Là món ăn dân dã, quán mít hong bà Nhạn đã trở thành điểm ghé chân của bao người dân khi đến Tam Kỳ. Đó còn là thứ làm quà gửi tặng người thân khi chưa có cơ hội đến đây.
Quán “mít hong” của cụ bà Nguyễn Thị Nhạn nằm lặng lẽ trong con phố nhỏ mang tên Hoàng Diệu của TP. Tam Kỳ. Hình ảnh bà Nhạn hằng ngày vẫn cần mẫn bên nong hạt mít đã đi sâu vào ký ức của người dân nơi đây.
Đã 84 tuổi, ngót nghét hơn 40 năm gắn bó với từng múi mít, bà vẫn miệt mài chỉ dạy và truyền lại “bí kiếp” khi hong mít cho những người phụ nữ ở quê.
Năm 1975, từ Quảng Ninh, bà Nhạn theo chồng vào trong đất Quảng và mở quán nhỏ bán mít hong kiếm sống qua ngày. Khi mới bắt đầu, một đĩa mít hong có giá từ 3000 – 4000 nghìn đồng. Dần dà, suốt từ độ ấy cho đến tận bây giờ, món ăn được nhiều người biết đến, khách tìm đến quán ngày một đông.
Để một mẻ mít ra lò đạt độ thơm ngon thì khâu chuẩn bị nguyên liệu là quan trọng nhất. Nhiều người nói đùa chỉ có người dân Tam Kỳ mới dư thời gian để ngồi tỉ mần bóc từ múi mít. Có cả chục công đoạn và ngồi hàng tiếng đồng hồ để làm được múi mít hong chỉ đủ cho khách “ngoàm” trong vài giây.
Những nguyên liệu làm nên mẻ mít hong được bà Nhạn tiết lộ là “mít trở tiếng” (gần chín). Những trái mít quê to tròn, chín rộ, thơm lựng từ các vùng Tiên Phước, Nông Sơn, Núi Thành,… được lái buôn chở tới bán tận nhà. Mít trái sẽ được gọt vỏ, lấy lá chuối khô chùi cho sạch mủ, xẻ ra từng miếng, cắt cùi và tách múi. Tiếp theo sẽ dùng dao tách hạt ra khỏi thịt mít.
Toàn bộ hạt mít được tách ra được đem đi rửa sạch, cho vào nồi luộc chín rồi đem phơi khô. Đến đây, những hạt mít đã khô được đem đi tách vỏ lụa rồi cho vào cối xay nhuyễn để làm nhân. Các gia vị như muối, hạt nêm, hạt tiêu sẽ được thêm vào theo công thức mà bà Nhạn đã dày công nghiên cứu qua bao năm gắn bó. Toàn bộ số nhân hạt mít đã được “ướp” sẽ được xào với dầu phộng phi vàng. Khi nhân đã nguội thì cho vào từng múi mít, xếp vào vỉ hong và được hong cách thủy trong 30 phút. Mít hong được ăn kèm với đậu phộng rang xay nhuyễn, cùng dừa được bào thành sợi cho tăng phần béo thơm.
Đi qua cùng năm tháng, quán mít hong nằm bên chân cầu cùng với bà Nhạn đã chứng kiến bao sự đổi thay của đất Tam Kỳ. Sức cuốn hút của quán mít hông không chỉ là những múi mít vàng ươm, sực nứt mùi vị béo của dầu phộng, giòn ngọt của dừa sợi mà còn là những hoài niệm của thời gian. Đó không chỉ là món ăn dân dã của người dân địa phương mà còn là món quà quê cho người thân ở Đà Nẵng, Huế,…chưa có dịp đến Tam Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét