Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Hàng bánh mì chảo 32 năm ở Sài Gòn đón khách từ 5h sáng

Chỉ nằm ở lề đường nhưng quán của ông Thông thu hút đông khách từ dân lao động cho tới các bạn trẻ ăn mặc đẹp.
Từ 5h sáng, quầy bánh mì trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) đã bắt đầu đón khách. Đến hơn 7h, hàng này được dọn đến một địa chỉ khác trên đường Đặng Trần Côn (quận 1). Chủ quán là ông Thông (64 tuổi), cho biết, quán mở đến nay đã 32 năm.
Góc bánh mì nhỏ sau khi dời vào đường Đặng Trần Côn toạ ở trước cửa một nhà dân.
Quầy bánh mì bán ở hai địa chỉ khác nhau tùy thời gian trong ngày. Ảnh: Di Vỹ.
Gọi tên địa chỉ ẩm thực này là quán hoặc tiệm ăn đều không đúng bởi nơi này không tên, người chủ chỉ kê đúng một chiếc bàn nhỏ để vừa đủ các đồ dùng nấu nướng và nguyên liệu làm món ăn. Khách đến sẽ được "phát" cho một bộ bàn ghế nhựa rồi chủ quán là ông Thông sẽ xếp chỗ ngồi cho từng người.
Ông Thông kể, cũng vì mê nấu nướng mà hai vợ chồng quyết định buôn bán đồ ăn khi con gái chỉ mới 2 tuổi. "Bánh mì là món ăn nhanh. Thời đó, món này được nhiều người lựa chọn vì nhanh, gọn mà mùi vị cũng không tệ", ông nói.
Sau hơn 30 năm, bánh mì vẫn là sự lựa chọn của nhiều người ở Sài Gòn. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một hàng bánh mì yêu thích ở bất kỳ đâu trong thành phố, với đủ loại nhân khác nhau, được phục vụ mang đi hoặc ăn tại chỗ.
Theo ông Thông, ngày trước ông bà mở bán cả buổi sáng ở ngoài đường Lý Tự Trọng tại nhà số 8 nên quán còn được nhiều người đặt tên là "bánh mì chảo số 8" cho dễ nhớ.
"Để không lấn chiếm vỉa hè, khoảng một năm trước, chúng tôi dời vào bên trong sau khi đã xin phép các chủ nhà ở quanh đây cho để bàn ghế, đồ đạc", ông chủ chia sẻ.
Tại "quán" nhỏ của vợ chồng hơn 60 tuổi, bạn sẽ tìm thấy phần ăn đa dạng với các loại nhân như trứng ốp la, xíu mại, pate, chả lụa... Tất cả không kẹp vào ổ bánh như thường thấy mà phục vụ tươm tất trong chiếc chảo, bày biện đẹp mắt trên chiếc đĩa.
Miếng xíu mại do nhà tự làm khiến nhiều thực khách mê mẫn.
Miếng xíu mại do nhà tự làm khiến nhiều thực khách mê mẩn. Ảnh: Di Vỹ.
Theo đó, bà Phú (62 tuổi), vợ ông Thông, đảm nhận vị trí bếp trưởng. Khách sẽ phải đến ngay bếp của bà để gọi món. Khi đã đảm bảo khách có chỗ ngồi, bà Phú cùng một người nữa sẽ chia nhau các công đoạn để làm ra món ăn.
Tuy quán chỉ ở lề đường nhưng đến đây, bạn sẽ được phục vụ tận tình không khác gì những nơi khác. Trước khi suất ăn chính mang ra, nhân viên hoặc ông Phú sẽ mang đến cho bạn vài ổ bánh mì, một đĩa củ cải ngâm chua, dưa leo và ít rau ngò ăn kèm.
Phần thập cẩm với nhiều loại đồ ăn kèm được khách ưa chuộng nhất. Mùi vị của món ăn thiên về độ béo khi mỗi phần đều có thêm một miếng phô mai mua ở siêu thị. Để thay đổi khẩu vị, nhiều khách còn gọi thêm suất thịt bò xào nóng hổi.
Mỗi suất ăn có giá trung bình 40.000 đồng.
Mỗi suất ăn có giá trung bình 40.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Ngồi ở con đường nhỏ có xe cộ qua lại nhộn nhịp vào buổi sáng, bạn xé ổ bánh mì giòn rụm thành từng miếng nhỏ rồi chấm vào thứ nước sốt mằn mặn, kẹp thêm trứng gà được ốp-la vừa chín tới có vị béo. Ngay sau đó, miếng xíu mại mềm thơm do chính tay chủ quán chế biến mỗi ngày sẽ đem lại cho đầu lưỡi của bạn vị đậm đà.
Địa chỉ ẩm thực bình dân này mở cửa đến khoảng 11h là hết hàng. "Quán của tôi trước đây chủ yếu phục vụ người dân lao động phải đi làm sớm. Giờ nhìn nhiều bạn trẻ, ăn mặc đẹp đến ngồi ăn ở bên đường khiến vợ chồng tôi có thêm động lực để duy trì quán", ông Thông chia sẻ.
Ông chủ cũng cho biết, do tuổi cao sức yếu, ông bà có thể sẽ phục vụ khách trong một thời gian ngắn nữa rồi đóng cửa.
Di Vỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét