Vanhien.vn - Trải qua khoảng 4 thế kỷ, đình Tiền Lệ tọa lạc bên bờ sông Đáy, thuộc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội vẫn trầm mặc giữa đất trời, bền bỉ qua thời gian, gửi gắm cho hậu thế di sản kiến trúc – nghệ thuật độc đáo đương thời.
Đầu đao cong vút của đình Tiền Lệ.
Bảo tàng kiến trúc nghệ thuật thời Lê Trung Hưng
Tọa lạc theo hướng Tây, đình Tiền Lệ dựa lưng vào triền đê uốn lượn bên bờ sông Đáy, phía trước là cánh đồng đất bãi ven sông trù phú. Xưa kia, sông Đáy xanh biếc và đầy ăm ắp nước, đem lại sự trù phú cho các làng ven bờ như Tiền Yên. Có lẽ, đình được người xưa tạo dựng nhờ giao thương đường thủy thuận lợi.
Nhờ kiểu kiến trúc truyền thống phát triển theo chiều ngang, mái đình xà xuống thấp để tránh gió giật và mưa hắt. Trải qua gần 400 năm, đình vẫn giữ được kiểu dáng nghệ thuật đặc sắc thời Lê Trung Hưng và là chỗ dựa tâm linh của người dân nơi đây. Đình Tiền Lệ với kiến trúc quen thuộc hình chữ Đinh cùng những nét trang trí tinh xảo và bay bổng của khắc chạm gỗ và điêu khắc đá.
Đình gồm nhà đại bái với 5 gian, 2 dĩ dài 22 m, chiều rộng lá mái 13,8 m. Ba gian giữa có kích thước bằng nhau, hai gian kế bên nhỏ hơn. 4 mái đình không có mè mà chỉ có dui, đòn tay đỡ mái ngói. Hậu cung nhà dọc 2 gian, nối sát đại bái.
Kỹ thuật lợp ngói quen thuộc của các đình cổ ở Đồng bằng Bắc Bộ với các lớp mái gối vào nhau từ loại mũi hài tạo sức nặng và kiểu mái sà xuống thấp, chống các cơn gió giật và mưa hắt trong mùa mưa bão cũng như điều hòa nhiệt độ bên trong vào những ngày nóng nắng.
Hệ thống cột dọc - 46 cột và các vì kèo, xà ngang được kết nối bằng mộng chặt chẽ và chắc chắn, tạo sự bền vững không chỉ của mái mà cả ngôi đình không cần đinh hay dây chằng.
Toàn cảnh đình Tiền Lệ.
Theo cụ thủ từ Nguyễn Đình Kính chia sẻ: Đình đã được tu sửa từ thời Nguyễn nhưng vẫn giữ hầu như nguyên vẹn kiến trúc và trang trí vốn được tạo dựng từ đầu. Gần đây, để giữ đình không bị ngập nước, bà con đã nâng cột đình và kê thêm đá để tôn chiều cao của đình. Bên cạnh đó, để tránh xuống cấp, bà con cũng đã xây thêm các cột đỡ mái.
Nghệ thuật khắc, chạm dân gian độc đáo
Không chỉ là một di tích văn hóa dân gian về nghệ thuật kiến trúc, các yếu tố về nghệ thuật khắc, chạm dân gian độc đáo đã tạo nên giá trị của đình Tiền Lệ. Đình có 4 mái (2 mái chính và 2 mái đầu hồi), được giao nhau ở âu tàu, tạo thành bốn đầu đao cong vút, thanh thoát và mềm mại. Khoảng cách giữa hai mái chính là bờ nóc được xây bằng gạch nằm phía trên thượng lương và chính giữa có đắp hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”. Hai con kìm (con si) ngậm ở 2 đầu thượng lương với dáng “long hồi” mạnh mẽ - linh vật thể hiện hình ảnh rồng và cá - loài vật ở biển có đuôi cong tròn. Trong truyền thuyết, khi đạp sóng thì mưa xuống, với mong muốn của người xưa là phòng ngừa hỏa hoạn.
Bờ guột phân cách giữa mái chính và mái phụ mỗi bên đều có tượng nghê với hình dáng sinh động. Trên những đòn bảy chìa ra đỡ lấy mái hiên và các câu đầu, kẻ suốt được chạm khắc bằng những hoa văn tinh xảo, sinh động với hình ảnh rồng vờn mây hay hình sóng nước. Những hoa văn này đều được các nghệ nhân dân gian đương thời thực hiện bằng kỹ thuật chạm bong tạo hình khối sinh động.
Ở các bờ dải và các bờ đao trang trí những con số hướng lên bờ nóc, đầu ngoảnh xuống dưới. Phần trên cùng phía mặt ngoài đầu đao còn trang trí những đôi phượng bằng gốm đất nung.
Ngay khi bước vào đình, chính giữa là bậc tam cấp được trang trí đôi rồng đá ở 2 bên, tạo thành lối đi nhỏ dẫn vào gian đại bái. Đôi rồng đá kiểu phù điêu được điêu khắc từ 2 khối đá lớn, kèm các hoa văn sóng nước cách điệu, tạo sự mềm mại và bay bổng.
Chạm khắc sơn son thếp vàng tại án thờ.
Đình vốn thờ thành hoàng làng là Nhu Hòa Vương - người đã có công tổ chức dân làng chống đê vỡ và còn phối thờ tướng Lý Phục Man thời Lý Nam Đế. Hàng năm, cứ đến ngày 12/3, dân làng Tiền Lệ lại cùng nhau tổ chức lễ hội để tưởng nhớ những người có công với làng và đất nước.
Không chỉ là trung tâm kết nối cộng đồng và sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, đình Tiền Lệ còn là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật đặc sắc thời Lê Trung Hưng được gìn giữ gần như nguyên vẹn.
Hệ thống cột gỗ của đình.
Giá trị của đình Tiền Lệ không chỉ là di tích kiến trúc nghệ thuật mà có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch văn hóa quan trọng của Hà Nội. Các cấp chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa và nhân dân địa phương cần chung tay gìn giữ, khai thác làm tăng giá trị của đình Tiền Lệ. Khi dòng sông Đáy được khơi thông, du lịch đường thủy cùng di sản văn hóa dọc theo bờ sông sẽ là một sản phẩm văn hóa du lịch đầy tiềm năng.
Ngày 02/6/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đình Tiền Lệ là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Nguồn: langvietonline.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét