Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Quảng Ngãi: Đậm đà hương vị bánh ít lá gai Lý Sơn

(Dân trí) - Bánh ít lá gai gắn liền với cư dân đất đảo Lý Sơn gần 300 năm qua. Loại bánh này từng theo chân những ngư dân kiên cường của đảo tiền tiêu đi khắp các ngư trường của đất nước.

Bà Phạm Thị Phương (xã An Hải, huyện Lý Sơn), cho biết, bánh ít lá gai được làm từ nguyên liệu chính là lá gai. Loại lá này có nhiều ở các tỉnh khu vực miền Trung. Để làm bánh phải chọn lá gai non, bỏ gân lá và rửa thật sạch sau đó mang đi luộc. 

Lá gai phải được luộc liên tục khoảng 12 tiếng mới có thể mang đi giã. Công đoạn giã lá gai khá nhọc nhằn. Để đảm bảo bánh ngon thì nhất thiết phải giã bằng tay trong cối đá. 

“Giã đến khi lá gai thật nhuyễn thì cho nước đường và bột nếp vào theo tỷ lệ nhất định. Sau đó tiếp tục giã để tất cả quyện vào nhau thật đều rồi mang ra gói với nhân dừa hoặc các loại đậu", bà Phương chia sẻ.
Hình 1.JPG
Lá gai được phơi khô để làm món bánh ít lá gai

 Sau khi mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ, người làm bánh lấy một ít bột bánh tán mỏng rồi cho nhân vào giữa lăn tròn thành viên. Từng viên bột được đặt vào lá chuối khô gói lại và mang đi hấp chín.
Hình 2 (2).JPG
Bánh ít lá gai có nhân là các loại đậu hoặc dừa
Hình 2.JPG

Bánh ít lá gai Lý Sơn được làm thủ công, cùng với bí quyết pha nước đường vào bột mà bánh có thể để đến 20 ngày vẫn không hỏng. Do đó, hàng trăm năm trước ngư dân Lý Sơn đã mang theo loại bánh này khi ra khơi.

Ông Nguyễn Hạp (87 tuổi, thôn Đông, xã An Hải), kể lại, trong mâm cỗ cúng tạ thần linh đầu năm của người dân đảo Lý Sơn không thể thiếu món bánh ít lá gai. Bởi đây là món bánh đã gắn liền với đời sống người dân trên đảo hàng trăm năm trước.
Hình 3.JPG
Món bánh ít lá gai đã gắn liền với đời sống cư dân đảo tiền tiêu Lý Sơn khoảng 300 năm nay.

Ngày trước, khi vượt biển từ đất liền ra Lý Sơn khai khẩn mở mang bờ cõi, các bậc tiền nhân mang theo món bánh ít lá gai đề phòng biển động kéo dài vẫn có lương thực để dùng. Về sau, những dân binh làm nhiệm vụ dựng bia, cắm mốc, đo đạc hải trình ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng mang theo loại bánh này khi ra khơi.

"Tên là bánh ít nhưng tình cảm, ý nghĩa chứa đựng trong món bánh này đối với người dân Lý Sơn lại rất nhiều. Vậy nên những người con của quê hương Lý Sơn khi rời đảo làm ăn xa đều mang theo món bánh ít lá gai bên mình", ông Hạp nói.

Quốc Triều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét