(Vanhien.vn) Từ xa xưa, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có chăn nuôi lợn đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào Thái...
Chăn nuôi lợn không chỉ để cung cấp thực phẩm cho gia đình, mà bây giờ còn giúp nhiều hộ gia đình ở nông thôn miền núi thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Chăn nuôi lợn không chỉ để cung cấp thực phẩm cho gia đình, mà bây giờ còn giúp nhiều hộ gia đình ở nông thôn miền núi thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trong các gia đình của đồng bào Thái luôn nuôi ít nhất 2 con lợn, có nhà nuôi đến cả mấy chục con. Trước đây bà con thường nuôi lợn từ 2 đến 3 năm, chờ đến tết mới thịt, chủ yếu để làm thực phẩm dự trữ quanh năm. Thịt lợn được sấy khô (nhứa giảng), thịt lợn thái nhỏ thành miếng ướp muối cho vào vại làm thịt chua (nhứa xổm), thịt lợn được chế biến thành thịt nướng (nhứa giảng), và thịt băm nhỏ gói lá nướng (thịt pho).
Ông Lò Xương Hặc ở bản Pu Viêng, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điên Biên cho biết: "Con lợn ngoài nuôi để làm thực phẩm còn sử dụng vào nhiều việc khác, con người sống, chết đều cần đến nó, dù có thịt con trâu, con bò vẫn phải có thịt lợn. Như khánh thành nhà mới, thờ cúng tổ tiên (xên hươn) đều phải có con lợn. Theo tục lệ ngày xưa cưới vợ, phải thịt rất nhiều con lợn, mỗi lễ nghi là thịt 1 con lợn mới được đón dâu về”.
Mâm cúng Tết không thể thiếu lợn, gà.
Cũng theo ông Lò Xương Hặc, phong tục của đồng bào Thái, người con trai đi lấy vợ sẽ mang đến nhà gái một con lợn từ 80 đến 100 kg thịt làm cỗ cưới bên họ nhà gái. Ngoài con lợn thịt làm cỗ cưới, nhà trai còn có một con lợn khoảng 20 đến 25 kg để thờ cúng tổ tiên, nhà gái gọi là “Mu sơ lung ta” có nghĩa là lợn để thờ tổ tiên nhà gái, con lợn này không thể thiếu. Bà con quan niệm, con gái đi lấy chồng phải báo cáo với tổ tiên, gia chủ thịt con lợn do nhà trai mang đến làm mâm cỗ xin phép tổ tiên cho con cháu về nhà chồng. Thứ 2 là để cảm tạ bậc sinh thành đã có công dưỡng dục con cháu trưởng thành.
Trong các lễ nghi xên bản, xên mường, khánh thành nhà mới, thờ cúng tổ tiên ngày tết và đặc biệt là trong việc làm vía (panh khuân) của đồng bào Thái đều phải thịt con lợn. Nếu làm vía cho trẻ nhỏ bà con thường thịt con gà, nhưng người lớn đều phải thịt con lợn (panh khuân mu).
Theo các ông mo, thịt con lợn làm vía gọi vía ở nơi trần gian xong mới lên thiên đàng tìm đến bà mụ (Me bảu, me nang) nơi đúc ra con người và cầu xin bà mụ và các đấng thần linh phù hộ độ trì cho người được làm vía luôn khoẻ mạnh, may mắn trong cuộc sống.
Bà Cà Thị Hồng, ở bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La cho biết: “Theo phong tục tập quán của đồng bào Thái, thường chăn nuôi lợn để đến tết thịt lợn gói bánh chưng, thịt lợn để thờ cúng tổ tiên và làm nhiều nghi lễ khác. Con lợn không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào Thái”.
Lợn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái là vậy, nên bà con rất coi trọng con lợn. Tại các bản làng đồng bào Thái bây giờ, đa số bà con vẫn duy trì nuôi lợn, nhiều nhà đã nuôi để phát triển kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn
Lợn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái là vậy, nên bà con rất coi trọng con lợn. Tại các bản làng đồng bào Thái bây giờ, đa số bà con vẫn duy trì nuôi lợn, nhiều nhà đã nuôi để phát triển kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn
Nguồn: VOV - Tây Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét