Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Chuyện về Bãi Giữa sông Hồng

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 
ANTD.VN - Trên suốt chiều dài sông Hồng, bắt đầu từ  Lào Cai  chảy qua  rất nhiều tỉnh, thành phố rồi đổ ra biển có rất nhiều bãi bồi lớn nhỏ hình thành giữa sông. Nhưng lớn nhất, được sử sách ghi chép đó là Bãi Giữa thuộc các phường Tứ Liên, Chương Dương của Hà Nội. 
ảnh 1Người dân Hà Nội tận dụng đất bồi phù sa ở Bãi Giữa sông Hồng để canh tác 
Vì đoạn sông chảy qua Hà Nội quanh co như nhĩ tai nên nó còn được gọi là  Nhĩ Hà. Dòng chảy uốn khúc quanh co khiến nước sông đổi dòng liên tục làm giảm tốc độ dòng chảy gây bồi lắng đã tạo ra Bãi Giữa. Bãi Giữa chia dòng chảy  qua đoạn này làm hai, bên bờ phía Đông là dòng chính, còn bờ Tây có con lạch nhỏ gọi là sông Trong. Vua Lý Công Uẩn khi dời Hoa Lư ra xây thành Thăng Long trên nền thành Đại La cũ đã cho dời làng An Xá nằm ở phía Nam hồ Tây để lấy đất mở rộng thành. Dân An Xá phải chuyển ra sống ở ven sông từ bãi Phú Thượng kéo xuống tận khu vực Đầm Trấu, lại thêm cả vùng Bắc Biên gần cửa sông Đuống và được đặt tên là Cơ Xá. Và Bãi Giữa thuộc đất làng Cơ Xá. 
Bãi Giữa là tên nôm còn tên chữ là Trung Hà. Do phải dời bỏ làng quán, và An Xá lại là quê của danh tướng Lý Thường Kiệt (tên thật là Ngô Tuấn) nên dân Cơ Xá được miễn thuế đò ngang, đò dọc và thuế hoa màu kéo dài trong nhiều thế kỷ. Thời Nguyễn, làng Cơ Xá và Bắc Biên thuộc phường Cơ Xá, huyện Thọ Xương (tỉnh Hà Nội). Năm 1851, Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai đề nghị chuyển Cơ Xá về huyện Gia Lâm (tỉnh Bắc Ninh).
Trong nhiều thế kỷ, Bãi Giữa không có dân sinh sống. Thời Trần, các tướng cho luyện thủy quân ở bến Đông Bộ Đầu (khu vực phố Hòe Nhai ngày nay) và Bãi Giữa là vị trí cho quân sĩ tập đổ bộ, phủ cát kín người luyện bài binh  phục. Vào mùa mưa  lũ, ngư dân vây quanh Bãi Giữa đánh cá vì nước lũ gây sói lở đất, côn trùng bị cuốn xuống nước sông nên cá tập trung thành đàn đánh chén.  
Năm 1911, bộ phận làng Cơ Xá ở bờ phải sông Hồng thuộc Hà Nội và có tên Phúc Xá (gồm các bãi: An Dương, Nghĩa Dũng, Phúc Xá ở phía trên cầu Long Biên, Bãi Giữa và Bắc Biên). Bộ phận ở bên trái sông (Cơ Xá nam) thuộc huyện Gia Lâm (tỉnh Bắc Ninh). Cũng từ năm này, Bãi Giữa bắt đầu có dân ra đây sinh sống. Lý  do là thành phố thực hiện giải tỏa các khu nhà tranh trong nội đô, nhiều gia đình không có giấy tờ không được đền bù đã ra đây canh tác và họ chỉ phải đóng chút thuế rất nhỏ cho xã Phúc Xá. 
Và Bãi Giữa xanh mướt khi dân chúng trồng ngô, khoai lang, sau đó là trồng dâu chăn tằm. Từ đầu bãi đến cuối bãi có một con đường chính, hai bên có các đường xương cá  vào các xóm. Vì năm nào cũng có mưa lũ nên nhà khá giả cũng làm nhà tre và tôn nền rất cao. Năm nào nước lớn thì họ làm gác tre. Nước dâng lên thì họ  lại nâng sàn. Gà lợn ở chung với người. Duy nhất cả bãi chỉ có một nhà  gạch ở gần chân cầu Long Biên, đó là nhà nuôi tằm của ông Nguyễn Thừa Đạt, người giàu có nhất Bãi Giữa. Bãi Giữa xanh mướt đã trở thành điểm du lịch khi chính quyền Pháp cho làm cầu thang từ cầu Long Biên xuống bãi. Thế nhưng từ 1947 đến năm 1954, lo sợ Việt Minh phá cầu Long Biên nên lúc nào cũng có đơn vị quân Pháp tuần tra khắp bãi. 
Thập niên 60, thế kỷ 20, trong sách tập đọc của học sinh cấp 1 có bài thơ: 
Hôm nay trời nắng như nung
Mẹ em đi cấy phơi lưng cả  ngày
Ước gì em hóa thành mây
Em che cho mẹ suốt ngày nắng râm
Đó là bài “Bóng mây” của nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi Thanh Hào. Ông  sinh ra ở Bãi Giữa ngay dưới những nhịp sắt cầu Long Biên. Quanh nhà ông toàn chuối, cây ăn quả và hoa rất mát mắt và lãng mạn. Tính tình lại hiếu khách, quý bạn nên nhà ông là điểm đến của rất  nhiều  nhà văn, nhà thơ như: Hoàng Tố Quyên, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Trần Lê Văn, Băng Sơn, Nguyên Hà, Vân Long... Họ đến uống rượu, vui thú vườn tược và tránh cái nắng hè gay gắt của xứ Bắc. 
Nhưng Bãi Giữa của nhà thơ Thanh Hào đã không còn bình yên khi Mỹ ném bom miền Bắc mà cầu Long Biên là trọng điểm. Năm 1966, 1967, bãi xanh ngắt loang lổ hố bom. Cuối tháng 12-1972, Mỹ lại đánh phá và lần này bằng máy bay B52. Bom trúng nhịp giữa cầu Long Biên và lạc sang  Bãi Giữa. Một quả rơi gần  nhà Thanh Hào. Căn nhà gỗ lợp lá ba gian đổ sập. Nghe thấy tiếng vợ kêu gào trong đống đổ nát, ông đã dùng tay bới đất kiếm tìm vợ và 3 đứa con. Nhưng khi moi được 4 người lên thì 2 cô con gái đã tắt thở… Năm 1975 do kế hoạch trị thủy sông Hồng, giải phóng lòng sông nên dân Bãi Giữa phải di dời đến nơi khác. Nhà ông Thanh Hào cũng chuyển đi nhưng nỗi đau của ông vẫn nằm lại.
Nhiều năm trở lại đây, do thượng nguồn sông Hồng xuất hiện các công trình thủy điện lớn nhỏ nên dường như con sông quanh năm đỏ ngầu phủ sa này không còn lũ. Ngay cả mùa mưa, nước từ đầu nguồn đổ về cũng không tạo ra nhưng con lũ hung hãn làm sói lở đất bãi. Bãi Giữa ổn định hơn, xanh ngắt màu xanh của chuối. Nó trở thành bãi tắm về mùa  hè và là chốn chơi  thú vị quanh năm của giới trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét