Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Lên Krông Pa xem lễ tắm sông Thần xả xui của người J'rai

Tắm sông Ba, làm lễ xả xui là một trong những phong tục lâu đời, một trong những nét văn hoá độc đáo của người J’rai. Những người trong một thời gian ngắn mà bản thân hoặc gia đình liên tục gặp chuyện không may, khiến họ bất an, lo lắng bị thần linh quở phạt...


Bắt nguồn từ độ cao 1.549m, trên dãy Ngọc Linh, thuộc tỉnh Kon Tum, sông Ba chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên trước khi đổ ra Biển Đông. Có vô vô số huyền thoại trên con sông này, mà đoạn sông Ba chảy qua huyện K’rông Pa của tỉnh Gia Lai còn được người J’rai coi là con sông Thần, có thể rửa sạch muộn phiền, xui xẻo.

Rửa sạch ưu phiền

Trong lần lên Gia Lai công tác, đến địa phận xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, chúng tôi tình cờ thấy đang có rất nhiều người đang tụ tập trên bờ sông Ba. Tưởng có vụ tai nạn tắm sông vừa xảy ra, chúng tôi ghé vào hỏi mới hay, người dân đang chuẩn bị tắm sông thần, rửa xui.
 
Sau khi tắm xả xui và làm lễ ngoài sông, tiếp tục làm lễ tổ tiên tại nhà

Sau khi hỏi thăm từ người bạn đồng nghiệp, anh mới cho biết, đó là tục tắm sông xả xui đã có từ lâu đời của người J’rai. “Khi người nào hay gặp vận xui, họ sẽ nhờ già làng và bà con làm lễ cúng xả xui để mong mọi chuyện tốt đẹp trở lại”, anh bạn nói.

Duới sông là một phụ nữ khoảng 40 tuổi, còn nguyên quần áo, đứng giữa 2 cành cây hình như mới được cắm xuống giữa dòng nước đượm màu phù sa, đang chảy. Trên bờ là một tàu là chuối còn nguyên, bên trên đặt con gà luộc, cạnh là ché rượu cần. Đứng gần người phụ nữ dưới sông là một người đàn ông lớn tuổi, ông vừa lẩm nhẩm đọc bài cúng, vừa dùng tay vẩy nước lên người phụ nữ.

Chừng 15 phút sau thì lễ rửa xui kết thúc. Họ cùng nhau lên bờ. Vị cao niên là già làng Nay Bé, năm nay đã 84 tuổi, ở buôn H’Nga, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa. Ông vừa làm lễ rửa xui cho chị Nay H’Sương, 31 tuổi, người trong buôn. Già Nay Bé thấy chúng tôi tỏ vẻ thích thú với tục tắm sông này, cười bảo: “Thần sông đói nên lễ này làm nhiều lắm, đừng lo”. Chị Nay H’Sương cười giải thích: “Già nói là sông bây giờ không bằng sông ngày xưa. Nước ít, cá ít, cái gì cũng ít, do mình làm thuỷ điện. Nên thần sông không vui. Gọi ra hoài thôi. Chút nữa già sẽ làm cho người khác”.
 
Nay H’Sương sau khi tắm xả xui được già làng làm lễ, uống rượu xả xui

Nói về lý do phải tắm sông, làm lễ rửa xui, chị Nay H’Sương cho biết, thời gian gần đây chị gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ, việc kinh tế gia đình cũng không suôn sẻ. Chị nói: “Có mang (bầu) mà con không chịu ra, bác sĩ phải lấy dao mổ bụng. Mổ xong lâu rồi mà cái bụng không hết đau. Bác sĩ lại phải lấy dao mổ, cắt cái gì đó trong bụng xong mới bớt đau. Mà máu chảy nhiều lắm”. Cách đây hơn 1 năm, chị mang thai lần 2, do sinh khó nên phải mổ. Khi vết mổ chưa lành thì chị lại bị đau ruột thừa. Nên mổ tiếp lần nữa. Còn kinh tế gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, các loại nông sản của gia đình, từ cà phê, sắn, đều bị thương lái ép giá, khó bán. Thu nhập ít hơn năm ngoái, trong khi vợ chồng chị lại thêm miệng ăn.

“Cúng xả xui tốn nhiều tiền không?”, tôi hỏi. “Không, ít lắm. Chỉ có một con vịt, một ché rượu mang ra cúng thần sông và ít gà vịt, rượu ở nhà cho bà con uống thôi”, chị đáp. Tôi hỏi tiếp: “Cúng xong chị có vui hơn không?”. Chị đáp dứt khoát: “Có chứ. Không còn xui nữa đâu mà”.
Lễ vật tuỳ theo khả năng mỗi người, có thể là một con heo nhỏ, có khi chỉ cần 1 con gà

Món ăn tinh thần lâu đời

Người thứ 2 được già làng Nay Bé làm lễ tắm xả xui là cha con anh Ksor Ythe, 48 tuổi. Anh cho biết, lý do khiến phải tắm xả xui là vì trong vòng mấy tháng qua, anh 2 lần gặp tai nạn. Một lần bị ngã gãy tay. Bó bột chưa kịp lành, anh lại ngã lần 2, mất 2 chiếc răng. Cô con gái 6 tuổi của vợ chồng anh cũng ốm đau quặt quẹo, hết cảm lại sốt, vợ chồng anh nghĩ chắc cha con anh mắc lỗi gì nên bị thần linh phạt. “Đi chữa bác sĩ hết nhiều tiền lắm. Mà bây giờ nhà không còn tiền nữa, phải vay lãi mấy chục triệu rồi. Tiền heo, rượu lễ hôm nay là do anh em trong nhà và bà con trong buôn thương tình giúp thôi”, anh nói.
 
Anh Ksor Ythe và con gái tắm xả xui
 

Sau đó là nghi thức làm lễ
Chuẩn bị xong các lễ vật, già Nay Bé lấy 2 cành cây khác cắm xuống dòng nước đang chảy, sau đó buộc 1 sợi dây màu trắng vào. Xong xuôi, già làng ra hiệu cho anh Ksor Ythe cùng ông lội xuống sông. Anh Ythe khoác lên người chiếc áo cũ đã rách rồi lội xuống giữa 2 cây rừng vừa được già làng cắm, anh bơi qua sợi dây trắng ngược dòng chảy. Vừa bơi qua, anh vừa cởi chiếc áo cũ, thả trôi theo dòng sông. Trong phút chốc, chiếc áo đã biến mất vào dòng nước. Sau đó, anh được già làng vừa đọc lời khấn, vừa bụm nước sông tưới lên người.
 
Dân làng và người thân của người làm lễ ra sông tham dự và chứng kiến

Sau khi lên bờ, già làng vừa múc một ca rượu đưa cho anh Ksor uống vừa lầm rầm khấn. Xong xuôi, ông nói to: “Thần linh đã chứng giám, mọi chuyện xui xẻo sẽ được thần cuốn đi. Ngày mai phải lên rẫy chăm chỉ làm, để thóc lúa đầy bồ, vợ con no đủ, dân làng yêu thương”. Anh Ksor cúi đầu nghe, nét mặt nghiêm trang. Sau đó, anh uống hết ca rượu.

Già giải thích: “2 cành cây tượng trưng cho 2 vị thần. Đứng chứng kiến buổi làm lễ cầu xin. Cây rừng phải lấy từ trong rừng càng xa, càng cao càng tốt. Ở đó cây rừng mới tốt, làm lễ mới linh. Nếu lấy cây ở nhà hay ở gần, thần sẽ nổi giận. Còn sợi dây màu trắng tượng trưng cho sự gắn kết, trong sáng”. Tôi hỏi tiếp: “Thế còn lời khấn thì sao ạ?”. Già làng nói: “Có nhiều bài cúng lắm, mỗi người làm lễ khác nhau mà”.

Hoàn tất các thủ tục ngoài sông, người làm lễ trở về nhà, tiếp tục làm lễ cúng tổ tiên, ông bà. Lúc này, “quy trình” lễ tắm xả xui mới hoàn tất.
Theo nongnghiep.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét