“Happy New Year” của ABBA hay “Daddy Cool” của Boney M thường vang lên trong ngày đầu năm mới.
Vào cuối những năm 1980, khi thời bao cấp kết thúc và chuyển sang thời kỳ đổi mới, nhiều người Việt Nam được tiếp cận với văn hóa phương Tây và bắt đầu yêu thích nhạc quốc tế thông qua những cuốn băng cassette và băng video VHS. Chiếc đài cassette nhãn hiệu Sharp của Liên Xô (cũ) từng là "bảo vật" của rất nhiều gia đình từ thành thị tới làng quê. Dịp đầu năm mới của giai đoạn cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, rất dễ bắt gặp những bài hát quốc tế theo phong cách Disco châu Âu của Boney M, Modern Talking hay Sandra. Nhiều ca khúc vẫn có sức sống đến tận ngày nay.
"Happy New Year" – ABBA
Nằm trong album Super Trouper và ra đời từ năm 1980, Happy New Year mang phong cách Pop đặc trưng của ABBA. Ca khúc này có thể không phổ biến ở các nước phương Tây nhưng với nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam, đây được coi như một bản nhạc báo hiệu xuân về. Lời ca của Happy New Year thực ra rất ảm đạm và buồn bã nhưng trong một thời gian dài từ sau thời bao cấp, nhiều người dân Việt Nam vẫn cảm thấy giai điệu của ca khúc này mang không khí hân hoan, rộn ràng cho mùa xuân mới.
Đến nay, Happy New Year không còn được mở nhiều như ngày trước nhưng với những ai từng đi qua giai đoạn chuyển giao của đất nước, khi nghe bài hát này vẫn cảm thấy nhung nhớ những cái Tết ngày xưa.
>> Xem thêm: 'Happy New Year' - giai điệu bất tử của mùa xuân
"Daddy Cool" – Boney M
Trong giai đoạn nhạc quốc tế bắt đầu du nhập nhiều vào Việt Nam, Disco châu Âu được coi là dòng nhạc "thời thượng" nhất lúc bấy giờ. Boney M là một trong những cái tên tiêu biểu nhất của xu hướng nhạc này. Những bài hát có giai điệu đơn giản, dễ nhớ, bắt tai như Sunny, Ma Baker hay Rivers of Babylon chinh phục ngay cả những khán giả đại chúng không hiểu tiếng Anh vì giai điệu quá vui vẻ, sôi động.
Nổi bật nhất trong số vô vàn ca khúc của Boney M là Daddy Cool – bản nhạc khiến ai nghe cũng phải nhún nhảy và hát theo: "Chaly chaly cúc cu, chaly chaly cu" (Daddy daddy cool - viết theo kiểu nói của người Việt ngày xưa theo lời bài hát).
"You’re My Heart, You’re My Soul" – Modern Talking
Cùng thời Boney M còn có cặp song ca người Đức – Modern Talking – với phong cách lãng tử. You’re My Heart, You’re My Soul là bản hit đầu tiên của ban nhạc và cũng là ca khúc từng "lũng đoạn" thế hệ 6x, 7x và đầu 8x của Việt Nam. Mỗi mùa xuân về, các cuốn băng cassette nhạc quốc tế không thể thiếu ca khúc kinh điển này. Ngoài You’re My Heart, You’re My Soul; Modern Talking còn có hai bài hát khác được yêu thích không kém là Cheri Cheri Lady và Brother Louievới những giai điệu mà với nhiều người, mỗi lần nghe là như thấy "cả một bầu trời ký ức trở lại".
"Touch by Touch" – Joy
Cùng xu hướng Disco thập niên 1980, 1990 với Boney M và Modern Talking còn có một nhóm nhạc ít tên tuổi hơn là Joy. Ban nhạc đến từ nước Áo có thể không quen thuộc với khán giả đại chúng Việt Nam nhưng vẫn có bản hit Touch by Touch. Joy được thành lập từ năm 1984 và hoạt động đến 1995. Năm 2010, nhóm tái hợp và đi diễn tới ngày nay. Trong tháng 3, nhóm sẽ tới Việt Nam biểu diễn cùng Boney M.
"You’re a Woman" – Bad Boys Blue
Từng có một thời, từ các lễ cưới cho tới quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh đều sử dụng giai điệu ca khúc You’re a Woman của nhóm Bad Boys Bluelàm nhạc nền. Ra mắt từ năm 1985, đến nay đây vẫn là ca khúc nổi tiếng nhất của ban nhạc Disco đến từ nước Đức. You’re a Woman mang giai điệu tiêu biểu của âm nhạc châu Âu thập niên 80s và không thể thiếu trong các tuyển tập băng cassette những bài hát quốc tế hay nhất mọi thời đại được vang lên trong những ngày đầu xuân.
"Lambada" – Kaoma
Lambada là điệu nhảy bốc lửa xuất xứ từ Brazil và cũng là tên bản nhạc Dance tiếng Bồ Đào Nha nổi tiếng của nhóm nhạc người Pháp – Kaoma. Giai điệu của Lambada đã được hàng trăm nghệ sĩ trên thế giới "xào nấu" ở mọi ngôn ngữ, phong cách khác nhau. Tại Việt Nam vào cuối thập niên 1980, đầu 1990, rất dễ bắt gặp những câu hát của Lambada phát ra từ chiếc đài cassette của Liên Xô (cũ) ở mỗi gia đình trong dịp Tết hay lễ hội. Nhiều đứa trẻ khi đó còn được cha mẹ dạy cho cách lắc hông, nhún nhảy theo điệu nhạc Lambada để biểu diễn mỗi khi nhà có khách tới chơi.
"Macarena" – Los del Rio
Giống như điệu nhảy ngựa của Psy trong Gangnam Style sau này, Macarenacủa Los del Rio cũng từng khiến cả thế giới phải chao đảo trong thập niên 1990. Los del Rio là cặp song ca người Tây Ban Nha chuyên biểu diễn nhạc dân ca vùng phía Nam xứ bò tót. Trong một bữa tiệc năm 1992 ở Venezuela, Los del Rio ấn tượng với một nữ vũ công biểu diễn Flamenco và một thành viên đã nổi hứng viết ca khúc Macarena tặng cô nàng.
Tuy nhiên đến năm 1996, Macarena mới gây sốt trên toàn cầu. Bài hát tạo nên một điệu nhảy tập thể mà từ người lớn đến trẻ em đều có thể học theo một cách dễ dàng, nhanh chóng. Trong những chiếc băng cassette hay video VHS ngày trước được yêu thích ở các gia đình trong dịp Tết thập niên 1990, chắc chắn không thể thiếu Macarena.
"Everlasting Love" – Sandra
Everlasting Love vốn là ca khúc nổi tiếng của Robert Knight từ năm 1967 theo phong cách nhạc Soul và được Sandra hát lại theo phong cách Pop vào năm 1987. Nữ ca sĩ từng tâm sự rằng cô thích bài hát này từ khi còn bé và luôn muốn ghi âm nó. Bản thu của Sandra trở thành một trong những phiên bản thành công và đáng nhớ nhất của Everlasting Love. Sandra cũng trở thành thần tượng của bao thanh niên Việt Nam ngày trước bởi vẻ ngoài quyến rũ, gợi cảm với mái tóc xù và phong cách phá cách, có một chút nổi loạn nhưng vẫn nữ tính. Mỗi dịp xuân về, giới trẻ thời kỳ đổi mới vẫn luôn trang hoàng lại căn phòng riêng của mình bằng những tấm poster của Sandra.
"Stumblin’ In" – Chris Norman feat. Suzi Quatro
Bên cạnh nhạc Disco châu Âu, những ca khúc Soft Rock cũng được nhiều khán giả Việt Nam yêu thích trong thời kỳ nhạc quốc tế mới du nhập vào. Một trong những bài hát của dòng nhạc này "gây thương nhớ" chính là Stumblin’ In của Chris Norman (cựu thủ lĩnh nhóm Smokie) và nữ ca sĩ Suzi Quatro. Stumblin’ Incó giai điệu dễ nhớ, bắt tai và khiến người nghe có thể nhún nhẩy lẩm bẩm theo ngay từ lần nghe đầu tiên. Kiểu tóc của nữ ca sĩ Suzi Quatro còn tạo nên một xu thế thời trang cho các cô gái trẻ Việt Nam trong thập niên 1980 và 1990.
"Sha La La" – Dreamhouse
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét