Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Nhà dài của người Co

Nhà dài truyền thống là không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa của đồng bào dân tộc Co.
Sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ, vùng người Co ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng như cồng chiêng, rượu cần, những làn điệu dân ca a giới, clu, xadru, điệu múa ka đấu của phụ nữ đến những lễ hội truyền thống...
 
Các thiếu nữ múa ka đấu bên nhà dài của người Co. Ảnh: H.T.T.Nga
Kiến trúc đặc thù
Làng của người Co là một đơn vị tự quản. Mỗi làng thường có một ngôi nhà sàn dài, các gia đình thành viên đều sống chung trong đó. Việc làm nhà dài và sống quần tụ nhằm thích ứng với môi trường thiên nhiên, tránh thiên tai, thú dữ và bảo vệ sự sống của các thành viên trong cộng đồng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Nhà dài, tiếng Co gọi là “như dlớt”. Buổi sáng, trong căn nhà dài ấy thường phát ra tiếng kèn amap báo thức con cháu dậy sớm giã gạo, chuẩn bị cơm nước mang đi làm rẫy, vào rừng săn bắt, hái măng, lấy mật ong...

Ngôi nhà có chiều dài khoảng 50 - 70 mét, sườn nhà được chống đỡ bởi những hàng cột bằng gỗ tốt, vững chắc. Sàn nhà chỉ cách mặt đất khoảng 1 mét. Mỗi nhà có hai cửa chính nằm ở giữa vách ngăn đầu và cuối nhà, được làm bằng tre đan dày, có nơi làm bằng gỗ, chạm khắc điểm xuyết một vài hoa văn. Cửa phụ nằm ở hai bên để người nhà đi đến máng nước, sông suối cho tiện lợi. Nguyên vật liệu làm nên ngôi nhà dài truyền thống của người Co chủ yếu bằng gỗ, tre, nứa, tranh. Kết cấu của nhà là cột kèo bằng gỗ tốt có sức chịu đựng mưa nắng. Sàn được lót bằng phên nứa. Hướng nhà dài người Co bao giờ cũng quay về hướng đông nam.

Theo truyền thống người Co, mỗi khi nhà dài làm xong họ thường trang trí các gu để tăng thêm tính thẩm mỹ, tạo nét độc đáo của ngôi nhà. Có nhiều loại gu khác nhau: gu bla còn gọi là gu tròn, treo lửng giữa nhà; lavan là gu dẹt, chỉ trang trí một mặt, gồm có: gu mók atưl treo ở vách nhà hay phía trên khung cửa ra vào phía trước của ngôi nhà dài; gu mók tum treo trên cửa ra vào bếp và gu tum treo lửng trên bếp. Gu được làm từ cây gỗ bút với sớ gỗ mềm rất dễ điêu khắc hoa văn, hình vẽ trang trí. Gu nổi bật lên giữa nhà nhờ màu sắc và hoa văn. Bộ gu có nền màu đen được tạo ra từ muội khói và nhựa cây rau lang. Màu đỏ gạch lấy từ củ nghệ và hạt cau, màu trắng từ vôi… Mỗi khi có gió, các tua chạm nhau tạo nên tiếng reo nhẹ vui tai. Phía trên gu tròn thường treo tượng chim đại bàng. Chỗ treo gu tròn được xem là tâm điểm trong nhà mỗi khi tổ chức các lễ tế liên quan đến tín ngưỡng dân gian cũng như sinh hoạt cộng đồng. Còn gu dẹt là hai tấm gỗ dài khoảng 2 mét đặt song song, rộng chừng hơn gang tay. Trên tấm gỗ có đường gấp khúc uyển chuyển và hai đầu cũng được đẽo thành hình tròn. Nếu gu tròn đẹp mắt nhờ tạo hình, kiểu dáng vuông, tròn, tam giác... thì gu dẹt tạo nên nét quyến rũ từ những hoa văn, tranh vẽ. Loại gu này chỉ trang trí thành dải ở một mặt trước với hoa văn hình mặt trời, bông lúa, hoa lá, cỏ cây, sóng nước.

Tâm điểm mọi sinh hoạt

Tất cả sinh hoạt của đại gia đình trong nhà dài diễn ra trên mặt bằng của sàn nhà dài. Bố trí không gian sinh hoạt, mặt bằng trong nhà dài người Co khá hợp lý. Phần trước là nơi sinh hoạt chung của dòng họ. Giữa nhà có hành lang rộng thông thoáng nối dài từ cửa trước đến cửa sau - nơi diễn ra các cuộc sinh hoạt của cộng đồng, nơi tổ chức lễ hội. Nơi đây luôn đầy đủ ánh sáng so với gian phòng còn lại nhờ có hai cửa phụ ở hai bên. Hai đầu nhà đều có sàn hiên rộng, mái hạ thấp xuống. Sàn hiên phía trước để trẻ em vui chơi, người già nghỉ ngơi, và  để người già bày trẻ nhỏ đan lát, đánh chiêng, làm nỏ, hát làn điệu dân ca, múa ka đấu, nơi gặp gỡ uống rượu khi săn bắt được thú rừng.

Còn với mái hiên sau gắn với nếp sinh hoạt, nội trợ của phụ nữ với những vật dụng như bầu nước, gùi lúa, cối giã gạo. Một phần bên nhà, từ hành lang đến vách nhà là không gian sinh hoạt chung của cả nhà. Một bên được ngăn ra từng phòng nhỏ, người Co gọi là tum. Đây là nơi dành cho sinh hoạt của từng gia đình hạt nhân và được bố trí một bếp lửa riêng, khách lạ không được vào. Mỗi tum ở hai vách ngăn nối tiếp, bao giờ cũng chừa một lỗ để khi có việc cần, thì có thể trao đổi thông tin cho nhau hoặc mỗi tum khi săn bắt được thú rừng, bắt được cá tôm, cua đến những bó rau dớn rừng ngon, những búp măng non… đều được chia sẻ cho nhau. Nếu một trong các tum của nhà dài có chuyện xấu: phụ nữ sinh đẻ bị chết, người già qua đời, cúng tế… thì trên vách nhà ngay bậc thang bước lên nhà bao giờ cũng treo một nhánh cây lá nhá y báo hiệu cho sự kiêng cử để mọi người biết.

Nhà dài người Co không chỉ là một nét đặc sắc kiến trúc, rất khác biệt với các dân tộc khác, mà còn là biểu tượng cho sự gắn bó giữa con người với cộng đồng, giữa con người với thiên nhiên. Theo một số tài liệu, thì cách đây chừng 50 - 70 năm, nhà dài vẫn hiện diện ở những vùng người Co. Có những ngôi nhà dài tới hàng trăm mét, cho nên được ví von như chiếc tàu lửa. Theo quan niệm của người Co, ngôi nhà càng dài càng thể hiện được sự giàu có và sự trường tồn của đại gia đình. Nhà dài người Co thường được làm bằng các nguyên vật liệu lấy từ rừng, chủ yếu là gỗ, tre nứa các loại, dây buộc, cỏ tranh đến một số loại lá rừng để lợp nhà. Nếu không được quan tâm bảo tồn sớm, nhà dài của đồng bào Co chỉ còn trong ký ức.
Theo baoquangnam.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét