Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Bí ẩn văn tự Champa trong động Phong Nha

BPO - Đã 116 năm kể từ khi nhà truyền đạo người Pháp Léopold Cadière phát hiện những dòng chữ Champa cổ viết trên vách đá nằm sâu trong động Phong Nha (Quảng Bình).


Chữ Champa cổ viết trên vách đá trong động Phong Nha
Đến nay những con chữ đó vẫn là sự bí ẩn đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Mới đây nhất, từ ngày 11 đến 
14-7-2015, một nhóm chuyên gia ngôn ngữ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême - Orient, Pháp) đã đến động Phong Nha nghiên cứu những dòng chữ Champa viết trên vách thạch nhũ ở hang Bi Ký mà 116 năm trước cũng do chính người Pháp phát hiện.
Một thánh đường Champa?
Theo tài liệu của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tại thời điểm cuối năm 1899 giáo sĩ L. Cadière đến Quảng Bình ngoài chức trách truyền giáo ở vùng dân cư Cổ Lạc và Cổ Giang còn có thú ham thích khám phá, vì vậy ông đã vào động Phong Nha với mục đích nghiên cứu, khảo sát.
Chỉ bằng một chiếc thuyền độc mộc của người dân bản địa, ông đã len lỏi vào sâu trong động Phong Nha đến hơn 600m.
Tại điểm cuối của động lúc đó, ông phát hiện văn bản này và một số di tích cổ như bàn thờ, bệ thờ, gạch nung, mảnh gốm, mảnh sành, đĩa...
Tháng 12-1899, L. Cadière viết thư gửi giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ là Louis Finot, báo tin về những phát hiện quý báu trong động Phong Nha. Thư có đoạn: “Những gì còn lại đều rất quý giá đối với sử học. Giữ nó là giúp ích không ít cho khoa học”. Chính từ phát hiện này của L. Cadière trong động Phong Nha mà khu vực hang có văn bản này được đặt tên là Bi Ký như đang gọi ngày nay.
Đến đầu thế kỷ 20, có thêm các nhà thám hiểm và học giả người Pháp, Anh đến động Phong Nha như Barton (năm 1924), Antonie (1928), M. Bouffie (1929), Pavi, Goloubew, Finot... Các nhóm này phát hiện thêm nhiều di vật Champa như tượng đá, tượng Phật, đá, gạch Champa, bài vị, mảnh gốm... Với 97 chữ Champa viết trên vách đá trong động Phong Nha, ngay từ chuyến khảo sát đầu thế kỷ 20 ông Pavi - học giả người Pháp - cũng cho rằng rất khó đọc, khó để viết phỏng lại chính xác.
Cuối cùng ông Pavi chỉ nhận ra được một chữ và ông cho rằng đó là “capimala”. Sau này, theo giáo sư Trần Quốc Vượng, nếu đúng là chữ “capimala” thì đó là tên một vị la hán, tổ thứ 13 của Phật giáo.
Tháng 7-1995, qua nghiên cứu và khảo sát động Phong Nha, giáo sư Trần Quốc Vượng và nhóm cộng tác viên ở Viện Khảo cổ học Hà Nội nhận định động Phong Nha có dấu hiệu là một di tích khảo cổ học vô cùng quan trọng. Các dấu tích ở hang Bi Ký cho thấy rất có thể đây là một thánh đường Champa từ thế kỷ 9 - 11.
Cần thời gian giải mã
Tháng 3-2008, một đoàn nghiên cứu của các nhà khoa học VN và Nhật Bản đã phát hiện những dấu tích văn tự trong động Phong Nha là theo dạng chữ sanskrit phối hợp với dạng chữ Champa cổ. Trong bài nghiên cứu về Phật giáo Champa và vị trí của vùng đất Quảng Bình dưới triều đại Indrapura (thế kỷ 9 - 10), nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - nguyên phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN tại Huế - cho rằng những phát hiện mới của nhóm nghiên cứu Việt - Nhật đã hé lộ nhiều thông tin đáng quan tâm nhằm làm rõ thêm di tích Phật giáo Chăm trong thạch động thuộc di sản thiên nhiên thế giới.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái (Quảng Bình) cho biết chuyện giải mã chữ viết của người Champa trong động Phong Nha là khá nan giải “vì có những ngôn ngữ đã chết, hoặc có sự biến ngữ, hoặc có loại ngôn ngữ được thần thánh hóa khi viết cho bí ẩn trong tôn giáo”.
Qua khảo sát và nghiên cứu bước đầu, giáo sư Arlo Griffiths của Trường Viễn Đông Bác Cổ cho biết hiện vẫn chưa thể dịch nghĩa được những dòng chữ này có nội dung gì, chỉ khẳng định được chữ viết ở văn bia này là chữ viết của người Champa. Ông nhận định văn bản này được viết vào những năm đầu thế kỷ 11 (cách đây khoảng 1.000 năm).
Đây là lần đầu tiên văn bia trong động Phong Nha được xác định niên đại cụ thể, so với những nhận định trước đó đều có khoảng cách từ thế kỷ 9 - 10 hoặc từ thế kỷ 10 - 11. Sau khi đã khảo sát kỹ, các nhà ngôn ngữ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã chụp ảnh văn bia để đưa về Pháp nghiên cứu dịch nghĩa và cam kết sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm mục đích giới thiệu cho du khách tham quan.
Còn nhiều văn bản Champa khác 
trong hang Bi Ký
Ngày 18-7, chúng tôi vào lại động Phong Nha. Bây giờ tại địa điểm có văn bản cổ viết trên vách đá, người ta không cho du khách vào tham quan nữa vì lý do nền động ngay tại đó bị sập với một hố sụt khá lớn, rất nguy hiểm.
Anh Trần Thanh Hiền, nhân viên ban quản lý bến thuyền động Phong Nha, chỉ dẫn cho tôi thấy thêm gần 10 điểm có chữ Champa cổ nằm sâu trong hốc khuất sau các vách đá thạch nhũ, ngay bên phải mảng chữ văn bia chính lộ bên ngoài vách đá.
Như vậy về chữ Champa cổ có trong động Phong Nha, lâu nay du khách chỉ được chiêm ngưỡng một phần nhỏ những gì có trong động.
Nguồn TTO 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét