TTO - Thằng bạn già như lá vàng, quay về Sài Gòn ăn Tết, bắt tôi xách Honda chạy vòng vòng từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, qua Xóm Củi, rồi vòng lại Bình Tiên.
Trước những địa điểm bây giờ là nhà hàng, nhà văn hóa, khách sạn... nhưng trước kia từng là một rạp hát, nó đều bắt tôi ngừng lại để ngắm nhìn và xuýt xoa. Tôi cùng chia sẻ mạch ngầm ký ức ấy của hai thằng từng là hai trẻ thơ hằng ngày đứng trước rạp hát mà mơ tưởng.
Rồi chuyện Tết xưa ùa về trong mạch chảy của dòng câu chuyện không đuôi mà lại cũng không đầu. Thể nào cũng có đứa nhắc về mùa xuân tuổi nhỏ mà rạp hát chính là thiên đường mơ mộng của chúng tôi...
Những đứa trẻ xóm nghèo quận 6 tụi tôi hồi ấy, có chút tiền là rủ nhau đi coi hát bóng ban ngày hoặc cải lương vào tối thứ bảy. Trong tuần, hết giờ học hoặc phụ việc nhà cho ba má xong, chúng tôi quanh quẩn bên các rạp hát Tân Bình, Tân Lạc để chờ xem phim Ấn Độ, phim cao bồi Mỹ, vô rạp Hương Bình, Vĩnh Khánh xem phim kiếm hiệp Tàu.
Đấy là những rạp hát với các hàng ghế xập xệ. Rạp Vĩnh Khánh - một rạp nghèo thật là nghèo, chuyên hát bóng tuồng võ hiệp Tàu cũ xì và cho những đoàn cải lương bầu tèo, lên Chợ Lớn hi vọng tìm lại chút vận may trước khi rã gánh - có những hàng ghế bằng gỗ đầy rệp.
Những ngày Tết thì quá xá là lên hương cho những thằng nhỏ có tiền lì xì bỏ túi rổn rẻng. Mặt tiền các rạp hát rực rỡ ánh đèn chớp lóa, những tấm panô vẽ gương mặt những diễn viên, những tuồng tích sẽ diễn suốt ba ngày Tết, rạp chiếu bóng bày ra những bức vẽ cảnh trong phim chiếu Tết choán gần hết mặt tiền rạp.
Trước đó, các tờ nhựt trình đã đăng đầy quảng cáo xôm tụ: “Trong những ngày xuân, rạp chiếu bóng Nam Quang sẽ chiếu một phim màu tuyệt đẹp Hải Khấu Đại Dương”, “Kiếm sĩ Người Dơi - Người lên xứ lạ là những vở cải lương rực rỡ màu sắc sẽ khai trương trong ba ngày Tết tại rạp Quốc Thanh”... Ngang qua các rạp hát, nhìn những panô, băngrôn chưng trước rạp là thấy Tết đã về rộn ràng.
Tụi con nít bắt đầu háo hức chờ đợi ngày có tiền hiên ngang đi xe buýt lên rạp Thủ Đô - một “thánh đường” cải lương trong Chợ Lớn - để xem các đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Thống Nhất. Được vào rạp Thủ Đô là một sự chuyển vùng, nâng cấp, lấy số lấy má khi tụi tôi ngồi nói chuyện, khoe thành tích đi xem cải lương của mình.
Vào rạp Lê Ngọc xem phim cao bồi, rạp Phi Long để xem phim Ấn Độ, mấy ngày Tết tụi tôi chỉ loanh quanh các rạp hát vùng Chợ Lớn là đã hết tiền lì xì.
Thằng bạn già của tôi, hồi đó khoe mới được bà chị có bồ dẫn đi xem ở rạp chiếu bóng Đại Nam “ở tận đường Trần Hưng Đạo xa lắm khỏi Chợ Lớn”, kể ly kỳ những là vào rạp lạnh như đi Đà Lạt (dầu tôi biết nó chưa đi Đà Lạt bao giờ), nào vô rạp là có mùi thơm như đi ngang cửa tiệm bán dầu thơm, nào ghế ngồi êm thật là êm đến nỗi không dám nhúc nhích vì sợ nó lún...
Đứa nào đứa nấy nghe nó nói đều ước mơ một lần được vào rạp Đại Nam cho biết. Rạp chiếu phim, hát cải lương như một thiên đường tuổi nhỏ đầy tưởng tượng.
Tuổi thơ qua mau quá. Những rạp cải lương, rạp chiếu bóng xóm nhỏ đã bị chúng tôi bỏ quên dần dần, khi mà rồi chúng tôi có thể đặt chân vào Rex, Đại Nam, Vĩnh Lợi, Casino... để xem những Chuyện tình, Mùa hè năm 42, Tay súng Bá Vàng, Bố Già...
Thỉnh thoảng ghé Quốc Thanh, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo, Olympic để xem những đại ban như Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung...
Thời cuối những năm 1960 đầu 1970 đi đâu cũng thấy rạp hát. Ở quận 1 thì có thể xem chiếu bóng và cải lương ở các rạp Rex, Đại Nam, Eden, Casino, Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh, Hưng Đạo, Thanh Bình, Quốc Tế, Kinh Thành (cầu Ông Lãnh), Long Phụng, Thành Chung (chuyên chiếu phim Ấn Độ)... Sang quận 3 có Đại Đồng, Long Vân, Minh Châu, Olympic... Quận 5 với các rạp Oscar, Hảo Huê, Victory (Lê Ngọc), Thủ Đô, Đại Quang, Lao Động B...
Quận 6 thì Tân Bình, Tân Lạc (Hồng Liên), Hương Bình, Vĩnh Khánh. Quận 11 thì có rạp Quốc Thái... Quẹo lên miệt Đakao, Phú Nhuận thì có Đại Đồng, Cẩm Vân, Cao Đồng Hưng...
Có người quá chén ngồi tổng kết bằng miệng và trí nhớ thì Sài thành - Chợ Lớn - Gia Định hồi đó có khoảng 60 rạp hát chiếu bóng, cải lương, hát bội lớn nhỏ, tha hồ cho các gánh cải lương khoe đào, khoe kép, khoe tuồng mới...
Nhiều rạp chiếu bóng, chiếu phim ngày xưa nay đã thành những trung tâm thương mại, nhà hàng. Lứa tuổi tụi tôi tìm lại kỷ niệm trên cánh đồng tuổi thơ mà hoài không thấy ơi những Đại Nam, Rex, Quốc Thanh, Oscar, Vĩnh Lợi, Casino...
Tuổi nhỏ mộng mơ gắn liền với rạp hát để đi vào thế giới tưởng tượng và ước mơ, nên khi lớn lên, chuyện hiểu chút sự đời của chúng tôi ít nhiều đều dính dáng với rạp xinê, cải lương, nhờ bóng tối rạp xinê mới dám cầm tay em để thưởng thức một chút dịu ngọt đầu đời, thỉnh thoảng cũng có tiếng khóc chia tay trong khi phim đang chiếu.
“Đi ra nước ngoài thì mình đã xa lìa quê hương. Nay về thăm lại quê hương thì khám phá ra mình mất ký ức” - bạn già tôi thốt lên. Không lẽ tôi lại nói với nó: “Đâu chỉ có mình mầy!”..
Rạp hát Sài Gòn - Đâu rồi Minh Châu, Thanh Bình, Đại Nam?
TTO - Nhiều nhà hát, rạp chiếu phim cũ (xây dựng trước năm 1975) tại TP.HCM 'hóa kiếp' làm trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn...
Dấu tích của một số nhà hát, rạp chiếu phim đến giờ hầu hết chỉ còn trong ký ức. Một số nơi còn giữ lại được mảng tường, nền nhà xưa cũ nhưng đã xuống cấp nhiều và hầu như không còn hoạt động.
Những cuộc "ở ghép"
Căn nhà nhỏ của bà Đặng Thị Thủy nằm ngay sau rạp hát Minh Châu, số 369 Lê Văn Sỹ (Q.3). 60 năm sinh sống cạnh rạp hát Minh Châu, mấy thế hệ gia đình bà Thủy gắn bó với nơi đây.
Từ đời bà ngoại, mẹ rồi đến bà Thủy đều mê mẩn với những buổi biểu diễn của các đoàn hát.
Bà Thủy kể trước đây rạp Minh Châu là rạp chiếu bóng màn ảnh rộng, một thời gian sau khi các đoàn hát cải lương phát triển rầm rộ, đắt khách, rạp trở thành nơi biểu diễn của các gánh hát cải lương.
Sau đó rạp bị cho thuê làm siêu thị.
Phòng chiếu bóng chỉ còn được bố trí một góc nhỏ.
Rồi siêu thị bị giải tỏa, phòng chiếu bóng bị đập bỏ hoàn toàn, giao cho nhà đầu tư làm dự án.
Theo ông Trần Thanh Túc - chủ tịch UBND P.12 (Q.3), công trình xây dựng ở nơi từng là rạp Minh Châu này khởi công gần năm năm nay nhưng mới làm được phần móng.
Dự kiến trên khu đất sẽ xây dựng trung tâm văn hóa đa năng và khách sạn 16 tầng, do Công ty TNHH thương mại dịch vụ văn hóa Minh Châu (thành viên C.T Group) làm chủ đầu tư.
Dù là dự án trung tâm văn hóa đa năng và khách sạn nhưng theo công bố của chủ đầu tư, từ tầng 1 đến tầng 3 là rạp chiếu phim, nhà hát kịch, cà phê sách.
Từ tầng 4 trở lên làm căn hộ bán cho khách hàng với thời gian sở hữu 50 năm.
Nếu dự án hoàn thành, các hoạt động văn hóa tầng dưới chỉ diễn ra trong không gian khiêm tốn, nhường diện tích rộng lớn bên trên cho cư dân vào ở.
Nếu sử dụng không gian hạn chế phía dưới tòa nhà căn hộ cao tầng để làm rạp hát, rạp chiếu phim thì chỉ là những rạp mini. Nếu đưa lên cao thì không đáp ứng quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn... khác, độ cao của một rạp hát, rạp chiếu phim được tính toán dựa vào sức chứa của rạp đó. Không thể xây dựng một rạp sức chứa lớn mà độ cao tầng hạn chế. Vì vậy, TP cần giữ lại và tính toán đầu tư lâu dài chứ không chỉ vì lợi ích ngắn hạn. Cụ thể là cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới trên nền rạp hát, rạp chiếu phim cũ thành những nhà hát đúng chuẩn phục vụ đa năng cho chiếu phim, ca nhạc, hội họp... Lấy đất đó đi xây chung cư, khách sạn thì rất phí phạm.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng
Nơi đây từng là rạp hát!
Tại phiên họp giải trình về tình hình đầu tư - hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn do thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM tổ chức cuối tháng 9-2017, ông Trương Quang Hiền - đại diện Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn - xác nhận đang đàm phán với đối tác để xây trung tâm văn hóa đa năng và khách sạn tại mặt bằng rạp Minh Châu cũ.
Theo ông Hiền, tổng công ty được tách ra từ Sở Văn hóa và thể thao từ năm 2003, được giao quản lý bốn rạp hát cũ, trong đó có rạp Minh Châu.
Doanh nghiệp phải liên kết với một số đối tác để sửa chữa, nâng cấp rạp. Hiện rạp Văn Hoa ở số 62 Trần Quang Khải (Q.1) sắp hoàn thành.
Riêng rạp Minh Châu, do vốn của Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn chỉ chiếm 25% nên phải đàm phán rất căng thẳng với đối tác.
Nhiều rạp hát, rạp chiếu phim của Sài Gòn cũng lần lượt bị đập bỏ để xây dựng hoặc chuyển đổi công năng thành trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn.
Rạp Đại Nam tại địa chỉ số 79 Trần Hưng Đạo (Q.1) hiện trở thành khách sạn Đại Nam. Ngoài ra tòa nhà này còn cho một số công ty thuê các lầu để làm văn phòng giao dịch, dịch vụ...
Còn tại vị trí trước đây là rạp Thanh Bình (sau này đổi tên thành rạp Quốc Tế) hiện là tòa cao ốc International Plaza cho thuê căn hộ, văn phòng...
Rạp Kim Châu tại số 15-17 Nguyễn Thái Bình đang là sân khấu Bông Sen chuyên diễn cải lương,nhưng khu vực phía tầng trệt rạp được dùng để kinh doanh quán cà phê.
Đây là một trong số ít các rạp vẫn còn giữ được chức năng phục vụ văn hóa cho người dân TP.HCM.
Điệp khúc... chờ
Ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, cho biết chủ trương của sở sẽ xây mới các rạp hát cũ thành những rạp hát mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu biểu diễn.
Nhưng rất khó khăn để đầu tư một nguồn vốn lớn. Do đó, sở sẽ đề xuất phương án:
Đối với những địa chỉ nhà đất được xác lập di tích, sử dụng đúng công năng hoạt động theo chức năng của các đơn vị, phát huy được giá trị sử dụng thì không thay đổi mục đích sử dụng, đơn vị quản lý.
Đối với nhà đất chưa phù hợp quy mô hoạt động của các đơn vị được giao, còn vướng mắc khiếu kiện tranh chấp nhiều năm thì đề xuất thu hồi, bán đấu giá.
Còn những nhà hát vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư, đã xuống cấp nghiêm trọng, cần thiết phải xây dựng các công trình mới hiện đại thì đề xuất đầu tư mới bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Thống kê của Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, sở này đang quản lý và sử dụng 12 nhà hát, rạp hát.
Ngoài Trung tâm ca nhạc nhẹ TP được bố trí trụ sở mới hiện đại, các cơ sở còn lại chủ yếu xây dựng trước năm 1975 nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Không gian hạn hẹp, không đảm bảo tiêu chuẩn một trung tâm văn hóa hiện đại và an toàn cho người dân lui tới. Do vậy, tần suất hoạt động thấp, doanh thu hạn chế.
Cũng theo Sở Văn hóa và thể thao, có bốn mặt bằng đang được khai thác tạm thời để chờ kêu gọi chủ đầu tư là Nhà hát TP, Trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang, rạp Thanh Vân, Trung tâm ca nhạc nhẹ (ở địa chỉ cũ).
Các rạp hát còn lại đã xuống cấp nghiêm trọng. Sở Văn hóa và thể thao đang tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng mới theo hình thức đối tác công tư hoặc bán đấu giá để tái đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn.
Riêng với rạp Nhân Dân (Q.5) được giao cho Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, hiện đã xuống cấp trầm trọng, không còn phục vụ biểu diễn, chỉ làm văn phòng.
Sở Văn hóa và thể thao gặp khó khăn khi kêu gọi đầu tư, bởi mặt bằng rạp hát vướng nhiều chung cư xung quanh.
Tuy nhiên, một số dự án trung tâm văn hóa lớn triển khai rất chậm.
Đó là hai dự án khu phức hợp Trung tâm văn hóa nghệ thuật đa năng (30 Trần Hưng Đạo, Q.1) và dự án khu phức hợp trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng, rạp chiếu phim (651 Trần Hưng Đạo, Q.5).
Cả hai dự án sẽ được xây dựng trên nền rạp hát cũ, gồm những hạng mục như nhà hát đa năng, hội trường, rạp chiếu phim, văn phòng làm việc...
Phần diện tích còn lại sẽ do nhà đầu tư kinh doanh. Nhưng hai dự án này cũng mới chuẩn bị đấu thầu chọn chủ đầu tư.
Riêng các dự án đầu tư xây mới như Nhà hát Giao hưởng, nhạc - vũ kịch TP.HCM (Q.2), dự án xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ (Q.11), dự án xây dựng Trung tâm biểu diễn nghệ thuật (Q.2)... cũng chỉ trong giai đoạn "lập phương án thiết kế".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét