Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Chớm thu ghé ngôi chùa có kiến trúc độc đáo ở Huế

Mỗi khi nhắc đến Huế, người ta không thể không nghĩ đến các ngôi chùa nổi tiếng như: chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Từ Hiếu… Khác với nhiều ngôi chùa kể trên, chùa Huyền Không 1 không quá rộng lớn nhưng tại đây có kiến trúc vô cùng độc đáo và thanh bình. Trong vài năm trở lại đây, Huyền Không 1 trở thành địa điểm du lịch được đông đảo du khách yêu thích.


Chùa Huyền Không hay còn được gọi là Huyền Không 1 là để phân biệt với ngôi chùa Huyền Không Sơn Thượng. Cùng nằm trên một tuyến đường, những hai ngôi chùa này lại khác khác nhau. Nếu như chùa Huyền Không Sơn Thượng nằm ở trên núi thì chùa Huyền Không 1 lại nằm ở vùng ngoại ô Kim Long, cách chùa Thiên Mụ khoảng 4 km.

Ở Huế có 5 ngôi chùa thuộc Phật giáo Theravāda Việt Nam (còn gọi là Phật giáo Nguyên Thủy - Phật giáo Nam Tông) - chỉ thờ duy nhất tượng Đức Phật Thích Ca là: Chùa Thiền Lâm, chùa Pháp Luân, chùa Huyền Không Sơn Thượng, chùa Tăng Quang và chùa Huyền Không 1.

Theo một số tài liệu, chùa Huyền Không 1 tại thôn Nham Biền (Hương Trà) là hậu thân của chùa Huyền Không ở Lăng Cô và được Thượng tọa Giới Đức dời về đây vào năm 1978. Đến năm 1989, thượng tọa Giới Đức lại tiếp tục tiến vào khai phá núi Hòn Vượn xây dựng nên chùa Huyền Không Sơn Thượng. Vậy nên chùa Huyền Không được giao lại cho Thượng Tọa Pháp Tông trụ trì.

Một trong những nét đặc sắc của chùa chính cảnh quan vô cùng cố kính, hài hòa với những đường nét chung của Cố đô. Nhìn chung, chùa Huyền Không 1 được xây dựng theo mô thức nhà vườn với hàng loạt cây cảnh, hòn giả sơn…Trong đó, chùa có ba khu vườn chính là Thanh tâm viên, Phương thảo địa và Hứa nhất thiên.

Nếu như Thanh Tâm viên mang lại cảm giác thư thái với hồ hoa súng, những cây liễu đung đưa theo gió, thưởng nguyệt thì Yên Hà Các lại là thế giới của phong lan và khu vườn cảnh Hứa Nhất Thiên là nơi trưng bày các chậu bonsai.

Nổi bật nhất trong chùa đó chính là bảo tháp Đại Giác được khánh thành vào ngày 14/6/2015. Bảo tháp này được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian 7 năm, mô phỏng theo mẫu ngôi đại tháp Mahā Bodhi Gāya ở Ấn Độ nhưng kích cỡ thu nhỏ. Chiều cao của tháp chính là 37m; bốn tháp phụ xung quanh cao khoảng 24m; chiều dài cạnh đáy ngang là 15,4m; cạnh đáy dọc là 9,4m.

Bảo tháp Đại Giác gồm có 6 tầng. Trong đó, hai tầng cao nhất để tôn trí xá lợi của Đức Phật, xá lợi chư Thánh Tăng và tượng Phật. Hai tầng tiếp theo dùng làm nơi lưu trữ Tam tạng Pālī bằng văn tự các nước, chú giải và sách, tài liệu nghiên cứu Phật học. Hai tầng thấp nhất, một dùng làm Thiền phòng và phòng trưng bày các món quà lưu niệm. Tầng nền sẽ là phòng Khánh tiết và dùng để đón tiếp các vị khách, đoàn khách đặc biệt.

Nhiều du khách đến Huế hẳn sẽ rất bất ngờ khi tại đây nhiều chùa đến thế. Chùa ở Huế được xây dựng khắp nơi từ thành thị về nông thôn, từ trên đồi núi cao tới từng đường làng xóm nhỏ. Nhưng chung qui lại, nét kiến trúc cổ kính, thanh tịnh của những ngôi chùa này đã làm nên một phần kiến trúc Huế.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, người Huế vốn thích sống lặng lẽ, khép mình, không tranh giành với đời cũng có phần bắt nguồn từ sự ảnh hưởng của Phật giáo tới đời sống con người. Vào những dịp cuối tuần, lễ tết… người Huế thường có sở thích lên chùa và ăn chay. Chính vì vậy, chùa Huyền Không 1 nói riêng và nhiều ngôi chùa ở Huế nói chung là địa điểm thường xuyên lui tới của các phật tử cũng như khách du lịch mỗi lần tới Huế.

Anh Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét