Ai đã từng một lần đến An Giang, ghé thăm Châu Đốc, chắc hẳn lòng không khỏi chao nghiêng trước cái bát ngát của dòng Châu Đốc- con sông chảy về ba ngã độc đáo và đi vào thi ca như hình tượng của vùng địa linh: “Tiền Tam giang, hậu Thất Sơn”. Bên kia bờ sông Hậu, cao cao trên những ngôi nhà sàn ngói đỏ với lối kiến trúc vút lên trời xanh đặc thù của đồng bào Chăm là Thánh đường uy nghi với mái vòm bầu tròn, trên cao là hình ảnh cong cong của vầng trăng khuyết... đủ để khiến cho những bước chân khát khao khám phá cái đẹp… lưu luyến mãi không tan. Ở đó, du khách không chỉ được khám phá, được trải nghiệm, mà còn có dịp để cái cảm xúc tan chảy theo những sự kiện, những câu chuyện, những món quà “chẳng nơi nào có được”. Trong đó có “thế giới bánh ngọt”.
Cô-âm, mới nghe qua tưởng chừng như là thứ bánh xa lạ, nhưng thực ra đó chính là bánh bò nướng. Duy có điều, ở đây, nó được chế biến theo công nghệ đặc thù của người Chăm. Nguyên liệu chính là gạo.
Nhón tay chọn lấy một chiếc cho vào miệng, nhai thật chậm. Mùi thơm của lúa sóc hòa quyện với vị ngọt béo thoang thoảng hương vị Thất Sơn của đường thốt nốt. Và một cảm giác lạ ập đến trong vị giác… À! Đó là vị chua thanh, nhẹ nhàng, phảng phất của cơm rượu lên men rất đặc trưng của “gu” ẩm thực của người Chăm.
Hat-pay-crah, người Kinh có tuổi ở vùng Châu Đốc thường biết bánh này qua “tên chữ”: bánh nghệ. Giờ đây phần lớn thanh niên Kinh quen gọi là bánh 3 vòng. Nguyên liệu chính của Hat-pay-crah là đậu xanh. Cho đậu xanh cà vào chảo rang đến bốc mùi thơm, chín vàng cho vào cối xay nhuyễn rồi nhồi chung với bột nếp đã xay nhuyễn trước đó và đường cát với tỷ lệ bí truyền đủ để ngọt miệng mà không gây cháy khét khi chiên. Nhồi đén khi bột dẽo là bắt tay vào “nắn” bánh. Đầu tiên ngắt bột thành từng nắm nhỏ. Đoạn se thành sợi tròn-dài rồi khoanh thành vòng tròn đều nhau. Sau đó đặt 3 vòng tròn cạnh nhau rồi dùng 3 ngón: cái- trỏ-giữa “nhúm” chúng lại tại điểm chung. Xong mang nhún vào “bột áo”, bột mì ngang được nhồi chung với hột gà thành dịch loãng, rồi cho vào chảo dầu chiên đến khi bột chín vàng rượm là có ngay chiếc bánh Hat-pay-crah hoàn hảo. Cái beo béo, bùi bùi của đậu xanh và độ deo dẻo của bột mì ngang trong chiếc bánh 3 vòng như sẵn sàng đưa bất cứ vị giác của người khó tính nào đến tận cùng của thế giới ẩm thực mênh mang bao điều mới lạ đầy thú vị.
Có lẽ không chỉ có trẻ em, hay người dân dã, tôi tin chắc rằng ngay ngay cả người đi “Đông”, đi “Tây” cũng khó có thể kềm chế được cái cảm giác ẩm thực khi đối diện với chiếc bánh Hat-pay-chal, mà người Kinh vẫn quen miệng gọi là “Bánh tổ chim”. Bởi chỉ nhìn bên ngoài, Hat-pay-chal hội đủ các yếu tố nghệ thuật gia chánh khi mà những sợi bột mỏng mảnh đan chéo vào nhau tạo thành khối hình tròn đẹp mắt, y như những chiếc tổ chim đẹp như tuyệt phẩm được kết nối công phu từ những cọng cỏ mỏng mảnh...
Không chỉ đẹp trong ánh nhìn, loại bánh này còn đẹp cả về ý nghĩa. Bởi Hat-pay – chal còn tượng trưng cho sum vầy, hạnh phúc... Chính vì vậy mà nó trở thành món không thể thiếu trong mâm bánh của nhà gái “đáp lễ” nhà trai trong buổi lễ hỏi (Pakloh- panuoik). Nguyên liệu chính của bánh tổ chim là nếp. Sau khi ngâm nửa giờ, chờ ráo cho vào cối xay nhuyễn, rồi dùng “rây” loại bỏ bột “sống”. Phần bột “chín”, cho nước đun sôi để nguội vào tạo hành dịch loãng. Sau khi định vị xong gáo dừa khô chuyên dụng bên dưới có đục vài lổ nhỏ bên trên chảo dầu đang sôi trên bếp đỏ than, cho bột nếp vào gáo dừa rồi nhanh tay đảo nhanh quanh chảo dầu theo dạng hình tròn từ nhỏ đến lớn cho đến khi khép kín đáy chảo.
Có dịp về An Giang, sau khi chiêm bái Bà Chúa Xứ Núi Sam, ghé Châu Đốc mua sắm những sản vật của miền biên viễn đầu nguồn, xin mời du khách một lần ghé thăm làng Chăm bên kia sông Hậu. Viếng thánh đường và những kiến trúc nhà sàn đặc trưng, mua sắm những chiếc khăn choàng độc đáo cả về hoa văn, họa tiết lẫn màu sắc,...
Xin hãy nhín chút thời gian thưởng thức món bánh ngọt thơm lừng, béo cả đầu lưỡi được làm ra từ những cô gái Chăm có đôi mắt đen, to và thăm thẳm như bầu trời nhát ngàn miền sông nước Nam bộ... Tin chắc rằng ngay cả người khó tính nhất cũng phải gật gù để rồi quay trở lại trong ngày không xa..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét