Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Biểu tượng sự hiếu học của người Hà Nội

LĐTĐ) Hiện nay, ở sâu trong ngõ Văn Chỉ, chỗ số nhà 222 phố Bạch Mai quận Hai Bà Trưng rẽ vào là Văn chỉ Thọ Xương. Xưa kia nơi đây được các sĩ phu cố đô Thăng Long xây dựng nhằm tôn vinh, thờ phụng gần 70 các bậc tiên hiền khoa bảng của huyện Thọ Xương từ thế kỷ 15 đến thế kỷ XIX, trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn di dời kinh đô và xây Quốc Tử Giám tại Huế.
Theo thạc sĩ Lê Phương Duy, giảng viên Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, xưa kia trong việc thờ phụng các vị sáng lập ra Nho giáo thì ở cấp tỉnh có Văn Miếu, tức toà nhà xây dựng quy mô; còn ở cấp phủ, huyện và ở làng thì có văn chỉ, tức là một khuôn viên (phần lớn ở giữa đồng) gồm một cái nền lát gạch lộ thiên, bên trên xây những bệ gạch, đặt bát hương, mỗi năm “Xuân Thu nhị kỳ”, thường vào ngày Đinh của tháng hai và tháng tám, hội tư văn hàng phủ, hàng huyện (hoặc hàng xã) tới làm lễ cúng Khổng Tử và các vị khoa bảng của địa phương.
bieu tuong su hieu hoc cua nguoi ha noi
Văn chỉ Thọ Xương
Thọ Xương là huyện lớn và chính của kinh thành Thăng Long từ triều Lê sang đến triều Nguyễn với diện tích bao gồm gần 4/5 diện tích của kinh thành, tương đương diện tích của các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và phần lớn quận Đống Đa, một phần quận Ba Đình là 4 quận trung tâm của thành phố Hà Nội (tính đến thời điểm thành phố chưa mở rộng và sát nhập).
Với một vị trí địa lý và diện tích như vậy, có thể thấy tầm quan trọng của huyện Thọ Xương với Hà Nội như thế nào. Vậy nên các nhà nho đã thay thế văn chỉ lộ thiên bằng toà nhà hẳn hoi, không to bằng Văn Miếu song cũng đủ hậu cung, địa bái, tả vu, hữu vu... Văn chỉ Thọ Xương được các vị thân sĩ bản huyện như: Tiến sĩ Vũ Tông Phan, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, Tiến sĩ Lê Duy Trung, Phó Bảng Nguyễn Văn Siêu... và cụ Tú lĩnh Bùi Huy Tùng đứng ra xây dựng từ năm 1832-1836 với quy mô kiến trúc khá bề thế. Việc tạo dựng Văn chỉ Thọ Xương vào năm 1838 có ý nghĩa và tác động lớn đến đời sống văn hoá nơi đây.
Để phát huy hơn nữa những giá trị tốt đẹp văn hoá truyền thống của Văn chỉ Thọ Xương, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử văn hoá... cần phối hợp hơn nữa để sớm khôi phục lại không gian văn hoá truyền thống của Văn chỉ Thọ Xương vốn có từ xưa, nâng tầm giá trị văn hoá ở nơi đây lên tầm cao mới, để xứng đáng là một địa chỉ vàng lưu giữ truyền thống hiếu học của người Hà Nội xưa và nay.
Văn chỉ Thọ Xương chính là biểu tượng, là ngọn cờ cho tinh thần nhằm chấn hưng văn hoá Thăng Long của giới sĩ phu Hà thành. Văn chỉ Thọ Xương có vai trò như Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, khi mà Văn Miếu bị nhà Nguyễn “hạ cấp” chuyển vào Huế và biến thành nơi tế lễ thuần tuý, bỏ hoang phế không được chú trọng. Nơi đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động của Văn hội Thọ Xương.
Hiện nay, ở Văn chỉ Thọ Xương vẫn còn một tấm bia “Thọ Xương Tiên Hiền Từ Vũ Bi”ghi lại sự việc xây dựng toà đền này dựng vào niên hiệu Minh Mạng thứ 19 (Mậu Tuất, 1838). Tác giả bài văn bia là nhà văn hoá lớn đương thời – Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, người đời quen gọi là ông Nghè Đông Tác (vì quê ở làng Đông Tác tức phường Trung Tự ngày nay).
Trong bài văn bia tác giả thuật lại quá trình tạo dựng văn chỉ như sau:“Xưa kia đã có đền thờ, nhưng trải qua cơn biến loạn... đền cũ không còn. Năm Nhâm Thìn – 1832, bọn thân sĩ chúng ta cảm kích nhớ tới đạo đức phẩm chất các vị tiên hiền, nên bàn cách khiến cho được lưu truyền mãi, tham khảo quy chế phụng thờ, ghi thành ước lệ.
Qua năm Bính Thân – 1836, các thân sĩ đem ý định đó bàn với vị Tiến sĩ khoa Bính Tuất (năm 1826), người thôn Tự Tháp là Vũ Hoán Phủ (Vũ Tông Phan) rồi chọn nơi làm đền thờ ở phường Hồng Mai, phía Nam huyện. Đền chính xây toà gạch, mặt hướng về phương Đông. Năm gian bái đường, nhà bên tả và bên hữu đều lợp ngói, cột phía ngoài và tường xung quanh đều xây gạch.
Khoảng giữa trồng hoa, lại đặt thêm ruộng tế và ao tất cả 8 mẫu 7 sào 10 thước. Quy chế trăm ngàn năm, chỉ có vài năm mà hoàn thành. Ôi! Việc tốt đẹp của danh giáo được mở ra rồi chăng? Nếu không, sao lại hưng thịnh được như vậy. Ngay từ ban đầu khi thân sĩ ta đề xướng ra thì ông Bùi Huy Tùng, người Hà Khẩu thuộc bản huyện đã vui lòng xuất của hàng ngàn quan đưa cúng vào đó, lại tự mình trông nom mọi việc từ đầu đến cuối. Thế mới biết rằng những việc rất lớn, rất tốt trong vụ trụ, chỉ sợ không chịu làm thôi. Nếu làm thì không có gì khó. Bởi vì đã hợp lẽ trời thì thần minh không hề ngăn cản việc hoàn thành.”
Văn chỉ Thọ Xương được xây dựng nên là nhờ vào tâm sức của nhiều bậc danh sĩ Thăng Long như Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý... Song, đáng ghi nhận hơn cả là tâm đức của cụ Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng. Số tiền hàng ngàn quan cụ Tú Lĩnh công đức để xây văn chỉ là số tài sản rất lớn. Thời bấy giờ giá 01 con trâu chỉ là 5 quan. Bản thân vị tri huyện Thọ Xương lúc bấy giờ cũng chỉ góp được 10 quan.
Chính bởi công đức lớn lao đó, sau khi cụ Bùi Huy Tùng mất vào năm 1862, thọ 70 tuổi, cụ đã được đưa vào phối thờ tại đây. Di vật đang kể còn lại là Tấm văn bia “Thọ Xương Tiên Hiền Từ Vũ Bi Ký” và bức hoành phi “Thiên Lý Nhân tâm” (tức lòng người sánh với lẽ trời). Ngoài hai di vật trên, tại Văn chỉ Thọ Xương còn có đôi câu đối ở phía trên bàn thờ có nội dung như sau: “Thiên niên phong hoá lưu dư địa – Vạn cổ thanh danh tiếp cố giao”.
Tạm dịch là: Nghìn năm phong hoá lưu nền cũ – Muôn thuở thanh danh tiếp đất xưa”. Đặc biệt, trên tường hậu cung có 02 bức tranh khổ lớn 2m x 2m. Bức tranh vẽ hình thanh vân (mây xanh) bay lượn. Đó là do người xưa coi việc đi thi lập công danh là “Bình bộ thanh vân” tức “nhẹ bước trên mây”.
Trong văn chỉ, trên tường phía bên trái theo hướng đền, có tấm bia đá nhỏ cỡ 30cm x 30cm, ghi lại lời người xưa dặn dò con cháu, nội dung như sau: “Một ngôi nhà, lâu năm sinh ra rêu, chim chóc ăn quả tha đến lâu dần sinh ra loài cây ký sinh.
Vả lại, gạch và cây là loại tương hợp, lại thêm mưa, cây phát triển, rễ đâm xuyên gạch ngói, thành ra hư hỏng. Con cháu ta trong văn hội thọ xương, nếu nhìn thấy việc ấy, khi sửa sang việc tế tựu thì mau cắt bỏ đi. Đó là lời thiết thực”. Thế mới thấy, người xưa cẩn thận và lo xa biết nhường nào.
Vào khoảng từ những năm 1836 đến đầu thế kỷ XX, Văn chỉ Thọ Xương không chỉ là nơi thờ phụng các bậc tiên thánh, tiên hiền của đạo Nho, mà nó còn giữ vị trí như một trung tâm truyền bá văn hoá của cố đô Thăng Long. Tại đây, cụ Bùi Huy Đoàn – chú ruột cụ Bùi Huy Tùng từng đặt trụ sở nhà in Như Nguyệt Đường. Sau này, chính cụ Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng cũng tiếp bước người trước phụ trách nhà in này.
Hơn nữa, địa điểm Văn chỉ Thọ Xương cũng là trụ sở của Văn hội Thọ Xương ngay từ đầu mới thành lập năm 1832. Theo nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi, một số di vật quý của Văn chỉ Thọ Xương như “Bảng Tiên Hiền” đang được cất giữ trong kho của Đền Ngọc Sơn và “Khánh đá” được lưu giữ tại kho Văn Miếu Hà Nội.
Do lịch sử nước ta, chiến tranh kéo dài, thời gian gián đoạn, tư liệu mất mát nên những hiểu biết cặn kẽ, sâu sắc về Văn chỉ Thọ Xương còn rất ít, thiếu và chưa đủ, cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu và sưu ầm thêm tư liệu, tài liệu từ các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá...
Tuy vậy, không nên chờ đợi mà cần tiến hành đồng thời những bước đi đầu trong việc khôi phục không gian văn hoá của Văn chỉ Thọ Xương thông qua những gì đang có. Ngày 26/1/2006, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá Văn chỉ Thọ Xương.
Năm 2013, được sự quan tâm của chính quyền thành phố, quận Hai Bà Trưng và UBND phường Cầu Dền, Văn chỉ Thọ Xương đã được tu bổ, tôn tạo lại vẻ đẹp khang trang như hiện nay nhưng thực tế đây mới là phần vật thể, còn phần chính phần “hồn cốt” bên trong, với giá trị phi vật thể là những hoạt động văn hoá thì chưa có được như mong muốn. Có thể đơn cử như đối tượng thờ phụng, mục đích ý nghĩa thờ, quy chế thờ phụng ra sao... vẫn còn chưa được hiểu biết đúng với giá trị của Văn chỉ Thọ Xương.
Phương Bùi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét