Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Ngày vía Thần tài: Ông là ai, bày mâm cúng thế nào để may mắn cả năm?


Ngày mùng 10 tháng Giêng được biết đến là ngày vía Thần tài. Nhà nào cũng chuẩn bị mâm cúng để cầu may mắn, sung túc cả năm. Vậy ông Thần tài là ai và mâm cúng phải chuẩn bị thế nào để may mắn cả năm?
Mâm cúng ngày vía Thần tài  /// H.H
Mâm cúng ngày vía Thần tài
H.H


Ông Thần tài là ai?

Chuyên gia văn hóa Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết ở nước ta, nhất là các tỉnh Nam Bộ, Thần tài được thờ phổ biến trong các gia đình. Ông là một vị thần của tín ngưỡng dân gian Việt Nam hay cũng có thể nói Thần tài là một vị gia thần của người Việt.

Quan niệm của dân gian về Thần tài rất phong phú, đa dạng. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam hiện nay về ông Thần tài cũng có phần ảnh hưởng bởi Thần tài của Trung Quốc, gồm võ Thần tài và văn Thần tài.
Theo đó, câu chuyện về Thần tài được lưu truyền trong dân gian như sau: Thần tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống dưới hạ giới do uống rượu say, va đầu vào đá nên không nhớ mình là ai. Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần tài mặc trên người bị người dân đem đi bán.
Khi Thần tài đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng bán gà, vịt mời Thần tài ăn, từ đó cửa hàng này lúc nào cũng đông khách, mua không kịp bán.
Ngày vía Thần tài: Ông là ai, bày mâm cúng thế nào để may mắn cả năm? - ảnh 2
Mâm cúng Thần tài của một gia đình kinh doanh
H.T
Một thời gian sau, cửa hàng này làm ăn sa sút, vắng khách do chủ nhà thấy Thần tài không làm gì, ăn bốc nên không cho ở nữa. Thấy vậy, nhiều người kinh doanh khác đến mời Thần tài về, đưa đi mua quần áo mới để mặc.
May mắn rằng Thần tài tìm đến đúng cửa hàng để mua lại quần áo lúc trước rồi mặc lại quần áo của mình, đội mũ bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.
Từ đó, để tưởng nhớ Thần tài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần tài. Do vậy, vào ngày này hàng năm người dân lại sắm sửa lễ vật cúng Thần tài và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm.

Thờ Thần tài có ý nghĩa gì?


Theo ông Lộc, người Việt thờ Thần tài với mong muốn mang đến tài lộc cho gia đình, gia đình sung túc, giàu có, thịnh vượng. Ở Nam bộ, Thần tài được thờ chung với ông địa đặt ở dưới đất trong nhà nhìn ra cửa chính.
Tượng Thần tài là một ông già ngồi trên ngai vàng, tóc trắng râu dài, người mặc áo gấm thắt đai ngọc, một tay cầm gậy, một tay cầm những thỏi vàng.
Văn hóa thờ cúng ông Thần tài là bắt đầu từ tín ngưỡng Thần tài. Người dân tin rằng việc tôn thờ, tin tưởng vào Thần tài sẽ mang lại tiền bạc, lợi lộc, sự giàu có.Đây là điều mà con người lúc nào cũng cần, nhất là tại các đô thị, nói cách khác ai cũng cần tiền để duy trì sự sống, để cầu được điều đó nên người ta thờ cúng ông Thần tài.

Mua vàng ngày vía Thần tài để làm gì?

Cứ gần tới ngày vía Thần tài, thị trường vàng lại trở nên sôi động vì người dân ùn ùn kéo nhau đi mua vàng về cúng ông Thần tài, đặc biệt là vàng hình linh vật của năm để “lấy hên đầu năm”. Đây cũng là dịp ăn nên làm ra nhất trong năm của các cơ sở bán thịt quay, cá lóc nướng.
Ông Lộc nhận định, mua vàng trong ngày vía Thần tài, thậm chí ở nhiều cửa tiệm lớn, người dân còn phải xếp hàng mới mua được vàng trong ngày này chỉ là thói quen ở những đô thị, thành phố lớn. Còn ở vùng nông thôn, việc mua vàng trong ngày vía Thần tài chưa phổ biến.
Mặt khác, người Việt có thói quen tích trữ vàng trong gia đình như của để dành. Trong ngày vía Thần tài, nhiều người đi mua vàng để lấy lộc, lấy hên đầu năm để cả năm có vàng tích trữ trong gia đình.

Mâm cúng Thần tài cần chuẩn bị những gì?

Ông Lộc cho biết, những việc quan trọng cần làm để trang hoàng bàn thờ Thần tài - Thổ địa trong ngày vía Thần tài đó là: lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đồ cúng và làm lễ cúng.
Cụ thể, về lau dọn bàn thờ thì phải lau bụi, sắp xếp lại gọn gàng để mặt trước bàn thờ phải gọn gàng, sạch sẽ trước khi làm lễ cúng.
Ngày vía Thần tài: Ông là ai, bày mâm cúng thế nào để may mắn cả năm? - ảnh 4
Dĩa Tam sên có thịt luộc, tôm luộc và trứng luộc
VŨ PHƯỢNG
Với những người cẩn thận hơn, trước ngày mùng 10 tháng Giêng sẽ lau bàn thờ, lau tượng ông Thần tài và ông Thổ địa bằng nước thơm, nước có ngâm hoa tươi hoặc rượu trắng để tẩy bụi.
Trên bàn thờ ngày vía Thần tài còn có thêm bài vị Thần tài, vàng bằng giấy, 2 cây đèn nhỏ, 3 chén nước và 2 chén rượu. Mâm cúng ngày vía Thần tài bắt buộc phải có thịt quay (do dân gian truyền tai nhau Thần tài thích ăn thịt quay), còn có thêm mâm cỗ “Tam Sên” gồm: 1 miếng thịt heo luộc, trứng luộc và tôm (hoặc cua) luộc.

Ở miền Nam, đa số người dân thờ chung ông Thần tài với ông Thổ địa nên còn chuẩn bị thêm cá lóc nướng ở bàn thờ. Khi chuẩn bị đồ cúng ngày vía Thần tài ngoài thịt quay, Tam sên còn phải có bình hoa, trái cây. Trong các loại trái cây, người ta chọn quả có tên, màu may mắn, ví dụ quýt (vì tiếng Hoa đọc là cát trong cát tường như ý), thanh long đỏ, dưa hấu đỏ,…
Ở những đô thị, thành phố lớn, người dân đặt lên bàn thờ vàng để lấy lộc, may mắn cả năm. Có nơi đồ cúng còn có xôi và chè trôi nước để làm ăn, buôn bán trôi chảy.
Theo ông Lộc, cúng ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng năm nay trùng vào ngày 14.2.2019, giờ cúng phải chọn giờ tốt, tức là từ 8 - 9 giờ sáng, không cúng 12 giờ trưa vì đây là giờ âm.
Khi cúng, người cúng có thể khấ theo văn khấn Thần tài, nhưng nếu không biết thì tùy mục đích, nội dung khấn mà có thể cầu mong tiền tài, công việc làm ăn, kinh doanh sung túc, gia đình thịnh vượng, miễn sao là khi khấn thành tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét