Hà Tĩnh có hàng trăm ngôi làng cổ. Những ngôi làng ấy được hình thành nên bởi một người hoặc một nhóm người đến từ nhiều miền quê khác nhau. Tùy theo đặc điểm địa lý, tùy theo nguồn gốc của người “khai thiên lập địa” mà những truyền thống về văn hóa, về nghề nghiệp được hình thành. Khi đã trở thành nhà báo, được đến nhiều ngôi làng nổi tiếng trong những trang sách, tôi mới được tiếp cận thêm nhiều vỉa tầng trong trầm tích văn hóa, lịch sử của các ngôi làng cổ trên đất Hà Tĩnh. Và, tôi dành sự quan tâm đặc biệt đến những ngôi làng khoa bảng mà nhiều thế hệ của các dòng họ trong những ngôi làng ấy đã lưu danh sử sách.
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc, làng Tiên Điền (Nghi Xuân) hiện nổi tiếng trong cả nước là làng quê trù phú, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du với dòng họ Nguyễn Tiên Điền trứ danh. Ít ai biết rằng, Tiên Điền trước đây có tên là Vô Điền (không ruộng) rồi U Điền (ruộng hoang vu), về sau, các dòng họ Lê, Đặng, Võ, Hoàng, Nguyễn, Hà… về đây khai phá, lập thôn, lập làng và làng dần được đổi tên là Tiên Điền. Trải qua nhiều lần tách nhập, đổi tên, đến năm 1953, làng mới trở về tên cũ Tiên Điền cho đến ngày nay.
Làng Tiên Điền, quê hương Đại Thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Mặc dù đất đai bạc màu nhưng Tiên Điền lại nổi tiếng là đất làm quan. Người xưa có câu “Ló Hoa Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống”, ý chỉ đất Tiên Điền lắm quan văn, quan võ, nhiều công hầu khanh tướng. Theo nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh thì, hầu hết những người đến Tiên Điền cư trú đều có xuất thân danh gia vọng tộc. Nhiều người chọn đất này không phải để lập nghiệp mà nhằm tránh họa diệt vong. Những người ấy, sau khi đã an cư hầu như đều mở trường dạy học, bởi thế mà đất Tiên Điền mới nổi danh là vùng đất học hành, khoa bảng.
Trong đó, ngoài việc đỗ đạt cao và được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều như Thượng thư, Thăng tư đồ, Tham tụng, Bồi tụng, Tham đốc… của con cháu họ Nguyễn, ngoài việc trở thành những danh y, danh sư của con cháu họ Đặng, Hà, Trần, Lê…, Tiên Điền còn có nhiều tác giả nổi tiếng trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa như Nguyễn Nhiệm, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Hoàng Tôn Tuẫn, Trần Duy Tự, Hoàng Kim Thành. Đặc biệt, Tiên Điền đóng góp vào thi đàn nước nhà những tên tuổi sáng chói như chú cháu Nguyễn Du, Nguyễn Hành với tài năng thơ phú được xếp vào hàng “An Nam ngũ tuyệt” thời cuối Lê, đầu Nguyễn. Và sau này, Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều đã trở thành Danh nhân văn hóa thế giới.
Đền Gôi Vị.
Ngược dòng Ngàn Phố, miền đất Đức Thọ và Hương Sơn cũng đóng góp vào lịch sử đất nước những làng khoa bảng nổi tiếng. Trong đó, Việt Yên Hạ (nay là làng Đông Thái – xã Tùng Ảnh) và Gôi Mỹ (nay thuộc xã Sơn Hòa) là hai miền đất cổ có nhiều dòng họ danh giá như Phan Tùng Mai, họ Bùi, họ Võ (Tùng Ảnh) và Nguyễn Khắc, Đinh Nho (Sơn Hòa) với nhiều người đỗ đạt, làm quan (thời phong kiến) và là nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học xuất chúng (thời hiện đại).
Nhà thờ họ Bùi, họ Phan và họ Võ tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ).
Việt Yên Hạ nằm bên bờ Nam sông La, ngay trước ngã ba Tam Soa, không chỉ có cảnh đẹp bậc nhất Đức Thọ mà còn nổi danh là đất học hành khoa bảng với 21 vị đại khoa và 102 vị hương cống thời Lê - Nguyễn. Dù đã đến thăm ngôi làng này rất nhiều lần nhưng mỗi lần đi ngang qua con ngõ có 3 nhà thờ họ lớn nằm kề nhau (họ Võ, họ Phan và họ Bùi), trong lòng tôi lại dâng lên niềm thành kính, ngưỡng vọng.
Cũng như nhiều làng cổ khác, làng Đông Thái cũng được lập nên bởi người xứ khác. Họ mang theo những giá trị tinh túy nhất của dòng họ mình gieo lên mảnh đất này. Và dường như, sông núi đã ưu ái khi hội tụ linh khí ở làng Đông Thái để ở đây không chỉ có một dòng họ mà có rất nhiều dòng họ có chí học hành, thi cử. Tự cổ chí kim, liên tục các thế hệ con cháu các dòng họ làng Đông Thái đã lưu danh sử sách bằng những tài năng khác nhau. Thời xưa có Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tiến sĩ Phan Trọng Mưu (đốc học Quảng Ngãi)… Thời tân học có Tổng Bí thư Trần Phú, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, Luật sư Phan Anh, Luật sư Phan Mỹ, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc; Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, GS.TS âm nhạc Trần Thu Hà…
Đền Bạch Vân xã Sơn Hòa (Hương Sơn).
Nổi danh là đất học hành, khoa bảng, ở miền núi thơm Hương Sơn cũng có rất nhiều làng cổ là nơi lưu trú và hình thành nên những dòng họ xuất chúng. Nức tiếng nhất là làng Gôi Mỹ (nay thuộc xã Sơn Hòa) với 2 dòng họ Nguyễn Khắc và Đinh Nho. Trong các thời kỳ lịch sử, cả hai dòng họ đều đóng góp cho đất nước nhiều hiền tài.
Xã Sơn Hòa trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã mang một gương mặt hoàn toàn mới, tuy vậy, nét cổ vẫn hiện hữu trên những con ngõ quanh co khiêm nhường, trên những thâm nâu mái ngói đền, chùa, miếu, mạo. Dưới 2 triều đại Lê và Nguyễn, đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Gôi Mỹ mang danh là làng học xuất sắc, làng văn vật của đất Hương Sơn. Thuở Nho học thịnh đạt, Hương Sơn có 12 vị đại khoa từ tiến sĩ đến phó bảng, trong đó có 3 người con thuộc dòng họ Đinh Nho và Nguyễn Khắc của đất Gôi Mỹ.
Những hoa văn chạm trổ tinh xảo tại đền Bạch Vân.
Hiện nay, di tích liên quan đến những nhân vật của dòng họ này như đền Gôi Vị (Sơn Hòa), chùa Thịnh Xá và đền Bạch Vân (Sơn Thịnh) đều đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Đền Gôi Vị được lập từ năm Đinh Dậu (1717), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13, đời vua Lê Dụ Tông. Ngôi đền thờ 4 vị phúc thần dòng họ Đinh Nho là: Tiến sĩ Đinh Nho Công, Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn, Tổng binh hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn và bà tiết phụ Phan Thị Viên - vợ thứ của Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn. Liên quan đến Tiến sỹ Đinh Nho Công còn có đền cổ Bạch Vân với câu chuyện ly kỳ liên quan đến người bạn học Trần Toản ở Thanh Hóa. Đền Bạch Vân được Đinh Nho Công lập ra sau khi đỗ Tiến sỹ khoa thi năm Canh Tuất (1670) để tri ân tình bạn cao cả của Trần Toản và về sau trở thành nơi cầu khoa danh của con cháu trong làng. Sau khi mất, Đinh Nho Công còn được người làng Thịnh Xá rước vào thờ ở đền Bạch Vân như một vị thành hoàng làng.
Chùa Thịnh Xá.
Cùng với dòng họ Đinh Nho, Nguyễn Khắc cũng được xem là dòng họ trâm anh thế phiệt ở làng Gôi Mỹ. Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Phi (hậu duệ đời thứ 14) thì thần tổ của dòng họ là cụ Nguyễn Khắc Văn, quê ở làng Thanh Liệt (Thanh Trì – Hà Nội). Sau khi nghỉ hưu, thần tổ Nguyễn Khắc Văn đưa con cháu vào lập cư ở Nam Đàn (Nghệ An), một người cháu của cụ là Nguyễn Khắc Kính đã sang lập nghiệp ở làng Gôi Mỹ (Hương Sơn) và dựng nên chi phái Hương An của dòng họ nổi danh này.
Nhà thờ họ Nguyễn Khắc xã Sơn Hòa (Hương Sơn).
Chẳng hiểu địa linh sinh tuấn kiệt hay tuấn kiệt hợp phong thổ mà tại đây, dòng họ Nguyễn Khắc đã phát huy được truyền thống học hành, khoa bảng của mình. Đến đời thứ 13, với việc hậu duệ Nguyễn Khắc Niêm thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa thi đình Đinh Mùi tại Huế ở tuổi 18, tiếng tăm của dòng họ Nguyễn Khắc đã vang xa khắp cả nước. Nguyễn Khắc Niêm là một đại thần triều Nguyễn, nguyên Thượng thư Bộ Lễ, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa. Các con của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm cũng đã được thừa hưởng trí thông minh của cha mình mà viết tiếp truyền thống hiếu học khoa bảng của dòng họ, góp công xây dựng đất nước trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, Nguyễn Khắc Viện là người xuất sắc nhất với nhiều thành tựu nghiên cứu trên các lĩnh vực y học, chính trị - xã hội, văn hóa, thể thao và tâm lý, giáo dục…
Nhà thờ Tống Tướng Công xã Sơn Hòa (Hương Sơn).
Dọc miền đất cổ, ta sẽ còn được khám phá nhiều di sản của các dòng họ khoa bảng, hiếu học trên đất Hà Tĩnh mà ở đây, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chưa có dịp giới thiệu hết với bạn đọc. Hy vọng, vài nét chấm phá này sẽ đem đến cho độc giả cái nhìn sâu hơn về những giá trị mà những ngôi làng cổ nằm lặng lẽ, trầm mặc trong những lũy tre, giữa uy nghi đình, đền… đã cống hiến cho đất nước.
Bài: Anh Hoài
Ảnh: Giang Nam - Thanh Hải
Thiết Kế: Huy Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét