Thứ Năm, 7 tháng 2, 2019

Húc Động rộn rã mùa “Nam Phăn”

Nguyễn Quý 

(Dân Việt) “Nam Phăn” - tiếng của người Sán Chỉ, dịch nghĩa là “Miến dong”. Đây cũng là thương hiệu miến nổi tiếng của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Cứ từ tháng 10 Âm lịch cho đến ngày cận Tết, làng miến ở xã Húc Động lại rộn rã vào mùa.

"
Từ thị trấn Bình Liêu, chúng tôi theo con đường 12km trập trùng rừng hồi, quế để vào sâu trong Húc Động. Sau các đợt rét đậm cuối năm, thung lũng Húc Động hiện ra tịch liêu, thanh bình dưới nắng xuân. Hoa đào nở bung khắp nơi. Những cây đào đá mọc ven suối, ngay ruộng bậc thang, hay sau vườn nhà...Tất cả đều tự nhiên như sự sắp đặt của trời đất.
 huc dong ron ra mua “nam phan” hinh anh 1
Những cây đào đá mọc tự nhiên ven suối ở Húc Động. Ảnh: Nguyễn Quý
Đã 25 Tết mà Trần Khàu (thôn Mó Túc, xã Húc Động) cùng gần 10 nhân công của anh vẫn tất bật với củ dong, sợi miến. Mùi chua nồng đặc trưng của nước bột dong riềng lên men tỏa ra từ đầu ngõ.
“Lẽ ra tầm này năm ngoái là nghỉ rồi, nhưng năm nay có mấy đơn hàng đặt với số lượng lớn như Công ty than Vàng Danh đặt tới 5,4 tấn miến làm quà Tết cho công nhân, nên chúng tôi phải cố”, anh Trần Khàu tiếp chuyện.
Tôi thực sự bất ngờ bởi mới cách đây vài năm, Húc Động chỉ là làng miến thủ công của người Sán Chỉ. Dong riềng (nguyên liệu để làm miến) còn được thái lát phơi trắng trên những tảng đá cuội ven suối, rồi xay, giã, lọc bột dong cũng ngay tại con suối ấy.
Vào mùa miến, cả con suối chảy quanh các thôn, bản Nà Khau, Sẹc Khoong, Nà Ếch, Lục Ngù, Sú Kháu, Mó Túc, chỗ nào cũng thấy bóng áo xanh, váy nhung đen của người phụ nữ Sán Chỉ cặm cụi với dong riềng.
 huc dong ron ra mua “nam phan” hinh anh 2
Phụ nữ Sán Chỉ ở Húc Động đã biết dùng máy móc lọc bột dong, thay vì ra suối làm thủ công như trước kia. Ảnh: Nguyễn Quý
Bây giờ, con suối ở Húc Động đã được trả lại sự sạch trong như nó vốn có. Người làm miến ở Húc Động đã biết mua sắm máy móc lắp đặt tại nhà, dẫn nước suối nguồn về để rửa dong, lọc bột.
Trần A Chiu, ông chủ trẻ của Hợp tác xã Nông lâm và Dịch vụ Húc Động, mới bắt tay mở cơ sở sản xuất miến từ đầu năm 2018. Nhưng lượng tiêu thụ dong củ và miến thành phẩm bán ra không thua kém cơ sở lâu đời nào ở xã.
Trong căn nhà xưởng ồn ã tiếng máy xay, Chiu nói như hét, giọng đầy hứng khởi: “Tính đến hết mùa miến Tết năm nay, cơ sở của Hợp tác xã đã tiêu thụ cho bà con trồng dong riềng trên địa bàn xã hơn 400 tấn củ, lượng miến bán ra cũng đạt trên 16 tấn. Mới làm miến nhưng nhờ có uy tín và sản phẩm ngon nên nhiều đầu mối thu mua từ các tỉnh đã tìm về, lượng bán ra trong năm đầu như vậy là thành công rồi”.
 huc dong ron ra mua “nam phan” hinh anh 3
Công đoạn phơi miến được bắt đầu từ khi có những tia nắng đầu tiên chiếu xuống thung lũng. Ảnh: Nguyễn Quý
Được sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh với mục đích đưa miến dong trở thành sản phẩm chủ lực, 7 cơ sở sản xuất miến trên địa bàn Húc Động đã mạnh dạn đầu tư dàn máy móc dây chuyền. So với làm thủ công, sản xuất miến bằng công nghệ máy móc có thể tăng sản lượng lên tối thiểu gấp 3 lần.
 huc dong ron ra mua “nam phan” hinh anh 4
 huc dong ron ra mua “nam phan” hinh anh 5
Nguyên liệu làm miến ở Húc Động 100% được lấy từ bột củ dong riềng. Ảnh: Nguyễn Quý
Với một số cơ sở sản xuất miến nhỏ lẻ hơn như của vợ chồng anh Trần Lùi – chị Trần Thị Ngằn (thôn Mó Túc, xã Húc Động), đến ngày giáp Tết cũng chưa hết bận rộn.
Vào những ngày này, cứ từ 2-3h sáng, vợ chồng anh Lùi đã phải dậy cho mảng miến vào máy cắt thành sợi, chờ đến khi sương tan, ánh mặt trời tỏa xuống thung lũng là mang phên miến ra phơi. Xong xuôi, anh chị lại trở về nhà rửa dong, xay củ...
 huc dong ron ra mua “nam phan” hinh anh 6
Những mẻ miến cuối cùng trước khi nghỉ Tết của nhà chị Trần Thị Ngằn. Ảnh: Nguyễn Quý
“Nếu cứ làm thì chẳng bao giờ hết việc đâu, nhưng đến 28 (Âm lịch) là nhà tôi nghỉ thôi, quanh năm tất bật, áo quần hôi hám, chỉ được mấy ngày Tết cho đến hết tháng Giêng là thảnh thơi nhất", chị Ngằn nói.
 huc dong ron ra mua “nam phan” hinh anh 7
Các cơ sở sản xuất miến còn giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Quý
Nếu không phải bận rộn với cơ sở sản xuất miến như anh Khàu, anh Lùi, anh Chiu..., người Sán Chỉ ở Húc Động kéo dài mùa rong chơi, lễ hội đến tận tháng 3 Âm lịch. Đó cũng là thời điểm nông nhàn nhất trong năm. Khi những cánh hoa đào rừng khai mãn, người Sán Chỉ ở các vùng lân cận, thậm chí từ huyện Tiên Yên vượt núi Thông Châu để về Húc Động tham dự ngày hội hát lớn nhất trong năm: Hội hát Soóng Cọ.
 huc dong ron ra mua “nam phan” hinh anh 8
Nụ cười được mùa miến của vợ anh Trần Khàu. Ảnh: Nguyễn Quý
Kết thúc Hội Soóng Cọ, cũng là khởi đầu cho mùa trồng dong riềng, sản xuất miến kéo dài đến hết năm ở Bình Liêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét