Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Kaja Cờ đôốc của người Mã Liềng

Ban đầu, đó là món cháo môn của người nghèo Mã Liềng, sau đó lan sang mảnh nhà của người Nguồn (Minh Hóa), rồi sẻ chia với anh em người Kinh phía huyện Tuyên Hóa làm ấm lòng mỗi bận đông sang. Bát cháo giản dị thôi nhưng được mời là một diễm phúc để biết tấm lòng nhà khó tuy cái ăn chưa dư dả nhưng đãi đằng khách khứa luôn hào hoa.
Trời mùa đông mưa lất phất kéo khắp các ngọn núi đá vôi trên miền tây Quảng Bình. Con đường vòng vèo giữa cao nguyên Quy Đạt ủ lạnh. Một quán nhỏ nằm khuất trong hẻm rợp bóng cây xanh. Vắng người vì bữa mưa nhưng thơm phức mùi cháo, món quê, quà vặt của miền rẻo cao níu chân khách khứa.

Người xuôi vào quán cũng nhớ mãi cái món cháo môn từng ân cần dỗ dành bữa cồn cào biên viễn đi thông tầm thông núi. Dễ cũng lâu lắm rồi mới vượt đồi cao, suối chảy, đường xa để diện kiến hương vị quê mùa miền xa. Cái vị cháo môn ở đây có thêm món thịt quê xông khói bếp, cái bếp của người Nguồn ánh lên muội đen đầy ý tứ. Thứ thịt của con lợn nái già được làm sạch, hong phơi trên các bếp cho teo lại, không khô khấc, đủ để giữ mình bên trong vi chất rẻo cao rồi người ta đưa ra nấu cháo môn.
 
Cháo môn có tên Mã Liềng là Kaja Cờ đôốc.

Nói cháo môn, nhưng thực chất cây môn cũng không nhiều, bên trong nồi cháo còn có cả hành, ớt, tiêu, lá rừng, cây sả, một số món lá mà người kẻ xuôi như chúng tôi có hỏi cũng không biết nó ở đâu, có biết cũng không thể tìm nó ở nơi nào trên các lèn đá cheo leo nếu không có dấu chân bản địa chỉ bày. Cháo môn của người Nguồn xứ Minh Hóa nấu bằng môn bình thường, cơm nguội đổ vào, nấu lên chia bát để giữ ấm bữa tháng giá giáp hạt.

Anh em Mã Liềng xứ Tuyên Hóa có món cháo nấu môn tím từ trong rừng hoặc trong trong vườn nhà. Cũng ít cơm nguội, lá rừng, một chút thổ sản củ rừng loại hiếm rồi nhiều thứ lá cây khác mà đãi đằng khách khứa cùng thứ ớt cay nhất vùng, nhỏ tí làm người ăn nhớ mãi. Cái bụng của người Mã Liềng muốn món đãi khách có thêm thịt thà thì bắt con ếch, con cá, có chút thịt rừng săn được cất kỹ gác bếp cũng đưa ra nấu chín cho vào nồi, ngào lên vị khói bản địa mà làm màu cho món cháo thêm hào hoa.

Cháo môn chính xác xưa là của người Mã Liềng, sau ra khỏi biên giới bản làng người anh em này thì đến mái nhà của người Nguồn phía cao nguyên Quy Đạt, sau nữa nó neo lại dưới mái nhà anh em Kinh của các xã vùng cao huyện Tuyên Hóa. Nay thì món cháo này trở thành trứ danh của cả vùng ở đây. Xưa được nghe kể, món cháo này của con nhà nghèo đãi đằng bạn bè đến chơi. Xứ nghèo chả có gì, chỉ có cây lá bản địa là các vị thuốc thang nhiều hơn cơm nguội, có khi có chút măng tươi đổ vào. Chủ nhà tưởng sẽ không ngon, nhưng ngờ đâu, khách lạ dùng vào, khen ngon đáo để. Cũng từ đó mà món cháo được tự hào bồi đắp thêm nghĩa tình bạn hữu, gắn chặt với xứ núi mây xa chốn này, trở thành cái món mà khách miền xuôi lỡ bước dừng chân thì muốn níu kéo mãi mỗi khi có dịp hẹn hò trở lại.

Một thời, người ta dùng món này chỉ nội gia đình hay dòng tộc, cũng bởi sợ lòng người không thạo dùng sẽ quở chê nên nó chỉ được nấu một cách nội bộ dưới mái nhà nhỏ. Nay nó đã được đưa ra quán, dù ở đâu xa, con cái rẻo cao trở về đều hít hà với món cháo môn dậy khói cùng ớt, cùng tiêu, cùng lời kể với bạn bè niềm tự hào món ăn mấy trăm năm như gia bảo. Bên làn khói nhỏ, người ta còn đưa cay bát rượu làng bật lên không gian nồng ấm đủ nhớ khó phai.
Theo baoquangbinh.vn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét