KHUYNH DIỆP
Ngoài đồng cỏ quanh năm ngập nước, Láng Sen có tràm gió, lau, ráng, sen, súng, lúa trời, tạo thành thảm thực vật cho các loài chim nước cư trú. Cách nay 20 năm, nhằm bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên, tỉnh Long An quyết định xây dựng Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Xưa kia Láng Sen (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) có tên là Cái He vì có rạch Cái He chảy qua. Thập niên 1980, tỉnh Long An xây dựng Nông trường Lúa Vàng tại đây. Do đồng ruộng mỏi cánh cò bay, vào mùa gieo sạ, không đủ lao động, Nông trường đã thuê trực thăng của không quân bay sạ lúa.
Láng Sen nguyên là một vùng nê địa phèn nặng. Ngoài đồng cỏ quanh năm ngập nước, Láng Sen có tràm gió, lau, ráng, sen, súng, lúa trời, tạo thành thảm thực vật cho các loài chim nước cư trú. Cách nay 20 năm, nhằm bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên, lãnh đạo tỉnh Long An quyết định xây dựng Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Tuy có sự đầu tư của con người nhưng không vì thế mà Láng Sen mất đi nét hoang sơ. Đến Láng Sen, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những đồng sen và đồng lúa ma (lúa trời) rộng hàng chục hécta bên những vạt tràm gió lâu đời.
Cùng với thảm thực vật, dòng chảy của các con rạch là môi trường sống cho 80 loài cá, trong đó có cá tra dầu có con nặng 50 kg. Vào mùa lũ, cá leo, cá cày, thác lác, tra dầu... từ Biển Hồ tụ lại Láng Sen, sống chung với các loài cá bản địa như rô, lóc, trê, bống, mè vinh... Nhờ hệ thống đê bao khép kín chu vi khoảng 20km, có cửa cống đón nước, đón cá và giữ nước, giữ cá nên mật độ các loài cá nước ngọt ở Láng Sen ngày càng tăng, tạo nguồn thức ăn phong phú cho các loài chim.
Trong 1.971ha đất tự nhiên do Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen quản lý, tại 187 ha vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt có trên 20.000 cá thể chim, lúc cao điểm lên tới 170.000 con với 156 loài, trong đó giang sen và điên điển thuộc loài quý hiếm.
Láng Sen còn giữ được nhiều đồng cỏ, đồng lúa trời diện tích hàng trăm hécta cho diệc xám, sếu, gà đẩy kiếm ăn. Hai năm qua, Láng Sen còn trồng thêm 45ha sen, nâng diện tích sen lên 70ha. Cùng với chim, cá, đất ngập nước Láng Sen còn có 20 loài rắn, rái cá vuốt bé, rùa vàng. Nhằm làm phong phú hệ sinh thái động thực vật, Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen còn thả 4 con heo rừng thuần chủng, nay đã phát triển trên trăm con.
Tháng 11/2015, sau khi Láng Sen được công nhận là Khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới, tỉnh Long An phối hợp với Công ty Du lịch Đồng Tháp Mười xây dựng chương trình đưa Láng Sen vào khai thác du lịch nhằm kết nối với các địa chỉ du lịch văn hóa - sinh thái thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp như Gò Tháp, Làng nổi Tân Lập, Vườn Quốc gia Tràm Chim và những cánh đồng sen nổi tiếng của Đồng Tháp Mười...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét