Nằm ở cuối con hẻm 18 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1 TP.HCM) nhưng điều đặc biệt gì khiến cho xe hủ tiếu của hai vợ chồng gốc Quảng Ngãi níu chân người Sài Gòn suốt hơn hai thập kỷ.
Nếu lang thang ở Hà Nội, bạn nên thưởng thức một bát phở trên phố. Còn lang thang ở Sài Gòn, món ăn dân dã mà bạn không nên bỏ qua là tô hủ tiếu mì sụn đặc biệt của người Hoa.
Giữa trung tâm TP.HCM, xe hủ tiếu của vợ chồng ông Nguyễn Đức Trung (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại hoàn toàn cách biệt với khói bụi của Sài Gòn vì mở bán tận cuối hẻm 18 đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1). Ở đó, xe hủ tiếu nhỏ với vài ba bộ bàn ghế đơn sơ đã giúp vợ chồng ông Trung mưu sinh 23 năm nay.
Tôi đến vừa lúc quán bắt đầu mở hàng. Bà chủ nhanh tay sắp bàn ghế và soạn sẵn gia vị ra bàn. Còn ông chủ thì hai tay lanh lẹ vừa vớt sụn ra khỏi nồi hầm vừa cắt sợi mì, hủ tiếu sẵn sàng vào tô.
Xe hủ tiếu đã gắn bó với gia đình ông Trung hơn 20 năm
|
Miếng sụn tươi ngon, giòn béo hấp dẫn thực khác
|
Các món ăn ở quán phải kể đến hủ tiếu sụn, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu hoành thánh, hủ tiếu xương, hủ tiếu khô, hủ tiếu nước... nhưng được nhiều người yêu thích vẫn là hủ tiếu sụn. Một tô hủ tiếu bất kỳ ở đây có giá bình dân là 20.000 đồng, thực khách có thể kêu một phần sụn thêm với giá 15.000 đồng.
Ông Trung chia sẻ: “Vợ chồng tôi vào đây từ năm 1995, trước đó thì tôi đi phụ bán hủ tiếu với người Hoa sau đó học nghề và mở quán này. Nhà tôi ở quận Bình Thạnh. Ở đây, tôi không phải trả tiền thuê mặt bằng mà chỉ phải trả tiền điện và nước. Tuy có hơi khuất một chút nhưng được cái yên tĩnh, ít khói bụi”.
Quán mở bán từ 14 giờ đến 22 giờ. Chủ quán nói vậy chứ chưa đến hai giờ chiều đã thấy khách ngồi bàn gọi món. Giờ cao điểm của quán là từ 17 giờ đến khoảng 19 giờ, có những ngày khách đông đến không đủ chỗ ngồi.
Thực đơn của quán gồm nhiều món khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là hủ tiếu sụn
|
“Khách của quán phần lớn là sinh viên trường Nhân Văn (ĐH KHXH & NV TP.HCM - PV), Y Dược, cả giảng viên cũng là khách quen của quán. Sinh viên hai trường đó nhắc đến quán này là biết à”, ông Trung niềm nở giải thích thêm. Khi đến ăn hủ tiếu ở hẻm 18 nhiều lần bạn sẽ nhận ra một điều là khách quen của quán không chỉ có người Việt mà còn có rất nhiều du học sinh đến từ Hàn Quốc.
Thu Ngân (20 tuổi, sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: “Nước dùng của hủ tiếu được nấu rất thanh, không có vị đậm của bột ngọt. Hương vị ngọt tự nhiên nên khi ăn vào thì cảm thấy ngon và thơm. So với những quán mà mình từng ăn qua thì ở đây có món hủ tiếu sụn rất đặc biệt, khiến người ta ăn vào sẽ có cảm giác là lạ và không bị ngán”.
Khách quen của quán đa phần là sinh viên
|
Những xe hủ tiếu gốc người Hoa ở Sài Gòn rất nhiều đồng nghĩa với việc nếu không có nét riêng thì rất khó để mời gọi thực khách quay trở lại. Nét riêng ấy đối với quán hủ tiếu của ông Trung là ở cách nấu nước dùng và sa tế. Để có được nồi nước dùng đậm đà hương vị, mỗi ngày từ 6 giờ sáng, ông Trung đều đi lấy nguyên liệu ở chợ Bà Chiểu. Khoảng 8 giờ là bắt đầu hầm thịt, sụn để làm nước dùng, lửa sẽ được duy trì đều đều để hầm cho đến cuối ngày.
Không chỉ có vậy, hành phi và sa tế cũng do ông Trung tự tay làm. Vợ chồng ông Trung mua hành tươi ở chợ về làm sạch, bào mỏng rồi phơi nắng cho khô sau đó chiên lại với dầu. Sa tế tự làm gồm có ớt, sả, hành tím, tỏi băm nhuyễn phi lên và nêm nếm thêm gia vị. “Hành phi với sa tế phải tự mình làm, lấy đồ người ta làm sẵn ngoài chợ là không ngon rồi. Mình tự làm thì nó mới sạch sẽ, tự nhiên, không bị ngán”, ông Trung bộc bạch.
Chủ quán giới thiệu với tôi một vị khách quen của quán mười mấy năm nay. Điều bất ngờ là vị khách đó còn rất trẻ, anh nói chuyện với chủ quán có vẻ rất thoải mái và thân thiết. Anh Quân (24 tuổi) cười mỉm: “Mình ăn ở đây chắc khoảng tầm 5 tuổi, nhà mình ở trong hẻm này nè. Món mình thích nhất là mì gói khô với sụn. Sa tế chú Trung tự làm là cái đặc biệt nhất khiến mình bị ghiền, ăn vào cảm giác thấy quen thuộc hơn. Ăn ở đây cũng lâu rồi nên cũng lạ miệng khi ăn ở những quán khác”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét