Bảo Huy
Ở Bình Định, có một loại bánh tét độc đáo, gọi là bánh tét “mười bảy” vì có thể để lâu đến hơn 17 ngày mà vẫn thơm ngon như vừa nấu hôm qua.
Nguyên liệu làm bánh là sản vật của từng vùng đất ở Bình Định. Gạo nếp phải là gạo Chánh Trạch, huyện Phù Mỹ. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi, sau mỗi mùa mưa lũ lại tích tụ phù sa màu mỡ, nên hạt gạo rất thơm ngon. Thơm đến độ, một nhà nấu xôi bằng nếp Chánh Trạch, cả làng thơm nức mũi.
Gạo nếp sau khi đãi sạch thì để ráo, rồi trộn với một ít dầu phộng, mà phải là dầu phộng Vĩnh Thạnh, để dễ dẫn nhiệt, nhờ đó hạt gạo vừa chín đều từ trong ra ngoài, vừa không bị nhão.
Thịt heo thì dùng thịt sạch có xuất xứ từ vùng quê dưới chân đèo Cù Mông, là loại thịt nọng hoặc ba chỉ, không dùng thịt đùi. Đậu xanh lấy từ vùng trung du Tây Sơn, hạt tiêu là hạt tiêu đỏ từ huyện miền núi An Lão, hành hương từ huyện Phù Mỹ, một nơi nổi tiếng về trồng kiệu, hành.
Việc gói bánh, nấu bánh cũng rất cầu kỳ. Theo ông Nguyễn Vĩnh Hảo, Giám đốc Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành - Bình Định, một người rất am hiểu ẩm thực của người Bình Định, bánh tét “mười bảy” phải gói bằng lá chuối xanh tươi, không được hơ nóng cho mềm lá trước khi gói như các loại bánh tét khác. Vì chất diệp lục của lá khi nấu chín, sẽ ngấm vô gạo nếp, tạo thành một chất bảo quản tự nhiên, đồng thời tạo màu xanh rất đẹp cho bánh.
Bánh tét “mười bảy” được nấu trong khoảng 12 giờ đồng hồ, cách 4 giờ lại vớt ra rửa sạch, thay nước mới rồi nấu tiếp.
Khi cột bánh tét “mười bảy”, phải làm rất bài bản, cột theo thứ tự từ đầu bánh đến đuôi bánh, nên khi ăn, mở dây cột bánh tét cũng là một nghệ thuật.
Bánh tét “mười bảy” cầu kỳ, công phu như vậy nên để được rất lâu, có thể từ 28 tháng chạp đến rằm tháng giêng, khi cúng hạ nêu, mà bánh vẫn thơm ngon như vừa mới nấu.
Bánh tét “mười bảy” không chỉ là một món ăn truyền thống ngày tết mà còn chứa đựng những vỉa tầng văn hóa và tâm hồn con người vùng “đất võ trời văn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét