Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Hổ tướng xuất thân chốn 'giang hồ' thời Tây Sơn

Nguyễn Văn Tuyết là 1 trong 7 vị hổ tướng của triều Tây Sơn. Không như những vị hổ tướng khác là xuất thân từ gia đình giàu có, quyền quý, Nguyễn Văn Tuyết xuất thân từ chốn “giang hồ”, quy tụ các tay “anh chị” để hoạt động theo kiểu “xã hội đen” hiện nay. 

Sau khi được 1 lão võ sư có võ nghệ cao cường cảm hóa, truyền dạy võ công, Nguyễn Văn Tuyết đầu quân cho nghĩa quân Tây Sơn và trở thành vị hổ tướng lừng lẫy.
13-01-44_1
Cảnh Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết dẫn binh ra trận được tái hiện vào những lễ hội Đống Đa tại huyện Tây Sơn (Bình Định) hàng năm
Theo 2 nhà nghiên cứu Quách Giao và Quách Tấn, Nguyễn Văn Tuyết là người An Nhơn, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Lúc nhỏ, Tuyết thích thích đánh nhau với lũ trẻ trong làng, vì có sức mạnh nên bao giờ Tuyết cũng giành phần thắng. Lớn lên, Tuyết tập tụ các tay “anh chị” ở chợ Gò Chàm, được bầu làm đại ca, chuyên tổ chức quậy phá xóm làng. “Băng nhóm” của Tuyết thường hoạt động tại các phiên chợ Gò Chàm, những kẻ lạ mặt đến buôn bán phải “ra mắt” Tuyết một số ngân lượng rồi mới được dựng lều buôn bán. Những kẻ làm nghề sơn đông mãi võ để bán thuốc đều phải tuân theo “luật giang hồ” do Tuyết đặt ra.
Bữa nọ, có một cụ già râu tóc bạc phơ cùng hai cô gái sắc nước hương trời đến chợ mãi võ bán thuốc cao đơn hoàn tán. Cụ già không tuân theo “luật ra mắt” Tuyết đặt ra, vừa đến chợ đã khua chiêng khai diễn. Cô gái nhỏ múa kiếm vun vút, người đến xem ngày càng đông, tiếng vỗ tay dậy trời.
Nghe “đệ tử” báo tin, Nguyễn Văn Tuyết đùng đùng nổi giận, kéo chục tên thủ hạ đến chợ để vấn tội cụ già. Rất lạ, khi thủ hạ của Tuyết hỏi, cụ già không mở miệng. Nộ khí xung thiên, Tuyết cùng thủ hạ đồng loạt ra đòn, cụ già cũng không thèm đỡ, cụ cứ đứng trơ trơ như trời trồng mà không hề hấn gì. Tuyết thất kinh kéo quân bỏ về, tìm cách rửa hận. Cụ già và hai cô gái trú tạm tại miếu thổ địa ở sau chợ.
Đợi đến khuya, Tuyết giắt kiếm vào lưng, leo tường lẻn vào miếu. Bốn bề im phăng phắc. Hai cô gái ngủ say. Cụ già ngủ ngáy như sấm. Tuyết khẽ lén đến gần, rút kiếm đâm vào cổ ông già. Bất ngờ kiếm gãy kêu đánh rắc. Tuyết hoảng sợ bỏ chạy nhưng bị cụ già giữ lại. Tuyết run sợ, quỳ xuống tạ tội, cụ già nói: “Nhà ngươi tư chất thông minh, lại có sức mạnh xuất chúng, sao không lo rèn võ luyện văn chờ cơ hội ra giúp nước, mà lại đắm mình trong vũng bùn nhơ”. Tuyết lạy như tế sao, thề quyết tâm hối cải và xin được theo làm môn đồ.
Cụ già ấy chính là Trần Kim Hùng, một võ sư có võ nghệ cao cường ở thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn. Trần lão võ sư có con trai mất sớm, cụ dẫn hai cháu nội đi mãi võ để vừa kiếm kế sinh nhai, vừa săn tìm nhân tài truyền thụ võ công. Đến chợ Gò Chàm, lão võ sư gặp được Nguyễn Văn Tuyết, nhìn thần thái và sức mạnh của gã giang hồ, bụng lão võ sư đã ưng, cố tìm cách giúp chàng trai kia cải tà qui chánh. Tuyết theo Trần lão võ sư ra đi. Trên đường ngao du sơn thủy, Tuyết được thầy ngày đêm rèn luyện thập bát ban võ nghệ cùng truyền các kinh nghiệm trong chiến đấu.
Một hôm, khi đi lên một đỉnh dốc cao, 2 thầy trò gặp một tảng đá to chặn mất lối đi, bên này là vực thẳm, bên kia là sườn núi, muốn đi qua phải đẩy được tảng đá xuống vực. Để thử sức và mưu trí của học trò, Trần lão võ sư liền bảo Tuyết xô tảng đá xuống vực. Tuyết vâng lời, 2 tay ôm tảng đá, vận công xô xuống vực. Vốn là người có sức mạnh phi phàm, Tuyết đẩy được tảng đá nghiêng dần dần về phía vực. Bỗng đất nơi bờ vực sụt xuống, tảng đá lăn nhanh trong lúc Tuyết đang vận công xô tới nên lỡ đà, Tuyết loạng choạng sắp nhào theo. Nhanh như chớp, Trần lão võ sư nhảy đến tay tóm lấy cổ áo Tuyết, chân đạp vào tảng đá đang rơi làm điểm tựa, nhảy ngược kéo theo Tuyết về phía sau thoát hiểm.
Sau đó, Trần lão võ sư nhẹ nhàng truyền đạt kinh nghiệm đối phó với sự cố: “Khi tảng đá lung lay sắp đổ, lực đẩy của con vẫn tiếp tục xô ra. Lúc thình lình đất rạn, đá rơi, con bị hụt hẫng và bị tảng đá lôi theo. Khi ấy con phải nhanh chóng thu hồi nội lực, đạp vào tảng đá làm điểm tựa để nhảy vọt về sau. Khi đạp phải hết sức nhẹ nhàng, nếu đạp mạnh, con sẽ rơi theo hòn đá. Thế đạp này giống như con chuồn chuồn khẽ động vào mặt nước lúc đang bay để cất cánh vút bổng lên”. Thời gian theo thầy ngao du, Nguyễn Văn Tuyết học hỏi được nhiều tinh hoa võ học và kinh nghiệm chiến đấu.
5 năm sau, Nguyễn Văn Tuyết được Trần lão võ sư cho về quê. Thấy Tuyết về, những “đàn em” cũ tụ hội đón mừng. Sau tiệc vui hội ngộ, Tuyết khuyên đồng đảng giải tán, tìm công ăn việc làm lương thiện, có 1 số sau này theo Tuyết phò nhà Tây Sơn.
Một hôm, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát nam tuần đến Quy Nhơn. Nghe đồn Chúa Nguyễn có con tuấn mã tên Xích Kỳ, đợi đêm khuya, Tuyết lén vào cung bắt ngựa rồi lên yên chạy thẳng lên vùng An Khê. Tờ mờ sáng hôm sau ngựa đã qua khỏi đèo Vĩnh Viễn. Tuấn mã Xích Kỳ là cống vật của Cao Miên, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát rất yêu quý. Để ngựa bị trộm, Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bị tội chết. Nhờ Trương Phúc Loan ra sức cầu xin Tuyên mới thoát. Sau đó, Tuyên cho người đi tìm khắp Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Ngãi nhưng tuấn mã vẫn bặt vô âm tín. Khi Chúa Nguyễn trở về Phú Xuân, thì trong dinh tuần phủ Quy Nhơn bỗng thấy hiện trên vách mấy chữ: “Kẻ trộm ngựa của Chúa Nguyễn là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn”. Tuyên xem thấy tháo mồ hôi hột, dặn quan quân không được tiết lộ.
13-01-44_2
Vũ khí cổ thời Tây Sơn trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định)
Nghe tin Tây Sơn vương chiêu mộ hào kiệt, Tuyết liền đem đám “đàn em” cũ lên sơn trại đầu quân. Tại đây, Tuyết gặp lại Trần Thị Lan, cô cháu gái của Trần lão võ sư đang sống cùng với chị dưới trướng Bùi Thị Xuân, tình cũ nghĩa xưa, họ nên vợ nên chồng.
Khi Nguyễn Nhạc xưng vương, Nguyễn Văn Tuyết được phong Tả Đô đốc, cùng với Hữu Đô đốc Nguyễn Văn Lộc dưới sự chỉ huy của Nguyễn Nhạc tấn công huyện Tuy Viễn. Chiếm được huyện lỵ, Nguyễn Văn Tuyết ở lại trấn giữ. Khi Nguyễn Huệ ra Thuận Hóa rồi Thăng Long, Nguyễn Văn Tuyết đi theo và lập được nhiều chiến công. Sau khi bình định Thăng Long, Đô đốc Tuyết ở lại Bắc thành cùng với Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân.
Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh rầm rộ kéo quân đánh thành Thăng Long. Nguyễn Văn Tuyết với cây ngân côn tung hoành ngang dọc giữa lớp lớp quân nhà Nguyễn bao vây. Trong trận hỗn chiến, Tuyết cùng tuấn mã Xích Kỳ đều dính đạn. Chủ tướng ngã ngựa, Xích Kỳ cũng quỵ theo. Đó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802).
DƯƠNG LAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét