng con sông này, TS Việt đã đề nghị các thợ lặn lấy lên bất cứ thứ gì là vật cứng đưa lên bờ.
Riêng tháng 12-2017, bảo tàng đã thu gom được hàng vạn hiện vật kim loại, gốm sứ...
Đặc biệt, nhóm thợ lặn tìm được đến 10 chiếc thuyền, trong đó xác định bước đầu đến bảy chiếc thuyền thời Trần, một chiếc thời Đông Sơn, một chiếc thời thuộc Hán và một chiếc thời Lê.
Công cuộc trục vớt này được lên kế hoạch tiếp tục cho nhiều năm sau
Tàn tích chiến cuộc Rạch Gầm - Xoài Mút
TTO - Những cổ vật trục vớt từ lòng sông Tiền đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút hiện đang được trưng bày tại khu di tích quốc gia Địa điểm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (huyện Châu Thành, Tiền Giang).
Đây là minh chứng cụ thể và sống động nhất cho trận thủy chiến oai hùng bậc nhất trong lịch sử đất nước.
Cần có cuộc khai quật khảo cổ học bài bản và quy mô dưới lòng sông Tiền, để góp phần làm rõ hơn trận chiến rất quan trọng này
Nhà nghiên cứu TRẦN HỮU PHƯỚC
Từ khu trưng bày ven sông
Chúng tôi bước vào khu trưng bày chính nằm ngay dưới tượng đài. Đó là mấy tủ kính trưng đồ gốm và sứ, gồm chén, bát, bát "chiết yêu", dĩa và muỗng, được phát hiện tại sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút.
Mấy tủ kính khác bày súng thần công, súng lệnh, mấy mũi giáo, gươm thép, phù hiệu, khuy nịt, bát và nồi đồng, là vũ khí và quân trang, quân dụng của quân Tây Sơn. Cạnh đó là tủ chưng mấy thanh gươm lưỡi thép cán bọc đồng với dòng chú thích "vũ khí của quân Xiêm"...
Song, điều cuốn hút chúng tôi hơn cả là chiếc mỏ neo gỗ rất lớn, cao hơn 2m với hình dáng khá đặc biệt, được chú thích phát hiện tại vàm Trà Tân, xã Long Trung, Cai Lậy, Tiền Giang, nơi quân Xiêm đặt bản doanh.
Một hướng dẫn viên tên Liên cho biết: "Những hiện vật trưng bày phần lớn được người dân vớt lên từ đoạn sông Tiền ở đây!".
Liên đưa chúng tôi tiến ra bến sông nhô ra mặt nước phủ bóng cây bần, rồi diễn giải việc chọn điểm này (thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành) để xây dựng khu di tích do đây là đoạn sông mà quân Tây Sơn "khóa đuôi" khi dẫn dụ quân Xiêm - Nguyễn từ vàm Trà Tân xuôi dòng vào trận địa chính.
Cô chỉ tay về bên phải, cho biết cách đó vài trăm mét là rạch Gầm, ngày xưa người dân đến khai hoang nghe tiếng cọp gầm từ trong rạch phát ra nên gọi rạch Ông Gầm, về sau giản lược còn rạch Gầm.
Đối diện phía bên kia về phía hạ nguồn chừng 4km là rạch Bà Thét, tương truyền xuất xứ từ tiếng thét uy hùng của nữ tướng Bùi Thị Xuân thời Tây Sơn.
Còn Xoài Mút thì cách di tích chừng 5-6 cây số về phía TP Mỹ Tho, cái tên xuất phát từ loại cây xoài nhỏ mọc đầy ven bờ: miền Bắc gọi là cây muỗm, còn dân trong vùng đặt tên theo cách ăn nó là phải mút, nên gọi "xoài mút".
Cô giới thiệu nhiều về tài thao lược của vị anh hùng Nguyễn Huệ trong việc vận dụng chính xác thời điểm thủy triều lên xuống và tận dụng tối đa địa hình, các chiến thuật tiến thoái để dẫn dụ quân Xiêm - Nguyễn vào trận địa của mình... dẫn đến chiến thắng vang dội như thế nào.
Đến người sưu tầm hiện vật
Chúng tôi tìm đến người sưu tầm nhóm hiện vật trưng bày là nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Hữu Phước, 85 tuổi, nguyên phó trưởng thường trực Ban chỉ đạo xây dựng các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam.
Cụ Phước kể khá nhiều về việc sưu tầm hiện vật liên quan đến "cuộc chiến oai hùng".
Sông Tiền là dòng sông quê nhà của cụ. Khi hoạt động ở miền Bắc trong giai đoạn chia cắt đất nước, cụ từng thực địa nghiên cứu trận chiến Bạch Đằng và tìm được nhiều đao kiếm vớt được từ đáy sông.
Vào Nam sau 1975, điều đầu tiên là cụ chú ý ngay đến việc sưu tầm cổ vật dưới đáy sông Tiền liên quan đến chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút.
Ban đầu, hễ có thời gian là cụ đi đến từng nhà thuộc các ấp ven sông, thu thập khá nhiều hiện vật, khi thì đồ gốm, sứ, khi thì đao kiếm và các thành phần thuyền cổ do người dân làm tôm cá vớt được dưới đoạn sông từng xảy ra chiến trận.
Mục tiêu lớn nhất của cụ Phước là làm sao tìm cho được chiến thuyền của cả quân Tây Sơn lẫn quân Xiêm - Nguyễn năm xưa.
Một lần, người dân trục vớt được một chiếc thuyền cổ còn vẹn nguyên nhưng tiếc thay, cuối cùng chỉ lấy lên được phần mũi nhô lên dưới đáy sông, còn toàn bộ phần thuyền vùi lấp trong bùn bị mục mủn hết cả.
Một dịp khác, một ngư dân ở Châu Thành trục vớt được một chiếc thuyền gỗ nhỏ có khắc sáu chữ Hán. Khi cụ Phước tìm đến thì thật không may, một nhà sưu tầm ở Cần Thơ đã "phỗng tay trên" chiếc thuyền này rồi biến mất.
Một lần khác, hay tin một nông dân vớt được một chiếc thuyền gỗ, theo diễn tả nhiều khả năng là thuyền chiến ngày xưa nhưng khi cụ tìm đến thì người vớt đã... chẻ thuyền quý làm củi.
Có một cái nồi đồng lớn "gần sải tay người" khắc chữ Xiêm được trục vớt từ sông Tiền đoạn gần di tích nhưng không đến tay cụ vì nó đã bị bán cho người khác mà cụ không rõ tung tích.
Lai lịch mỏ neo
Riêng cái mỏ neo lớn được cho là của quân Xiêm đang trưng bày ở di tích, cụ cho biết mình đã mua lại của người vớt là ông Nguyễn Văn Hùng, làm nghề đánh bắt cá ở ấp 17, xã Long Trung, Cai Lậy, Tiền Giang.
Tờ xác nhận đề ngày 3-3-2004 có mô tả việc tìm thấy mỏ neo này như sau: "Trong khi cùng với một số người đi cào kiếm cá ven sông MeKong, khi đến vàm Trà Tân (cạnh điểm quân Xiêm đóng quân), chúng tôi tình cờ phát hiện được một vật lạ có kích cỡ rất lớn vướng vào lưới.
Chúng tôi bèn lặn xuống nước đưa vật đó lên bờ và bốn người vận chuyển cùng nhau đưa về nhà để tại gia đình. Nhiều người nghe tiếng đồn kéo đến xem.
Những người cao tuổi tại địa phương, sau khi quan sát kỹ cho rằng đây là mỏ neo của một thuyền chiến lớn được chế tạo bằng gỗ quý, đó là gỗ sao mật cho nên nằm dưới lòng sông đã hơn 200 năm qua mà chiếc neo vẫn còn nguyên vẹn, không bị mục và không bị hà ăn...".
Theo cụ Phước, hầu hết hiện vật cổ được người dân vô tình phát hiện ở phần mé sông nên nhiều khả năng trong lòng sông Tiền còn ẩn chứa rất nhiều hiện vật liên quan.
Điều mong ước của nhà nghiên cứu này chính là: cần có cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước bài bản và quy mô dưới lòng sông Tiền ở khu vực này, để góp phần làm rõ hơn trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút.
Thẩm định và công nhận
Sau khi mua lại mỏ neo, cụ Phước chuyển về TP.HCM và đặt tại trụ sở cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu và các cơ quan có chuyên môn được mời đến thẩm định.
Tất cả đều xác nhận mỏ neo không phải của thuyền chài, ghe bầu hay neo thuyền đóng đáy vùng bản địa.
Đến ngày 9-4-2004, tại cuộc tọa đàm về chiếc mỏ neo, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá đó là một hiện vật rất quý giá và cùng công nhận nó thuộc về một chiếc tàu chiến của quân Xiêm trong chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút hơn 230 năm trước.
Sông Hương êm đềm
TTO - Tại cố đô Huế, có hằng hà sa số hiện vật phản chiếu lịch sử vùng đất ngàn năm văn vật được trục vớt lên từ lòng sông Hương...
Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng thợ lặn Nguyễn Văn Cân, ở thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế cũng đồng ý cho chúng tôi cùng đi theo ghe lặn đồ cổ dưới sông Hương.
9h sáng, Cân nổ máy chạy đến cồn Sơn, một cù lao nổi giữa sông, bên này là phường Hương Vinh thuộc thị xã Hương Trà và bên kia là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang.
Tôi muốn bày cho người ta thấy, kể cho người ta nghe một sông Hương thứ hai thẳm sâu với tầng tầng lớp lớp văn hóa suốt nghìn năm chất chứa trong lòng!
GS.TS triết học Thái Kim Lan
Bên dưới đáy sông
Theo ghe còn có Bảo, một thợ lặn đi cùng để thay phiên nhau người xuống nước, người kiểm soát trên ghe và điều chỉnh máy bơm hơi.
Cân bận độc quần đùi, mắt đeo kiếng lặn, tay cầm một thanh sắt khá dài, miệng ngậm ống hơi nhảy ùm xuống nước. Tôi không quen ngậm ống nhưng cũng liều mình lặn xuống, đeo kiếng lặn quan sát.
Cân cầm thanh sắt thọc xuống lớp bùn, trong làn nước đục, hết chỗ này sang chỗ khác, thỉnh thoảng anh phát hiện ra điều gì rồi thọc tay xuống chỗ thanh sắt vừa thọc. Một hũ gốm nhỏ và hai mảnh sành khá lớn được lấy lên, đưa lên ghe.
Trong hơn hai tiếng đồng hồ Cân và Bảo thay phiên nhau lặn, kết quả được mấy chục món đồ gốm sứ, đa phần bị vỡ, có những món vết vỡ tươi mới chứng tỏ do thanh sắt đâm trúng. Những mảnh vỡ đủ loại, từ đồ gốm Trung Quốc thời Hán, Đường cho đến chén bát sứ đời Minh, Thanh.
Có mấy mảnh chén bát gốm Việt thời Trần, Lê và những bình vôi Chăm bằng đất nung sứt mẻ... Chỉ có hai chiếc hũ nhỏ còn nguyên vẹn và một nồi gốm nhỏ có hoa văn dưới đáy lẫn xung quanh.
Chiếc nồi bằng đất pha cát rất quý giá, đối chiếu tài liệu khảo cổ, nhiều khả năng là hiện vật tùy táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh cách đây 2.000 năm.
Cân vốn là dân vạn đò nhiều đời lênh đênh trên sông Hương, được lên bờ định cư hơn 20 năm trước. Thợ lặn 46 tuổi này có đến 34 năm mưu sinh dưới nước với đủ thứ nghề, từ chài lưới, cào hến, cát sạn, lặn phế liệu và lặn cổ vật.
Anh kể những năm sau 1975 đói kém, gia đình anh cũng như phần lớn dân vạn đò ngoài nghề ngư còn lặn thêm phế liệu dưới đáy sông để đắp đổi qua ngày. Hồi đó dưới sông đồ gốm sứ cổ rất nhiều nhưng không ai chú ý đến nên chẳng ai lấy lên làm gì.
Đến những năm 1990, đồ gốm sứ cổ đáy sông lọt vào mắt người chơi, dân lặn mới tìm những đồ vật đẹp và nguyên vẹn để bán.
Dần dần, nhiều nhóm dân vạn đò chuyển sang lặn cổ vật, đưa lên bờ tất cả mọi vật cứng dưới sông, kể cả mẻ sành, mẻ sứ hay đá san hô, vì hầu như bất cứ thứ gì cũng được các nhà sưu tầm đồ cổ trục vớt thu mua.
Thế là suốt mấy chục năm, đội ngũ thợ lặn càn quét hằng ngày, hằng giờ dưới đáy sông Hương.
Theo lời Cân: "Dòng sông thật lạ, nhiều người mò lặn trục vớt suốt mấy chục năm mà vẫn còn đồ như anh thấy đó. Có những chỗ lặn rất nhiều lần, tưởng chừng đã hết nhưng hễ lặn lại là vẫn có đồ!".
Các thợ lặn cũng "tổng kết" rằng trên sông Hương, đồ gốm sứ tìm thấy nhiều nhất vẫn là đoạn từ cầu Chợ Dinh trở về cách ngã ba Sình vài cây số về phía hạ lưu. Đặc biệt, những đồ gốm giai đoạn sớm, hơn 2.000 năm trở về trước, đều được tìm thấy ở đây.
Đoạn từ kinh thành Huế trở lên phía thượng nguồn rất ít đồ, nhưng hễ gặp là toàn đồ đẹp, nhiều đao kiếm, súng đạn, gương, bàn ủi, ống nhổ đồng và một số đồ sứ;
Thỉnh thoảng có người còn vớt được cả súng thần công đồng "hai người khiêng không nổi", bán rất được giá. Riêng đoạn hạ nguồn, chỗ hợp lưu phá Tam Giang thì dân lặn liên tục vớt được súng thần công cỡ lớn...
Không gian gốm sông Hương
Tôi gặp GS.TS triết học Thái Kim Lan, một trí thức người Đức gốc Huế, trong lần chị về quê lần này để trưng bày một "Không gian gốm sông Hương" tại khu nhà tổ tiên để lại.
Đó là hàng nghìn cổ vật trục vớt đáy sông do người anh trai của chị, cố họa sĩ Thái Nguyên Bá, dày công sưu tầm suốt mấy chục năm để lại.
Tại khu từ đường họ Thái nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên gần chùa Thiên Mụ của Huế, hai căn nhà rường và một hành lang gỗ lợp ngói vừa được dựng lên.
Khoảng sân rộng phía trước có hồ nước, mấy kệ bêtông chưng nhiều lu gốm nổi lên trên thảm cỏ dày, nằm dưới những tán cây hoa trái mượt xanh. Đó mới là phần sân trước của khu từ đường mà thôi.
Theo dự án của chị Lan, các loại gốm dưới đáy sông Hương sẽ được phân loại, sắp đặt, tự giới thiệu, tự kể những câu chuyện về chúng...
Người thưởng lãm sẽ được kể câu chuyện về sông Hương lần thứ hai, đó là những lớp trầm tích văn hóa các thời kỳ lịch sử, về hàng hàng lớp lớp con người đến khai phá và cư ngụ ở vùng đất này; họ đã quá vãng nhưng kịp để lại những lớp trầm tích dưới lòng sông Hương... Nếu không có gì thay đổi, khu trưng bày này sẽ mở cửa đón khách khoảng giữa năm 2019.
Nhắc đến hiện vật dưới lòng sông Hương, không thể quên sưu tập "Đi tìm thời gian đã mất" của cố nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan ở phường Phú Hậu, Huế.
Ông Phan bắt đầu sưu tầm hiện vật sông Hương vào thập niên 1980 với số lượng lên đến hàng vạn hiện vật, đủ cả các giai đoạn lịch sử của Đại Việt, Champa và cả Trung Quốc.
Dưới đáy sông Hương có thứ gì thì sưu tập của ông có thứ nấy, kể cả hiện vật thời chống Mỹ, gồm quân trang, quân phục cả hai phía nằm dưới lòng sông. Tiếc cho công cuộc nghiên cứu bị dở dang khi ông qua đời vào năm 2016.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Việc tìm thấy rất nhiều hiện vật trên sông Hương trải dài từ thượng nguồn cho đến cửa biển chứng tỏ sông Hương là nơi tích hợp những dấu tích của cư dân vùng Huế từ thời cổ đại cho đến hiện đại.
Tiếc là hiện vật sông Hương chưa trở thành đối tượng sưu tầm của Bảo tàng Văn hóa Huế. Nếu họ chịu khó sưu tầm, tôi cho rằng họ sẽ sở hữu bộ sưu tập độc đáo bậc nhất trong hệ thống bảo tàng hiện nay”.
Giải mã cảng xưa Biên Hòa
TTO - Trong một lần khảo sát thực địa ven sông, những người làm bảo tàng Đồng Nai bất ngờ phát hiện một hũ gốm cổ để bên hiên nhà của một người làm nghề lặn tôm.
Đoạn sông (Đồng Nai) tìm thấy nhiều hiện vật nhất vẫn là khu vực đồng bằng hạ nguồn, mà nhiều và tập trung nhất vẫn là từ cù lao Rùa đến cù lao Ba Xe.
Ông LƯU VĂN DU
Hiện vật tức thì được đưa về bảo tàng, khởi đầu cho việc sưu tập hiện vật từ lòng sông Đồng Nai với hàng ngàn món cổ vật, phản ánh đầy đủ các giai đoạn văn hóa từ tiền sử, sơ sử cho đến hiện đại…
Dưới sông thứ gì cũng có!
Ông Lưu Văn Du, giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, kể câu chuyện từ năm 1993: "Hồi đó, tôi cùng anh Đỗ Bá Nghiệp, lúc đó là giám đốc, đi khảo sát ven bờ sông Đồng Nai, đi ngang ngôi nhà nhỏ của một người làm nghề lặn tôm thì thấy bên hiên có cái bình gốm đầy hà dính xung quanh.
Chúng tôi ghé vào, hỏi chuyện ông chủ nhà, ổng nói lấy lên từ đáy sông trong một lần đi lặn tôm. "Ở dưới sông nhiều đồ lắm, không chỉ loại gốm sứ như thế này đâu, mà thứ gì cũng có dưới đó cả!".
Thông tin ấy đối với người làm bảo tàng quý như vàng, chúng tôi bảo ông thấy có cái gì thì cứ vớt lên, bảo tàng sẽ mua lại. Về sau, chúng tôi đặt vấn đề với một người chuyên thu gom đồ trong dân, mua lại đồ vớt dưới sông rồi đem về bảo tàng. Kể từ đó, kho cổ vật đáy sông Đồng Nai của bảo tàng cứ dần đầy lên!".
Dẫn chúng tôi tham quan phòng trưng bày hiện vật ở Đồng Nai từ giai đoạn đầu Công nguyên đến thế kỷ 15, một nữ cán bộ bảo tàng diễn giải về tủ hiện vật gốm trục vớt từ đáy sông ngay bên phải lối vào.
Trong 20 hiện vật trưng bày, hầu hết đều rất điển hình cho văn hóa phương Nam giai đoạn sơ sử và những buổi đầu lịch sử.
Đáng chú ý là nhóm hiện vật giai đoạn thế kỷ 10-13 tuyệt đẹp, từ mấy chiếc "bình con tiện" bằng sành có men, trên thân có hai vành hoa văn khắc nối tiếp; những chiếc ấm (kendy) có vòi, không quai bằng gốm mộc; chiếc chóe gốm hoa văn "chải" dọc nửa thân trên khá đặc biệt cho đến cái "nắp" gốm men được xác định thuộc nền văn hóa Ăngkor…
Sự ngạc nhiên hơn cả đối với chúng tôi khi được bà Lâm Thị Vân Thoa, trưởng phòng kiểm kê - bảo quản, dẫn đi xem kho hiện vật trục vớt nằm ở tầng 4.
Trong kho 100m2 này chứa gần 1.200 hiện vật đặt trên hàng chục tủ kính và giá kệ xếp theo từng chủng loại. Ấn tượng hơn cả là những nồi gốm thuộc hàng niên đại sớm. Có rất nhiều giá đựng bình gốm đủ loại, đủ kiểu; từ loại cổ nhỏ, miệng bé xíu (có thể đựng thủy ngân để khai thác vàng) cho đến loại lớn hơn có miệng hình "con tiện" với nhiều tầng hoa văn trông rất bắt mắt.
Có rất nhiều loại hũ, chum, chóe, âu, ấm chén, bình vôi, ống nhổ, đèn thắp, lư hương… bằng gốm hoặc sành cho đến những hiện vật bán sứ và đồ sứ. Đáng chú ý hơn cả là nhóm hiện vật bằng đá với hàng chục bộ bàn nghiền, ngạch cửa chạm khắc, các chi tiết đền tháp và hàng loạt tượng hoặc thành phần tượng cổ…
Phản ánh đời sống sôi động
Theo ông Lưu Văn Du, hiện vật đáy sông Đồng Nai phản ánh đời sống sôi động diễn ra cả ngàn năm trên lưu vực sông Đồng Nai, từ thượng nguồn đến vùng hạ du và cho tới tận ven biển. Ông cho biết khu vực thượng nguồn tìm thấy rất nhiều đồ đồng, đá và đất nung của người tiền sử giai đoạn sớm. Cùng với đó là nhóm hiện vật khác ở giai đoạn muộn hơn, cách 500-700 năm trở về trước, có cả đồ xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan…
Nhiều hiện vật trong đó tương đồng với kết quả nhiều cuộc khai quật khảo cổ các di tích thời tiền sử ven sông Đồng Nai như Phú Lộc, Bến Nôm, Suối Chồn, Gò Me, Rạch Lá… và di tích thời sơ sử như Đồng Bơ, Bàu Sen, Gò Chiêu Liêu, Gò Bường…
Đoạn sông tìm thấy nhiều hiện vật nhất vẫn là khu vực đồng bằng hạ nguồn, mà nhiều và tập trung nhất vẫn là từ cù lao Rùa đến cù lao Ba Xe. Hiện vật tìm thấy đoạn này hầu hết có niên đại muộn hơn, trong khoảng 300-400 năm, cả đồ Việt lẫn đồ xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan…
"Sông Đồng Nai phát sinh nội địa, là nguồn sống chính của cư dân từ thời tiền sử đến sau này, cho nên hai bờ sông có loại hình di tích nào là dưới sông người ta vớt có hiện vật giai đoạn ấy. Có lẽ khi sông biến đổi dòng chảy làm sạt lở di tích trên bờ xuống, hoặc do giao thương, sự cố rơi rớt xuống sông!" - ông Du nhận định.
"Giải mã" cảng xưa Biên Hòa
Nhận định bước đầu của nhóm chuyên gia do GS Lê Xuân Diệm chủ trì, cho rằng: "Sưu tập cổ vật thu thập từ lòng sông Đồng Nai đã đưa đến cho khảo cổ học những tư liệu khá quan trọng để mở ra các hoạt động tìm kiếm, nghiên cứu vết tích một "cảng sông" có quy mô khá lớn trong lịch sử các cộng đồng dân cư sinh sống quanh vùng châu thổ ven sông Đồng Nai".
Cảng này có thể đã trải qua hai thời kỳ quan trọng và có sự khác nhau rất rõ: "Buổi đầu chủ yếu gắn với việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo. Về sau, chủ yếu lại gắn liền với sinh hoạt dân gian, hoạt động thương mãi".
Theo đó, thời kỳ đầu trong khoảng thế kỷ 6-7 cho đến thế kỷ 12-13, minh chứng bởi nhóm vật dụng sinh hoạt tôn giáo chất lượng cao, chế tác cẩn thận. Đó là những chum lớn, những bình có vòi, những bình lớn chân đế cao và những bộ chày - bàn nghiền, vật dụng có nắp đậy…
kỳ thứ hai trong khoảng thế kỷ 16-18 với số lượng hiện vật rất lớn và đa dạng, chủ yếu đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như: hũ, chum, nồi, niêu, chén, bát, bếp, ống nhổ…
Điều đáng nói, các hiện vật lòng sông Đồng Nai có sự tương đồng với hiện vật xuất lộ trong những cảng xưa ở khắp miền Nam, từ Bến Nghé (TP.HCM), Gò Công (Tiền Giang), An Thành (Bến Tre), Óc Eo-Ba Thê (An Giang), thậm chí trong chiếc thuyền đắm ven bờ vịnh Thái Lan…
Cảng sông Biên Hòa có trước thế kỷ 17
Bộ cổ vật sưu tập từ lòng sông Đồng Nai cho thấy hình ảnh về một cảng sông cổ xưa của đất Biên Hòa, dù đến thế kỷ 17-18 nó mới thực sự trở thành một cảng sông lớn cho cả vùng Gia Định, cửa ngõ giao thương lớn giữa Bắc và Nam.
Điều này là chứng cứ quan trọng bổ khuyết cho các thư tịch cổ viết về khu Đại Phố - Trấn Biên đã "quên" không nhắc đến cảng sông hoạt động nhộn nhịp nơi đây.
Báu vật trong dòng Cổ Chiên
TTO - Hai bức tượng cổ do người dân tình cờ phát hiện dưới lòng sông Cổ Chiên, tỉnh Vĩnh Long được đánh giá vô cùng đặc biệt, xứng đáng là bảo vật quốc gia.
Trong hai bức tượng cổ này, một đang thuộc về một nhà sưu tầm tư nhân ở TP.HCM, một thuộc Bảo tàng Vĩnh Long.
Bức tượng xứng đáng đặt ở bảo tàng để thu hút mọi người cùng đến chiêm ngưỡng, và biết đâu nó đặt tiền đề cho việc nghiên cứu văn hóa trong vùng Cổ Chiên này. Do đó, tặng bảo tàng là việc nên làm!
Đại đức Thích Đức Hiền
Chuyện của "hoàng tử voi"
Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Anh Tuấn tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phường 18, quận 4, TP.HCM, nơi có hàng loạt tượng Phật thuộc văn hóa Phù Nam, Óc Eo. Nổi lên trong số đó là tượng Ganesha, còn gọi là "hoàng tử voi", một vị phúc thần con của thần Shiva với màu nâu sáng bóng, khác biệt hẳn so những tượng đá xung quanh.
"Hoàng tử voi" ở tư thế ngồi, cao 38cm, rộng 34cm, dày 21cm, ngoài vết lõm nhỏ trên trán nhiều khả năng tạo bởi thớ đá, còn lại nguyên vẹn với kỹ thuật tạc khắc có hồn.
Ông Tuấn kể vào năm 2002, ông nhận cuộc điện thoại từ người quen ở miền Tây khoe rằng có người nông dân ở huyện Càng Long (Trà Vinh) vớt được bức tượng "hình người nhưng đầu voi thế ngồi" rất lạ từ sông Cổ Chiên.
Kinh nghiệm làm bảo tàng khá nhiều năm và gần như chuyên về tượng đá cổ, qua diễn tả ông biết ngay là tượng Ganesha nên tức tốc tìm về. Bức tượng "hớp hồn" ông bởi sự vẹn nguyên, đẹp và quý.
Dẫn ông ra bờ sông Cổ Chiên cạnh nhà, chủ nhân cho biết tình cờ nhìn thấy một phần nhỏ tượng nổi chìm giữa đám đất bị sạt lở trước đó. Ông lội ra, sờ và thấy vết chạm khắc, biết là bức tượng cổ nên kêu người phụ khiêng về nhà. Ngay trong lần gặp đầu tiên, ông Tuấn đặt vấn đề mua, chủ sở hữu gật đầu.
Ông Tuấn cho biết: "Ban đầu tôi chưa thực sự tin bức tượng nằm dưới đáy sông. Nhưng khi tìm hiểu có một số trường hợp hiện vật bằng đá do nằm lâu ngày dưới nước đã hình thành nên một lớp "patin" sáng bóng và màu trông giống như sắt".
Từ một số đặc điểm, phong cách điêu khắc và tư thế ngồi, ông Tuấn xác định tượng có niên đại thế kỷ 5-7, thuộc văn hóa Phù Nam.
Nữ thần 7 tỉ đồng
Bước vào gian trưng bày "Vĩnh Long - dấu ấn xưa" của Bảo tàng Vĩnh Long nằm bên bờ sông Cổ Chiên, tôi tìm thấy ngay bức tượng mà ông Tuấn đã mách nước.
Tượng cao gần 1,4m, nhân dạng nữ thần, vận dohti chạy dài xuống dưới rồi xòe hai bên như đuôi cá phủ lên hai bàn chân; tay phải bị gãy mất, còn tay trái cầm bình nước, tóc búi cao, thắt lọn, thân trên vận "y ướt" để lộ bộ ngực căng tròn tuyệt mỹ...
Ông Phạm Hùng Cường, trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Vĩnh Long, cho biết hội đồng giám định cổ vật lần đầu do GS Lê Xuân Diệm và lần hai do PGS.TS Đặng Văn Thắng chủ trì đều thống nhất đây là tượng Saraswati, và là tượng duy nhất không chỉ của VN mà còn của cả Đông Nam Á.
Nhà sưu tầm Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng: "Nhìn phong cách tạc, hình thể, búi tóc cho đến kiểu bình cầm tay, theo tôi, đây là tượng nữ thần Ganga, tức nữ thần sông Hằng, có niên đại sớm, trong khoảng thế kỷ thứ 7".
Theo ông Cường, hội đồng định giá bức tượng nữ thần này hơn 7 tỉ đồng, và theo quy định hiện hành, người có công phát hiện sẽ được thưởng 1% giá trị bức tượng.
Ông nói: "UBND tỉnh đã đồng ý thưởng cho người phát hiện và hiến tặng 73 triệu đồng. Biết là số tiền ít so với giá trị bức tượng, nhưng cả hai người phát hiện lẫn hiến tặng hào hiệp lắm, tặng mà không đòi hỏi gì cả".
Tặng bảo tàng là việc nên làm!
Chúng tôi tìm về "người tặng hào hiệp" là đại đức Thích Đức Hiền, trụ trì chùa Phước An ở xã Xuân Hiệp, Trà Ôn, Vĩnh Long.
"Vậy là sắp có thêm tiền góp phần làm từ thiện, mua gạo, mì tặng cho người nghèo hoặc đồng phục cho học sinh nghèo, công việc mà nhà chùa làm 3-4 đợt mỗi năm!" - ông nói ngay khi đón nhận thông tin sắp được thưởng tiền.
Ông bày tỏ: "Bức tượng quý như vậy, nghe đâu duy nhất hiện nay, lại không phải tượng Phật để có thể thờ ở chùa. Bức tượng xứng đáng đặt ở bảo tàng để thu hút mọi người cùng đến chiêm ngưỡng, và biết đâu nó đặt tiền đề cho việc nghiên cứu văn hóa trong vùng. Do đó, tặng cho bảo tàng là việc nên làm!".
Thầy Đức Hiền kể tượng do ông Lê Văn Thông, làm nghề xáng cạp cát bất ngờ phát hiện từ lòng sông Cổ Chiên rồi mang lên hiến cho chùa. Thấy bức tượng không hợp với nhà chùa, ông đã liên hệ với cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận với mong muốn trả tượng về chủ cũ vì ông nghi ngờ đây là tượng của họ.
Sau nhiều lần tìm hiểu kỹ hơn, ông biết rằng trong lịch sử vùng bờ sông Cổ Chiên không có cộng đồng Chăm mà chỉ có cộng đồng Phù Nam, Óc Eo sinh sống. Sau đó, ngành văn hóa Vĩnh Long đến xem tượng và đặt vấn đề nên ông quyết định hiến tặng cho bảo tàng tỉnh.
Ông Lê Văn Thông (xã Tân An Luông, Vũng Liêm, Vĩnh Long) cho chúng tôi biết trong tháng 11-2016, khi hút cát san lấp mặt bằng làm con lộ ở ấp Cầu Ván cùng thì ông bất ngờ phát hiện bức tượng nằm giữa sà lan. Thì ra bức tượng nằm gọn trong xáng cạp múc cát từ lòng sông Cổ Chiên đổ vào sà lan mà người lái xáng hoàn toàn không hay biết.
Ban đầu, vợ chồng ông cứ nghĩ là tượng Quan Âm và có ý lập am để thờ trong sân nhà. Nhưng vợ ông "lý luận": "Nếu tượng Phật thì sao lại quấn xà rông?". Thầy Đức Hiền sau đó tìm đến xác định không phải tượng Phật, và cho rằng tượng Chăm.
Lúc ấy vợ chồng ông Thông ngỏ ý hiến cho chùa với lý do: "Phật thì mình còn thắp hương cúng kiếng được, chứ tượng tôn giáo mình đâu có biết cách cúng thế nào đâu mà thờ".
"50 triệu cũng không bán"
Thời gian ấy, nhiều người bàn ra tán vào, bảo vợ chồng ông dại, có được tượng quý sao lại đi cho. Có người khuyên nên trả bức tượng về lại đáy sông, chỗ xáng cạp phát hiện để làm ăn đỡ xui xẻo. Một người khác bảo nếu ông đồng ý bán họ sẽ đưa ông 5 triệu đồng, ông Thông liền bảo: "Dù mày có đưa 50 triệu tao cũng không bán. Phải Phật thì tao thờ, còn không phải thì tao tặng thôi!".
Châu báu bạc vàng dưới sông Cửu Long
TTO - Rất nhiều đồ vàng, ngọc, chuỗi hạt đá quý và tiền cổ hàng trăm năm tuổi... được trục vớt dưới đáy sông Tiền, sông Hậu đang được lưu giữ tại các "bảo tàng tư nhân" ở miền Tây Nam Bộ.
Những hiện vật này được lý giải từ sự giao thương, tiếp thu từ nhiều nguồn, hình thành nên tính chất "văn hóa mở" của vùng đất này.
Văn hóa miền Tây Nam Bộ là văn hóa mở!
Ông TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG
Đầy đủ diễn trình văn hóa
Trong ngôi nhà phố rộng rãi của mình ở con hẻm đường Hùng Vương, TP Cần Thơ, nhà sưu tầm Võ Minh Mẫn (phó chủ nhiệm CLB UNESCO sưu tầm, nghiên cứu cổ vật VN) dành riêng tầng 3 trưng bày cổ vật.
Những tủ, giá, kệ và cách sắp xếp hiện vật được ông đầu tư bài bản, còn hơn cả kho của rất nhiều bảo tàng trong nước tôi từng ghé. Việc phân loại, sắp xếp và bày biện chuyên nghiệp không khác gì cách làm của bảo tàng.
Trong tủ kính trưng bày công cụ sản xuất, vũ khí và đồ trang sức giai đoạn tiền sử và thời kỳ đầu lịch sử của vùng đất phương Nam là bộ sưu tập rìu đá, rìu và mũi giáo đồng, "nồi" nhỏ nấu kim loại, "chì lưới" bằng gốm và đá, dọi se chỉ, chuông đồng, vòng đeo cổ, đeo tay đồng có hoa văn...
Một tủ đứng khác bày hàng trăm loại khuôn đúc và khuôn in của người thợ xưa khắc những hình ảnh và hoa văn âm bản rất độc đáo; rồi đồ sứ, gốm Tàu các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh; gốm Việt như gốm hoa lam (Chu Đậu), gốm Phù Nam, Óc Eo, Lái Thiêu, Biên Hòa.
Đó là chưa kể đồ đá, tượng, bàn nghiền - chày... Hầu hết số cổ vật này có xuất xứ từ sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu thuộc hệ thống Cửu Long.
Quý nhất trong "bảo tàng tư nhân" của ông Mẫn chính là sưu tập đồ vàng, đồ ngọc, các loại đá và thủy tinh cổ xưa, "toàn là đồ vớt sông". Ông lục tìm chìa khóa, mở tủ trong sự hồi hộp của tôi.
Có đến hàng trăm hiện vật bằng vàng quý giá với những hoa tai, nút áo, nhẫn có mặt và nhẫn nạm ngọc, đá quý và thủy tinh đủ kích cỡ, màu sắc, được chế tác công phu, chạm khắc tinh xảo có tuổi đời vài trăm năm đến ngàn năm.
20 năm trước, ông Mẫn "bén duyên" với cổ vật bằng đồ "xanh trắng", tức đồ sứ vẽ men xanh của Trung Quốc. Sau đó, có người khuyên: "Ở vùng này sao không chơi đồ cổ trục vớt? Đồ Phù Nam, Óc Eo ở đây vừa đẹp vừa quý, lại mang dấu ấn văn hóa vùng miền!".
Nghe thuận tai, ông chuyển sang mua đồ trục vớt, bắt đầu từ đồ đá, đồ đồng và đồ gốm, sau đó chuyển sang đồ vàng và ngọc.
Những thợ lặn người Chăm hay ngư dân người Việt hễ vớt, đào đãi được đồ vàng, đồ ngọc là tìm đến ông. Bình quân giá đồ vàng xưa, dù vàng mười hay vàng non tuổi đều được bán gấp 3 lần giá vàng 24K trên thị trường, tính theo cân nặng.
"Mới đây, người ta đem đến chiếc nhẫn cổ rất nặng, năm sáu chỉ vàng, tính ra phải trả cho họ mấy chục triệu bạc, tương đương 1,5 lượng vàng. Tui đành lắc đầu, giờ nghĩ lại thấy tiếc nhưng đành chịu!" - ông Mẫn kể.
Cho đến nay, bộ sưu tập cổ vật đáy sông của ông Mẫn phản ánh khá đầy đủ các giai đoạn văn hóa diễn ra trên vùng đất Tây Nam Bộ này.
Đồ cổ "kể chuyện"
Chúng tôi ghé thăm nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường trên đường 30-4, thị xã Cai Lậy, đồng thời là nhà sưu tầm cổ vật miền Tây có tiếng.
Bước qua phần quán cà phê sân trước là phần trưng bày rất nhiều hiện vật trục vớt, dưới tán cây khế ngay trước mặt nhà. Trên giá xây bằng gạch vữa có nhiều hũ, bình, nồi gốm từ thời Phù Nam, Óc Eo, Khmer, đồ Việt từ đất Bắc và cả đồ gốm cổ xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan...
Xen lẫn trong nhiều cổ vật đồ đá, đồ gốm kích thước lớn là mấy cái lu đựng đầy tiền xu bằng đồng và kẽm.
Ông Tường khoe đồ cổ được chưng khắp các tủ kệ, thuộc nhiều dòng, nhiều chất liệu, nhiều đẳng cấp sử dụng và xuất xứ, từ bản địa phương Nam, Đàng Ngoài của nước Việt, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ hay phương Tây...
Nhiều thứ được vớt từ lòng sông trong vùng, từ Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang hay Cần Thơ...
Ông Tường cho biết tiền cổ, nhất là tiền đồng và tiền kẽm, được trục vớt "hàng tấn" dưới các lòng sông.
Đặc biệt hơn là bộ sưu tập quý giá: "Bạc Khmer thế kỷ 18 - sông Cửu Long" với hàng chục loại "kê ngân": đồng bạc in nổi hình gà gồm rất nhiều kiểu thế, hình dáng khác nhau, một số trong đó có khắc ký tự chưa được đọc ra.
Rất nhiều đồng bạc khác, cũng hình thức in nổi các loại hình thù được xác định là tiền Xiêm La. Kế đến là các loại đồng bạc in nổi hình người và một số dạng "biểu tượng" được xác định là tiền của người Tây Âu sử dụng trong vùng của người Khmer...
Ông Tường phân biệt rõ từng loại tiền được sử dụng trong lịch sử mấy trăm năm trước trên vùng đất phương Nam, từ loại người Việt trao đổi với người Việt, người Hoa hay người Khmer; của người Khmer trao đổi với nhau hay với người Ấn, người Xiêm, người Hoa; rồi tiền người phương Tây giao lưu với các cộng đồng khác...
Từ hệ thống cổ vật trục vớt dưới lòng các con sông Cửu Long, câu chuyện về vùng đất phương Nam của ông Trương Ngọc Tường hiện ra, xoay quanh nhiều đặc điểm cư trú, kỹ thuật canh tác, buôn bán của từng nhóm người thuộc các dân tộc đến sự giao lưu, tiếp nhận giữa nhiều dòng văn hóa khác nhau.
Chúng được thể hiện ra cả ngôn ngữ, địa danh, các loại cây trồng và vật nuôi du nhập, một số tập tục, thậm chí cả trò chơi trẻ em...
Từ các câu chuyện này, ông Tường đã đi đến kết luận: văn hóa miền Tây Nam Bộ là văn hóa mở!
Tổng kết của thợ lặn
Theo "tổng kết" của nhóm thợ chuyên lặn tìm đồ cổ ở Cái Răng (Cần Thơ), những đồ trang sức bằng vàng, ngọc hay thủy tinh tìm thấy nhiều ở khu vực cửa các con sông.
Trong khi đó, sâu vào lục địa thì dòng sông ẩn chứa nhiều đồ gốm và đồ đá; đặc biệt những hiện vật bằng đá lớn như tượng, phù điêu hay bàn nghiền thường tìm thấy ở lòng sông khu vực gần biên giới với Campuchia.
Những trầm tích văn hóa
TTO - Các nhà chuyên môn cho rằng việc người dân trục vớt tự do hiện vật dưới đáy các con sông, trong khi các cơ quan hữu quan gần như đứng ngoài cuộc là một sự tổn thất lớn di sản văn hóa nước nhà.
Lịch sử được cất giấu dưới lòng sông là hiện tượng quá độc đáo.
Nhà nghiên cứu NGUYỄN VĂN HOA
Bất ngờ với thuyền thời Đông Sơn
Trong số 10 chiếc thuyền cổ trục vớt được ở Bảo tàng Phạm Huy Thông tại thị xã Quảng Yên có một chiếc được nhận định thuộc nền văn hóa Đông Sơn vào khoảng 2.100 năm trước còn gần như nguyên vẹn.
Hiện vật được các thợ lặn trục vớt trên sông Bình Giang, đoạn giữa thị trấn Nam Sách và thị trấn Sao Đỏ của tỉnh Hải Dương vào tháng 8-2017.
Thuyền dài 6,8m, sau phục dựng dài 7,2m, rộng 70cm, cao 55cm, hai mạn thuyền có ngấn, kiểu có thể lót những thanh đà ngang để ngồi. Trên thuyền có nhiều lỗ mộng hình chữ nhật có chốt ngang và phần đuôi thuyền được đẽo tạo hình như kiểu "đầu thú" có gờ nhô cao ở giữa, có mũi khoan lỗ buộc...
Bằng phương pháp so sánh đối chiếu, TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, xác định kiểu thuyền Đông Sơn đó giống với thuyền Động Xá khai quật năm 2004.
Xác định niên đại cho thấy thuyền này ở thế kỷ 1 trước Công nguyên, thuộc nền văn minh Đông Sơn và đó là chiếc thuyền Đông Sơn nguyên vẹn nhất cho đến thời điểm hiện nay!
So trong lịch sử tàu thuyền của cả khu vực Đông Á, kể cả những nước có nền văn hóa lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, việc tồn tại một chiếc thuyền thời tiền sử còn nguyên vẹn như thế là vô cùng hiếm.
Đó là lý do gây bất ngờ và ngạc nhiên cho nhiều nhà khảo cổ và nghiên cứu văn hóa lịch sử, khi đại diện Bảo tàng Phạm Huy Thông thông báo kết quả nghiên cứu bước đầu về chiếc thuyền tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc tổ chức ở TP Thanh Hóa cuối năm 2017.
Thông tin tiếp tục được đăng tải trên một tạp chí chuyên ngành về lịch sử tàu thuyền tại Ba Lan đã gây tiếng vang quốc tế và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tàu thuyền cổ đã tìm về tiếp cận tận nơi...
Sự bất ngờ phát hiện ấy chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện cổ vật trục vớt được ở các dòng sông trên cả ba miền của đất nước. Khó có thể thống kê hết cổ vật lòng sông với số lượng hàng ngàn hiện vật trục vớt được.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa (Huế) nhận định: "Lịch sử được cất giấu dưới lòng sông là hiện tượng quá độc đáo". GS.TS triết học Thái Kim Lan nhận xét: "Đây là hiện tượng văn hóa đầy bất ngờ và rất đặc biệt!".
Phản ánh "văn minh sông nước"
Theo TS Nguyễn Gia Đối, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam: "Cổ vật lòng sông liên quan đến những di chỉ cư trú ở vùng thượng nguồn và hiện tượng chuyển dòng làm đổ sụp xuống sông; hoặc liên quan đến cuộc sống của con người trên sông, ven sông trong việc trao đổi, đi lại, chìm đắm tàu thuyền...".
TS Trần Quý Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước - Viện Khảo cổ học Việt Nam, còn cho rằng hiện tượng trên phần nào phản ánh rõ ràng việc giao thương của một nền "văn minh sông nước": "Là quốc gia sông nước với hệ thống sông ngòi chằng chịt, thương mại phát triển thì chuyên chở, rủi ro tàu đắm, rồi chiến tranh... khiến cổ vật ở lòng sông rất nhiều. Và đó chính là các lớp trầm tích văn hóa của quốc gia".
Bằng thông tin thực địa và phương pháp thực nghiệm, TS Nguyễn Việt cho hay những đoạn sông có cổ vật thường có nền trũng, có thể do nứt gãy địa chất hoặc các eo tự nhiên trở thành nơi tích tụ, nơi chứa cổ vật cho dù dòng nước vận động bên trên.
Kế đến là những đoạn sông có thủy triều cân bằng với lượng nước đổ từ thượng nguồn xuống cũng trở thành nơi chứa cổ vật.
Ông lấy ví dụ ở ngay đoạn sông Bạch Đằng, nơi diễn ra nhiều trận thủy chiến trong lịch sử nhưng đến nay, cả dân lặn cổ vật lẫn nạo hút cát rất hiếm phát hiện được hiện vật chiến tranh, và hầu như chưa tìm thấy thuyền đắm trong khi cách đó không xa, sông Lục Đầu, nhất là đoạn Phả Lại, lại tìm thấy "hằng hà sa số" hiện vật, kể cả thuyền cổ.
Cứu lấy những trầm tích văn hóa
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, đối với vấn đề cổ vật đáy sông, hiện nay chưa có chủ trương đàng hoàng, khảo sát nghiêm túc, các vấn đề về pháp lý, khoa học lẫn đội ngũ (khảo cổ học dưới nước)...
Ông nói: "Điều cần thiết là có giải pháp ngăn chặn, nếu để như hiện nay thì di sản thất thoát hết cả!".
Trong khi đó, TS Trần Quý Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, cho rằng do hoạt động của những người săn tìm đồ cổ, rà tìm phế liệu với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại và hoạt động... tự do, đến nay những điểm lòng sông tập trung nhiều hiện vật cơ bản đã bị khai thác hết.
Ông cho rằng nếu còn, chỉ hi vọng vào các khu cảng thị bị bồi lấp sâu, cổ vật nằm sâu ở lớp đất cát chưa bị người dân đụng đến.
TS Thịnh cho biết trên thế giới, khảo cổ học dưới nước có từ rất lâu, ngay cả một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines... ngành khảo cổ này phát triển khá mạnh, được đầu tư lớn, kỹ thuật hiện đại, phục vụ tốt công cuộc phát triển.
Trong khi đó ở Việt Nam, khảo cổ học dưới nước nói chung, lòng sông nói riêng, cơ quan nhà nước có chức năng gần như đứng ngoài cuộc.
Theo TS Thịnh: "Ở Việt Nam cách đây mấy chục năm đã đặt vấn đề phải có ngành khảo cổ học dưới nước nhưng đến nay vẫn vậy, không có gì tiến triển thêm".
Ngay cả đối với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước do ông làm giám đốc, thành lập đã ba năm, nhưng đến nay "chưa được Nhà nước đầu tư một đồng nào, đến một cái thẻ bơi cũng không có, chưa được đào tạo một cái gì cơ bản về khảo cổ học dưới nước nên chưa làm được gì cho đến giờ phút này".
"Khu vực Lục Đầu thủy triều tác động đến tận đoạn Phả Lại. Đó cũng là chỗ nhận nước của các con sông từ thượng nguồn xuống như sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống tụ vào, đồng thời bị các dòng thủy triều theo sông Kinh Thầy và Thái Bình đẩy lên, nên cổ vật trong quá trình di chuyển đã dừng lại ở đoạn đấy!".
TS NGUYỄN VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét