BP - Nằm phía bắc của tỉnh, giáp ranh các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và 3 huyện Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Gia Mập, huyện Bù Đăng được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh thắng tự nhiên tuyệt đẹp. Những thác nước hùng vĩ, những trảng cỏ rộng lớn và nhiều cù lao, ốc đảo quanh năm cây trái sum suê giữa lòng hồ mênh mông nước, tạo nên quần thể thiên nhiên tươi đẹp, thu hút nhiều khách thập phương tới thưởng ngoạn.
TRẢNG CỎ VÀ NHỮNG THÁC NƯỚC HÙNG VĨ
Tồn tại từ bao đời nay, trảng cỏ Bù Lạch ở thôn 8, xã Đồng Nai được khách du lịch khắp nơi biết đến như một đặc điểm tự nhiên của Bù Đăng không nơi nào có được. Quần thể gồm 14 trảng cỏ lớn nhỏ với tổng diện tích khoảng 500 ha.
Từ trung tâm huyện Bù Đăng đi về phía bắc khoảng 5km, tới ngã ba Vườn Chuối rẽ phải, du khách sẽ tới xã Đồng Nai. Từ trung tâm xã đi tiếp 5km, sẽ gặp trảng cỏ lớn rộng khoảng 100 ha được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý. Những trảng cỏ nối tiếp nhau tạo nên khoảng rộng mênh mông. Mùa nắng, cỏ cháy khô. Mùa mưa, trảng cỏ như một tấm thảm màu xanh, thi thoảng xen những đám hoa mua màu tím thơ mộng. Buổi tối, du khách có thể dựng trại, đốt lửa sinh hoạt văn nghệ trên trảng, tận hưởng không khí thiên nhiên mát rượi và thưởng thức những món đặc sản như: Cơm lam, canh thụt, canh bồi nấu lá nhíp (mọc tự nhiên trong rừng) với cà rừng vị đắng; những tảng thịt và đọt mây rừng nướng chấm muối ớt, du khách sẽ ngất ngây với men rượu cần là đặc sản của người dân nơi đây. Tại trảng cỏ, có một hồ nước tự nhiên nhiều cá, tôm, nước trong hồ không bao giờ cạn. Đồng bào S’tiêng, Mơnông là dân bản địa gọi hồ nước là Bàu Lạch.
Hồ nước trong xanh giữa trảng cỏ Bù Lạch mênh mông
Đi xuyên rừng vào khoảng 1km, du khách sẽ gặp một thác nước cao trên 10m quanh năm tung bọt trắng xóa, gọi là thác Voi. Người dân địa phương cho biết trước đây, khu vực này có rất nhiều muông thú, trong đó có một đàn voi. Sau khi ăn cỏ trên trảng và lá cây rừng, đàn voi thường đến thác uống nước. Một con voi chẳng may bị rớt xuống thác chết, từ đó người dân gọi là thác Voi. Mùa mưa, từ xa khoảng 100m, du khách đã nghe tiếng thác đổ ầm ầm, vang động cả một cánh rừng. Với cảnh đẹp thiên nhiên có một không hai của cả miền Đông Nam bộ, hiện trảng cỏ được UBND tỉnh giao Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước làm chủ đầu tư dự án xây dựng phim trường kết hợp khu du lịch sinh thái.
Giáp ranh giữa 2 xã Đoàn Kết và Minh Hưng, thác Đứng thuộc dòng suối Đắk Woa là cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng Bù Đăng. Từ trung tâm huyện đi theo đường ĐT755, vừa qua cầu Vĩnh Thiện, du khách rẽ phải khoảng 3km sẽ tới thác Đứng. Thác Đứng cao gần 10m, lòng suối rộng 20m với những cột đá lớn hình lăng trụ, dựng thành vách thẳng đứng. Mùa khô, nước cạn sẽ nhô lên những bãi đá lớn, cùng vũng nước sâu, đồng bào S’tiêng ở thôn 7 thường ra suối bắt cá, tôm. Mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, thác nước đổ ầm ầm, thẳng đứng tung bọt trắng xóa nên người dân gọi là thác Đứng. Năm 2013, thác Đứng được UBND tỉnh xếp hạng di tích danh thắng văn hóa cấp tỉnh.
NHỮNG ỐC ĐẢO GIỮA LÒNG HỒ
Ngoài trảng cỏ và những thác nước hùng vĩ, tới Bù Đăng, du khách còn có cơ hội chèo thuyền trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ (thuộc địa bàn các thôn 10, 8, xã Bom Bo; các thôn 1, 7, 8, xã Bình Minh; thôn 6, xã Minh Hưng và thôn 10, xã Đức Liễu) vòng quanh những ốc đảo. Nếu không rành địa hình sẽ rất dễ bị lạc phương hướng, bởi có rất nhiều đảo giống nhau. Người dân nơi đây đã xây dựng nhiều lồng, bè để nuôi trồng thủy sản. Ban ngày, người dân chèo thuyền giăng lưới đánh bắt cá, tôm. Tiếng mái chèo gõ mạn thuyền làm sôi động cả một vùng rộng lớn. Mùa nước lên, lòng hồ ban tặng nhiều cá, tôm. Du khách có thể được thưởng thức món cá lăng nướng chấm muối ớt, tận hưởng hương vị tươi ngon tự nhiên ngay trên những chiếc thuyền máy của ngư dân. Phóng tầm mắt ra xa, những cù lao được phủ xanh bởi nhiều loại cây ăn trái có giá trị như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt. Thấp thoáng có những ngôi nhà, văng vẳng âm thanh của cuộc sống thanh bình. Nếu rong ruổi trên lòng hồ vào ban đêm, du khách sẽ thấy ánh điện của những hộ dân sống trên lòng hồ soi xuống khiến mặt hồ lung linh như một thành phố biển.
Quay ngược trở lại xã Bình Minh, du khách sẽ được tham quan Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo - một trong 3 dân tộc bản địa tại Bù Đăng, ở thôn 1. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của quân và dân Bom Bo thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những cống hiến to lớn về sức người, sức của của đồng bào góp phần vào thắng lợi của cách mạng dân tộc. Du khách cũng sẽ được tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc S’tiêng qua các dụng cụ lao động sản xuất, lễ hội truyền thống; cách sản xuất thổ cẩm, rượu cần... Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng những con voi hiếm hoi còn sót lại đã được thuần dưỡng; thăm nhà dài truyền thống cùng các hoạt cảnh văn nghệ (trong đó có bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ) được mô phỏng bằng tượng người và vật.
LÀM GÌ ĐỂ PHÁT HUY TIỀM NĂNG DU LỊCH?
Dù có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng những năm qua, kế hoạch hình thành quần thể du lịch của huyện và việc liên kết với các địa bàn trong tỉnh vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Các dự án đầu tư tại trảng cỏ tiến độ chậm. Hệ thống đường giao thông vào trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng còn nhiều khó khăn. Vấn đề rác thải dưới lòng suối vẫn chưa được quản lý, gây mất vệ sinh cảnh quan và ô nhiễm nguồn nước. Một số hạng mục tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã xuống cấp, nhiều địa điểm có phong cảnh đẹp chưa được phát hiện và quy hoạch trong chuỗi liên kết tour du lịch.
Với những điều kiện tự nhiên sẵn có, Bù Đăng cần phát huy tiềm năng du lịch, coi đây là kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh quảng bá giới thiệu hình ảnh và mời gọi đầu tư. Có như vậy những giá trị của ngành công nghiệp không khói tại Bù Đăng mới “cất cánh bay cao”.
Quang Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét