Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

Những điều luật bảo vệ kinh thành của triều Lê

Người qua đêm trong cung phải có "giấy phép", nếu trèo lên cao để nhìn vào cung sẽ bị bắt làm lính phục dịch.
Sau khi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, mở đầu triều đại, vua Lê Thái Tổ cho khởi thảo bộ "Quốc triều hình luật" để trị nước. Bộ luật tiếp tục được bổ sung dưới các triều Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, tới thời Lê Thánh Tông thì được hoàn chỉnh và ban hành dưới niên hiệu Hồng Đức (từ 1470 đến 1497) nên thường được gọi là Luật Hồng Đức.
Hồng Đức là bộ luật thành văn nổi tiếng và có giá trị bậc nhất trong cổ pháp Việt Nam. Bộ luật có 722 điều, được chia làm 13 chương, trong đó chương thứ hai là Vệ cấm có 47 điều quy định về việc bảo vệ cung cấm, kinh thành và các tội liên quan.
Luật quy định ai vượt tường cung điện sẽ bị chém, vượt qua hoàng thành sẽ bị đi đày ở nơi rất xa. Người không phận sự trèo lên cao nhìn vào cung điện thì bị đồ, tức bắt làm lính phục dịch (cắt cỏ cho voi, dọn vệ sinh chuồng voi...).
Điều 64 quy định: Ai dùng cung tên nhắm bắn vào cung, vào tường cung điện thì bị đồ làm lính phục dịch ở chuồng voi; phóng đạn và ném gạch đá thì giảm hai bậc tội; nếu làm bị thương hay chết người thì xử theo tội sát thương.
Người ra vào cung điện làm việc và qua đêm đều phải có "giấy phép"; xong công việc mà không ra khỏi, ở lại trong nội điện thì bị xử lưu (tức đi đày), ở lại trong cung nội sẽ bị giảo (tức thắt cổ chết), ở lại chỗ vua bị xử chém. Nếu ai không biết những quy định mà lầm lỡ thì hình phạt do vua định đoạt.
Ban đêm, những người vâng lệnh phải lấy chìa khóa của vua đi khóa các cửa hoàng thành, cung điện và trong cung cấm; khóa xong phải dâng chìa lên vua. Ai trái lệnh hay chậm trễ bị biếm (cách chức) và đánh trượng. Ai không chờ lệnh vua mà tự tiện mở cửa thì bị lưu đày, tội nặng thì xử tử.
Ngoài các điều luật để bảo vệ nhà vua, bộ luật còn có những điều luật khác với mục đích bảo vệ sự tôn nghiêm của hoàng thành. Điều 58, 89 quy định: Người vào cung điện không được hát lời dâm, chơi nhạc dâm. Trước sau ngày hoàng đế lên ngôi một tháng, cấm các nhà ở trong kinh thành cử hành việc tang, người nào phạm phải thì phạt 50 roi, biếm một tư (hình thức làm hạ thấp tư cách của người bị phạt, với quan chức là hạ một bậc). 
Vào ban đêm, ngoài người có việc công, nhân dân trong kinh thành chỉ được đi lại trong các trường hợp đi mời thầy thuốc, bà mụ đỡ đẻ, đi tìm anh em, và khi đi đường phải cầm đèn đuốc. Nếu vi phạm, quan sẽ bị phạt tiền, dân thường bị đánh 60 trượng.
Ban đêm, dân trong kinh thành đánh trống gây náo động (như ém tà đuổi ma) thì biếm một tư. Ai tổ chức trò vui chơi mà trước đó không khai lên quan phường và quan tuần tra thì bị đánh roi và phạt. Trai, gái ở phường khác đến xem vui chơi nhưng không cầm đèn đuốc thì bị xử theo luật phạm đi đêm.
Ở trong hoàng thành mà giận dỗi cãi vã nhau thì bị phạt 60 trượng; đánh lộn thì bị biếm một tư; gây ồn ào thấu tới chỗ vua thì biếm hai tư; đánh nhau với hung khí mũi nhọn thì bị tội lưu; đánh lộn trong cung điện thì thêm một bậc tội...
Các điều luật này của Bộ Luật Hồng Đức được áp dụng đến khi triều đại nhà Lê chấm dứt, năm 1789.
Lê Tiên Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét